Để Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước
TCCS - Kế thừa và phát huy truyền thống quê hương Hưng Yên văn hiến, cách mạng, anh hùng và thành tựu của hơn 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2020), cùng với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh chung sức, đồng lòng, tích cực đổi mới sáng tạo, kiên trì vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 trên tất cả các lĩnh vực, tạo tiền đề vững chắc để Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững.
Một số thành tựu quan trọng - tiền đề, động lực để tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh, bền vững
Trong nhiệm kỳ qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua để giành nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, cụ thể:
Quy mô GRDP của tỉnh năm 2019 đạt 92.854 tỷ đồng (đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) tăng 9,72%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp, xây dựng chiếm 62,15%; nông nghiệp, thủy sản: 8,44%; thương mại, dịch vụ: 29,41%. Thu ngân sách đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng. Giá trị thu nhập bình quân/héc-ta đất canh tác đạt 202,5 triệu đồng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,81%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 80,62 triệu đồng, gấp 1,64 lần so với năm 2015 và gấp 200 lần so với khi mới tái lập tỉnh (năm 1998).
Khai thác lợi thế nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, sát Thủ đô Hà Nội, nguồn lực dồi dào, giao thông thuận lợi trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Hưng Yên đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp và dịch vụ, xem đây là điểm nhấn của tỉnh. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Hưng Yên thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4%, so với giai đoạn 2011 - 2015 (trong đó: 625 dự án trong nước với vốn đăng ký trên 61,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,5% so với giai đoạn 2011 - 2015; 191 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 2,24 tỷ USD, tăng 34,9% so với giai đoạn 2011 - 2015), nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến nay là 1.985 dự án (trong đó: 1.487 dự án trong nước, vốn đăng ký trên 140,7 nghìn tỷ đồng; 498 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trên 5 tỷ USD), tổng số vốn đăng ký tương đương trên 11 tỷ USD (mục tiêu đạt 10 tỷ USD); 1.034 dự án đi vào hoạt động; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 17,8 vạn lao động. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài tập trung ở các khu công nghiệp (KCN): KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II (Sumitomo), KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Quang...
Quy mô vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Tổng vốn huy động toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2 lần giai đoạn 2011 - 2015, trong đó, nguồn vốn nhà nước chiếm trên 15%, vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 52%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 33%. Hoàn thành đầu tư hơn 1.000km đường giao thông ở các cấp đường, góp phần tạo mạng lưới giao thông Hưng Yên thông suốt, kết nối thuận lợi với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực; các tuyến đường huyết mạch hoàn thành tạo sức hấp dẫn lớn các nhà đầu tư. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ các tuyến đường huyện được cứng hóa trải nhựa hoặc bê-tông đạt 100%; tỷ lệ các tuyến đường liên xã được cứng hóa trải nhựa hoặc bê-tông đạt 100%; tỷ lệ đường trong thôn, xóm và các tuyến đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%,...; hoàn thành cải tạo, xây dựng 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400km kênh mương; đầu tư nhiều công trình thiết yếu, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã và cấp huyện; hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp và đời sống nhân dân. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng bậc tiểu học là 93,9%, trung học cơ sở là 97,1%, trung học phổ thông là 98,5%; cải tạo nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Phố Nối và 9 trung tâm y tế tuyến huyện; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, phát triển nguồn nhân lực... Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ in-tơ-nét, mạng cáp quang và phủ sóng di động 4G. Hạ tầng đô thị phát triển về chiều sâu, cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng dịch vụ của các đô thị, thị trấn trung tâm.
Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng năng suất, chất lượng; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng 1,14 lần so với năm 2015; giá trị bình quân trên 1ha canh tác đạt 210 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng/ha so năm 2015. Hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Giai đoạn 2016 - 2020, chuyển đổi 9.700ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm, kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, qua đó nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo đà phát triển mạnh nông nghiệp hàng hóa. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo mô hình VietGap. Thủy sản phát triển, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 46 nghìn tấn, tăng trên 34% so với năm 2015. Các ngành, nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá; kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô; toàn tỉnh có 320 hợp tác xã nông nghiệp, 476 tổ hợp tác, 710 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động. Thu hút trên 200 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký gần 15.000 tỷ đồng, góp phần phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân. Nông dân, nhất là thanh niên nông thôn dần thích ứng với chuyển đổi lao động để tham gia trong các khu công nghiệp.
Hoàn thành sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 145/145 xã (đạt 100%) đạt chuẩn nông thôn mới, 5/10 huyện, thị xã, thành phố đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; đến nay đã hoàn thành các tiêu chí và đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận 5/10 huyện còn lại và toàn tỉnh Hưng Yên đạt nông thôn mới. Đời sống vật chất và tinh thần người dân khu vực nông thôn khởi sắc, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy.
Thương mại, dịch vụ được quan tâm phát triển, giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 24.835 tỷ đồng, gấp 1,43 lần so với năm 2015; bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 10,3%/năm. Hạ tầng thương mại được đầu tư theo hướng hiện đại; xây mới 6 chợ, chuyển đổi 12 chợ, thu hút 11 doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng và quản lý chợ, triển khai 19 dự án trung tâm thương mại; phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều siêu thị phục vụ nhân dân. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa cấp tỉnh, cấp khu vực và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Duy trì thường niên Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên, Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ nông sản.
Công tác tài chính, ngân sách đạt kết quả tích cực và nổi bật. Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Từ năm 2017, tỉnh Hưng Yên tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương 7%. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt gần 13%/năm; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 65.623 tỷ đồng (trong đó thu nội địa chiếm trên 73%), gấp trên 2,1 lần tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu thu ngân sách từng bước được cải thiện, tăng dần số thu nội địa từ khu vực sản xuất, kinh doanh. Chi ngân sách bảo đảm đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi; tăng chi đầu tư, an sinh xã hội; chi ngân sách bình quân tăng 6,49%/năm; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Hoạt động tín dụng, ngân hàng phát triển ổn định, tổng nguồn vốn hoạt động đạt gần 92 nghìn tỷ đồng, tăng 55,6 nghìn tỷ đồng so với năm 2015, tăng trưởng bình quân đạt 24,2%/năm.
Các thành phần kinh tế được quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Các hoạt động phát triển doanh nghiệp được triển khai hiệu quả. Giai đoạn 2016 - 2020 có gần 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 50 nghìn tỷ đồng. Công tác sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đúng lộ trình và đạt kết quả tích cực. Kinh tế tập thể phát triển, thành lập mới được 165 hợp tác xã; sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế; khuyến khích liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp, để phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh; các doanh nghiệp trên địa bàn tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và quy mô. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 51 làng nghề, nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả, như làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan; làng nghề truyền thống đúc đồng Lộng Thượng; làng nghề mộc mỹ nghệ Phúc Miếu,....
Chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo, qua đó, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hệ thống trường, lớp phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa. Toàn tỉnh hiện có 426 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 163 trường so với năm 2015. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư, từng bước đạt chuẩn. 100% số giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và trên chuẩn; có giáo viên nằm trong danh sách 50 giáo viên toàn cầu. Chất lượng phổ cập giáo dục được nâng cao. Hằng năm, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt tỷ lệ trung bình trên 95%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đỗ vào các trường đại học đạt trung bình 58,8%/năm, tăng 7,2% so với trung bình giai đoạn 2011 - 2015. Công tác giáo dục nghề nghiệp được chú trọng, cơ bản đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2 tại Khu đại học Phố Hiến, nâng số trường đại học trong tỉnh lên 6 trường.
Văn hóa, thể dục - thể thao và thông tin, truyền thông có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được kế thừa, phát huy; sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật ngày càng đa dạng. Đến nay, tỉnh có 2 di tích và khu di tích quốc gia đặc biệt (Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến và Khu di tích quốc gia đặc biệt Chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm), 168 di tích cấp quốc gia, 243 di tích cấp tỉnh, 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, hát Trống quân được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tu bổ, tôn tạo 71 di tích quốc gia, 31 di tích cấp tỉnh, 130 lượt di tích, cụm di tích bằng nguồn xã hội hóa; hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được đầu tư hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Đến nay, 80% số đơn vị cấp huyện và 73% số xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa hoặc hội trường đa năng, trên 87% số thôn, khu phố có nhà văn hóa, khu thể thao. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển; thể thao thành tích cao giành được một số giải quốc gia và khu vực. Công tác báo chí, phát thanh, truyền hình được quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động, truyền tải kịp thời các thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Đảng, Nhà nước và của tỉnh tới người dân.
Khoa học và công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ 22 sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh; quảng bá thương hiệu, tăng giá trị và sản lượng tiêu thụ; bình quân mỗi năm có trên 200 nhãn hiệu được bảo hộ. Công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người sản xuất và người tiêu dùng, hoạt động thẩm định, đánh giá công nghệ... được tăng cường. Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.
Trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra, đặc biệt đã đạt được thành công bước đầu trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tập trung đầu tư hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng qua các năm (năm 2016: 77,1%; 2017: 83,8%; 2019: 89,2%; tính đến cuối tháng 6 năm 2020: trên 90%). Công tác khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội và trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm thực hiện. Chú trọng bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. Quản lý nhà nước về y tế được tăng cường; hệ thống y tế tư nhân ngày càng phát triển và được quản lý hiệu quả hơn. Duy trì mức sinh thay thế; tuổi thọ bình quân đạt trên 74 tuổi.
Công tác xã hội và an sinh xã hội gắn với cơ chế, chính sách cụ thể được triển khai thực hiện tốt. Giai đoạn 2016 - 2020, công nhận thêm 2.588 người có công; bảo đảm thực hiện tốt việc trợ cấp một lần, trợ cấp ưu đãi hằng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, điều dưỡng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho người có công và thân nhân người có công. Ngoài các quy định của Trung ương thực hiện đối với người nghèo và người thuộc diện bảo trợ xã hội, tỉnh có cơ chế đặc thù giúp người nghèo, người hưởng bảo trợ xã hội cải thiện đời sống, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Tích cực thực hiện chương trình quốc gia về bình đẳng giới và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được giữ vững. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân, huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên hằng năm. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Công tác bảo đảm an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo. Đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, tổ chức thường xuyên các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm. Triển khai công an chính quy tại 100% số xã trong tỉnh.
Công tác đối ngoại và ngoại giao nhân dân được triển khai toàn diện, tập trung vào thúc đẩy hội nhập, hợp tác phát triển, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, mở rộng quan hệ hợp tác với một số quốc gia phát triển có nhiều dự án đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh; giai đoạn 2016 - 2020 có 315 đoàn khách nước ngoài đến thăm và làm việc với các cơ quan, tổ chức của tỉnh. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2019; đổi mới hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình ký kết, hợp tác phát triển giữa tỉnh Hưng Yên với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công tác thanh tra được triển khai đồng bộ, có nhiều cuộc thanh tra được phối hợp với công tác giám sát của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kiểm tra, giám sát của cấp ủy cùng cấp, để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra và kết luận thanh tra. Chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu, những vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự được chuyển kịp thời tới các cơ quan khối nội chính giải quyết, góp phần răn đe, cảnh tỉnh sai phạm. Việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện nghiêm túc, đổi mới và đạt hiệu quả; tỷ lệ đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp giảm.
Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh đạt được nhiều bước tiến quan trọng với việc xây dựng và đưa nhiều hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền vào hoạt động, làm tiền đề xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, điển hình như hệ thống quản lý văn bản điện tử và điều hành,... Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính có bước đột phá với việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả một cửa cấp huyện, cấp xã, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện đáng kể chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Đoàn kết, sáng tạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra
Từ những thành quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, điều kiện và nguồn lực thực tế của địa phương, Hưng Yên hướng đến mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững”. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh đề ra nhóm chỉ tiêu về kinh tế với 3 trụ cột là “kinh tế, xã hội và môi trường”. Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh thực hiện đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng theo hướng cụ thể, thiết thực hiệu quả; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, lý luận, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động, kịp thời phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Tăng cường công tác quản lý, gắn với việc nâng cao chất lượng đảng viên, đề cao việc giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu, nói đi đôi với làm để cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo. Chú trọng thực hiện công tác phát triển đảng ở khu vực nông thôn và doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, dân vận chính quyền, dân vận khéo... tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, coi trọng việc phát huy dân chủ trong Đảng làm nòng cốt hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động. Thực hiện tốt hơn công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với đoàn viên, hội viên, người lao động. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cấp cơ sở.
Thứ hai, về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng chính quyền và cải cách hành chính.
- Hướng đến mục tiêu Hưng Yên không chỉ là tỉnh phát triển về kinh tế, mà còn là tỉnh vững mạnh về văn hóa của vùng Bắc Bộ, trong phát triển, tỉnh đề ra mục tiêu phát triển toàn diện, để Hưng Yên trở thành một trong những địa phương đi đầu trong vùng và cả nước. Trong những năm tới, tỉnh đẩy mạnh phát triển các ngành: giao thông - vận tải, công nghiệp mới, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp dịch vụ...; đa dạng hóa đầu tư, thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp công nghiệp lớn trong khu vực và thế giới; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ ở các khu, cụm công nghiệp, tạo liên kết chuỗi sản xuất, trở thành động lực cho phát triển công nghiệp. Huy động nguồn lực, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp, tập trung đầu tư các công trình có vai trò động lực, thúc đẩy phát triển... Triển khai đầu tư xây dựng các khu đô thị lớn. Xây dựng cơ chế đặc thù để xây dựng thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, thị xã Mỹ Hào cơ bản đạt tiêu chí thành phố và một số khu vực đạt tiêu chí đô thị loại IV. Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội có tính cạnh tranh cao để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia. Chuyển trọng tâm thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng, thân thiện môi trường và hiệu quả sử dụng đất đai. Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu...
- Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi và chú trọng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung ứng kết nối hiệu quả với thị trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh Hưng Yên trở thành trung tâm cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho vùng, cả nước và vươn ra xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi, tạo chuyển biến mới trong phát triển nông nghiệp hiện đại - nông dân khá giả - nông thôn văn minh. Huy động nguồn lực xã hội, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của người dân. Quan tâm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác và đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. Tập trung phát triển kinh tế vùng bãi, nhằm khai thác hiệu quả gần 100km sông Hồng, sông Luộc chảy qua địa bàn và gần 5.000ha đất vùng bãi ven sông. Nghiên cứu và lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế vùng bãi, để khai thác và thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, nâng cao giá trị sử dụng đất đai vùng bãi và khai thác kinh tế vùng bãi.
- Đổi mới thu hút đầu tư phát triển du lịch, đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp cụ thể để từng bước đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nổi bật bản sắc văn hóa, lịch sử Phố Hiến cổ của miền quê “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”; các lợi thế về du lịch sinh thái, tâm linh, lễ hội và đặc sản địa phương để tham gia vào các chuỗi giá trị du lịch trong khu vực; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch - du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch tâm linh; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.
- Tổ chức triển khai xây dựng chính quyền điện tử hiệu quả, bền vững; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Phát triển hạ tầng băng thông rộng phủ 100% số xã, phường, thị trấn và trên 95% số hộ gia đình; sớm triển khai phát sóng 5G và phổ cập điện thoại thông minh. Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch. Thực hiện liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm 100% kết nối, liên thông 4 cấp hành chính. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, quyết liệt triển khai các giải pháp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đổi mới mạnh mẽ phong cách làm việc, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần: “Liêm chính - Kiến tạo - Hành động - Phục vụ”. Quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, có ý chí cao hơn, quyết tâm lớn hơn, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ tất cả vì mục tiêu xây dựng quê hương Hưng Yên - Phố Hiến ngày càng giàu đẹp; đấu tranh chống tư tưởng an phận, thỏa mãn trong mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cả hệ thống chính trị tỉnh.
- Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người có công, người hưởng bảo trợ xã hội và hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Đẩy mạnh xây dựng nhà ở, thiết chế văn hóa cho công nhân trong các khu công nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tu bổ, bảo tồn, tôn tạo các di tích quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa, hệ thống đền chùa, các làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa truyền thống quê hương.
- Phát triển đô thị, nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng Hưng Yên trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, sạch, đẹp, hấp dẫn. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, quản lý môi trường đô thị, khu công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn; kiểm soát tốt các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thu hút đầu tư, xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải cách hành chính. Đẩy mạnh thực hiện quảng bá thông tin, hình ảnh về văn hóa, con người tỉnh Hưng Yên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên trên mạng lưới báo chí vùng, báo chí quốc gia, báo chí và truyền thông khu vực và trên thế giới.
- Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và giao lưu nhân dân; chú trọng xúc tiến đầu tư, thương mại; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và lao động. Thúc đẩy liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại giữa doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài. Tăng cường hợp tác thiết thực, hiệu quả với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Với những thành quả to lớn đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với tinh thần khẩn trương tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, trong 5 năm tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên quyết tâm đoàn kết, sáng tạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, đưa Hưng Yên trở thành tỉnh phát triển mạnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, góp phần xây dựng và phát triển đất nước./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Xây dựng Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung  (23/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025: Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng  (21/10/2020)
Khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV  (21/10/2020)
Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025  (20/10/2020)
Toàn văn dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng  (20/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên