TCCSĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Festival dù lượn năm 2017 với chủ đề “Bay trên mùa vàng” cùng được khai mạc ngày 23-9 tại Yên Bái đã thu hút sự quan tâm tham dự của hàng vạn người dân và du khách thập phương.

Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2017

 
 Hình ảnh Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò.

Tối 23-9, tại thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải chính thức khai mạc. Lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, tỉnh Yên Bái, cùng hàng vạn người dân và du khách thập phương đã đến tham dự.

Tại Lễ khai mạc, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc bản địa, thể hiện giá trị truyền thống của vùng đất Mường Lò - Nghĩa Lộ và Mù Cang Chải như: Biểu diễn đường phố, tái hiện các phong tục, tập quán, trang phục truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn; màn biểu diễn Khèn bè - nhạc cụ dân tộc truyền thống của người Thái; màn đại xòe với gần 800 người tham dự; biểu diễn hát dân ca Hạn Khuống của người Thái…

Cũng tại Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò năm 2017, đại diện Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố và trao giấy chứng nhận "Nghệ thuật Hạn Khuống của người Thái thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái” được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục Guiness chiếc Khèn bè lớn nhất Việt Nam…

Ông Hà Văn Nam - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết, với việc tái hiện nét văn hóa đặc sắc, Tuần Văn hóa - Du lịch lần này được tổ chức nhằm thu hút du khách đến với vùng đất văn hóa Mường Lò cũng như các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái.

Trong những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái đã có nhiều ý tưởng sang tạo trong việc phối hợp nhằm phát triển du lịch, thu hút ngày càng đông đảo du khách đến với vùng đất giàu văn hóa này; xây dựng các huyện phía Tây trở thành một trong bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh Yên Bái.

Trong thời gian diễn ra sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2017, tại Mường Lò - Thị xã Nghĩa Lộ có nhiều hoạt động như: diễu hành và biểu diễn nghệ thuật đường phố, hội thi ẩm thực “Hương vị Mường Lò” và các hoạt động du lịch cộng đồng...

Tại Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải cũng diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng" tại Đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải; các hoạt động du lịch cộng đồng...

Tại các huyện Văn Chấn và Trạm Tấu sẽ giới thiệu hoạt động du lịch mạo hiểm khám phá đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù và thác Háng Tề Chơ (huyện Trạm Tấu); tổ chức kết nối với các hãng lữ hành giới thiệu tour du lịch trải nghiệm hoạt động du lịch cộng đồng tại bản Pang Cáng, Lìm Thái; tổ chức giải đua ngựa năm 2017; hội thi trình diễn trang phục các dân tộc và lễ hội mừng cơm mới, hội thi giã cốm ở huyện Văn Chấn;…

Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải sẽ diễn ra đến hết ngày 29-9-2017.

Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”

 
 Festival dù lượn năm 2017 với chủ đề “Bay trên mùa vàng”.


Sáng 23-9, tại đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái), Festival dù lượn năm 2017 với chủ đề “Bay trên mùa vàng” đã khai mạc. Đây là sự kiện dù lượn lớn nhất cả nước, trở thành hoạt động thường niên, thu hút hàng ngàn người đến với đèo Khau Phạ - một trong “tứ đại đỉnh đèo” và huyện Mù Cang Chải - nơi mệnh danh là đỉnh trời Tây Bắc.

Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” năm 2017 là một trong những điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động của Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội Khám phá Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Festival năm nay thu hút 111 phi công trong và ngoài nước cùng nhiều du khách tham gia.

Trong khuôn khổ Festival, nhiều hoạt động được tổ chức như: trình diễn, hóa trang thành các nhân vật để thi dù lượn; hướng dẫn du khách tham gia hoạt động dù bay từ đèo Khau Phạ và trao giải hội thi dù lượn. Festival dù lượn nhằm tôn vinh vẻ đẹp ruộng bậc thang, khuyến khích việc giữ gìn, phát huy giá trị của vẻ đẹp tự nhiên và quá trình lao động miệt mài, sáng tạo của đồng bào các dân tộc nơi đây trong suốt nhiều thế kỷ qua để tạo nên những “kỳ quan” của vùng đất Tây Bắc.

Ông Hoàng Mộng Long, Huấn luyện viên trưởng, Chủ tịch Câu lạc bộ dù lượn Vietwing cho biết: Năm nay có 9 đội dù lượn tham dự Festival. Điểm khác biệt của Festival năm 2017 là các đội bay không quá chú trọng vào thi đấu thắng thua; chủ đề năm nay là hóa trang, các đội sẽ bay để quảng bá hình ảnh của đèo Khau Phạ và huyện Mù Cang Chải, chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào huyện Mù Cang Chải - nơi vừa trải qua trận lũ lịch sử.

Khau Phạ là một trong những đèo dài nhất nước, cao trên 1.200m so với mực nước biển, điểm cất cánh cách điểm hạ cánh chênh cao khoảng 600m. Với các điều kiện tự nhiên về địa hình, gió và đặc biệt vào thời điểm mùa lúa chín vàng, nơi đây đã trở thành điểm bay hấp dẫn của môn thể thao dù lượn. Khau Phạ được nhiều phi công trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những điểm nhảy dù lượn đẹp nhất trên thế giới.

Ông Vũ Tiến Đức, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, kết thúc Festival năm nay, UBND huyện sẽ trao giấy khen và bằng chứng nhận cho các đội tham gia và kỷ niệm năm thứ 5 Câu lạc bộ dù lượn Vietwing tổ chức bay dù lượn ở Khau Phạ. Việc tổ chức Festival góp phần rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh ruộng bậc thang và những sản vật của Khau Phạ cũng như huyện Mù Cang Chải, thu hút du khách đển với mảnh đất hùng vĩ và giàu giá trị văn hóa này.

Trung bình mỗi năm, huyện Mù Cang Chải thu hút 20-30 nghìn lượt du khách. Riêng trong năm 2016, nhờ quảng bá tốt hình ảnh, đã có 45 nghìn lượt du khách đến với huyện.

Đây là lần này là lần thứ 2 trong năm 2017 sự kiện dù lượn diễn ra tại đèo Khau Phạ. Lần đầu được tổ chức tháng 5-2017 với chủ đề “Bay trên mùa nước đổ”. Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” diễn ra đến hết ngày 24-9.

Khẳng định vị thế của du lịch Thủ đô

Hà Nội có sự đầu tư tích cực tạo những bước tiến dài trong phát triển du lịch vài năm trở lại đây. Trong đó, thành phố đặc biệt chú trọng phát triển sản phẩm đặc thù mang thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở khai thác các tài nguyên văn hóa, lịch sử, nhân văn của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Với lợi thế về chiều sâu văn hóa hàng nghìn năm, dấu tích để lại là cả hệ thống di sản đồ sộ, các danh thắng đặc sắc cùng nếp sinh hoạt riêng có của người dân, Hà Nội đang tận dụng tiềm năng này để tạo sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu như trước đây, sản phẩm du lịch được phát triển mang tính đa dạng với mọi loại hình, những năm trở lại đây, các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái của Hà Nội được tập trung khai thác, đặc biệt trong khu vực nội đô.

Có thể thấy, khu di sản Thăng Long gắn với quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang khẳng định là chuỗi sản phẩm quan trọng của Hà Nội. Ngành Du lịch đã thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long Tứ Trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Tại nhiều tuyến điểm này, thành phố đầu tư, nâng cấp, tổ chức các hoạt động văn hóa tạo sức hút đối với du khách. Đáng kể nhất là việc tổ chức thành công không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận tạo hiệu ứng lớn cho du lịch Thủ đô. Tiếp đến là phát triển các điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch như: “Không gian áo dài Việt Nam” Lanhuong Fashion House, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thời trang tương lai, tạo điểm đến chất lượng cao trong hành trình khám phá Hà Nội của du khách; “Không gian văn hóa Hà Nội” tại đình Đồng Lạc trưng bày và trình diễn các sản phẩm thủ công truyền thống. Hà Nội xây dựng 4 tour du lịch đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội miễn phí và tour “Cảm xúc Hà Nội” nhằm mang đến những trải nghiệm cho khách khi tham quan di sản và khám phá cuộc sống thường nhật của người dân Thủ đô.

Bên cạnh khai thác tiềm năng du lịch khu vực nội đô, ngành Du lịch thành phố Hà Nội còn khai thác các loại hình văn hóa nghệ thuật gắn với di sản như sản phẩm: múa rối nước Đào Thục gắn với di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh), khu vực đền thờ Hai Bà Trưng gắn với làng hoa xã Tiền Phong (huyện Mê Linh). Một mặt, tiềm năng du lịch sinh thái được đưa vào khai thác bằng việc phát triển sản phẩm khu vực Ba Vì với hệ thống di tích lịch sử đền Hạ, đền Trung, đền Thượng; đền thờ Bác Hồ gắn với Khu di tích K9, Đá Chông và cảnh quan thiên nhiên rừng quốc gia Ba Vì…

Trong thời gian ngắn, thành phố có thêm nhiều điểm đến mới, nhiều sản phẩm mang tính đặc thù và không ngừng tạo ra các sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống một cách bền vững. Hà Nội tiếp tục được nhiều tổ chức có uy tín về hoạt động du lịch đánh giá tốt trong thời gian qua về giá trị điểm đến nổi trội so với các địa phương khác trong nước cũng như các thành phố trong khu vực và trên thế giới./.