Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-5-2017
Xây dựng Đề án tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 20-5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đầu đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế để Xây dựng Đề án tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trình Hội nghị Trung ương 6 sắp tới.
Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập. Còn đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII vào tháng 10-2017. Việc khảo sát tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế là những buổi làm việc đầu tiên của Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành và một số địa phương để xây dựng Đề án trình Trung ương Đảng thảo luận, thông qua một Nghị quyết về vấn đề này.
Trong hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập thì giáo dục - đào tạo và y tế chiếm số lượng lớn nhất về số đơn vị, biên chế cũng như kinh phí. Hiện nay lĩnh vực giáo dục và đào tạo có tới hơn 1,2 triệu lao động - đông đảo nhất trong khối dịch vụ công. Tổng số nhân lực y tế công lập hiện khoảng hơn 440.000 người.
Việc khảo sát tại các bộ, ngành và một số địa phương nhằm giúp Ban cán sự Đảng Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Trung ương thảo luận vào tháng 10-2017.
Bắc Ninh thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp
Công tác hành chính tư pháp tiếp tục được Sở Tư pháp Bắc Ninh triển khai có hiệu quả gắn với cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong hoạt động đăng ký hộ tịch, lý lịch tư pháp phục vụ kịp thời nhu cầu của công dân, tổ chức.
Tới nay, Bắc Ninh cơ bản cập nhật xong dữ liệu đăng ký hộ tịch trên cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh. Năm 2017, Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đơn giản hóa hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp (thời gian cắt giảm trung bình là 37,82%). Riêng thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp rút ngắn còn 7 ngày, cắt giảm hơn 50% thời gian so với quy định).
Cùng với các cơ quan khối nội chính của tỉnh, Sở Tư pháp chú trọng làm tốt công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Sở đã xây dựng kế hoạch công tác thanh tra ngay từ đầu năm, làm căn cứ để triển khai nhiệm vụ công tác cho từng tháng, từng quý; duy trì nề nếp công tác tiếp dân, kết hợp với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho công dân. Tổ chức các cuộc thanh tra theo thẩm quyền, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận sau thanh tra của các đơn vị, tổ chức.
Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như: công tác thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác hành chính tư pháp; công tác kiểm soát thủ tục hành chính,... Sở còn chú trọng triển khai các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của Sở và lồng ghép vào các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động.
Từ những kết quả đạt được trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn và những nhiệm vụ đột xuất, tập thể Sở Tư pháp được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu “Cờ Thi đua xuất sắc” năm 2016; Bộ Tư pháp tặng Danh hiệu “Điển hình tiên tiến ngành Tư pháp năm 2016”.
Cần Thơ: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính ở cơ sở
Ngày 19-5, Thành ủy Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu, hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để thực hiện công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Năm 2016, Cần Thơ có 927 thủ tục hành chính bị bãi bỏ; hiện có tổng số 1.849 thủ tục hành chính, trong đó ở cấp xã là 127 thủ tục. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp xã luôn được duy trì và đạt hiệu quả tốt. Đến nay, 85/85 UBND cấp xã của Cần Thơ đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Năm 2016, kết quả giải quyết hồ sơ tiếp nhận ở cấp xã đạt 436.279/437.190 hồ sơ (99,79%), trong đó hầu hết là đúng hẹn và trước hẹn, trễ hẹn chỉ có 422 hồ sơ. Đặc biệt, quý I-2017, tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hẹn ở cấp xã của Cần Thơ đã tăng lên 21,55% với 20.212 hồ sơ so với tổng số gần 95.000 hồ sơ tiếp nhận.
Công tác tuyên truyền cải cách hành chính cũng được các UBND cấp xã thực hiện thường xuyên với nhiều nội dung, hình thức phong phú: thông qua các buổi họp dân phố, các buổi chính quyền gặp gỡ và đối thoại với nhân dân, diễn đàn chính quyền lắng nghe ý kiến nhân dân. Ngoài ra, các UBND cấp xã còn thường xuyên cập nhật thông tin về hoạt động cải cách hành chính lên Cổng thông tin điện tử của đơn vị.
Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp xã trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày càng được nâng cao, sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi tiếp xúc với cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Thời gian và chi phí giải quyết công việc giảm, người dân không phải đi lại nhiều lần.
Công tác cải cách hành chính được thực hiện hiệu quả đã góp phần đưa các chỉ số như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số cải cách hành chính (PAR) của Cần Thơ được cải thiện đáng kể qua các năm. Trong đó, chỉ số PCI năm 2016 của Cần Thơ đã vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2015); chỉ số PAR năm 2015 xếp hạng 5/63. Đặc biệt, chỉ số PAPI năm 2015 của Cần Thơ đã tăng 53 bậc so với năm 2014, xếp thứ 2/63 và năm 2016 lần đầu tiên vươn lên xếp hạng Nhất cả nước về chỉ số PAPI.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Cần Thơ cũng còn một số hạn chế như: Sự phối hợp của một số cơ quan trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời; ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn của một bộ phận công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu. Việc sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn bộ máy của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ viên chức, công chức chưa có nhiều đột phá. Việc công khai thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính hiệu quả chưa cao.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu yêu cầu Đảng ủy, Hội đồng nhân dân các xã, phường, thị trấn lãnh đạo UBND cùng cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính tại địa phương; tăng cường giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về cải cách hành chính, bảo đảm công tác cải cách hành chính thật sự là một khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của chính quyền địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, để trở thành một đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh cần đạt được các mục tiêu tổng quát gồm: nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tri thức; nâng cao chất lượng cuộc sống, quản lý đô thị thông minh hơn; người dân là trung tâm - tham gia quản lý, vận hành đô thị thông minh; giám sát chính quyền, cộng tác/hợp tác để thành công, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan hướng tới hợp tác lâu dài, bền vững…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thông minh hiểu đơn giản là sẽ đưa những giải pháp công nghệ vào quản lý nhà nước; với mục đích chính là dự báo, ngăn ngừa, xử lý một cách lâu dài những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân. Vấn đề ngăn ngừa chưa tốt sẽ dẫn đến việc xử lý tình huống không căn cơ, lâu dài. Do đó, phải đầu tư công nghệ để các biện pháp quản lý nhà nước ngày càng thông minh, cũng như việc xây dựng chính quyền điện tử để cải cách hành chính tốt hơn.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh, sau khi được xây dựng, Đề án cần phải được ứng dụng ngay để xử lý những vấn đề bức xúc nhất của thành phố như: chống ngập, an toàn giao thông, quản lý sức khỏe người dân… Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Thành phố hiện có trên 1.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giải pháp công nghệ, đó là một tiềm năng cũng như thế mạnh. Đó cũng là cơ hội để các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, đưa ra những giải pháp, ứng dụng thiết thực trong lĩnh vực này, tích cực giải quyết những vấn đề căn cơ của Thành phố. Thành phố hiện đang tập trung xây dựng Đề án và sẽ sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể từng lĩnh vực, từ đó doanh nghiệp có cơ sở phát triển các giải pháp kết nối, khai thác chung.
Cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử cũng là một trong những nội dung trọng tâm Thành phố Hồ Chí Minh xác định để xây dựng đô thị thông minh. Năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều bước tiến hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Với quyết tâm không để các thủ tục hành chính cản trở sự phát triển, năm 2017 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quy hoạch, cung cấp dịch vụ tiện ích cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn, hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố đã triển khai 1.700 dịch vụ công trực tuyến mức độ 2; 426 dịch vụ ở mức độ 3 và 46 dịch vụ ở mức độ 4. Đến nay, các sở, ngành, 24 UBND cấp quận, huyện và toàn bộ các phường, xã trên địa bàn Thành phố đã thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả để áp dụng mô hình một cửa, một cửa liên thông, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, ISO 9001:2008 điện tử trong quản lý, điều hành. Ngoài ra, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước thay đổi. Bắt đầu từ ngày 01-7-2017, toàn bộ các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ không còn sử dụng văn bản giấy để trao đổi công việc. Thay vào đó, các cơ quan công quyền sẽ trao đổi thông tin trên mạng và đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong phát hành văn bản.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, trong năm 2017, Thành phố sẽ đẩy mạnh mô hình một cửa liên thông, tiếp tục tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 với các danh mục thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư - đất đai - xây dựng.
Bình Phước: Rút ngắn thời gian và khâu trung gian trong giải quyết thủ tục hành chính
Sau hai tuần đi vào hoạt động, Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận 1.230 hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp; trong đó, đã giải quyết 473 hồ sơ, còn 527 hồ sơ đang chuyển lên cấp giám đốc sở, ngành giải quyết.
Cuộc họp giao ban giữa các sở, ban, ngành tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Phước mới đây đã đánh giá quy trình giải quyết thủ tục hành chính từ Trung tâm chưa để phát sinh hồ sơ quá hạn nhưng việc giải quyết hồ sơ tại chỗ còn chậm, chưa rút ngắn thời gian hoàn thành một thủ tục hành chính như mong đợi... Nguyên nhân là do một số cán bộ được sở, ngành cử thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm chưa phù hợp chuyên môn và thẩm quyền được giao; việc ủy quyền thực hiện thủ tục đối với cán bộ cử làm việc tại Trung tâm chưa được thực hiện nên một số thủ tục còn kéo dài. Nhiều cán bộ cấp phó phòng, chuyên viên nên chưa thể giải quyết ngay thủ tục hành chính ngay tại chỗ; nhiều hồ sơ hành chính phải chuyển qua cấp trưởng phòng và cấp giám đốc sở nên kéo dài thời gian. Bên cạnh đó, do mới vận hành nên hệ thống trang thiết bị, công nghệ thông tin về giải quyết thủ tục hành chính qua mạng chưa vận hành trơn tru, phần mềm bị lỗi, gây phiền hà cho bộ phận cán bộ giải quyết thủ tục hành chính. Việc luân chuyển hồ sơ tới một số đơn vị sử dụng phần mềm riêng như các thủ tục liên quan đến Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch và Đầu tư còn rườm rà...
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu các sở, ngành tăng cường ủy quyền cho cấp phòng xử lý các hồ sơ, tránh chậm trễ giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Nhân sự điều chuyển đến Trung tâm hành chính công làm việc phải có trình độ, đủ năng lực và thẩm quyền chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính thay cho cấp sở, ngành. Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước yêu cầu ủy quyền cho các nhân sự này xử lý ngay hồ sơ khi tiếp nhận tại Trung tâm, tránh việc chuyển hồ sơ lên cấp trên gây mất thời gian; giảm bớt chuyển hồ sơ qua khâu trung gian,.... Về hồ sơ chuyển cho giám đốc sở thì khi tiếp nhận tại Trung tâm hành chính công hồ sơ phải chuyển trực tiếp lên ngay cho giám đốc sở giải quyết, không cần chuyển cho cấp trưởng phòng, tránh mất thời gian./.
Tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế và ngành giáo dục và đào tạo  (22/05/2017)
Đêm thứ hai của Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 diễn ra với nhiều sắc màu rực rỡ  (22/05/2017)
Thủ tướng Australia sẽ phát biểu dẫn đề ở Đối thoại Shangri-La 16  (21/05/2017)
APEC: Việt Nam khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng  (21/05/2017)
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến thanh niên  (21/05/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay