Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nói rằng IMF đã khởi động lại quy trình trợ giúp khẩn cấp cho những nước đang cần được hỗ trợ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Tại một cuộc họp báo ngày 9-10, ông Strauss-Kahn nói rằng biện pháp trên của IMF nhằm "trả lời cho các vấn đề có thể xảy ra ở một số nước đang nổi lên" sau khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái năm 1930 đã dẫn tới "đỉnh cao của một cuộc suy thoái toàn cầu".

Cơ chế trợ giúp khẩn cấp này ra đời năm 1995, cho phép các khoản thanh toán trước từ IMF theo điều kiện hợp lý. Thông thường, các cuộc đàm phán của IMF với các nước để vạch rõ một chương trình về chính sách vĩ mô thường diễn ra trong nhiều tuần (tối thiểu là hai tuần) hoặc nhiều tháng.

IMF đã thực hiện chương trình sử dụng trợ giúp khẩn cấp trong thời kỳ khủng hoảng 6 lần, với các nước In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Hàn Quốc và Phi-lip-pin năm 1997, Thổ Nhĩ Kỳ năm 2001 và Gru-di-a năm 2008.

Ông Strauss-Kahn cho hay IMF có đủ nguồn tài chính để hỗ trợ nhu cầu của 185 nước thành viên. Tuy nhiên, ngân khố của IMF trong những năm gần đây đã giảm, do các nước từng phụ thuộc vào chương trình cứu trợ của IMF đã quay lựng lại các khoản cho vay có điều kiện, thay vào đó tìm kiếm các khoản tín dụng dễ dàng hơn từ nền kinh tế toàn cầu./.