Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
TCCS - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024), ngày 14-12-2024, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”.
Đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dự và phát biểu chỉ đạo.
Dự hội thảo còn có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, 80 năm trước đây, ngày 22-12-1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội. Trong buổi lễ thành lập, Đội có 34 cán bộ, chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ Đảng lãnh đạo. Chỉ mấy ngày sau khi được thành lập, Đội đã giành thắng lợi trong hai trận Phai Khắt (25-12-1944) và Nà Ngần (26-12-1944), tạo nên truyền thống đánh thắng trận đầu, đã ra quân là đánh thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (4-1945), ngày 15-5-1945, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang cách mạng khác của Đảng thành Việt Nam Giải phóng quân. Đến tháng 11-1945, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên là Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (5-1946), từ năm 1950 đến nay là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22-12-1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Lương Cường khẳng định, 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ của Nhân dân, kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, nhanh chóng trưởng thành, đi khắp từ Nam chí Bắc trên đất nước Việt Nam và làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước bạn, đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực xâm lược, thù địch, ghi dấu ấn trong lịch sử bằng những chiến công lừng lẫy, tiêu biểu là Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, đã anh dũng chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, bằng tài năng, trí tuệ, lòng dũng cảm, ý chí quyết chiến quyết thắng, không quản ngại hy sinh, gian khổ, đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ kính yêu: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, sau Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chuyển 1/3 quân số sang làm nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong điều kiện còn vô cùng khó khăn, một lần nữa, quân đội ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững cuộc sống bình yên của nhân dân. Đồng thời, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả, giúp nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng.
Từ năm 1986 đến nay, quân đội ta đã cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; bảo vệ biên giới đất liền, biển đảo, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; đi đầu trong ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn; tích cực giải quyết hậu quả chiến tranh, tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa và tích cực thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, góp phần to lớn vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đặc biệt, từ năm 1989, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố “thế trận lòng dân”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hội thảo nhận được hơn 100 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương; các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các địa phương; các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng; các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội. Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và nền quốc phòng toàn dân, được thể hiện trên những nội dung chủ yếu sau đây:
Một là, khẳng định đường lối, chủ trương, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng oanh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Hai là, khẳng định bản chất cách mạng cao đẹp, truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; giữ vững và phát huy văn hóa, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Ba là, khẳng định ý nghĩa, thành tựu của Ngày hội Quốc phòng toàn dân, của “thế trận lòng dân” và vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân Việt Nam trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Bốn là, đúc rút và phân tích làm rõ những bài học lịch sử trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và nền quốc phòng toàn dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, có thể vận dụng và phát huy trong giai đoạn cách mạng hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân đội ta đã lập nên bao chiến công lẫy lừng trong chiến đấu, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Những chiến công đó là sự kết tinh của nhiều yếu tố, tiêu biểu là sự lãnh đạo của Đảng; là quá trình thực hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh; là sự phấn đấu, tinh thần, ý chí quyết tâm, anh dũng, sáng tạo, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hi sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân; là sự tin yêu, đùm bọc, giúp đỡ, sự đóng góp và hy sinh to lớn của nhân dân… Tất cả đã đi vào lịch sử dân tộc, tạo nên bản anh hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh, biểu tượng sáng ngời về tinh thần, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì nhân dân quên mình.
Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được, nhiều bài học sâu sắc, có giá trị đã được đúc rút, như: Phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thường xuyên chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Bế mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, kết quả của cuộc hội thảo hôm nay đã bổ sung, làm rõ thêm một cách khá toàn diện, sâu sắc về tầm vóc, ý nghĩa của ngày thành lập và chặng đường vẻ vang 80 năm vững bước dưới cờ Đảng của Quân đội nhân dân Việt Nam; của Ngày hội Quốc phòng toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh. Đồng thời góp phần giáo dục lịch sử, khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ, hiểu đúng về bản chất, vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân
Hội thảo cũng là dịp bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các đồng chí cựu chiến binh đã cống hiến trọn đời cho Tổ quốc, cho nhân dân và quân đội, công an; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước anh em cho sự nghiệp kháng chiến chống xâm lược trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay./.
Hà Nội xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc - nền tảng xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần trong khu vực phòng thủ  (24/11/2024)
Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”  (05/11/2024)
Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm  (25/10/2024)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX