Cách mạng Tháng Mười và một số vấn đề chiến lược bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Cách mạng Tháng Mười năm 1917 là chiến thắng vĩ đại của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, đánh dấu sự phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý tưởng trở thành hiện thực, đồng thời mở ra thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nhìn lại chặng đường lịch sử 90 năm, kể từ Cách mạng Tháng Mười, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, trong đó có những vấn đề chiến lược về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
1 - Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một quy luật khách quan, là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trọng yếu và xuyên suốt gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Là người lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười thành công và lãnh đạo sự nghiệp bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong những năm đầu của chính quyền Xô-viết, V.I. Lê-nin có nhiều cống hiến to lớn trong bảo vệ và phát triển lý luận về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Ngay sau khi nước Cộng hòa Xô-viết, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trong lịch sử nhân loại ra đời, V.I. Lê-nin đã khẳng định, cùng với việc bắt đầu bảo vệ chủ nghĩa xã hội chúng ta phải bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Người cũng chỉ ra tính chất chính nghĩa, tính chất cách mạng, tính chất toàn dân, tính chất quốc tế của sự nghiệp bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa và xác định những vấn đề chiến lược về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Do liên quan trực tiếp đến sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc và của chế độ xã hội chủ nghĩa, chiến lược bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong hai chiến lược cơ bản, trọng yếu và thường xuyên của đất nước, cùng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giữ vai trò chủ đạo, làm cơ sở để hoạch định các kế hoạch chiến lược trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội. Chiến lược bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một chiến lược tổng hợp, toàn diện về bảo vệ tổ quốc, trong đó lấy chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh làm nòng cốt, kết hợp chặt chẽ với chiến lược ngoại giao và dựa chắc trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện tốt những vấn đề chiến lược về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết đã vượt qua những thử thách nghiệt ngã của thời kỳ nội chiến chống các thế lực phản động cùng sự can thiệp của các nước đế quốc, tiếp tục vượt qua những gian khổ ác liệt trong chiến tranh thế giới thứ hai, làm nên những chiến thắng vĩ đại, khẳng định sức sống mãnh liệt của tổ quốc xã hội chủ nghĩa và tác động to lớn đến sự phát triển của các phong trào cách mạng trên thế giới.
Vào những năm cuối thế kỷ XX, (nhất là từ năm 1985 đến 1991, khi Gooc-ba-chốp là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã phản bội lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười, xa rời học thuyết Mác- Lê-nin về bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, mắc những sai lầm rất nghiêm trọng về chiến lược, nhất là xóa bỏ vai trò lãnh đạo và làm tan rã Đảng Cộng sản Liên Xô, làm biến dạng hệ thống giá trị và chuẩn mực xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản, làm cho quân đội bị "phi chính trị hóa" và bị vô hiệu hóa. Đó là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sự sụp đổ và tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết vào năm 1991. Trong thông điệp Liên bang năm 2005, Tổng thống Nga V. Pu-tin coi đây là "thảm họa địa - chính trị khủng khiếp nhất trong thế kỷ XX". Đó là những trang đau buồn trong lịch sử nhân loại.
2 - Mục tiêu bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa có nội dung toàn diện, bao gồm bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, bảo vệ thành quả của cách mạng và công cuộc bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ sự ổn định và phát triển của các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ môi trường hòa bình và hạnh phúc của nhân dân, trong đó, trước hết và chủ yếu là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa
Theo V.I.Lê-nin, tổ quốc là một hiện tượng xã hội có tính lịch sử, trong mỗi giai đoạn phát triển được đặc trưng bởi chế độ xã hội nhất định. Bản chất chính trị, xã hội của bảo vệ tổ quốc được thể hiện trước hết và tập trung ở bảo vệ chế độ xã hội đặc trưng của tổ quốc trong giai đoạn lịch sử cụ thể.
Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dẫn tới sự ra đời của tổ quốc xã hội chủ nghĩa, một tổ quốc kiểu mới trong lịch sử nhân loại, trong đó giai cấp công nghiệp và nhân dân lao động thực sự làm chủ xã hội đồng thời làm chủ tổ quốc, có quyền và nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc.
Chiến lược "diễn biến hòa bình" và các cuộc "cách mạng màu", về chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch tiến hành nhằm chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mục tiêu chủ yếu đều nhằm lật đổ chế độ xã hội, làm chuyển hóa quỹ đạo của chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Do đó, trong chiến lược bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa cũng như trong các phương án phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu", trong các kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ và kế hoạch tác chiến chiến lược, chúng ta cần đặc biệt coi trọng mục tiêu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của hệ thống chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
3 - Sức mạnh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sức mạnh tổng hợp của đất nước và của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý, điều hành của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, chú trọng phát huy nhân tố chính trị - tinh thần và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa
V.I. Lê-nin đã từng nhấn mạnh: Bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp chính nghĩa, có tính chất toàn dân, toàn diện. Tất cả các lực lượng của nhân dân và mọi tiềm lực của xã hội, của đất nước đều phải được động viên. Trong nội chiến cách mạng và trong chiến tranh vệ quốc, Đảng Cộng sản và Nhà nước Xô-viết đã tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm động viên, tổ chức mọi ngành, mọi lực lượng tham gia; trong đó, công tác chính trị - tư tưởng được đặc biệt coi trọng và tiến hành kiên trì, liên tục, sâu rộng và có những hình thức rất sinh động như: "Tuần lễ Đảng", "Ngày thứ bảy Cộng sản"... Điều đó làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân có nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy cao độ nhân tố chính trị - tinh thần là sức mạnh đặc trưng, bản chất của con người, đồng thời là ưu thế vượt trội của sức mạnh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa so với kẻ thù.
Để xử lý đúng đắn những tình huống chiến lược trong bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cần kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, đồng thời khôn khéo, linh hoạt về mưu lược và kế sách. Trong tình thế khó khăn chồng chất, lại phải đối phó với "thù trong, giặc ngoài", Nhà nước Xô-viết đã ký Hiệp ước Brét Li-tốp với Đức (tháng 3-1918). Mặc dù phải chấp nhận những điều kiện áp đặt rất nặng nề, nhưng chính quyền Xô-viết đã tranh thủ được thời gian tạm ngừng chiến để xây dựng lực lượng và sức mạnh để bảo vệ tổ quốc, nhất là việc xây dựng Hồng quân và hậu phương chiến lược. Đó là một quyết sách đúng đắn.
Trong thực tiễn, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa thường diễn ra tình huống chiến lược phải đồng thời đối phó với "thù trong, giặc ngoài" trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có lúc, có nơi, nguyên nhân rất quan trọng dẫn đến sự sụp đổ và tan rã của tổ quốc xã hội chủ nghĩa là sự tha hóa, biến chất của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước (như ở Liên Xô và một số nước Đông Âu trong những thập niên cuối của thế kỷ XX). Do đó, việc củng cố và tăng cường sức mạnh bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa phải được tiến hành chủ động, tích cực, kiên trì và thường xuyên, kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, xã hội, đến quốc phòng và an ninh, trong đó cần đặc biệt chăm lo xây dựng hệ thống chính trị, từ Đảng, Nhà nước đến các đoàn thể nhân dân, từ trung ương đến cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự trung thành và tin cậy về chính trị, có sức đề kháng mạnh mẽ làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiệu lực quản lý của Nhà nước. Điều này càng có ý nghĩa chiến lược và mang tính cấp thiết khi các thế lực thù địch có sự điều chỉnh chiến lược từ tập trung công kích, bài xích sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản sang hình thức chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhưng tập trung phá hoại làm cho Đảng bị tha hóa, biến chất.
4 - Thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là quân đội nhân dân vững chắc, toàn diện, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, góp phần quan trọng bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống
Trong suốt quá trình lãnh đạo và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, V.I. Lê-nin luôn đặc biệt quan tâm đến xây dựng Hồng quân hùng mạnh trên cơ sở vũ trang toàn dân. Người nhấn mạnh: "Sự vững bền nước cộng hòa trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở Nga và trên toàn thế giới đều tùy thuộc vào sự tăng cường quân đội"[1].
Theo V.I. Lê-nin, Hồng quân phải được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, hiện đại, thực sự là một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân và nhân dân lao động do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Điều quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội luôn vững mạnh về chính trị, thể hiện tập trung ở lý tưởng chiến đấu, cơ chế lãnh đạo và tổ chức, cơ sở chính trị, xã hội, và chức năng, nhiệm vụ của quân đội.
Ngay từ tháng 10 năm 1917, tổ chức đảng và chế độ chính ủy bước đầu được xác lập trong một số đơn vị Hồng quân. Đến tháng 4-1918, hệ thống tổ chức đảng, cơ quan chính trị, chế độ chính ủy được thiết lập và thực hiện thống nhất trong Hồng quân, làm nòng cốt xây dựng Hồng quân vững mạnh về chính trị (riêng năm 1918, hơn 3.200 đảng viên cộng sản được điều vào làm chính ủy Hồng quân). Nhờ đó Hồng quân đã thể hiện rõ vai trò và sức mạnh to lớn trong nội chiến cách mạng, trong chiến tranh vệ quốc cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX, những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng quân đội, mắc sai lầm rất nghiêm trọng về chiến lược là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, làm cho quân đội bị "phi chính trị hóa" và vô hiệu hóa (từ năm 1987 đến 1989, gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội bị thay thế, 30% tướng lĩnh bị cho ra quân, trên 100 chính ủy và chủ nhiệm chính trị cấp chiến dịch - chiến lược bị cách chức với lý do "tư tưởng yếu kém"...). Ngày 29-8-1991, M. Gooc-ba-chốp ra lệnh giải tán các cơ quan chính trị và từ ngày 1-9-1991 chấm dứt tất cả mọi hoạt động của Đảng Cộng sản trong quân đội Liên Xô...). Mặc dù lúc đó quân đội Liên Xô còn 3,9 triệu quân thường trực, được trang bị rất hiện đại, nhưng do không có định hướng chính trị và tư tưởng đúng đắn, bị mất sức chiến đấu, nên không thể bảo vệ được Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết.
Với Việt Nam, trước những sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới, chúng ta cần ra sức xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu toàn diện của quân đội, làm cho quân đội ta luôn thực sự là lực lượng chính trị - lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân. Tuyệt đối không để quân đội bị "phi chính trị hóa" và bị vô hiệu hóa. Sự vững mạnh về chính trị của quân đội ta cần phải được phát triển trên tầm cao mới, có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn để không những cùng toàn dân phòng chống có hiệu quả chiến lược "diễn biến hòa bình" và "cách mạng màu", sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch, mà còn là một nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm cho đất nước luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống.
[1] V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, 1978, t 37, tr 114
Xây dựng đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu ở Trung Quốc  (18/10/2007)
Những bài học về xây dựng Đảng nhìn nhận dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự tan rã của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu  (18/10/2007)
Những bài học về xây dựng Đảng nhìn nhận dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự tan rã của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu  (18/10/2007)
Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Lực lượng vũ trang Quân khu 4 năm 2007  (17/10/2007)
Quân khu 4 - 62 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành  (17/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay