Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XI của Đảng
Ngay từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo về bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Người coi đó là một thứ giặc độc ác ở trong lòng, là “kẻ thù của nhân dân”. Người vạch rõ: tham ô, lãng phí nảy nở từ bệnh quan liêu, “ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô”(1). Theo Người, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí thì trước mắt phải tẩy sạch nạn quan liêu(2). Bệnh quan liêu là một thứ bệnh rất nguy hiểm, chủ yếu có trong các cấp lãnh đạo của cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội. Quan liêu sẽ dẫn đến mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền; đặc biệt, quan liêu xa rời thực tiễn, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng, là nguy cơ lớn đối với Đảng cầm quyền. Để phòng chống bệnh tham ô, lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên về nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện tốt “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, Đảng ta luôn chủ trương đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994), Đảng ta nêu rõ quan điểm coi tham nhũng, lãng phí như một nguy cơ, thách thức lớn đối với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua cũng đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị đẩy lùi, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí như: Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Văn kiện Đại hội lần thứ IX và X của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đã có Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng (năm 1998, sửa đổi năm 2000), Bộ luật Hình sự năm 1999, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,... Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Trên cơ sở các quy định về khung pháp lý, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã và tiếp tục ban hành các quy định theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta trong những năm qua có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và trong phòng ngừa, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí. Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí luôn được đẩy mạnh, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công tác này.
Với quyết tâm chính trị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các cơ quan chức năng của Nhà nước, Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo ra hành lang pháp lý cho nhiệm vụ này. Các giải pháp đấu tranh phòng ngừa được tập trung vào những vấn đề như: Xây dựng định mức tiêu chuẩn; xây dựng quy tắc ứng xử; điều chuyển vị trí công tác; xác định trách nhiệm người đứng đầu; kê khai tài sản và minh bạch thu nhập; cải cách thủ tục hành chính,… Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được đẩy mạnh; ý thức của nhân dân về phòng chống tham nhũng, lãng phí được đề cao; các cơ quan thông tin đại chúng phát huy tốt vai trò và trách nhiệm, góp phần quan trọng tạo ra sức mạnh công luận để đẩy mạnh thực hiện. Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí được kiện toàn, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta có sự chuyển biến tích cực, bước đầu đã xử lý được một số vụ án tham nhũng lớn; các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo thực hiện công tác này. Kết quả này góp phần bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy vậy, cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn nhiều hạn chế, giữa quyết tâm chính trị với việc tổ chức triển khai thực hiện còn khoảng cách lớn; công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa sâu rộng; một số cơ chế, chính sách, quy định về quản lý kinh tế - xã hội và công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chậm được bổ sung, sửa đổi, dẫn đến hiệu quả thấp trong tổ chức thực hiện. Công tác tự kiểm tra phát hiện vẫn là khâu yếu, việc xử lý có nhiều khó khăn; các hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Một số vụ án tham nhũng xử lý chậm, kéo dài, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân về tính nghiêm minh của pháp luật. Tình trạng sa sút phẩm chất, nhũng nhiễu, gây phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức trong thi hành công vụ chậm được khắc phục; hiện tượng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “lên chức nhanh” chưa được quan tâm chỉ đạo làm rõ; sự yếu kém trong quản lý, điều hành, dẫn đến các sai phạm, gây thất thoát lớn tiền, tài sản của Nhà nước ở một số doanh nghiệp, trong đó có yếu tố vụ lợi. Theo xếp loại của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), năm 2010 Việt Nam đứng thứ 116/180 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số tham nhũng. Theo khảo sát dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương thì tham nhũng, lãng phí vẫn là nhóm vấn đề đứng đầu về sự quan tâm, bức xúc nhất của người dân. Trong khi toàn Đảng, toàn dân đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để đưa đất nước phát triển, thì vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(3). Biểu hiện tham nhũng, lãng phí diễn ra rất phức tạp, tinh vi, dưới mọi hình thức, trong tất cả các lĩnh vực như: Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, phê duyệt dự án, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cấp phát ngân sách, tổ chức cán bộ,... Thậm chí “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”(4). Nhiều vụ việc tham nhũng gây thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng, diễn ra cả trong các cơ quan cấp cao, cơ quan bảo vệ pháp luật, chủ yếu được các phương tiện thông tin đại chúng phanh phui. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”(5). Trong phần tổng kết những bài học kinh nghiệm lớn, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(6).
Như vậy, việc Đảng ta rút ra bài học kinh nghiệm là rất quan trọng, nhưng điều có ý nghĩa lớn hơn là phải biết phòng ngừa, biết khắc phục, sửa chữa kịp thời những tồn tại, khuyết điểm trong chặng đường nhiệm vụ sắp tới. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đảng nêu rõ: “Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước”(7). Yêu cầu đặt ra cần phải ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tận gốc tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức luôn giữ đúng kỷ cương, liêm chính.
Thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc phức tạp, có nhiều khó khăn, liên quan trực tiếp đến thói quen, lợi ích cá nhân, lợi ích của mỗi cơ quan, đơn vị. Do đó, để góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, tạo hợp lực đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Những năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sôi nổi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và bước đầu thu được những kết quả rất khích lệ. Để cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả, về phương pháp tiến hành, mỗi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phòng, chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm; đồng thời phải dựa chắc vào các bài học kinh nghiệm đã được rút ra trong Cuộc vận động trong những năm qua. Phải tạo được sự đồng tâm nhất trí, huy động được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia; coi việc chống tham nhũng, lãng phí cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận.
Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các đối tượng nâng cao nhận thức và kiến thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng của Nhà nước ta; nắm rõ Chương trình hành động của Chính phủ về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chú trọng thực hiện tốt đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng công dân; gắn chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong tình hình mới.
Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng xác định phải quyết tâm tạo sự chuyển biến quan trọng, cơ bản, rõ nét, vững chắc trong việc đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Vì vậy, phải tạo được sự “vào cuộc” của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân, trong đó sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đóng vai trò quyết định. Đảng ta xác định phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trọng tâm công tác lớn của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, phù hợp.
Các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần xác định rõ những vấn đề, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cho sát thực. Phải lựa chọn, bố trí những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, có bản lĩnh làm công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đưa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào nội dung chương trình công tác và đưa kết quả công tác này là một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân.
Thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên trong Đảng để kịp thời phát hiện, uốn nắn, ngăn chặn những biểu hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, tạo điều kiện để các tổ chức trong cơ quan, đơn vị và chính quyền, nhân dân địa phương nơi cư trú thực hiện tốt vai trò giám sát cán bộ, đảng viên về phẩm chất đạo đức, lối sống. Kiên quyết phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, hoặc có biểu hiện dung túng, bao che các vụ việc tham nhũng, lãng phí, theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý và giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Cơ chế quản lý rõ ràng, giám sát chặt chẽ với những giải pháp hữu hiệu là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng thời, sự công khai minh bạch, đánh giá công bằng và xử lý nghiêm minh sẽ là những điều kiện tốt để giáo dục, ngăn ngừa sai phạm, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh, tự tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh trong giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội; cơ chế, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và bệnh quan liêu.
Hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý; trong đó phải công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách Nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức, cán bộ,… Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định kiểm soát thu nhập, minh bạch tài sản, xử lý tài sản tham nhũng, đưa ra các giải pháp kiên quyết, mạnh mẽ và cứng rắn hơn.
Hoàn thiện quy trình xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, lãng phí. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai cán bộ, đảng viên tham nhũng. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; kỷ luật nghiêm những người bao che, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí, hoặc lợi dụng sự việc để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ.
Thứ tư, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và của toàn dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, việc phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và của nhân dân có ý nghĩa to lớn, quyết định đến sự thành bại cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm” này. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI ghi rõ: “Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”(8). Vì vậy, tập trung nâng cao vai trò và hiệu lực giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; đồng thời, phát huy vai trò của công luận, các phương tiện thông tin đại chúng và của toàn dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.
Đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước, phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có quyền hạn và trách nhiệm riêng và phải được thực hiện đúng. Nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chuyên trách và các cơ quan có thẩm quyền làm nòng cốt trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các nhân sự được lựa chọn vào tổ chức chống tham nhũng của Nhà nước phải dựa trên tiêu chí nghiêm ngặt về cả đức và tài. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Ban thanh tra nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ tham nhũng, lãng phí và những tiêu cực khác.
Thứ năm, tăng cường trao đổi, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những vấn đề nóng bỏng, quyết liệt và mang tính cấp bách, không chỉ ở nước ta mà diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, vấn đề tham nhũng cũng mang tính chất xuyên quốc gia. Vì vậy, để đạt được hiệu quả cuộc đấu tranh như mong muốn, chúng ta cần phải tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các biện pháp cụ thể cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
- Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của các chính phủ trên thế giới, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực.
- Tranh thủ sự tư vấn, giúp đỡ quốc tế đối với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách (đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến phòng ngừa và chống tham nhũng, tiêu cực).
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ hoạch định về chính sách; tham vấn về cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch hóa theo quy định của Chính phủ,… bảo đảm sự đồng bộ về mọi mặt để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng.
- Chú trọng hợp tác quốc tế trong việc điều tra, giải quyết, xử lý các vụ việc tham nhũng lớn, xuyên quốc gia. Trong đó có hợp tác với ngân hàng ở nước ngoài (nếu có nghi vấn); phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm tham nhũng trốn ra nước ngoài theo đúng luật pháp quốc tế.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây thực sự là một cơ hội quý để mỗi người luôn nỗ lực học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vào công việc thực tế hằng ngày. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao, có tác phong, phương pháp khoa học, hiệu quả. Phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh không để những phần tử cơ hội, biến chất, các thế lực thù địch lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở nước ta hiện nay để chống lại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI./.
-------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, Nxb. Sự thật, Hà Nội,1981,
tr. 41.
(2) Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí, quan liêu, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 21.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173.
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 174.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 172.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 65.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 145.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2011, tr. 252-253.
Phó Thủ tướng tiếp đoàn đại biểu người có công  (15/11/2012)
Nhật Bản có thêm chính đảng mới: Đảng Gió Xanh  (15/11/2012)
Các nước chúc mừng tân Tổng Bí thư Trung Quốc  (15/11/2012)
Thay đổi nhân sự Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính  (15/11/2012)
Đề cao vai trò của nhà giáo trong xã hội học tập  (15/11/2012)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên