Chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay
TCCS - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức đau khổ”(1) và Người không chỉ cống hiến trọn đời cho độc lập dân tộc, tự do, ấm no và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam mà còn góp sức vào sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức, bất công trên toàn thế giới. Người để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, tư tưởng về chăm lo đời sống nhân dân vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước trên con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân
Trả lời phỏng vấn nhà báo nước ngoài ngày 21-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2). Chăm lo đời sống nhân dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là làm cho nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý đầy đủ và ngày càng hoàn thiện, để nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần.
Ngay từ khi Đảng vừa ra đời, trong Chương trình tóm tắt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định không bao giờ Đảng lại hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác. Khi đất nước vừa giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người cùng Chính phủ xác định rõ những nhiệm vụ cấp bách cần tập trung giải quyết, trong đó việc chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện quyền tự do, dân chủ,... là những nội dung, biện pháp và bước đi quan trọng để từng bước chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người đề nghị Chính phủ lâm thời phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để cứu đói. Trong thư Gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(3). Để cứu đói dân nghèo trước khi thu hoạch vụ mùa, Người kêu gọi sẻ cơm nhường áo trên tinh thần “lá lành đùm lá rách” và gương mẫu thực hiện trước, “cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, mỗi bữa nhịn một bơ”. Và đem gạo đó để cứu dân nghèo. Sau một thời gian ngắn phát động, nhân dân cả nước đã quyên góp được một lượng lớn lương thực và nạn đói sớm được khắc phục.
Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Người, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm.
Khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chăm lo đời sống, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu quan trọng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới. Người cho rằng: “Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Chủ nghĩa xã hội không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(4). Người diễn giải mục đích tổng quát này thành các tiêu chí cụ thể: Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ… Xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt. Chỉ có chế độ xã hội chủ nghĩa thì quyền lợi cá nhân, quyền lợi Nhà nước và quyền lợi tập thể mới thống nhất. Vì vậy, muốn nâng cao đời sống nhân dân, đem lại cho nhân dân cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc không có con đường nào khác là phải tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để chăm lo tốt cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, trước hết phải xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính phủ phải là công bộc của dân. Công việc của Chính phủ phải nhằm một mục đích duy nhất là đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Người nói: “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi”(5). Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định trách nhiệm của Đảng, Chính phủ là bảo đảm tự do, hạnh phúc cho nhân dân, bởi “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Trên tinh thần các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ “hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. “Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(6). Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xác định công việc cụ thể, bước đi thích hợp để chăm lo đời sống nhân dân, góp phần từng bước đẩy lùi nạn đói và mang lại quyền lợi dân chủ cho nhân dân, trước hết là nông dân.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, xây dựng và phát triển đất nước sau kết thúc chiến tranh luôn là một nhiệm vụ to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất vẻ vang. Đó là một cuộc “chiến đấu”, đầy khó khăn để chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng; để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Ðể giành lấy thắng lợi trong cuộc “chiến đấu” ấy, Đảng và Chính phủ không chỉ cần tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân”; “củng cố quốc phòng”,... mà còn phải động viên toàn dân, tổ chức, giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân và tạo điều kiện cho nhân dân tự xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của mình.
Hàm chứa triết lý phát triển bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại trong bản Di chúc lịch sử: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh.
Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(7). Vì “đầu tiên là công việc đối với con người”, nên Người căn dặn phải chăm lo cho các đối tượng “cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong” để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người; quan tâm đến “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu”, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Cùng với đó, Nhà nước và các cấp chính quyền phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo và giúp “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... trở nên những người lao động lương thiện”; miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất… Những điều Người dặn, những quyết sách mà Người cùng Đảng và Chính phủ nỗ lực thực hiện đã góp phần chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào chăm lo đời sống nhân dân hiện nay
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nhân dân đã được Đảng và Nhà nước ta vận dụng, cụ thể hóa trong Hiến pháp, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm; thể hiện trong từng chế độ, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước, vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước trong gần 35 năm đổi mới đã luôn hướng tới mục tiêu không ngừng “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(8) như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Theo đó, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng... Chính phủ đề ra Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016 - 2020) với số vốn từ ngân sách trung ương là 41.449 tỷ đồng. Ngoài ra, Nhà nước còn bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng…; 70% người dân Việt Nam đã được bảo đảm về mặt kinh tế, trong đó, 13% thuộc tầng lớp khá giả theo chuẩn thế giới,... chính là những con số “biết nói”, góp phần từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, vừa qua, Đảng, Chính phủ đã quyết định nhiều chính sách hỗ trợ dành cho đối tượng người nghèo, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội là những người có thu nhập thấp 1 triệu đồng/tháng trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6-2020, với tổng số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 62 nghìn tỷ đồng, tổng số hộ được hỗ trợ là 2.244.000 hộ. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm, trách nhiệm tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Tổng số tiền, hiện vật đã ủng hộ là gần 1.600 tỷ đồng... Qua đó không những bảo đảm cuộc sống của người dân, giúp họ khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà còn thể hiện chính sách đầy nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự chăm lo kịp thời đối với người nghèo, người lao động mất việc, thể hiện được bản chất tốt đẹp của xã hội. Để ổn định xã hội, phát huy nguồn lực, khả năng sáng tạo của nhân dân, để nhân dân không còn đói nghèo, được bảo đảm về an sinh xã hội, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và Chính phủ về kinh tế phải luôn hướng tới sự ổn định và phát triển xã hội, thực thi hiệu quả, trở thành một động lực to lớn để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo cơ sở vững chắc để ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Khi nào cuộc sống của nhân dân còn đói nghèo, chưa được no ấm, hạnh phúc, thì chừng đó, các cấp ủy đảng, chính quyền nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước nhân dân.
Chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Vì vậy, để tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là về “Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, nâng cao nhận thức, cụ thể hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống nhân dân nói riêng gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân. Đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, địa phương, đơn vị và cá nhân hằng năm, hằng quý, nhất là thành chuyên đề sinh hoạt tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên.
Hai là, gắn thực hiện nội dung chăm lo đời sống nhân dân với việc tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, cấp bách tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị; với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2020 và những năm tiếp theo, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ba là, chú trọng việc lựa chọn, xây dựng và tuyên truyền sâu rộng những cá nhân, tập thể điển hình, những cách làm hay trong học tập, làm theo Bác về sự tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, chăm lo đời sống nhân dân để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ chăm lo đời sống nhân dân, gây bức xúc, phiền hà, nhũng nhiễu, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ./.
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr. 174
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 113
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 5
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 518
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 64 - 65
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 76
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân Hà Nội  (29/09/2020)
Tác động của đại dịch COVID-19 và một số giải pháp chính sách cho Việt Nam trong giai đoạn tới  (23/09/2020)
Phát huy “sức mạnh mềm” trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam  (23/09/2020)
Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIII họp phiên thứ tám  (20/09/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển