Xây dựng thành phố Phủ Lý sớm trở thành đô thị loại II thuộc tỉnh Hà Nam
Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A, bên bờ phải sông Đáy, cách Hà Nội 60 km về phía Nam, cách thành phố Nam Định 30 km về phía Tây Bắc và thành phố Ninh Bình 33 km về phía Bắc. Phủ Lý nằm trên Quốc lộ 1A, có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua, là nơi gặp gỡ của ba con sông: sông Đáy, sông Châu Giang và sông Nhuệ, thuận tiện về giao thông thủy bộ. Ở vị trí thuận tiện về giao thông, Phủ Lý là cửa ngõ phía Nam, là đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội.
Tên Phủ Lý gắn với mảnh đất nơi đây từ năm 1832. Từ năm 1960-1996, mang tên thị xã Hà Nam, thuộc tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1997, với việc tái lập tỉnh Hà Nam, tên Phủ Lý cũng được tái lập lại. Năm 2008, Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III thuộc tỉnh Hà Nam.
Trong kháng chiến, Phủ Lý là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Trận địa pháo Lam Hạ là nơi ghi dấu chiến công và chứng kiến sự hy sinh của 10 nữ dân quân khi tuổi đời còn rất trẻ. Đảng bộ, quân và dân Phủ Lý được Chủ tịnh nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Ngày nay Phủ Lý là thành phố trẻ, năng động, có diện tích 88 km2 với 11 phường, 10 xã. Định hướng phát triển của tỉnh Hà Nam cũng như thành phố Phủ Lý đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và 2050, xác định nhiều mục tiêu phát triển, trong đó có việc xây dựng Phủ Lý trở thành đô thị loại II thuộc tỉnh trước năm 2020. Theo đó, thành phố Phủ Lý sẽ là trung tâm chính trị, hành chính của tỉnh; trung tâm y tế chất lượng cao và dịch vụ đi kèm của vùng thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng, cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực của vùng thủ đô Hà Nội và sản xuất công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường.
Thực hiện mục tiêu đó, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ, nhân dân thành phố tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư, sản xuất - kinh doanh và đời sống nhân dân, từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị
Xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, thành phố đã triển khai lập quy hoạch chung xây dựng Phủ Lý đến năm 2030 tầm nhìn 2050 với 7 phân khu chức năng: Trung tâm phát triển Giáo dục - Đào tạo; Trung tâm Y tế Chất lượng cao; Trung tâm hành chính; Trung tâm đô thị thương mại dịch vụ; Khu đô thị sinh thái; Khu công nghiệp và Khu nông nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở quy hoạch chung, năm 2017 thành phố đã tích cực triển khai lập các đồ án quy hoạch phân khu, lập quy hoạch chi tiết 1/500, xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố Phủ Lý đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tạo cơ sở để triển khai các dự án phát triển đô thị. Thành phố cũng ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các dự án trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật đô thị như các dự án giao thông đô thị, cấp thoát nước, dự án công trình hạ tầng xã hội.
Năm 2017, thành phố triển khai thực hiện đầu tư 48 dự án; 19 dự án đang ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư (trong đó, triển khai 11 dự án nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường đô thị); phê duyệt quyết toán 09 dự án và 17 dự án đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiến hành sửa chữa, nâng cấp một số công trình thuộc khối trường học, công trình xã hội, trụ sở cơ quan hành chính, nhà văn hóa thôn xóm. Tập trung các nguồn lực đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, các hạng mục công trình khớp nối hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, hệ thống xử lý nước thải, chống ngập úng, xử lý vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Quy hoạch sau khi ban hành được công khai để nhân dân biết, giám sát. Đồng thời, thành phố cũng tăng cường quản lý thực hiện quy hoạch. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị được tiến hành thường xuyên, xử lý nghiêm. Nhờ đó, trật tự xây dựng đô thị được tuân thủ, theo đúng quy hoạch và thiết kế được duyệt, dần đi vào nề nếp.
Công tác giải phóng mặt bằng được cấp ủy, chính quyền thành phố đặc biệt quan tâm, coi đây là một trọng tâm trong phát triển đô thị. Cấp ủy vào cuộc sâu sát, huy động cả hệ thống chính trị cùng với chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, từ công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, thuyết phục đến việc công khai, minh bạch trong thực hiện, tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nguồn lực tài chính cũng được ưu tiên đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng. Bằng các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, công tác giải phóng mặt bằng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhanh chóng, không để phát sinh điểm nóng, hạn chế khiếu kiện, qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tổng số dự án giải phóng mặt bằng đang triển khai thực hiện trong năm 2017 là 88 dự án; đã được phê duyệt 67 phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong đó có 10 dự án đã cơ bản hoàn thành, đang thực hiện chi trả cho 34 dự án. Tổng vốn giải ngân năm 2017 ước thực hiện 9.658 tỷ đồng (không kể vốn ODA), tăng 28,1% so với năm 2016. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và đang phát huy hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của thành phố. Bên cạnh công tác giải phóng mặt bằng, thành phố còn tạo mọi thuận lợi cho việc triển khai các dự án, tham mưu để UBND tỉnh hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn.
UBND thành phố tăng cường phối hợp với các sở, ngành và các huyện bạn, đồng thời chỉ đạo phòng, ban chuyên môn triển khai điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chi tiết các khu đô thị, phân khu chức năng, tuyến phố chính,…, từng bước hoàn chỉnh quy chế, thực hiện tốt quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Cùng với việc nâng cấp, chỉnh trang các khu đô thị cũ, vấn đề phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới được triển khai đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu nhà ở thương mại và xã hội,... Ngoài ra, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân thành phố cũng được coi trọng, nhằm nâng cao văn hóa trong giao tiếp, ứng xử, trong hoạt động dịch vụ, thương mại nhằm xây dựng hình ảnh người Phủ Lý văn minh, thanh lịch.
Công tác quản lý đô thị từng bước đi vào nề nếp. Giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan thành phố được quan tâm, đặc biệt tại các trụ sở làm việc của các cơ quan. Tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nội thành đạt 100%. Tại các khu vực ngoại thành đã tổ chức các tổ tự quản thu gom rác thải tập trung vào các điểm tập kết để chuyển đi. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều ảnh hưởng đến môi trường được quan tâm, chú trọng; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải của các trạm xử lý nước thải của các khu công nghiệp và các trạm xử lý nước thải đô thị.
Nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành qua việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và thực hiện các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Thành phố thực hiện 3 không: không hộ đói, không người ăn xin, không cướp giật. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, thường xuyên. Các xã, phường hiện đang tổ chức đại hội thể dục thể thao cơ sở theo cụm, có 4/5 cụm đã tổ chức đại hội thành công, tiến tới đại hội cấp thành phố. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai đồng đều, có hiệu quả thực chất. Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được hoàn thiện, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Tổng số thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng là 163/178 (đạt tỷ lệ 91,57%). Năm 2017, thành phố có 13 xã, phường đăng ký thực hiện tuyến đường, phố văn minh đô thị.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
Là thành phố trẻ, đang phát triển, nhu cầu thu hút đầu tư là rất lớn. Để có thể thu hút đầu tư từ người dân, doanh nghiệp, cần tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Lãnh đạo thành phố nhận thấy con đường thực hiện nhiệm vụ đó thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ, coi người dân, doanh nghiệp là khách hàng của cơ quan hành chính. Gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế một cửa, một cửa liên thông, coi đây là giải pháp tốt để đổi mới về phương thức làm việc của các phòng, ban, thái độ, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức. Mục tiêu đặt ra là giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, đúng quy định pháp luật và tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, công dân, để người dân không phải tốn kém chi phí và thời gian đi lại.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của thành phố được đưa vào hoạt động từ năm 2004 theo Quyết định số 181/QĐ-TTg ngày 04-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian qua, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả luôn nghiêm túc thực hiện việc cập nhật các thủ tục hành chính, niêm yết công khai Bộ thủ tục hành chính áp dụng tại địa phương; các quy định về thủ tục hành chính cũng như trình tự, thời gian giải quyết, phí và lệ phí các loại công việc hành chính.
Bước đột phá trong cải cách hành chính là việc thành lập Trung tâm Hành chính công thành phố. Trung tâm với trụ sở mới khang trang, hiện đại, nằm ở vị trí thuận tiện cho đi lại của người dân, chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 7-2017. Từ nay, toàn bộ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả ở các phòng, ban, ngành được tập trung về một đầu mối là Trung tâm Hành chính công thành phố, tổ chức, cá nhân có nhu cầu chỉ cần đến một nơi để giải quyết thủ tục hành chính. Tại Trung tâm có bộ phận kiểm tra, giám sát (kể cả bằng các phương tiện kỹ thuật) chặt chẽ hoạt động của công chức trong giải quyết công việc với nhân dân; kịp thời xử lý, phản ánh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Với việc thành lập Trung tâm Hành chính công, thành phố đã tạo lập được một môi trường làm việc thống nhất, hiện đại để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các thủ tục hành chính cho tổ chức, công dân.
Trung tâm Hành chính công là một đầu mối trực thuộc Văn phòng HĐND, UBND thành phố, do một đồng chí Phó Chánh Văn phòng làm Giám đốc với 7 biên chế (01 Giám đốc, 01 phụ trách tổng hợp kiêm kế toán và 05 cán bộ chuyên môn của các lĩnh vực có nhiều giao dịch thủ tục hành chính: Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Lao động Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch). Những cán bộ này được điều động từ các phòng, ban chuyên môn, không tuyển dụng mới hoặc tiếp nhận mới từ bên ngoài (đảm bảo không tăng biên chế). Trung tâm thực hiện 311 thủ tục hành chính của 14 lĩnh vực. Riêng các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực công an, quân sự quốc phòng, thi hành án dân sự vẫn thực hiện theo ngành dọc và tại trụ sở của các đơn vị.
Trung tâm được đầu tư để ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, thống nhất trong giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống phần mềm dùng chung tại Trung tâm và kết nối với các cơ quan, đơn vị một cách tiện lợi, tự động, thông suốt, đảm bảo điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tại Trung tâm còn có khu vực tra cứu thông tin, máy lấy số thứ tự, màn hình hiển thị thông tin, hệ thống camera giám sát,…
Qua thời gian ngắn đi vào hoạt động, các tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch, giải quyết hồ sơ hành chính đánh giá cao mô hình cũng như hoạt động của Trung tâm. Hầu hết các thủ tục, hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, không có hồ sơ trễ hẹn. Cụ thể, trong 3 tháng từ 01-7 đến 30-9-2017, số hồ sơ tiếp nhận 4.413 hồ sơ, trong đó, các phòng, ban của thành phố là 1.622 hồ sơ; Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Phủ Lý là 2.791 hồ sơ. Kết quả giải quyết: Trả đúng hẹn: 43, trả trước hạn: 1.541, còn hạn đang giải quyết: 38.
Bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng tổ chức chính quyền các cấp: Xây dựng đề án vị trí việc làm cho cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập; triển khai công tác bầu trưởng thôn, tổ dân phố nhiệm kỳ 2017-2019; tổ chức thi tuyển 22 công chức cơ sở; thi tuyển, sát hạch tuyển dụng viên chức giáo viên 3 cấp học bảo đảm đúng pháp luật, công khai, dân chủ. Thành phố cũng tiến hành 5 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, chú trọng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan hành chính nhà nước địa phương.
Những nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong quản lý phát triển đô thị, cải cách hành chính đã góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo năm 2017, cả 15/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tăng trưởng cao, ước năm 2017 đạt 15%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 93,6 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 59,97%; thương mại, dịch vụ: 37,67% và nông nghiệp: 2,36%. Thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2017 ước đạt 8.744 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng trưởng khá, ước đạt 19.216 tỷ đồng, tăng 19,83% so với năm 2016.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Phủ Lý sẽ tập trung thực hiện đề án xây dựng thành phố Phủ Lý đạt chuẩn đô thị loại II. Rà soát, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt; tập trung các nguồn lực thực hiện các giải pháp để thực hiện các tiêu chí chưa đạt, để Phủ Lý đạt chuẩn đô thị loại II trước năm 2020./.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 30-10 đến 05-11-2017)  (07/11/2017)
Vấn đề bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc qua các bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (07/11/2017)
Vấn đề bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc qua các bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (07/11/2017)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-10 đến ngày 05-11-2017)  (07/11/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 30-10 đến 05-11-2017)  (07/11/2017)
Việt Nam hội nhập, năng động đổi mới, phát triển toàn diện  (07/11/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên