Tỉnh Kiên Giang quan tâm đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển
TCCS - Là một tỉnh ven biển, một cực phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển mạnh kinh tế biển, đưa kinh tế biển trở thành cầu nối quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã và đang ra sức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển mạnh kinh tế biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Bước chuyển từ kinh tế biển
Kiên Giang là một trong 28 tỉnh, thành trong cả nước có biển, ven biển với hệ sinh thái vùng ngập mặn phong phú và đa dạng; tài nguyên phong phú với tiềm năng đất đai, đồi núi, khoáng sản, rừng nguyên sinh, biển, đảo. Vùng biển Kiên Giang rộng lớn với diện tích khoảng 63.300km2, bờ biển dài khoảng 200km với hơn 140 đảo nổi lớn, nhỏ tạo thành 05 quần đảo, trong đó đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc. Nằm trong vịnh Thái Lan, Kiên Giang có điều kiện giao thương với các nước Đông Nam Á. Tỉnh có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 02 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải; phần đất liền ven biển trải dài qua 7 đơn vị hành chính cấp huyện với 68/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển. Vị trí và điều kiện tự nhiên đặc thù đó đã tạo ra cho Kiên Giang nhiều lợi thế, tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế biển, đảo.
Quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Kiên Giang đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện. Cụ thể là Chương trình hành động số 12/CTr-TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 51/KH-UBND và Chương trình số 367/CTr-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015. Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức hội nghị quán triệt các chương trình, kế hoạch này đến các cấp, các ngành trong toàn Đảng bộ để triển khai thực hiện. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các ngành chức năng cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW với 56 dự án, đề án nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh vùng biển, hải đảo và ven biển của tỉnh đến năm 2020, với nhiều giải pháp khả thi, phù hợp với thực tế của từng địa phương trong tỉnh. Qua đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế biển, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện, tạo được nhiều chuyển biến tích cực, đưa kinh tế biển của tỉnh có bước phát triển mới, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đúng hướng, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế biển luôn được quan tâm chú trọng, tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, đảo được tăng cường. Các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển và hải đảo tăng về sản lượng và giá trị. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, như các cảng biển, sân bay, đường hành lang ven biển, khu neo đậu tàu,... đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án du lịch quy mô lớn được hoàn thành đưa vào khai thác. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được triển khai đến tận các xã, đảo; đời sống của nhân dân ven biển, trên các đảo từng bước được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định. Giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang ổn định và luôn giữ ở mức khá cao. Năm 2015 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,62%, trong đó đóng góp của kinh tế biển chiếm khoảng 75,6% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh). Kết quả cụ thể ở một số lĩnh vực trong phát triển kinh tế biển như sau:
Tập trung chỉ đạo khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi; đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản với nhiều chủng loại đa dạng có giá trị kinh tế cao. Diện tích thả nuôi đạt hơn 173.005ha, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 674.845 tấn. Chế biến xuất khẩu thủy sản ngày càng tập trung theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 14 nhà máy chế biến thủy sản với dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại có tổng công suất khoảng 283.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 230 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 7,84%/năm.
Du lịch biển có bước phát triển đáng kể, kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các vùng biển, đảo được tập trung đầu tư; các sản phẩm du lịch biển, đảo ngày càng đa dạng, các cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển. Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch Phú Quốc. Đến nay, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như sân bay quốc tế Phú Quốc với nhiều chuyến bay quốc tế; cảng hành khách quốc tế, cảng hàng hóa cũng đã được đầu tư; hệ thống đường bộ quan trọng trên đảo đã hoàn thành; điện lưới quốc gia đã được chuyển tải ra Phú Quốc; hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng, bệnh viện quốc tế đã phục vụ tốt cho đầu tư phát triển và du lịch trên đảo; các dự án du lịch, các khu vực vui chơi, giải trí chất lượng cao đã và đang được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế - xã hội ở Phú Quốc nói riêng và cả tỉnh Kiên Giang nói chung. Năm 2015, tỉnh Kiên Giang thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch (trong đó khách quốc tế hơn 220 nghìn lượt khách), tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.905 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2010.
Huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế biển, với tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển giai đoạn 2011 - 2015 đạt 111.000 tỷ đồng, bằng 80% tổng số vốn đầu tư toàn tỉnh, trong đó nguồn vốn ngân sách chiếm 30% tổng vốn đầu tư. Trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hút gần 312 dự án ven biển, quy mô gần 10.245ha, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 138.189 tỷ đồng, trong đó có 98 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Đạt được những thành tựu nêu trên là do thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh đã nâng cao trách nhiệm, chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tạo được sự chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhờ đó các hoạt động kinh tế biển ngày càng phát triển; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế biển tăng khá cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo được quan tâm và tăng cường. Phát triển phù hợp các loại hình sản xuất, các ngành, nghề nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng của biển. Tỉnh có chính sách ưu đãi, phù hợp trong thu hút đầu tư để khai thác tốt nhất tiềm năng biển, đảo, nhất là trong phát triển dịch vụ du lịch biển, đảo; trong khai thác nuôi trồng và chế biến thuỷ, hải sản.
Hạn chế và những bài học kinh nghiệm
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Kiên Giang cũng còn một số hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế biển. Đó là:
Kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giá trị khai thác và nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng trưởng nhưng chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo chưa bảo đảm yêu cầu phát triển; nguồn lợi ven biển còn lớn nhưng chưa khai thác hiệu quả; ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều; kết cấu hạ tầng du lịch biển, đảo còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa cao, sản phẩm du lịch nhìn chung còn đơn điệu chưa thật hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế biển ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chậm nên tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa được phát huy. Quản lý và điều hành thực hiện phát triển kinh tế biển có mặt chưa được quan tâm đúng mức, các nguồn vốn đầu tư các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được bảo đảm. Các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước chưa phát huy hiệu quả đồng bộ.
Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả, nhất là hệ thống hạ tầng cảng biển, sân bay. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do thiếu quy hoạch vùng biển, ven biển và hải đảo. Chất thải từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ có nguy cơ bị ô nhiễm nặng. Các phương thức quản lý biển tiên tiến chưa được nghiên cứu áp dụng, như quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển. Các mô hình sản xuất, các ngành, nghề khai thác tiềm năng biển còn nhỏ lẻ, chưa có tính liên kết cao.
Từ những thành tựu và hạn chế trong phát triển kinh tế biển thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Một là, để phát triển tốt kinh tế biển, đảo đòi hỏi các cấp ủy đảng và chính quyền phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành với những chủ trương, kế hoạch, đề án, dự án cụ thể, khả thi, phù hợp với thực tế của địa phương. Qua đó mới có thể tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển đối với sự phát triển của tỉnh.
Hai là, xác định cụ thể những nhiệm vụ trọng tâm, công trình, dự án trọng điểm cần xây dựng và cân đối được nguồn lực thực hiện hoàn thành trong cả giai đoạn, xem đây là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung chỉ đạo, điều hành, định kỳ có sơ, tổng kết đánh giá kết quả. Tránh đề ra nhiều chương trình, đề án, dự án chung chung nhưng không cân đối, không tính toán được nguồn vốn để thực hiện.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế biển, nhất là trên các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch biển, đảo. Cụ thể như chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ chuyển đổi ngành, nghề, chính sách đối với hợp tác xã,...
Bốn là, trong công tác quy hoạch, cần căn cứ vào tình hình thực tiễn của ngành, nghề, lĩnh vực, từ đó xác định vị trí quy hoạch tạo quỹ đất phù hợp, thuận lợi khi triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi thu hút đầu tư; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu của ngành, địa phương mà không bảo đảm tính thực tế, khả thi.
Năm là, quan tâm củng cố quốc phòng - an ninh ở các địa phương ven biển, hải đảo. Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gắn với tăng cường kiểm tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Các hoạt động kết hợp phải được tiến hành trong từng cơ sở đánh bắt hải sản, khai thác tài nguyên, phát triển du lịch, dịch vụ, nghiên cứu khoa học biển.
Định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã xác định một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong nhiệm kỳ này mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh cần tập trung sức thực hiện là phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Định hướng phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2015 - 2020 được đề ra là:
- Xây dựng quy hoạch phát triển các vùng ven biển, hải đảo đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm là quy hoạch xây dựng các địa bàn, trung tâm kinh tế biển, làm cầu nối gắn liền với các trung tâm kinh tế của tỉnh.
- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng ven biển, hải đảo, nhất là đầu tư xây dựng Phú Quốc thành trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao theo Quyết định số 178/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển thủy sản đồng bộ cả khai thác, nuôi trồng và chế biến. Tiếp tục thực hiện chương trình khai thác hải sản xa bờ, phát triển vận tải (đường hàng không, đường biển, đường bộ) đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách. Xây dựng chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, coi đây là một điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế biển bền vững.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần tập trung thực hiện tốt trong nhiệm kỳ 2015 - 2020:
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận số 60-KL/TW, ngày 16-4-2013, của Bộ Chính trị khóa XI về kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.
Hai là, chú trọng đầu tư khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nuôi trồng thủy sản ven biển, quanh các đảo, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và vùng biển, đảo; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn của Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam.
Ba là, phát triển mạnh du lịch biển đảo, trọng tâm là xây dựng đảo Phú Quốc thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển - đảo hiện đại, cao cấp, tầm cỡ khu vực và quốc tế; tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long; phát triển thêm du lịch biển, đảo ở một số nơi có điều kiện, như quần đảo Bà Lụa - Kiên Lương; quần đảo Tiên Hải - Hà Tiên; Hòn Tre, Lại Sơn, Nam Du - Kiên Hải.
Bốn là, phát triển kinh tế hàng hải (dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), đầu tư nâng cấp cảng Hòn Chông - Kiên Lương; xây dựng cảng dịch vụ hậu cần dầu khí ở Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan, cảng biển Vịnh Đầm, cảng hành khách quốc tế Dương Đông - Phú Quốc, cảng Bãi Nò - Hà Tiên; phát triển đội tàu vận tải biển đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách trong tỉnh; mở hướng phát triển vận tải biển sang Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a.
Năm là, tập trung đầu tư, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, nhất là đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Gắn phát triển kinh tế biển với giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, chăm sóc sức khỏe nhân dân...
Sáu là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành trong nước, với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm tranh thủ vốn đầu tư, khoa học - công nghệ để phát triển kinh tế biển. Huy động, phát huy tối đa nguồn nội lực đi đôi với mở rộng hợp tác ngoài tỉnh, quốc tế, thu hút mạnh các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế biển. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế biển, tập trung vào lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp năng lượng, vận tải biển, dịch vụ - du lịch,...
Bảy là, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông” bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật..., nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến làm ăn, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, kinh tế biển nói riêng.
Tám là, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá về tiềm năng, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển của tỉnh, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dịch vụ kinh tế biển, du lịch, các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí; bảo vệ tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Chín là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước trong việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển, đảo với tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh. Xây dựng lực lượng quản lý và bảo vệ biển, đảo đủ mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh trên biển, đảo trong tình hình mới./.
Vãi chài… khen… chê(!)  (27/07/2017)
Binh chủng Tăng Thiết giáp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ  (27/07/2017)
Kỳ họp thứ ba Hội đồng Lý luận Trung ương  (27/07/2017)
Hoạt động tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ diễn ra trên khắp cả nước  (26/07/2017)
Phó Chủ tịch nước dự buổi gặp mặt các Mẹ Việt Nam Anh hùng  (26/07/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên