Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 17 đến ngày 23-9-2018
Bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trước khi bổ nhiệm
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 28/CT-TTg về đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng, còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý. Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Theo đó, hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ trước khi được bổ nhiệm; bảo đảm đến hết năm 2020, 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý dưới 55 tuổi đối với nam, dưới 50 tuổi đối với nữ còn thiếu các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được bồi dưỡng theo quy định; bảo đảm đến hết năm 2021, 100% cán bộ, công chức, viên chức phải bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý trước khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Chỉ thị nêu rõ, phải gắn quy hoạch với bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh; có cơ chế bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý; quan tâm, đầu tư bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận; tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; cấp sở và tương đương; cấp vụ và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý, gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12-2018.
Hàng năm, xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng chương trình theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương. Tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn trong năm 2018 và năm 2019; coi trọng tổ chức các khóa bồi dưỡng trang bị kiến thức về công tác cán bộ cho lãnh đạo các cấp; tập trung chỉ đạo cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý rà soát, đánh giá, cập nhật, bổ sung hoặc biên soạn lại tài liệu bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý được giao theo hướng: bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt; bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng; cập nhật kiến thức mới theo từng nhóm đối tượng.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên giảng dạy các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, trình độ, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn tham gia công tác bồi dưỡng.
Bên cạnh đó, cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các khóa bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tổ chức bồi dưỡng theo thẩm quyền; tổ chức đánh giá chất lượng đối với các khóa bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ, lãnh đạo quản lý.
Bộ Nội vụ khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan hành chính nhà nước trong quý IV-2018; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá thực trạng đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp huyện và tương đương; cấp sở và tương đương; cấp vụ và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch các chức vụ lãnh đạo, quản lý nói trên; xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trước khi bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền; tập trung tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý hiện chưa đáp ứng tiêu chuẩn bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước trong năm 2018 và năm 2019.
Lâm Đồng đã giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh
Trong quý III-2018, Lâm Đồng đã tập trung thực hiện cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị và địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các nội dung đều được thực hiện đúng kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Đáng chú ý trong đó, tỉnh đã giảm được 11 đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, 12 đơn vị cấp huyện.
Cụ thể, tỉnh triển khai cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và huyện; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính.
Lâm Đồng đã ban hành các quyết định sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó giảm được 11 đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, tỉnh đã thành lập Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh với Trung tâm văn hóa tỉnh; sáp nhập Ban Quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng; thu gọn từ 16 phòng chuyên môn của Trung tâm Văn hóa, Đoàn ca múa nhạc dân tộc, Bảo tàng Lâm Đồng, Ban quản lý di tích Cát Tiên xuống còn 9 phòng chuyên môn; thành lập Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở sáp nhập Nhà thiếu nhi với Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh…
Tại cấp huyện, sau khi thực hiện thí điểm tại 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh, tỉnh đã ra quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao tại toàn bộ 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Trung tâm này được thành lập trên cơ sở sáp nhập Đài Truyền thanh - Truyền hình và Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Qua đó, Lâm Đồng đã giảm được 12 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các UBND huyện.
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện các quyết định công bố thủ tục hành chính của UBND tỉnh đều được đăng tải trên trang điện tử của tỉnh và tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở Trung tâm hành chính tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được thực hiện tại 20/20 sở, ban, ngành, 12/12 huyện, thành phố và 147/147 xã, phường, thị trấn của Lâm Đồng…
Trong quý IV-2018, Lâm Đồng tiếp tục đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trên cơ sở kết quả thực hiện, các cơ quan đơn vị, địa phương tiến hành phân tích đánh giá, tìm ra các giải pháp khắc phục hạn chế để nâng cao chỉ số cải cách hành chính trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ công nhân viên chức trong phục vụ nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công bố thủ tục hành chính và tập trung thực hiện rà soát, kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính theo đúng kế hoạch đề ra…
Long An: Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Ngày 21-9, đoàn công tác liên ngành Trung ương do Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia làm trưởng Đoàn đã khảo sát về thực trạng tổ chức, hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Long An.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Long An, hiện toàn tỉnh có 16 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, bao gồm Trường Chính trị tỉnh và 15 Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện. Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở và cán bộ, công chức trong tỉnh về lý luận chính trị, quản lý hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ năng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trường Chính trị tỉnh hiện có 47 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có 13 giảng viên chính. 15 trung tâm bồi dưỡng chính trị hiện có 45 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 18 giảng viên.
Tỉnh Long An đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia giúp tỉnh xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình thực thi công vụ, nâng cao kỹ năng hành chính. Thông qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hành chính bảo đảm tính thống nhất trong hoạt động của cơ quan hành chính, nhất là trong giải quyết các yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp; tiến tới xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu công việc, trong đó xác định rõ kiến thức, kỹ năng người học cần đạt được sau khi kết thúc khóa học như cập nhật thông tin, bổ sung tri thức mới, hiện đại, sự phát triển kỹ năng nghề nghiệp hoặc nghiệp vụ công tác đáp ứng nhu cầu công việc.
Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức - Nguyễn Duy Bắc đã đánh giá cao công tác tổ chức, hoạt động của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Long An và nhấn mạnh, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải được quan tâm hàng đầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức với cơ quan quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tránh việc chồng chéo, trùng lắp dẫn đến bỏ lọt đối tượng cần được bồi dưỡng theo quy định. Đồng thời, thông tin đến tỉnh Long An về chủ trương các Trường Chính trị trên địa bàn cả nước sẽ trực thuộc Tỉnh ủy, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Kiểm tra công tác cải cách hành chính tại tỉnh Bình Dương
Ngày 21-9, tại Trung tâm hành chính tỉnh Dương, Đoàn Kiểm tra công tác cải cách hành chính của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Dương.
Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh cho thấy, thời gian qua, công tác tuyên truyền về cải cách hành chính được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua các kênh thông tin tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc chung tay thực hiện cải cách hành chính; từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được hoàn thiện, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân; công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao tính hợp hiến, hợp pháp, hiệu quả, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai toàn diện, đồng bộ ở cả 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện, xã). Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được đầu tư xây dựng theo hướng hiện đại, đặc biệt là Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tập trung cấp tỉnh đặt tại Trung tâm Hành chính tỉnh. Các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết, phí, lệ phí và thời gian giải quyết... bước đầu tạo thuận lợi cho nhân dân, doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính, là điểm nhấn mang tính đột phá để triển khai tốt các nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Chất lượng và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng được nâng cao. Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được đổi mới và đi vào nề nếp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được chú trọng. Tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được chuẩn hóa theo quy định và từng bước nâng cao năng lực quản lý để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Việc áp dụng ISO và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần tạo sự minh bạch, công khai và nghiêm túc trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, là cơ sở ban đầu thuận lợi để triển khai xây dựng chính quyền điện tử trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tra cứu, tìm hiểu thực hiện cũng như giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính đối với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đề nghị các bộ, ngành Trung ương thực hiện công tác công bố, công khai đúng quy định; công bố đầy đủ, rõ ràng đối với từng bộ phận thủ tục hành chính để tránh tình trạng tiếp cận thông tin không chính xác, chưa thống nhất, gây khó khăn trong việc công bố và áp dụng thực hiện tại địa phương.
Về triển khai Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể, để các địa phương căn cứ nội dung triển khai và cụ thể hóa các nhiệm vụ theo tình hình thực tế địa phương. Về tổ chức Bộ phận một cửa cấp huyện, tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay nhiều tỉnh đã thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện, đề nghị Trung ương cho phép tiếp tục thí điểm, hoàn thiện mô hình này.
Trưởng Đoàn Kiểm tra công tác cải cách hành chính ghi nhận những kiến nghị và biểu dương những nỗ lực tích cực và quyết tâm cao của tỉnh Bình Dương trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Đoàn Kiểm tra đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; hoàn chỉnh việc xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh và nâng cấp các phần mềm ứng dụng và hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp phần mềm, ứng dụng, quảng bá thông tin và dịch vụ hành chính công. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho người dân, tổ chức, đặc biệt là các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng theo chỉ đạo của Chính phủ./.
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay