TCCSĐT - Ngày 26-7-2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông tin về tình hình chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2017; cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2018 đối với lao động trong doanh nghiệp; các vấn đề xung quanh việc thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 01-01-2018 trở đi; việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo một mẫu thống nhất, đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã số bảo hiểm xã hội.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại Hội nghị, các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí được Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về một số nội dung sau:

Một là, về tình hình chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã tiếp nhận 75,9 triệu hồ sơ điện tử với số tiền đề nghị thanh toán trên 39.304 tỷ đồng, tăng 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh (14,3%) và trên 10 nghìn tỷ đồng (30,1%) so với cùng kỳ năm trước. 56 tỉnh chi vượt quỹ khám chữa bệnh được sử dụng 6 tháng đầu năm trên 8.480 tỷ đồng, các tỉnh có số chi vượt quỹ lớn là: Nghệ An (627,2 tỷ - vượt 65% quỹ), Thanh Hóa (595,6 tỷ - vượt 52% quỹ), Quảng Nam (411,2 tỷ - vượt 82% quỹ), Quảng Ninh (288,8 tỷ - vượt 54% quỹ), Hải Dương (283,6 tỷ - vượt 44% quỹ), Hà Tĩnh (208,4 tỷ - vượt 55% quỹ).

Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 75,6 triệu, tăng hơn 6,7 triệu so với cùng kỳ năm trước. Toàn quốc gia tăng chi bình quân/thẻ so với cùng kỳ là 21%, 33 tỉnh tăng trên 20%, trong đó Lạng Sơn, Bình Phước, Đắc Nông tăng trên 70%, Quảng Ngãi, Điện Biên, Kon Tum trên 60%. Chi bình quân ngoại trú tại Phú Thọ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa cao gấp 1,5 đến 2,16 lần toàn quốc. Ngoài hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Cần Thơ đều có mức chi bình quân đợt điều trị nội trú cao hơn bình quân toàn quốc.

Từ 21-4-2017, 63 tỉnh đã áp dụng đầy đủ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương. Cơ cấu chi Quỹ Bảo hiểm y tế thay đổi, tỷ trọng chi thuốc giảm từ 43,69% xuống 36,02%, chi tiền khám và tiền giường từ 2,2% tăng lên 21,2% (từ 740,7 tỷ tăng lên 9.214 tỷ). Giá tiền giường tăng cao là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng chỉ định vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày nằm viện quá mức cần thiết, nhiều trạm y tế tuyến xã, bệnh viện tuyến huyện chỉ định nằm viện kéo dài nhiều ngày.

Một số cơ sở khám chữa bệnh tách nhiều hồ sơ thanh toán trong một đợt điều trị ngoại trú để tính thêm tiền khám bệnh, tăng số lượt để giảm mức chi bình quân đồng thời người bệnh không phải cùng chi trả. Chi xét nghiệm cận lâm sàng tăng 14,7%, chi chẩn đoán hình ảnh toàn quốc tăng 37,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hai là, tình hình triển khai Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế.

Toàn quốc tỷ lệ liên thông dữ liệu bình quân 6 tháng đạt 98,1%, 3 tỉnh có tỷ lệ liên thông thấp nhất là Bắc Ninh (89,1%), Thành phố Hồ Chí Minh (93,2%), Long An (94,8%). Tỷ lệ liên thông hằng ngày thấp do nhiều cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện tốt việc đồng bộ danh mục dùng chung, yêu cầu sửa, gửi lại nhiều lần. Trong 6 tháng đầu năm có 14 triệu hồ sơ ở trạng thái từ chối toàn bộ hoặc một phần. Hồ sơ bị từ chối tự động giảm dần sau mỗi tháng nhưng tỷ lệ vẫn cao (19,2% số hồ sơ, 8,8% chi phí) trong đó gần 80% do dữ liệu của cơ sở khám chữa bệnh áp sai mã dùng chung.

Trên cơ sở dữ liệu từ Hệ thống, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phân tích các hồ sơ đề nghị thanh toán, phát hiện các trường hợp chỉ định không phù hợp với quy trình kỹ thuật, hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, thanh toán sai tiền giường, tiền khám bệnh, chỉ định quá mức cần thiết xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thuốc kháng sinh, thuốc bổ trợ, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh giám định, từ chối thanh toán trên 300 tỷ đồng.

Từ tháng 4-2017, Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế đã kết nối với Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh để chia sẻ thông tin về tình hình sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế, những dấu hiệu lạm dụng để phối hợp kiểm tra, ngăn ngừa trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế.

Ba là, cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2018 đối với lao động trong doanh nghiệp.

Đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01-01-2018, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm (hệ số) và các khoản phụ cấp chức vụ (hệ số), phụ cấp thâm niên vượt khung (%), phụ cấp thâm niên nghề (nếu có) (%) trên cơ sở mức mức lương cơ sở do Nhà nước quy định từng thời kỳ.

Đối với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP, ngày 11-11-2015, của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Khoản 2 Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 29-12-2015, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc; Điều 4 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 16-11-2015, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, ngày 12-01-2015, của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động; Điều 3 Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 23-6-2015, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, từ 01-01-2018 tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Bốn là, một số vấn đề xung quanh việc thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu từ ngày 01-01-2018 trở đi.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 01-01-2018, sẽ bắt đầu áp dụng lộ trình thay đổi cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Cụ thể như sau:

- Lao động nam được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội khi có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 16 năm và nghỉ hưu năm 2018, đủ 17 năm và nghỉ hưu năm 2019, đủ 18 năm và nghỉ hưu năm 2020, đủ 19 năm và nghỉ hưu năm 2021, đủ 20 năm và nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi;

- Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi thì 15 năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Năm là, việc cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo một mẫu thống nhất, đổi thẻ bảo hiểm y tế theo mã sổ bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2006 thì tổ chức bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp sổ bảo hiểm xã hội đến từng người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian làm việc tại đơn vị và chỉ trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người lao động không còn làm việc. Theo quy định này, người lao động không nắm được thông tin về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của bản thân, nhiều trường hợp đơn vị sử dụng lao động vẫn trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động hằng tháng nhưng không nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội mà chiếm dụng với mục đích khác; thậm chí chủ sử dụng lao động không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi có nhu cầu chuyển nơi làm việc mới.

Tại hội nghị, các câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên xoay quanh một số nội dung như tình trạng thải loại lao động trên 35 tuổi; vấn đề nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình ở đâu?... đã được Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cũng như đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam giải đáp đầy đủ, thấu đáo…/.