Xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới - nhiệm vụ cấp bách góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại

TS Trịnh Xuân Ngọc
Đại tá, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
19:33, ngày 23-08-2024

TCCS - Xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi cấp thiết để đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội thực sự tiền phong, gương mẫu, mãi mãi xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh, “mẫu mực, tiêu biểu”, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với các chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành tại Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ _Ảnh: TTXVN

Chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng luôn là một tiêu chuẩn quan trọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng là những chuẩn mực, giá trị về tư tưởng chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống, phong cách của người quân nhân. Điều đó được thể hiện cụ thể ở tư tưởng, tình cảm, thái độ của cán bộ, chiến sĩ trong hoạt động thực tiễn, thông qua các mối quan hệ trong nội bộ quân đội, mối quan hệ giữa quân đội với Đảng, Nhà nước, nhân dân và quốc tế, cũng như thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của quân đội. Nội dung chuẩn mực đạo đức quân nhân biểu hiện tập trung ở những điểm sau: Có bản lĩnh chính trị vững vàng, động cơ trong sáng, trách nhiệm cao; có đạo đức, lối sống trong sạch, lành mạnh; có văn hóa, tri thức khoa học, trình độ quân sự, năng lực, phương pháp, tác phong công tác và sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; thực hành dân chủ, kỷ luật tự giác, nghiêm minh; tích cực chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ tốt, tôn trọng, giúp đỡ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có tinh thần quốc tế trong sáng(1).

Đạo đức người quân nhân cách mạng được biểu hiện cụ thể trong đời sống hiện thực, trong thực tiễn chiến đấu, công tác, lao động, sản xuất, huấn luyện, học tập, rèn luyện của mọi cán bộ, chiến sĩ; ở sự trưởng thành và lớn mạnh của quân đội; ở sự tin cậy, mến yêu của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế. Lịch sử quân đội ta cho thấy, chỉ chưa đầy một năm sau khi thành lập, từ đội quân còn nhỏ bé với muôn vàn khó khăn, song nhờ có tinh thần yêu nước nồng nàn, một lòng, một dạ vì nước, vì dân, ý chí quyết chiến quyết thắng, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quân đội ta từng bước lớn mạnh, là lực lượng nòng cốt, cùng toàn dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do”, tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù... là những động lực chủ yếu làm nên sức mạnh “kẻ thù nào cũng đánh thắng” của quân đội ta. Qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, những giá trị cốt lõi trong chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng đã được phát huy, lan tỏa, trở thành động lực tinh thần trực tiếp góp phần làm nên sức mạnh thần kỳ trong Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ là tấm gương về chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, đầy bản lĩnh, dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc; giúp đỡ nhân dân phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nhiều tập thể, cán bộ, chiến sĩ không quản khó khăn, gian khổ, gắn bó với vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi; tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ… Vượt lên những khó khăn về tình hình an ninh, điều kiện sinh hoạt, khí hậu khắc nghiệt, bất đồng ngôn ngữ ở những nơi đó, các chiến sĩ “mũ nồi xanh” của quân đội, với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đã vượt khỏi những giới hạn về thời gian và không gian, lan tỏa đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Những giá trị cao đẹp trong chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta và của mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh người chiến sĩ “Bộ đội Cụ Hồ” in đậm trong lòng nhân dân và càng tỏa sáng trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì sự phát triển, phồn vinh của đất nước. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi để xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại_Ảnh: TTXVN

Xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong tình hình mới

Sự vận động, phát triển của đạo đức người quân nhân chịu sự quy định trực tiếp của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội và yêu cầu xây dựng quân đội trong các giai đoạn khác nhau. Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn trên thế giới, song tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược, xung đột cục bộ có thể diễn ra gay gắt hơn; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ; thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường. Các thế lực thù địch, phản động đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội; trong đó, nội dung xuyên tạc bản chất, truyền thống quân đội, đạo đức người quân nhân cách mạng là một hướng trọng điểm. Tình hình đó đặt ra thách thức lớn đối với quân đội nói riêng và cách mạng nước ta nói chung.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, phải luôn luôn “tự soi, tự sửa” để trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn, phức tạp đến đâu thì phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn được giữ vững; phải giữ mình và thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện;... làm cho Quân đội ta ngày càng mạnh hơn, trưởng thành hơn, mãi mãi xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, phải chú trọng xây dựng Quân đội ta vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh”(2).

Trong tình hình mới, chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng được biểu hiện ở những điểm sau: Một là, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Hai là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Ba là, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gương mẫu, khiêm tốn, cầu thị; thực hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Bốn là, chăm lo giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; hết lòng thương yêu đồng chí; liên hệ mật thiết với nhân dân. Năm là, có tinh thần quốc tế trong sáng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(3). Để thực hiện mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực để tiếp tục xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Những giá trị cốt lõi của đạo đức người quân nhân cách mạng được hun đúc và xuất phát từ chính nhận thức, tình cảm và trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân của mỗi cán bộ, chiến sĩ. Quá trình xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng phải được các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn và đầy đủ thì mới có thể được thực hiện tốt. Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục để các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, trước hết là đội ngũ cấp ủy viên và cán bộ chủ trì các cấp, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng đối với sự nghiệp xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là vấn đề có ý nghĩa quan trọng.

Nội dung tuyên truyền, giáo dục toàn diện, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ xây dựng chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên đối với sự nghiệp xây dựng quân đội hiện nay. Trong đó, coi trọng tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách lành mạnh, giản dị, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục về bản chất, truyền thống, chức năng, nhiệm vụ của quân đội, của đơn vị, để “tự soi, tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực và chấn chỉnh, chuẩn hóa tác phong công tác. Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28-12-2021, của Quân ủy Trung ương, “Về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”; Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12-8-2019, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”. Hình thức tuyên truyền, giáo dục cần có sự phong phú, đa dạng; tập trung tuyên truyền, giáo dục phân cấp theo kế hoạch, lấy đơn vị cơ sở làm nòng cốt, lấy cổ động làm trọng tâm; tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu, cuộc thi tìm hiểu về chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng, nhất là ở cấp cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin; lồng ghép với mọi hoạt động của đơn vị, đặc biệt là hoạt động công tác đảng, công tác chính trị…

Hai là, tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy các giá trị chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trước tình hình mới.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(4). Sự mẫu mực, nói đi đôi với làm của cán bộ các cấp là mệnh lệnh không lời, có sức thuyết phục cao đối với bộ đội. Để giữ gìn và phát huy các giá trị chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên trong quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, tự giác phấn đấu, rèn luyện theo các tiêu chí, giá trị chuẩn mực đã được xác định; thật sự gắn mình với đơn vị, sâu sát, gần gũi với cấp dưới, với quần chúng, công tâm trong xử lý các công việc, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong mọi hoạt động. Hằng năm, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xây dựng kế hoạch phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện; trong đó, phải quán triệt, cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo chủ trương, quy định của Đảng(5).

Chú trọng hoàn thành tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy cấp trên các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, đánh giá, nhận xét, phân tích chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, tổ chức quần chúng, đoàn viên, hội viên gắn với hiệu quả, chất lượng việc xây dựng, phát huy các giá trị chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng. Qua đó, động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đề cao trách nhiệm trong quá trình rèn luyện, phấn đấu theo các tiêu chí, giá trị chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng. Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để bổ sung, khái quát những tiêu chí, giá trị chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới bảo đảm ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo, gắn với yêu cầu của sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các cơ quan, đơn vị, nhất là đơn vị cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, gia đình quân nhân giáo dục, quản lý bộ đội; tăng cường đối thoại giữa cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới, lắng nghe, tiếp thu và giải quyết kịp thời những vướng mắc, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Ba là, tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn, tạo môi trường để cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện bản thân và góp phần xây dựng, bồi đắp chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong tình hình mới.

Chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng được hình thành và tỏa sáng trong thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đó càng phong phú, sinh động, sát chức năng, nhiệm vụ của quân đội thì các chuẩn mực ấy càng được thể hiện sâu sắc, chân thực. Bởi vậy, các cơ quan, đơn vị cần thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, công tác dân vận, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường,… để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu, tiếp tục xây dựng, bồi đắp những chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(6).

Mỗi cán bộ, chiến sĩ cần tự giác, kiên trì, bền bỉ học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân theo chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới, đặc biệt là phải học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”(7). Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện bản thân, tổ chức đảng các cấp, trực tiếp là chi bộ cơ sở, phải có trách nhiệm giúp đỡ họ trau dồi đạo đức, xây dựng lối sống lành mạnh thông qua công tác giáo dục, quản lý, kiểm tra trong đơn vị.

Bốn là, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong toàn quân.

Nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Chủ động thông tin và kịp thời định hướng tư tưởng cho mọi cán bộ, chiến sĩ trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đẩy mạnh tuyên truyền những cái hay, cái đẹp, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong từng đơn vị và toàn quân. Thực hành dân chủ rộng rãi, đồng thời xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm chuẩn mực đạo đức người quân nhân cách mạng. Phát huy vai trò của dư luận xã hội, đặc biệt là các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở các cơ quan, đơn vị. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những thói hư tật xấu ra khỏi đời sống của các cơ quan, đơn vị; lên án mạnh mẽ cái xấu còn len lỏi trong các cơ quan, đơn vị, tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác./.

-----------------------------

(1) Xem: Chỉ thị số 855-CT/QUTW, ngày 12-8-2019, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”
(2) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Quân chính toàn quân, ngày 20-12-2022, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-quan-chinh-toan-quan-nam-2022-102221220183023839.htm
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 48 - 49
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 1, tr. 284
(5) Như: Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 646-QĐ/QUTW, ngày 6-11-2018, của Thường vụ Quân ủy Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp trong Quân đội”; Nghị quyết số 847-NQ/QUTW, ngày 28-12-2021, của Quân ủy Trung ương, “Về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới”
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 612, 611