Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 20 đến ngày 26-3-2017

Hồng Ngọc tổng hợp
12:01, ngày 27-03-2017
TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kỷ luật cá nhân vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu triển khai đo sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước, quy định trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ giải quyết 100% hồ sơ hành chính đúng hạn, là những tin nổi bật tuần qua.

Đo sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước

Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ số 71/NQ-CP ngày 05-8-2016 đã xác định ''Chính phủ thống nhất, quyết tâm xây dựng Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh''; trong đó, việc xác định chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là thước đo chất lượng và tiến độ thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Để công tác đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt hiệu quả trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học, nghiên cứu xây dựng, phê duyệt Đề án “Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020” theo hướng ít tốn kém, thiết thực, hiệu quả, nhân rộng mô hình và mở rộng thủ tục hành chính có liên quan, đảm bảo phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn vừa qua.

Trên cơ sở Đề án phê duyệt, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng năm triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương để phát hiện kịp thời những tồn tại trong chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cũng như nắm bắt được nhu cầu của người dân, tổ chức, từ đó xác định các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng được sự mong đợi của người dân, tổ chức.

Trong quá trình triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, cần có sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và hiệu quả giữa cơ quan hành chính nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ Trung ương đến địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm, bố trí đủ nguồn lực về con người và tự cân đối kinh phí trong nguồn kinh phí cải cách hành chính đã được phê duyệt để triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức ở quy mô quốc gia, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, tổ chức thấy được việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là việc làm cần thiết, không chỉ giúp cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được cảm nhận của người dân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; yêu cầu, mong đợi của người dân, tổ chức đối với chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, để từ đó các cơ quan hành chính nhà nước có các giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức, góp phần xây dựng một nền hành chính phục vụ mà còn tạo điều kiện, cơ hội để người dân, tổ chức tham gia góp ý, giám sát quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức.

Các bộ, ngành, địa phương phải sử dụng hiệu quả kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức; đồng thời, có các giải pháp để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức; gắn kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước với Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo kết quả thực thi công vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Kỷ luật cá nhân vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về kết quả theo dõi, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của lãnh đạo tại một số địa phương, đơn vị. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển tuyển dụng, bổ nhiệm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-4-2017.

Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét có hình thức kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện trước ngày 30-4-2017.

Bộ Nội vụ theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên của các cơ quan, địa phương. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ; kịp thời chấn chỉnh tiêu cực, vi phạm trong công tác quản lý cán bộ; rà soát các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và đề xuất phương án hoàn thiện, khắc phục bất cập trong công tác quản lý cán bộ, công chức thời gian qua, lưu ý những vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà của người có chức vụ, quyền hạn.

Trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật

Sáng 24-3, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh đang nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 01-7.

Theo thống kê danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh và tình hình triển khai xây dựng, hiện còn 10 văn bản hướng dẫn thi hành đã quá hạn nhưng đến nay chưa được ban hành, trong đó có các văn bản thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường... và 11 văn bản sẽ có hiệu lực thi hành từ 01-7-2017 nếu không làm tốt sẽ quá hạn, cần đôn đốc hoàn thành sớm thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông - Vận tải (4 văn bản); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2 văn bản); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1 văn bản); Bộ Tư pháp (1 văn bản); Bộ Giáo dục và Đào tạo (1 văn bản); Bộ Công an (1 văn bản); Bộ Công Thương (1 văn bản).

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Tổ công tác tập trung kiểm tra trách nhiệm của các bộ trong xây dựng thể chế. Nội dung cuộc họp sẽ được báo cáo Thủ tướng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2017 và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ trưởng chỉ rõ: việc kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh nhằm thúc đẩy phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ. Khâu nào ách tắc cần tháo gỡ. Việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, liên quan đến bộ, ngành nào, Bộ trưởng, Trưởng ngành đó phải chịu trách nhiệm.

Đối với các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh đang nợ đọng, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện, sớm trình Chính phủ để tiếp thu, giải trình. Đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh sắp đến thời hạn, Bộ trưởng hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực hoàn thiện tốt 4 văn bản để trình Chính phủ đúng hạn; đề nghị các bộ: Tư pháp, Công an, Công Thương... tiếp tục quan tâm, sớm hoàn thiện đúng thời hạn. Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, thực hiện việc đôn đốc, nhắc nhở các bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản, hoàn thiện thể chế. Nếu còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, đề nghị Thủ tướng để Văn phòng Chính phủ chủ trì xử lý.

Với quan điểm công khai, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Bộ trưởng, Trưởng ngành nào vẫn để tình trạng nợ đọng văn bản sẽ phải chịu trách nhiệm và phải trả lời chất vấn trước Chính phủ và Quốc hội...

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

Chiều 23-3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục An ninh, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet và chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu, cho lực lượng quản lý xuất nhập cảnh của cả nước. Người dân và du khách có thể vào địa chỉ https://hochieu.xuatnhapcanh.gov.vn để thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xuất nhập cảnh.

Trung tướng Vũ Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh cho biết, từ đầu năm 2017, Tổng cục An ninh đã triển khai thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, tiếp nhận yêu cầu cấp hộ chiếu của công dân qua tờ khai điện tử. Đây là bước đi cụ thể nhằm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện cho công dân xuất cảnh.

Thời gian qua, lực lượng xuất nhập cảnh đã chủ động, tích cực đổi mới, phát huy sức mạnh tập thể, sự sáng tạo của từng cá nhân để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đổi mới mạnh mẽ và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong tình hình hiện nay.

Chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet và chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu được triển khai trên cả nước sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan công an, cơ sở lưu trú, người dân trong nước và người nước ngoài, vì không phát sinh thủ tục giấy tờ, chi phí, không hạn chế thời gian, không phải trực tiếp đến cơ quan công an. Thông tin khai báo chỉ gồm họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu nên rất dễ nhớ, dễ nhập.

Trung tướng Vũ Thanh Bình yêu cầu các cán bộ, chiến sỹ quán triệt chủ trương về cải cách hành chính trên lĩnh vực xuất nhập cảnh theo hướng vừa đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, người nước ngoài khi tham gia quá trình xuất nhập cảnh, vừa tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước; đồng thời cần nắm vững hệ thống, cách thức vận hành chương trình khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài trên nền internet, chương trình tiếp nhận tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu.

Hiện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an Hà Nội đã triển khai thí điểm việc tiếp nhận tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến. Sắp tới, 12 địa phương khác sẽ triển khai công tác này; các địa phương còn lại tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị hệ thống để triển khai.

Đến năm 2020, Hà Nội sẽ giải quyết 100% hồ sơ hành chính đúng hạn

Tại buổi họp giao ban thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội vừa qua, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội - ông Ngô Anh Tuấn đã cho biết về kế hoạch cải cách hành chính của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, về cải cách thể chế, Hà Nội phấn đấu đến năm 2019, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thành phố cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận. Về cải cách hành chính, đến cuối năm nay sẽ cung cấp từ 40 - 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Đến năm 2020, sẽ cung cấp từ 70 - 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại tất cả các sở, ban, ngành, cấp huyện và cấp xã. Đến năm 2018, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính và giải quyết thủ tục hành chính đạt trên 80%. Mức độ hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ sự nghiệp công của thành phố trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt trên 80%.

Đến năm 2019, Hà Nội phấn đấu 25% số lượng thủ tục hành chính được tinh gọn, đơn giản hóa về thành phần hồ sơ, quy trình, rút ngắn thời gian và tiết giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, tập trung vào các nhóm thủ tục về đầu tư, xây dựng, du lịch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật đô thị, đường bộ... Tổng số thủ tục hành chính toàn thành phố Hà nội là 1.815 thủ tục, trong đó ở khối sở, ngành là trên 1.369, khối quận, huyện là 299, khối phường xã 147.

Đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, được chuẩn hóa và được công bố công khai, kịp thời và niêm yết tại trụ sở cơ quan tiếp nhận, giải quyết. Đồng thời, đặt mục tiêu 100% số lượng hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, trong giai đoạn vừa qua Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực như: Thuế, hải quan, đăng ký thành lập doanh nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp cũng như người dân./.