Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho người dân tỉnh Ninh Bình
TCCS - Là địa phương lưu giữ nhiều di sản quý giá, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang có nhiều hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, qua đó góp phần củng cố, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất cố đô Hoa Lư tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Các hoạt động phong phú, đa dạng
Để phát huy sức mạnh của nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi cá nhân, cơ quan, đơn vị và của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, tỉnh Ninh Bình xác định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tỉnh chủ trương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả Quy định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018, của Chính phủ Quy định quản lý và tổ chức lễ hội; Công văn số 2140-CV/TƯ, ngày 11-9-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Quyết định số 05/2021/QD-UBND, ngày 11-3-2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”; Nghị định số 122/NĐ-CP, ngày 17-9-2018 của Chính phủ Quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Ngày 22-2-2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 135-KH/BDVTU về công tác dân vận thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cùng với đó, phong trào xây dựng cơ quan văn hóa, doanh nghiệp văn hóa… không ngừng được đẩy mạnh và nâng cao chất lượng.
Với những hành động thiết thực trên, năm 2023, trên 99% đám cưới, đám tang trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được thực hiện theo nếp sống văn minh; 243 lễ hội truyền thống và lễ hội văn hóa được tổ chức với nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và công tác tổ chức. Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước được triển khai thường xuyên trong đời sống cộng đồng với 1.679 khu dân cư (đạt 100%) có hương ước, quy ước được cơ quan có thẩm quyền công nhận và tổ chức thực hiện hiệu quả gắn với đời sống của từng cộng đồng dân cư.
Các địa phương trên địa bàn chú trọng việc nâng cao chất lượng xây dựng làng, thôn, bản, phố văn hóa; công khai các tiêu chuẩn xây dựng khu dân cư văn hóa; thực hiện đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu công khai, dân chủ, bảo đảm đúng quy trình. Công tác nâng cao chất lượng phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa của các thôn, xóm, bản, làng, phố, tổ dân phố luôn được quan tâm chỉ đạo gắn với việc triển khai xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Phong trào được toàn thể nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng bằng những hành động cụ thể, như: đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng xã hội dân chủ, đoàn kết tương thân tương ái, bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội... Phong trào đã khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo và khả năng của mỗi người, mỗi gia đình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh đối với từng người, từng cộng đồng dân cư, thúc đẩy đời sống kinh tế ngày càng ổn định và phát triển. Năm 2023, toàn tỉnh có 1.638/1.679 (đạt 97,56%) thôn, xóm, làng, phố tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa trong đó 234 thôn, xóm, làng, phố tổ dân phố được khen thưởng.
Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử văn minh trong mỗi gia đình, dòng tộc, cộng đồng, dân cư trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện ngày càng hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử. Việc giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, kết hợp với nhà trường và xã hội được đổi mới và hoàn thiện. Vai trò bảo tồn, nuôi dưỡng, lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc từ gia đình được phát huy, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Các địa phương đã bám sát tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện, lồng ghép việc vận động, xây dựng gia đình văn hóa với thực hiện nhiệm vụ, phong trào của ngành, hội, đoàn thể, như tuyên truyền thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, Hội Phụ nữ với phong trào xây dựng “Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào “Gia đình nông dân hạnh phúc”; Hội Người cao tuổi thực hiện “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”...; qua đó tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về vai trò và vị trí của xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; đạo đức, gia phong của gia đình, dòng họ được gìn giữ; tinh thần cố kết cộng đồng làng xã được phát huy và trao truyền. Trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2023 có 275.891/298.887 (đạt 92,31%) gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các nội dung của cuộc vận động theo yêu cầu tiêu chí của giai đoạn mới. Xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh, nông thôn phát triển trở thành phong trào sâu rộng, khắp các địa phương trong tỉnh, nhân dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi; chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn. Các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền, vận động hình thành nếp sống, thói quen tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và cộng đồng; đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường; triển khai, nhân rộng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải bằng men vi sinh tại gia đình và địa bàn khu dân cư” tại 91 xã, phường, thị trấn, 643 khu dân cư với 37.790 hộ gia đình cam kết thực hiện. Các cấp Hội Phụ nữ vận động kinh phí, ngày công trồng mới 113 km “Đường cây/đường hoa phụ nữ”, 125 bồn hoa với trên 125.000 cây các loại, tặng 580 thùng rác cho các hộ gia đình, tổ chức 425 buổi tổng vệ sinh... với tổng số tiền trên 8 tỷ đồng. Cấp ủy, chính quyền tuyên truyền vận động nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, tích cực phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Liên đoàn Lao động tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động, phát động, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận đông “Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động”, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh và phong trào “Vì một môi trường lao động xanh - sạch - đẹp”, “Sáng, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”, xây dựng mô hình “Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân”, duy trì hoạt động của 890 tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Sở Nội vụ tỉnh phối hợp, lồng ghép tuyên truyền thực hiện quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước về giao tiếp ứng xử văn hóa, văn minh cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động khi thực hiện công vụ. Bên cạnh đó, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và người lao động được duy trì, phát triển. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chú trọng xây dựng sân chơi thể thao, trang bị các dụng cụ tập luyện; thành lập, duy trì thường xuyên các câu lạc bộ theo sở thích thu hút đông đảo công chức, viên chức, công nhân và người lao động tham gia góp phần xây dựng nếp sống văn minh, tác phong, lề lối làm việc nơi công sở; xây dựng môi trường công sở, doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; môi trường văn hóa cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lành mạnh, phát triển đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở của tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp về cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị chuyên ngành; bảo quản và khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có, giữ gìn cảnh quan, môi trường các thiết chế văn hóa sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích của người dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 142/143 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (đạt 99,3%), khoảng 1.616/1.679 (đạt 96,25%) thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố, phố có nhà văn hóa gắn với sân thể thao, khu thể thao đơn giản. Các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tại cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng, huấn luyện kết nối về chuyên môn của các thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh, cấp huyện đối với thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã và khu dân cư.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cơ sở ngày càng phát triển, các tổ, đội văn nghệ, thể thao được thành lập và tổ chức sinh hoạt thường xuyên, góp phần khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, các diễn xướng dân gian truyền thống, tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người và bồi dưỡng năng khiếu cho thanh, thiếu niên. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 câu lạc bộ cấp tỉnh, 181 câu lạc bộ cấp huyện và 837 tổ, đội, nhóm văn nghệ quần chúng. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng, liên hoan, hội diễn, giao lưu văn nghệ quần chúng, hội thi thể thao, ngày hội văn hóa, thể thao trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, năm 2023, ngành văn hóa và thể thao tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân với 432 buổi chiếu phim lưu động và 17 buổi chiếu phim tại rạp; tổ chức luân chuyển 911.000 lượt sách, báo, tạp chí, phục vụ 430.800 lượt bạn đọc, cấp và đổi mới 5.908 thẻ bạn đọc, tổ chức chương trình ngoại khóa tại 79 điểm trường học, kết hợp phục vụ tại xe thư viện lưu động được 41.998 lượt học sinh với 135.000 lượt sách đến tay các em, trao tặng 2.707 cuốn sách... Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tổ chức 3 lớp bồi dưỡng, truyền dạy hát chèo, hát xẩm và sử dụng nhạc cụ dân tộc tại huyện Hoa Lư, Yên Khánh và Gia Viễn; phối hợp với huyện Nho Quan tổ chức 8 lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy văn hóa phi vật thể, kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường; tổ chức Lễ phát động Tháng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân; góp phần làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2023, tỉnh cũng tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh với tổng số 52 tiết mục ca múa nhạc của 10 đơn vị được chuẩn bị công phu, có sự đầu tư tốt về phục trang, đạo cụ, có ý tưởng nghệ thuật mới mẻ, kỹ năng biểu diễn thuần thục nên mang lại cảm xúc đặc biệt cho khán giả; Liên hoan các câu lạc bộ nghệ thuật không chuyên tỉnh Ninh Bình năm 2023; Liên hoan hát xẩm - Ninh Bình năm 2023 với 20 câu lạc bộ hát xẩm và thu hút gần 200 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công đại diện cho 10 tỉnh, thành phố; Triển lãm “Không gian di sản văn hóa và sản phẩm thủ công truyền thống”; chương trình nghệ thuật phục vụ gặp mặt mừng Đảng mừng xuân; các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Đặc biệt, ngày 26-4-2024, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức, Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, qua đó lan toa các giá trị văn hóa của vùng đất cố đô tới đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa của người dân Ninh Bình thời gian tới
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa của người dân trên địa bàn tỉnh, cụ thể là:
Một là, tiếp tục thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg, ngày 28-12-2021, của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 318/QĐ-UBND, ngày 4-4-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương; đưa nhiệm vụ thực hiện các nội dung phong trào vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, trên cơ sở đó tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần củng cố, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp các ngành trong tổ chức thực hiện phong trào, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia góp phần nâng cao chất lượng phong trào. Đặc biệt áp dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền tổ chức thực hiện phong trào, nội dung tuyên truyền tập trung vào các gương điển hình, gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp với từng nhóm đối tượng, lên án các thói hư tật xấu, biểu hiện tiêu cực tạo sức lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống văn hóa.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào gia đình văn hóa; khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hóa và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh, trong đó tập trung tổ chức thực hiện việc đăng ký, đăng ký lại, bình xét, công nhận, công nhận lại các danh hiệu văn hóa đúng quy trình, đúng thời gian, đúng tiêu chuẩn theo quy định.
Bốn là, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp, phát huy vai trò, tích cực, chủ động của các ngành thành viên Ban Chỉ đạo. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; quản lý, điều hành của chính quyền; phối hợp đồng bộ giữa chính quyền và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động và các đoàn thể trong thực hiện các nội dung của phong trào trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở, xã, phường, thị trấn, cán bộ tham mưu thực hiện phong trào của các cơ quan thường trực ban chỉ đạo các cấp.
Năm là, tiếp tục củng cố hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, công năng của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để bổ sung trang thiết bị chuyên ngành, xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình văn hóa, thể thao công cộng phục vụ nhân dân và các đối tượng thanh thiếu niên, công nhân lao động. Hướng dẫn, xây dựng các mô hình hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với từng khu vực. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; phát triển sâu rộng phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng trong các địa bàn dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Chú trọng khai thác các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Sáu là, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để kịp thời đánh giá, điều chỉnh, uốn nắn những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở, biểu dương khen thưởng các điển hình tiên tiến; phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các biểu hiện thiếu trách nhiệm, vi phạm trong việc xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân tỉnh Ninh Bình./.
Một số vấn đề về ứng phó với bão, lụt - góc nhìn từ tỉnh Ninh Bình qua cơn bão số 3  (25/09/2024)
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới  (25/09/2024)
Tỉnh Ninh Bình bảo tồn và phát huy các giá trị làng nghề truyền thống  (24/09/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên