Tỉnh Kon Tum thực hiện tốt công tác nội chính, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề cho ổn định, phát triển kinh tế - xã hội

U Huấn
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum
00:45, ngày 28-08-2022

TCCS - Thời gian qua, công tác nội chính tỉnh Kon Tum đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm và vi phạm pháp luật; giữ vững trật tự, kỷ cương, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội,... Trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác nội chính, tạo cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội.

Những kết quả đạt được

Kon Tum là tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên, được thành lập vào tháng 8-1991 (sau khi tách ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum), diện tích tự nhiên  9.690,46km2 với đường biên giới dài 292,522km giáp hai nước bạn Lào và Cam-pu-chia. Hiện nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 13 xã biên giới); dân số toàn tỉnh khoảng 568.000 người với 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó, tỷ lệ đồng bào là người dân tộc thiểu số chiếm 54,93%. Thời gian qua, hệ thống chính trị tỉnh Kon Tum không ngừng được củng cố vững mạnh, hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, trong đó, lĩnh vực nội chính ngày càng thể hiện vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nền móng cho sự ổn định, phát triển trên địa bàn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang kiểm tra các dự án công trình trọng điểm tại địa bàn thành phố Kon Tum_Nguồn: baokontum.vn

Công tác nội chính rất rộng lớn, phức tạp, gồm nhiều hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, như viện kiểm sát, tòa án, tư pháp, thanh tra, kiểm toán, công an, quân đội, ủy ban kiểm tra Đảng và ban nội chính Đảng,...; một số cơ quan, tổ chức hoạt động liên quan hoặc có một số hoạt động thuộc lĩnh vực nội chính, như tổ chức luật gia, luật sư, cơ quan hải quan, kiểm lâm, kiểm ngư, quản lý thị trường(1),... Mỗi cơ quan nội chính trong tỉnh đều có vai trò hết sức quan trọng, có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng nhiệm vụ chung, bao trùm là tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm, thực hiện cải cách tư pháp,... Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy; là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính đảng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết của toàn dân, tỉnh Kon Tum đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các hướng dẫn, chỉ thị, chương trình, kế hoạch,... nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, củng cố chất lượng hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò, đóng góp của lĩnh vực nội chính ngày càng nổi bật, toàn diện, góp phần hoàn thành nhiệm vụ “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố niềm tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(2) mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, thể hiện chủ yếu ở những khía cạnh sau:

Thứ nhất, công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Trong đó, lĩnh vực nội chính thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo xử lý tốt vụ việc người dân chiếm đất trái pháp luật; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, không để xảy ra những hiện tượng biểu tình, bạo loạn, phục hồi “tổ chức Fulro”, “Tin lành Đề-ga”; giải quyết triệt để hoạt động của tà đạo Hà Mòn; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vượt biên, trốn đi nước ngoài trái phép. Các loại tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, trong đó, tập trung đấu tranh, triệt xóa các tổ chức ngầm hoạt động theo hình thức băng, nhóm, “xã hội đen”, tội phạm về ma túy, bảo kê, xiết nợ, tín dụng đen; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, phòng, chống vượt biên, xuất, nhập cảnh trái phép; đồng thời, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn biên giới.

Thứ hai, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc tiếp dân, giải quyết, xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và bí thư cấp ủy các cấp thực hiện hiệu quả việc giao tiếp trực tiếp với người dân, giải quyết các kiến nghị, phản ánh của nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” thông qua thực hiện Kế hoạch số 97-KH/TU, ngày 18-6-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại với công dân, đại biểu phụ nữ, thanh niên, công nhân, viên chức, người lao động tại các huyện, thành phố trên địa bàn. Đồng thời, bí thư các cấp ủy đã cụ thể hóa và thực hiện nghiêm chế độ tiếp xúc, đối thoại với công dân theo Quyết định số 1408-QĐ/TU, ngày 25-9-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân”.

Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp(3). Đã lãnh đạo triển khai thực hiện các biện pháp về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn; đẩy mạnh, khẩn trương, quyết liệt đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng được xử lý. Công tác thanh tra được quan tâm chú trọng(4), tiếp tục thực hiện điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách tư pháp được thực hiện nghiêm túc(5) và có chuyển biến tích cực, đã thực hiện việc tổ chức các phiên tòa theo chủ trương cải cách tư pháp; tiến hành kết nối internet, truyền hình trực tuyến các phiên tòa đến Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị; thành lập Trung tâm Giám định pháp y của tỉnh; thực hiện tốt việc quản lý các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng.., qua đó, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được nâng lên.

Thứ tư, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng - an ninh. Từ đó, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững mạnh, toàn diện, các tiềm lực trong khu vực phòng thủ được củng cố, tăng cường. Tỉnh đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ các cấp đúng kế hoạch, hiệu quả (cấp tỉnh đạt kết quả tốt; diễn tập cấp huyện, thành phố đạt 100% chỉ tiêu, trong đó 90% đạt kết quả tốt; 102/102 xã, phường, thị trấn diễn tập chiến đấu phòng thủ, đạt 100% khá trở lên; chất lượng các cuộc diễn tập ngày càng được nâng lên, sát tình hình thực tế). Bên cạnh đó, các cơ quan khối nội chính tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các phương án, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hoạt động liên lạc, móc nối, chỉ đạo của địch từ bên ngoài và âm mưu xâm nhập, phá hoại của các thế lực phản động; đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới; đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo, các chất ma tuý, hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới,...

Một số hạn chế, khó khăn

Bên cạnh những thành quả đạt được, trong thời gian qua, công tác nội chính của tỉnh Kon Tum cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cần được giải quyết, chủ yếu tập trung ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trật tự, an toàn xã hội có nơi, có lúc còn thiếu ổn định. Trong khi đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới để tuyên truyền những tư tưởng ly khai, tự trị, dân chủ,... cổ vũ, kích động đối tượng cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị, chống đối trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo trên địa bàn. Công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa có các mô hình thực sự điển hình, tiên tiến để biểu dương, nhân rộng.

Thứ hai, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của cơ quan Trung ương có lúc chưa kịp thời, phù hợp dẫn đến việc lãnh đạo triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (như hướng dẫn về kiểm soát tài sản, thu nhập; tổ chức chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ; xác định đối tượng quản lý, cơ quan quản lý công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước,...). Một số thông tin phản ánh trên đường dây nóng, hộp thư điện tử về nội dung tham nhũng, tiêu cực không có đầy đủ thông tin, không cung cấp địa chỉ người tố cáo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, thủ đoạn, hành vi tham nhũng có xu hướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật có nhiều lỗ hổng, hạn chế. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy đã giảm về số vụ nhưng diện tích rừng thiệt hại vẫn gia tăng; công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ở một số địa phương, chủ rừng còn chậm, lúng túng trong việc huy động lực lượng tại chỗ để bảo vệ rừng, phát hiện, ngăn chặn vi phạm; công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp có hiệu quả chưa cao...

Thứ tư, một số loại tội phạm vẫn xảy ra thường xuyên, như hành hung, xâm hại thân thể người khác, mua bán trái phép các chất ma túy, đánh bạc, trộm cắp tài sản,...; riêng tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới và tình trạng sử dụng trái phép ma túy diễn biến phức tạp, khó lường; số vụ tai nạn giao thông tăng,... Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, trực tiếp ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một số lượng lớn người lao động, gián tiếp tác động, làm gia tăng một số loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm sở hữu; tình hình tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới giáp Lào diễn biến phức tạp. Các tỉnh phía Bắc tổ chức đấu tranh trấn áp mạnh và chốt chặn biên giới phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nên các đối tượng có xu hướng chuyển dịch vào phía Nam, nơi biên giới chủ yếu là rừng núi, dân cư thưa thớt, mà địa bàn Kon Tum là một điểm nóng.

Giải pháp nâng cao chất lượng công tác nội chính trong thời gian tới

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, công tác trọng tâm thuộc lĩnh vực nội chính như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng,... Nâng cao chất lượng công tác đánh giá, dự báo tình hình; chủ động đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh xóa bỏ triệt để các hiện tượng tà đạo, kích động biểu tình, vượt biên trái phép,... Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn kết với nền an ninh nhân dân; xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục nâng cao chất lư­ợng công tác giáo dục, bồi dư­ỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên địa bàn tỉnh.

Tuần tra bảo về rừng ở xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum_nguồn: baokontum.com.vn

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn, quản lý hoạt động của một số ”đối tượng trọng điểm”, có tiền án, tiền sự, chủ động nắm tình hình an ninh nông thôn; chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tập trung đấu tranh với các loại tội phạm, như trộm cắp tài sản, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới. Ngăn chặn, xử lý tốt các vấn đề trật tự, an toàn xã hội phát sinh ngay từ cơ sở, không để tạo thành điểm nóng, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, kiên quyết không để hình thành các hoạt động tội phạm có tổ chức; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên.

Ba là, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân; xử lý kịp thời, kiên quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm liên quan đến đất đai trên địa bàn.

Bốn là, chú trọng công tác bảo đảm an ninh biên giới; tập trung nguồn lực để đầu tư các dự án xây dựng công trình phòng thủ ở khu vực biên giới, địa bàn chiến lược, đường tuần tra biên giới, đường ra các cột mốc biên giới, hệ thống chống sạt lở, sông suối biên giới,...; quản lý, bảo vệ, sử dụng hiệu quả các công trình, kỹ thuật bảo vệ biên giới; đấu tranh có hiệu quả với các hành vi xâm phạm chủ quyền biên giới quốc gia, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh mạng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có quan điểm sai trái, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật,... không để các thế lực thù địch và các đối tượng phản động tác động, chuyển hóa tư tưởng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của địch và các phần tử xấu lợi dụng không gian mạng để xâm hại an ninh quốc gia.

Năm là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. Tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin, tăng cường định hướng dư luận xã hội, chủ động phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp; bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về lĩnh vực nội chính nêu trên sẽ bảo đảm nhiệm vụ giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững”, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng./.

------------------

(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội”, Tạp chí Cộng sản, số 974, tháng 9-2021, tr. 4
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 200
(3) Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 6-9-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế””; Công văn số 164-CV/TU, ngày 16-4-2021, của Ban Nội chính Tỉnh ủy, “Về việc triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác phòng chống tham nhũng”; Công văn số 240-CV/TU, ngày 28-7-2021, của Ban Nội chính Tỉnh ủy, “Về việc triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 3-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phát hiện, xử lý việc, vụ án tham nhũng”,...
(4) Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, toàn ngành thanh tra triển khai 113 cuộc điều tra; đến nay đã kế#t thúc 81 cuộc thanh tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý và sử dụng đất; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng,... Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện số tiền sai phạm 5,9 tỷ đồng, 100ha đất. Đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước (NSNN) số tiền 2,7 tỷ đồng, thu hồi về đơn vị số tiền 34,3 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 100ha đất và một số kiến nghị xử lý khác số tiền 3,2 tỷ đồng. Kết quả: đến nay các đơn vị sai phạm đã nộp NSNN số tiền 817 triệu đồng; đã xử lý trách nhiệm đối với 182 tập thể (trong đó: khiển trách 7, kiểm điểm rút kinh nghiệm 175), 491 cá nhân (trong đó: cảnh cáo 4, khiển trách 17, kiểm điểm rút kinh nghiệm 470); chuyển hồ sơ, tài liệu sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ 1 vụ việc.
(5) Đã tham gia đóng góp ý kiến đối với Đề án “Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” của Tòa án nhân dân tối cao; tham mưu ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (trong đó có nội dung về công tác cải cách tư pháp); tham mưu xây dựng báo cáo sơ kết 01 năm thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 24-2-2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư của Tỉnh ủy theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương,…