Bàn giải pháp về chính sách tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh, thành phía Nam
TCCSĐT - Ngày 06-12-2016, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Bàn giải pháp về chính sách tín dụng nhằm chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh, thành phía Nam”. PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và PGS, TS. Nhà giáo ưu tú Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội thảo |
Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu là đại diện Tỉnh ủy, lãnh đạo các Ban Tuyên giáo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học ở các viện nghiên cứu, trường đại học ở các tỉnh, thành phố phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh.
Đọc Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm khơi thông dòng vốn chảy vào khu vực này. Các chính sách tín dụng về cho vay đã tác động mạnh mẽ và mang lại những hiệu quả cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh, thành phía Nam. Những kết quả đạt được của chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã khẳng định tính tất yếu và đúng đắn của việc triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững của Chính phủ, trong đó vai trò nguồn vốn tín dụng ngân hàng là hết sức quan trọng.
PGS, TS. Vũ Văn Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản,
đọc Báo cáo đề dẫn tại hội thảo
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vào thực tế nhiều chính sách, chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn cũng đã và đang bộc lộ những hạn chế, như: Thủ tục rườm rà, đối tượng, điều kiện tiếp cận bị thu hẹp, chi phí giao dịch cao, thời hạn cho vay ngắn; phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; nguồn lực đầu tư cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp rất hạn chế; chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi; tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân đối với nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng yêu cầu phát triển của khu vực này; chưa có sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, vì thế hiệu quả trong nông nghiệp và đầu tư tín dụng của ngân hàng còn thấp;.... PGS, TS. Vũ Văn Hà nhấn mạnh: Hội thảo này nhằm tổng hợp quá trình thực thi các chính sách, chương trình tín dụng vào thực tiễn hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thời gian qua; chỉ ra những hạn chế, tồn tại; đồng thời, đề xuất một số gợi ý trong việc xây dựng chính sách tín dụng phục vụ đắc lực hơn cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh, thành phía Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, với 67 tham luận và 9 ý kiến trình bày, thảo luận, các đại biểu đã tập trung góp ý, trao đổi 9 nội dung. Thứ nhất, những chủ trương, chính sách cần sửa đổi, bổ sung để khuyến khích và tạo động lực cho các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai, giải pháp đơn giản hóa quy trình, giảm thời gian xét duyệt cho vay và cho vay đúng đối tượng để hạn chế rủi ro cho ngân hàng. Thứ ba, xác định trách nhiệm của các bên tham gia và cách thu hồi vốn khi gặp rủi ro trong liên kết 4 nhà. Thứ tư, giải pháp khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và các ngân hàng thương mại cho vay các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi giúp người nông dân dễ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Thứ sáu, nâng cao trình độ của nông dân để có thể lập các phương án sản xuất - kinh doanh hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn của các tổ chức tín dụng. Thứ bảy, giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm nông nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng để nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp - nông thôn theo xu hướng hội nhập và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ tám, mở rộng dòng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả để thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của Đảng và Chính phủ. Thứ chín, tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, đầu tư mạnh mẽ và có hiệu quả cho hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.
Từ thực tiễn của tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Thị Kim Loan đề xuất: Thời gian tới, phải xác định hợp tác xã là nhân tố quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở các địa phương. Các chi nhánh ngân hàng thương mại cần chủ động tiếp cận với các hợp tác xã để nắm bắt nhu cầu vay vốn, xem xét phương án kinh doanh, đặc biệt đối với các hợp tác xã thực hiện mô hình liên kết chuỗi khép kín, và xem xét cho vay không cần tài sản thế chấp trên cơ sở bảo đảm kiểm soát được dòng tiền của hợp tác xã.
Trình bày tham luận “Tín dụng ngân hàng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao”, TS. Phan Thị Linh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị: Trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính nên phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí tăng nguồn ngân sách cho triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cao, hiện đại vào sản xuất thử nghiệm, sản xuất đại trà trong nông nghiệp; vốn tín dụng ngân hàng thương mại cần chủ động tham gia đầu tư, cho vay ở giai đoạn dự án cho ra sản phẩm, kết quả.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Trọng Liêm, để thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, một trong những nhân tố có tính đòn bẩy từ chính sách tín dụng là Nhà nước cần xem xét thực hiện hỗ trợ lãi vay cho các nông hộ. Thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy, nhờ có chương trình hỗ trợ lãi vay, đến nay 20.000 trong tổng số 30.000 hộ nông dân đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sạch.
PGS, TS. Phan Đức Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng để nâng cao chất lượng dịch vụ tín dụng phục vụ chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng trưởng bền vững, cần có chính sách khuyến khích mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ nông nghiệp (trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm...). Song song đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm mới thân thiện môi trường, phát triển những mô hình công nghiệp và kinh doanh hướng đến cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
PGS, TS. Nhà giáo ưu tú Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học
Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS, TS. Nhà giáo ưu tú Lý Hoàng Ánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định: Các tham luận, ý kiến được trình bày tại hội thảo đã làm rõ và thống nhất nhìn nhận rằng chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn nông thôn đã từng bước phát huy hiệu quả; góp phần tích cực hỗ trợ sản xuất, sinh hoạt và nâng cao đời sống của người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh, thành phía Nam. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng, cản trở mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Hội thảo đã nêu ra nhiều ý kiến đề xuất hướng bổ sung, giải pháp để sửa đổi, hoàn thiện chính sách tín dụng phục vụ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn ở các tỉnh, thành phía Nam trong thời gian tới, tạo động lực phát triển cho những năm tiếp theo. Sau hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tiến hành tổng hợp và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cơ bản nhằm tạo nền tảng và sức bật mới cho sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn các tỉnh, thành phía Nam./.
Phát triển một số lĩnh vực lý luận gắn liền với thực tiễn đổi mới đất nước trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng  (06/12/2016)
Phát triển một số lĩnh vực lý luận gắn liền với thực tiễn đổi mới đất nước trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng  (06/12/2016)
Khai mạc kỳ họp thứ ba HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX  (06/12/2016)
Đưa quan hệ Việt Nam-Canada phát triển thực chất, đi vào chiều sâu  (06/12/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự khai giảng Học viện Tòa án  (06/12/2016)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên