Giữ rừng nguyên liệu giấy Kon Tum
Rừng nguyên liệu giấy - Ảnh: Đình Vũ |
Để có được gần 14.600 ha rừng nguyên liệu giấy ở tỉnh Kon Tum hiện nay, Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đã phải trải qua bao gian khó, thăng trầm để trồng và giữ rừng. Bom mìn còn sót lại của chiến tranh, nước lũ, mưa nguồn, muỗi rừng, vắt suối... nơi cực Bắc Tây Nguyên đã lấy đi tính mạng 23 cán bộ, công nhân của Công ty. Sự nghiệp trồng rừng in đậm dấu ấn của quá khứ khốc liệt, nhưng đây cũng chính là động lực để những người lao động phấn đấu vượt qua khó khăn và thêm tự hào với những thành tựu mà Công ty đã gặt hái được ngày hôm nay.
Khó khăn nơi đồi cao, đất dốc
Năm 2000, Công ty Nguyên liệu giấy Đồng Nai bắt đầu mở vùng nguyên liệu ở tỉnh Kon Tum. Ông Phạm Văn Hà, Phó Giám đốc Công ty nhớ lại, buổi ban đầu vô cùng gian khó bởi những vùng đất được chọn để trồng rừng là vùng đồi cao, đất dốc, núi non hiểm trở và còn vương vãi rất nhiều bom mìn. Đất ở Sạc Ly, Đắc Tô, Sa Thầy trơ trọi, hoang vu do chất độc đi-ô-xin của đế quốc Mỹ làm tàn lụi mọi gốc cây, ngọn cỏ. Những người có mặt từ ngày đầu khai phá vùng đất này không sao quên ký ức đau buồn khi 23 cán bộ, công nhân của Công ty đã vĩnh viễn nằm xuống do vướng phải bom mìn, gặp lũ, sốt rét ác tính...
Vượt qua gian khó, cán bộ, công nhân Công ty trong hơn 4 năm đã trồng được gần 17.000 ha rừng nguyên liệu giấy, chủ yếu là thông ba lá và keo lai ở 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cây phát triển tốt, giữa mùa khô kéo dài của Tây Nguyên nhưng một màu xanh bạt ngàn vẫn vươn lên trên vùng đất hoang sơ của chiến tranh để lại.
Hơn 17.000 ha đang phát triển tốt thì gặp phải khó khăn do không còn vốn để phát dọn thực bì, vì số rừng trồng đến năm thứ 3 là hết quy trình chăm sóc theo quy định của Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Trong khi đó, mùa mưa Tây Nguyên kéo dài 6 tháng đã làm thực bì phát triển quá nhanh, gây nguy cơ cháy rừng rất lớn. Chính vì thế, đến mùa khô năm 2003 - 2004, hơn 1.600 ha rừng của Công ty đã bị thiêu rụi. Rừng bị cháy kết hợp với việc Nhà máy Bột giấy Kon Tum ngừng xây dựng khiến tiến độ giải ngân vốn cho Công ty để chăm sóc, quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hầu như ngưng trệ.
Không có tiền lo cho rừng, những người làm nguyên liệu giấy ở Kon Tum phải hoặc giảm biên chế, chuyển công tác hoặc nghỉ luân phiên, hơn 8 tháng không có lương. Trong tổng số 232 cán bộ, công nhân của Công ty, có trên 100 người xin chuyển, trong đó có gần 40 kỹ sư lâm nghiệp và cán bộ kỹ thuật. Mọi người nhìn nhau rồi lại... nhìn rừng, nghĩ đến mùa khô với nguy cơ hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước bỏ vào rừng sẽ lại tiếp tục bị cháy. Đây là thời điểm khó khăn nhất, nguy nan nhất của những người trồng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum.
"Thay lửa" để chống lửa giữ rừng
Cuộc "thay lửa" xuất phát từ công tác tổ chức nhân sự, được Tổng Công ty Giấy Việt Nam chủ trương, nhằm kiên quyết giữ gần 15.000 ha rừng còn lại. Ban lãnh đạo mới của Công ty, bắt tay vào công việc đúng vào thời điểm “nóng”, khi trên 1.600 ha rừng vừa bị lửa thiêu rụi, số còn lại đang trong tình trạng báo động, trong khi bộ máy và con người thiếu hụt nghiêm trọng. Công ty Nguyên liệu Giấy Đồng Nai cùng lúc đó được chuyển đổi thành Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam với trụ sở đặt ngay tại Kon Tum.
Những ngày đầu, trong bối cảnh khó khăn vì kinh phí không có, tiền lương eo hẹp, tư tưởng người cán bộ, công nhân viên dao động, cùng với việc lo tiền đầu tư tiếp cho rừng, Giám đốc Trịnh Quốc Long và ban lãnh đạo lặn lội hết tận hang cùng, ngõ hẻm ở những vùng xa nhất như: Sa Thầy, Đắc Tô, Ngọc Hồi... để đánh giá, khảo sát thực trạng của rừng, phân bổ lại cơ cấu khoán hợp lý, thiết lập cơ chế để người nhận bảo vệ có trách nhiệm, gắn bó với rừng. Sự tâm huyết, lăn xả vào công việc của Ban Giám đốc khiến mọi người dần thay đổi suy nghĩ, ủng hộ cùng và tiếp tục bám rừng. Ông Long kêu gọi anh em xốc lại đội ngũ, bàn cách giữ lấy rừng, đồng thời xây dựng phương án khoán mới, sát thực tiễn, gắn với trách nhiệm, quyền lợi rõ ràng. Mỗi cán bộ kỹ thuật, công nhân ở các ban nhận khoán khoảng 100 ha, giữ được thì trọn hưởng theo mức khoán, mất rừng thì phải đền.
Với sự say mê, nhiệt tâm, cách làm sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo và nỗ lực của người lao động, chỉ sau gần 1 năm, việc giữ và phát triển rừng trên đất Kon Tum đã có hiệu quả hết sức khả quan. Nếu như năm 2004, diện tích rừng cháy trên 1.600 ha thì mùa khô 2005 - 2006 chỉ có 158 ha bị cháy nhưng đã phục hồi được 132 ha. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hứa Đức Nhị trong chuyến thị sát rừng nguyên liệu giấy Kon Tum mới đây khẳng định, chưa có nơi nào trong cả nước, cây thông phát triển tốt như ở Kon Tum và công tác chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng ở đây là một hình mẫu tiêu biểu.
Trên vùng núi non hiểm trở, địa bàn chia cắt, điều kiện sinh hoạt quá thiếu thốn, những người lao động vẫn bám trụ ở tất cả 10 điểm trực chiến chống cháy trong suốt 6 tháng mùa khô. Nơi xa nhất là Đắc Na cách trung tâm chỉ huy của Công ty hơn 160 km. Hằng đêm, cán bộ kỹ thuật phải đến từng nhà dân vừa tuyên truyền, giáo dục, vừa ký cam kết với các hộ, bà con đồng bào các dân tộc bảo vệ rừng, cùng bà con đốt rẫy có điều khiển, thường từ 10 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, lúc đó trời ít gió không có rủi ro cho rừng nguyên liệu.
Ông Hà Ban, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho rằng, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng nguyên liệu giấy chủ yếu là do người dân đốt rẫy, vào rừng khai thác lâm sản... rất khó kiểm soát. Bởi vậy, giữ rừng nguyên liệu giấy ở Kon Tum là một nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi toàn xã hội, mọi người dân đều phải có trách nhiệm. Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đã được Bộ Công Thương đồng ý về dự án phòng, chống cháy đến năm 2010 với kinh phí trên 27 tỉ đồng. Hiện nay, dự án đang triển khai với việc xây dựng 400 bể nước, 20 lán trại trực chỉ huy phòng, chống cháy, rà ủi khoảng 700 km đường cơ giới, đường ranh cản lửa, đường bao lô, mua sắm công cụ, phương tiện, ống nước, chòi canh lửa... Công ty và ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đang đề nghị Chính phủ cho phép xây dựng nhà máy bột giấy như kế hoạch trước đây nhằm giải quyết đầu ra cho vùng nguyên liệu chuẩn bị thời kỳ khai thác, đồng thời, đề nghị được tiếp tục trồng mới, mở rộng vùng nguyên liệu để hình thành chiến lược phát triển đất rừng và vốn rừng, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng tỉnh Kon Tum và vùng đất cực Bắc Tây Nguyên.
Cuối tháng 3-2007, qua kiểm tra một số điểm trực phòng cháy ở Sa Thầy, trong khi cả ban trực cháy ăn cơm nhưng vẫn có một người ngồi trên chòi canh lửa. Điều này trở thành những chuyện bình thường ở đây cũng như việc hầu như tất cả cán bộ, công nhân viên của Công ty đều ăn Tết trên rừng để phòng, chống cháy. Hiện nay, những người đến với Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đều nhận thấy, có một ngọn lửa đang cháy, nhưng không phải là ngọn lửa rừng mà là ngọn lửa lòng nhiệt huyết của những người lao động giữ rừng, giữ lấy nguồn nguyên liệu chính để phục vụ cho công nghiệp sản xuất giấy và những ngành phụ trợ./.
Bảo vệ môi trường ở đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa  (14/12/2008)
Quy hoạch, đầu tư và vận hành kết cấu hạ tầng  (13/12/2008)
Cần nâng cao hiệu quả Luật Phòng chống tham nhũng trong thời gian tới  (13/12/2008)
Chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (13/12/2008)
Khai mạc Đại hội đồng lần thứ 9 AFPPD  (13/12/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay