Phát triển cây xóa đói, giảm nghèo ở Phú Yên
TCCSĐT - Là địa phương có diện tích, sản lượng mía cao trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, thời gian qua, Phú Yên đã có nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ để phát triển ngành mía đường, đưa cây mía thực sự trở thành cây trồng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Sản xuất mía đường ở Phú Yên hiện nay
Xác định cây mía là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Phú Yên chủ trương tăng cường quản lý hoạt động sản xuất mía đường tại địa phương; phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu mía giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa (TUSUCO) (hai đơn vị sản xuất mía đường lớn nhất Phú Yên); chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, nhà máy trên địa bàn tỉnh phối hợp bảo đảm bền vững vùng nguyên liệu đã quy hoạch. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thu mua mía nguyên liệu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu; kịp thời phối hợp với các nhà máy để điều chỉnh giá mua nguyên liệu phù hợp với diễn biến giá của thị trường đường trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên. Bên cạnh đó, các công tác khác cũng được tăng cường, như công tác quản lý chất lượng phân bón (các nhà máy sản xuất phân bón nghiên cứu thổ nhưỡng, cây trồng để sản xuất phân bón chuyên dùng và có chính sách hậu mãi đủ cạnh tranh để liên kết hợp tác phát triển sản xuất với các nhà máy chế biến đường); đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu hoạch, đầu tư dịch vụ kết hợp giữa bốn nhà trong mô hình cánh đồng mẫu lớn, xây dựng hạ tầng vùng nguyên liệu; nghiên cứu xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và triển khai hỗ trợ đầu tư máy bơm nước từ nguồn năng lượng mặt trời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy, trong đó giai đoạn 2016 - 2020, phối hợp với các nhà máy tính toán xây dựng cánh đồng mẫu lớn thực hiện mô hình liên kết bốn nhà, phối hợp các sở, ngành, địa phương, các nhà máy triển khai thực hiện quy chế cho vay vốn mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía đường; tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên mía, sắn…; qua đó nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân áp dụng vào sản xuất.
Trên cơ sở các chính sách được ban hành, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã liên kết, hợp tác đầu tư, nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn tiêu biểu đạt quy mô lên trên 600 ha. Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến và nông dân trồng mía vay vốn. Sở Công an và Sở Giao thông - Vận tải có hướng dẫn, hỗ trợ các nhà máy trong hoạt động vận chuyển, thu mua nguyên liệu của nông dân được kịp thời, thuận lợi; các đơn vị phối hợp tuần tra, kiểm soát và thường xuyên nhắc nhở các phương tiện vận chuyển nguyên liệu thực hiện theo quy định.
Thời gian qua, các nhà máy sản xuất mía đường trên địa bàn Phú Yên tích cực đầu tư, đổi mới công nghệ để tăng hiệu suất thu hồi sản phẩm, thân thiện với môi trường; nâng công suất để rút ngắn thời gian sản xuất, nghiên cứu đầu tư nâng công suất và kết hợp di chuyển nhà máy đến vùng nguyên liệu tập trung. Các nhà máy mía đường triển khai mô hình sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đến sản xuất hoàn thiện sản phẩm đường và tận dụng phụ phẩm để sản xuất cồn, phân vi sinh, điện sinh khối… góp phần tích cực trong việc tổ chức sản xuất nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cây mía và đã tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy với bà con nông dân. Trong niên vụ 2015 - 2016, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã duy trì các chính sách đầu tư cho các hộ dân trồng mía trong vùng nguyên liệu, hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha cho những hộ trồng mới diện tích mía. Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng đang triển khai dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy tại Sơn Hòa lên 10 nghìn tấn/ngày, nhà máy tại Đồng Xuân lên 5 nghìn tấn/ngày từ niên vụ 2017 - 2018 nhằm rút ngắn thời gian ép mía từ 5 tháng xuống còn 3 tháng, góp phần tập trung đầu tư cho vùng nguyên liệu theo chiều sâu. Một số doanh nghiệp mía đường khác của Phú Yên cũng tăng cường khuyến khích người trồng mía ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất bằng các hình thức cho vay vốn ưu đãi để trang bị máy móc, thiết bị trong trồng trọt, sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Ngoài việc tập trung tái cơ cấu trồng mía theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, Phú Yên đã đề ra mục tiêu giảm diện tích, tăng năng suất cây mía từ 63,6 tấn/ha hiện nay lên 80 tấn/ha vào năm 2020…
Vụ 2015 - 2016, diện tích mía toàn tỉnh là 24.807 ha, năng suất bình quân đạt 60,7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.505.785 tấn. Toàn bộ mía nguyên liệu ở các địa phương trong tỉnh đã được mua hết đưa vào chế biến, trong đó các nhà máy chế biến được 1.128.883 tấn, chiếm 81,1% sản lượng mía toàn tỉnh và tăng 5,5% so với vụ trước. Giá thu mua nguyên liệu cũng được các nhà máy bảo đảm mức ổn định để cải thiện lợi nhuận của người trồng mía, bù đắp phần nào tổn thất bởi hạn hán, thiên tai. Trong vụ, giá đường biến động tăng, các nhà máy cũng kịp thời điều chỉnh để chia sẻ lợi ích với người trồng mía; qua đó duy trì gắn kết trách nhiệm giữa các bên để phát triển ổn định vùng nguyên liệu.
Trữ đường (chỉ lượng đường thương phẩm có thể lấy ra từ mía ở các nhà máy hay xí nghiệp chế biến đường mía) bình quân của mía đưa vào chế biến là 8,86 CCS (trữ đường), thấp hơn vụ trước gần 0,68 CCS, (Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa TUSUCO đạt 9,9 CCS; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đạt 8,6 CCS), nguyên nhân trữ đường giảm là do hạn hán. Thời gian qua, các nhà máy đường đã công bố hợp quy và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu, bước đầu mang lại hiệu quả, phần lớn bà con nông dân chấp nhận kết quả đánh giá trữ đường, tạp chất của các nhà máy. Tổng sản lượng đường chế biến công nghiệp đạt 116.575 tấn (tăng 15,1% so với vụ trước), chế biến đường khác là 15.330 tấn (tăng 5,6% so với vụ trước). Tổng lượng đường các nhà máy bán ra là 116.574 tấn (tăng 15,1% so với cùng kỳ) với giá bán đường tăng bình quân 1,9 triệu đồng/tấn đối với đường RS (đường kính trắng) và tăng 3,1 triệu đồng/tấn đối với đường RE (đường tinh luyện) so với vụ trước.
Nhờ cây mía mà nhiều nông dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, có thu nhập cao, với mức lãi trung bình từ 20-40 triệu đồng/1ha (có hộ trồng diện tích lớn tiền lãi lến đến hàng tỷ đồng). Các doanh nghiệp mía đường lớn ở Phú Yên nộp ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng và tạo việc làm gián tiếp cho hàng vạn lao động nông thôn, miền núi. Cụ thể là Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa giải quyết việc làm cho 374 người với thu nhập bình quân là 6.432.000 đồng/người/tháng; Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam giải quyết việc làm cho 641 người, thu nhập bình quân là 6.400.000 đồng/người/tháng.
Các nhà máy chế biến cũng tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đầu tư nhiều mô hình về cơ giới hóa, mô hình thâm canh cho mía. Song, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn, các bộ giống mía tuyển chọn được chưa đáp ứng đủ nhu cầu, việc nhân rộng các mô hình năng suất cao chậm được thực hiện nên năng suất mía vẫn chưa đạt được mục tiêu. Còn tình trạng các nhà máy gặp khó khăn trong việc xử lý tranh mua bán tại các vùng giáp ranh, tình trạng nông dân tự ý bán nguyên liệu ra ngoài, thu hoạch ồ ạt, phá vỡ hợp đồng vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, ngành mía đường Phú Yên vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, như diện tích mía tăng mạnh so với quy hoạch phá vỡ nhiều quy hoạch khác, nhất là quy hoạch lâm nghiệp; việc nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng cho năng suất cao (từ 80 tấn trở lên), ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu trồng, canh tác, thu hoạch,… còn hạn chế; cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp, đặc biệt là khâu thu hoạch. Công tác tuyển chọn, du nhập giống mới còn hạn chế, nhất là các bộ giống mía chín sớm, chín muộn để trồng rãi vụ; thiếu Trạm ứng dụng và nghiên cứu giống của doanh nghiệp; cơ cấu giống chưa phù hợp với từng loại đất; hệ thống thủy lợi nội đồng chưa đáp ứng được nhu cầu đã làm ảnh hưởng đến việc triển khai biện pháp trồng luân canh, rãi vụ; năng suất, chất lượng mía không được cải thiện qua nhiều năm và chưa đạt được mục tiêu chỉ đạo của tỉnh đối với mía trên 70 tấn/ha. Đặc biệt tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các nhà máy, đặc biệt tại một số xã giáp ranh với các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do quy mô nông hộ sản xuất nhỏ và manh mún, chưa sản xuất nguyên liệu theo quy mô lớn; các biện pháp dồn điền đổi thửa chậm được thực hiện và gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Công tác đầu tư các công trình thủy lợi gắn với phát triển hạ tầng vùng nguyên liệu chưa đồng bộ đã ảnh hưởng đến việc tưới tiêu; mặt khác, thời tiết nhiều năm qua không thuận lợi, khô hạn kéo dài đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo định hướng. Các địa phương thiếu tích cực trong việc chủ động, phối hợp quản lý vùng nguyên liệu và ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi tranh mua, tranh bán nguyên liệu tại địa bàn. Việc giải quyết cho thuê đất để doanh nghiệp đầu tư trạm ứng dụng, nghiên cứu giống mía gắn với doanh nghiệp còn chậm nên việc cải thiện bộ giống tốt chậm được thực hiện...
Định hướng phát triển sản xuất và chế biến mía đường thời gian tới
Trong niên vụ 2016 - 2017, diện tích mía dự kiến toàn tỉnh Phú Yên là 22.898 ha, sản lượng ước đạt 1.499.819 tấn. Trên cơ sở đó các nhà máy xây dựng kế hoạch ép 1.170.687 tấn mía, tăng 20,8% so với vụ trước; sản lượng đường sản xuất là 136.948 tấn (tăng 17,5% so với vụ trước), trong đó TUSUCO ép 270.687 tấn mía, tăng 38,7%; chế biến 26.948 tấn đường (tăng 45,1% so với vụ trước); KCP ép 900.000 tấn mía, tăng 16,3%; chế biến 110.000 tấn đường, tăng 12,2% so với vụ trước (trong đó, có 25.000 tấn đường tinh luyện từ đường thô). Phú Yên xác định cần thực hiện các giải pháp căn cơ và đồng bộ để phát triển bền vững ngành mía đường, đóng góp hiệu quả vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, cụ thể là:
Thứ nhất, về công tác quy hoạch.
Tăng cường quản lý và tiếp tục phát triển ổn định diện tích vùng nguyên liệu đã quy hoạch; tập trung đầu tư áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới nhằm tăng năng suất và chất lượng nguyên liệu. Đẩy mạnh việc dồn điền, đổi thửa để cải tạo đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng kỹ thuật thâm canh và cơ giới hóa; tiếp tục chuyển một số diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía theo quy hoạch.
Thứ hai, về đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ.
Các ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục chủ động phối hợp trong việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn để đẩy mạnh việc phát triển giao thông, thủy lợi nội đồng, tích cực đầu tư các công trình thủy lợi để tăng nhanh diện tích có tưới; tích cực nghiên cứu các giống mới, nhân rộng các bộ giống đã tuyển chọn trồng thí điểm đạt hiệu quả, phấn đấu đạt 2.175 ha đối với diện tích mía có năng suất từ 80 tấn trở lên. Tích cực triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và các chính sách có liên quan để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người nông dân. Các nhà máy chế biến tiếp tục thực hiện việc ký kết hợp đồng đầu tư và thu mua mía nguyên liệu trong vùng quy hoạch theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013 “Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn”. Chủ động xây dựng các vùng thâm canh mía tập trung, quy mô lớn; phấn đấu tăng gấp đôi diện tích đã được áp dụng cơ giới hóa trong khâu trồng trọt so với hiện trạng. Các nhà máy đường thực hiện nghiêm việc thu mua nguyên liệu, đánh giá tạp chất theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu. Các ngành, địa phương và doanh nghiệp mía đường trong tỉnh tăng cường quản lý vùng nguyên liệu mía; rà soát kế hoạch sản xuất, cải tiến phương thức thu mua nguyên liệu thuận lợi, bảo đảm thu mua mía kịp thời cho người dân. Phối hợp với các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định ký thỏa thuận liên kết vùng, chia sẻ, tôn trọng cam kết để bảo đảm vùng nguyên liệu mía đường bền vững.
Thứ ba, về ứng dụng khoa học công nghệ.
Tiếp tục chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ về giống mới có năng suất, chất lượng cao, áp dụng rộng rãi quy trình canh tác, phòng trừ sâu bệnh theo hướng tiên tiến; trồng luân canh, thâm canh, phát triển cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, từng bước mở rộng phương pháp tưới bổ sung và biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững… Đánh giá và nhân rộng kết quả các mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu quả, mô hình trồng sắn xen cây họ đậu; tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Lựa chọn các bộ giống mía, sắn tốt; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để hướng dẫn, khuyến cáo doanh nghiệp và nông dân áp dụng. Tăng cường công tác khuyến nông cho cây mía, sắn; chú trọng phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất hiệu quả; nắm bắt tình hình sâu bệnh và đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời.
Thứ tư, về công tác quản lý.
Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo các ngành liên quan cân đối vốn đầu tư các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; tích cực triển khai thực hiện các Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, ngày 25-10-2013, về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013, của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp và Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19-12-2013, của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai nhanh việc hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý vùng nguyên liệu đã được quy hoạch. Hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tổ chức quản lý vùng nguyên liệu trên địa bàn, xử lý hiệu quả tình trạng các nhà máy ngoài tỉnh vào tranh mua nguyên liệu tại địa phương. Chú trọng đầu tư xử lý và thực hiện đúng các nội dung trong cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, có các phương án cụ thể để khắc phục sự cố xảy ra trong quá trình sản xuất để rút ngắn thời gian sửa chữa.
Thứ năm, về công tác tuyên truyền.
Tăng cường công tác thông tin và truyền thông đến người nông dân về vai trò của cây mía với công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn Phú Yên. Vận động nông dân bán nguyên liệu sạch và trồng mía đúng quy hoạch. Phát động phong trào thi đua đầu tư thâm canh tăng năng suất mía trên 70 tấn/ha; tích cực lựa chọn giống mía mới có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện địa phương. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của việc buôn bán mía lậu ở mỗi người dân; giúp cho người nông dân hiểu về quyền lợi, trách nhiệm của phương thức sản xuất theo hợp đồng và nghiêm túc thực hiện hợp đồng kinh tế đã ký kết (đầu tư và thu mua nguyên liệu trong vùng quy hoạch) với các nhà máy trên địa bàn tỉnh, không bán nguyên liệu ra ngoài tỉnh. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược lâu dài, cân đối giá thu mua mía, tránh thiệt thòi cho nông dân, nên công bố giá mua mía đến hết vụ tạo tâm lý ổn định cho thị trường, gắn trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân qua hợp đồng tiêu thụ./.
Chủ tịch nước dự Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho các cụm công trình trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng  (17/05/2017)
Bắt đầu Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC  (17/05/2017)
Thủ tướng chủ trì họp giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp  (17/05/2017)
Bế mạc Phiên họp thứ 10 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV  (17/05/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm