APEC: Việt Nam khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng
Các Bộ trưởng phụ trách thương mại, đại diện thương mại các nền kinh tế thành viên APEC đã tham dự và trả lời báo chí những nội dung liên quan đến triển vọng hợp tác thương mại trong khu vực.
Động lực của tăng trưởng, liên kết kinh tế khu vực
Thông báo kết quả Hội nghị MRT23, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị MRT 23 đã kết thúc tốt đẹp với những kết quả thiết thực cho cộng đồng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, triển khai hiệu quả chủ đề và bốn ưu tiên của Năm APEC 2017 về “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung.”
Hội nghị MRT23 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới có dấu hiệu khởi sắc hơn. Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách APEC (PSU) dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2017 có thể đạt 3,8%, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 3,5%.
APEC vẫn tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời được coi là vườn ươm của các sáng kiến mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng trưởng và sáng tạo...
Hội nghị MRT23 có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình rà soát việc triển khai chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017; xác định các bước đi tiếp theo cho hợp tác APEC trong thời gian tới.
Hội nghị đã đạt được một số kết quả chính là hoàn thành vai trò bước đệm trong việc rà soát quá trình thực hiện chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tháng 11-2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Tại Hội nghị MRT23, các nền kinh tế thành viên đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực; là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020. Hội nghị cũng thể hiện quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở và là nền tảng quan trọng cho thương mại quốc tế; đồng thời thể hiện sự ủng hộ của APEC đối với Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức thương mại thế giới lần thứ 11, tại Buenos Aires (Argentina) vào tháng 12-2017.
Hội nghị MRT23 đã rà soát việc xây dựng một số sáng kiến và ưu tiên của Năm APEC 2017 như: Tiếp tục triển khai Tuyên bố Lima về Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); Xây dựng Khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới; Triển khai sáng kiến về công nghiệp hỗ trợ; xây dựng kế hoạch hành động về thúc đẩy kinh tế, tài chính và xã hội trong khu vực APEC; Xây dựng Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; Xác định tầm nhìn cho APEC giai đoạn hậu 2020...
Những sáng kiến tích cực và thiết thực sẽ được trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 xem xét thông qua.
Bên lề Hội nghị MRT23 đã có các sự kiện, đó là Cuộc thi phát triển ứng dụng APEC - APEC App Challenge nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia tích cực hơn vào thị trường khu vực và quốc tế; Hội nghị APEC về Thương mại và Sáng tạo với sự tham gia của các bộ trưởng và đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đăng cai tổ chức các hoạt động APEC lần này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng; coi châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác ở khu vực như Diễn đàn APEC, là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Các kết quả của Hội nghị MRT23 đã góp phần quan trọng nhằm thúc đẩy tiến trình triển khai chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017, tạo cơ sở và là bước đệm cho những bước đi tiếp theo tới Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Tạo sự hưởng ứng, đồng thuận cao
Về các giải pháp của các nền kinh tế thành viên APEC trong thời gian tới nhằm hội nhập thị trường sâu rộng hơn, cũng như ủng hộ thương mại tự do, cùng với đó là việc giúp đỡ các đối tượng bị tụt hậu và bị tổn thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong thời gian qua khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã chứng tỏ được vai trò là một trung tâm tăng trưởng kinh tế và thương mại năng động.
APEC là cơ chế hợp tác giúp các nền kinh tế thành viên tiếp tục đưa ra những sáng kiến, nội dung, nội hàm cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng của hợp tác khu vực, liên khu vực cũng như các cơ chế liên kết kinh tế; đặc biệt hướng tới hỗ trợ có hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, mang lại lợi ích cho người dân và những thành tố trong xã hội của mỗi quốc gia tham gia trong cơ chế hợp tác đó.
Các nền kinh tế thành viên APEC đều cho rằng, để phát triển và tăng cường hợp tác hơn nữa, mang lại lợi ích bền vững hơn cho mỗi nền kinh tế, cần quan tâm đến việc hoàn thiện các khuôn khổ, cơ chế, nội dung hợp tác hội nhập, đảm bảo mang lại lợi ích cho tất cả các thành tố trong xã hội, đặc biệt là người nông dân, người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp...
Chỉ có quan tâm đầy đủ và tạo ra lợi ích cho tất cả các thành tố mới có được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của tất cả các quốc gia, các nền kinh tế với các khuôn khổ; cũng như tiếp tục mang lại động lực cho sự tăng trưởng, phát triển toàn cầu hoá của kinh tế và thương mại thế giới.
Mở rộng các quá trình thương mại tự do
Nêu ý kiến về những nội dung Trung Quốc thể hiện cam kết hợp tác trong trong khuôn khổ APEC đã được nêu tại Hội nghị MRT23, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shou Wen cho biết: Trong bối cảnh hiện nay, cơ hội cho thương mại tự do rất lớn. Trong suốt quá trình Hội nghị, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Roberto Azevedo đã chia sẻ nhận định của mình về tầm quan trọng của việc tiếp tục mở rộng các quá trình thương mại tự do. Đó là một công cụ rất tốt để các nền kinh tế trong khu vực giảm thiểu rủi ro liên quan đến thương mại.
Qua Hội nghị MRT23, Trung Quốc cam kết ủng hộ cho một hệ thống thương mại đa biên toàn cầu; đồng thuận cùng nhau nỗ lực chống chủ nghĩa bảo hộ và giảm thiểu rủi ro thương mại.
Thương mại quốc tế công bằng
Chia sẻ về những cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy cơ chế thương mại song phương cũng như hợp tác thương mại trong các khuôn khổ đa phương của APEC, đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer cho biết: APEC giúp tạo sự đồng thuận về thương mại quốc tế công bằng. Đây đều là những mục tiêu Hoa Kỳ muốn thúc đẩy. Sự có mặt của đại diện thương mại Hoa Kỳ tại Hội nghị MRT23 cũng khẳng định cam kết tham gia mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với khu vực này.
Về vai trò của nền kinh tế Hoa Kỳ đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đại diện thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer cho biết: Hiện nay, Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP và sẽ không thay đổi quyết định này. Nhưng điều này không có nghĩa là Hoa Kỳ không tham gia vào các cam kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong tương lai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với nền kinh tế các thành viên TPP ở các kênh song phương. Hoa Kỳ mong muốn dành nhiều thời gian và công sức vào các hiệp định song phương để tiếp tục có đóng góp và tham gia cam kết mạnh mẽ vào trong khu vực này.
Quan điểm của Hoa Kỳ là muốn có thương mại tự do, công bằng, một hệ thống đảm bảo thị trường hiệu quả hơn trên thế giới. Đây là mục đích không chỉ của Hoa Kỳ mà còn của những cơ chế như APEC hay WTO.
Mong muốn triển khai TPP
Đánh giá về triển vọng TPP và quan điểm của Newzealand đối với Hiệp định này, Bộ trưởng Bộ Công Thương New Zealand, Todd Micheal Mclay mong muốn tiếp tục được triển khai hiệp định này để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người dân. Trong thời gian tới, Newzealand sẽ đưa ra những hành động cụ thể để triển khai Hiệp định này.
Qua trao đổi tại Cuộc họp các Bộ trưởng TPP 11, các quốc gia đều có rất nhiều điểm chung và mong muốn có những quy định chất lượng cao được triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương./.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh lắng nghe ý kiến thanh niên  (21/05/2017)
Đối thoại xây dựng châu Á - Thái Bình Dương gắn kết và bao trùm  (21/05/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp khách quốc tế  (21/05/2017)
Mỹ và Nga tiến tới ký thỏa thuận mới tránh xung đột tại Syria  (21/05/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay