Chiều 18-10-2007, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Bình Nhưỡng về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Lễ tiễn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng. Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng In đã cùng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh duyệt đội danh dự.
 
Tổng Bí thư Kim Châng In đã ra tận chân cầu thang máy bay từ biệt Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Hàng nghìn người dân thủ đô Bình Nhưỡng, trong trang phục dân tộc, vẫy cờ, hoa từ biệt các vị khách quý Việt Nam.
 
Từ trên máy bay, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gửi điện cảm ơn tới Tổng Bí thư Kim Châng In. Bức điện viết: "Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng những thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Triều Tiên đạt được trong chuyến thăm này sẽ tạo động lực mạnh mẽ đưa quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Triều Tiên bước sang một giai đoạn phát triển mới, ổn định, thiết thực và hiệu quả".
 
Trước đó, sáng 18-10-2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đi thăm nông trang tập thể Mikok ở ngoại ô Bình Nhưỡng - cơ sở sản xuất nông nghiệp điển hình của Triều Tiênvề cải tạo ruộng đất, thủy lợi hóa và cơ giới hóa. Trong những năm gần đây, nông trang đã tự xây dựng các ngôi nhà hiện đại, cấp cho các hộ gia đình nông trang viên, đi đầu trong phong trào làm thay đổi diện mạo nông thôn Triều Tiên.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và đoàn đã đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Tổng Bí thư kêu gọi các cán bộ, nhân viên Việt Nam đang công tác tại Triều Tiên phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực khắc phục khó khăn, đóng góp tích cực và hiệu quả hơn nữa vào việc tăng cường mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kết thúc chuyến thăm, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho biết, trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 16 đến ngày 18-10-2007, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Châng In và các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã trao đổi rất sâu rộng và nhất trí cao về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và một số vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm. Tổng Bí thư Kim Châng In đánh giá cao những thành tựu đổi mới của Việt Nam và cho rằng Triều Tiên có thể nghiên cứu, tham khảo những kinh nghiệm hay của Việt Nam.

Lãnh đạo cao nhất của hai bên đánh giá rất cao tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đích thân xây dựng và vun đắp.

Hai bên đưa ra các biện pháp để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục đào tạo, nhất là các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản khai khoáng, giáo dục, văn hóa thể thao. Phát huy hơn nữa vai trò của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Triều Tiên, tổ chức thực hiện tốt các hiệp định đã ký giữa hai nước (trong đó có Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định thương mại, Thoả thuận hợp tác về văn hoá).

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh hoan nghênh Thủ tướng Kim Yơng In sẽ sang thăm Việt Nam trong thời gian tới, coi đây là cơ hội để hai bên trao đổi sâu về các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế - văn hóa giữa hai nước.
Hai bên nhất trí trong việc đánh giá một số vấn đề quốc tế và hài lòng về sự phối hợp giữa hai nước trong một số lĩnh vực cùng quan tâm tại các diễn đàn khu vực và quốc tế thời gian vừa qua; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa, nhất là sau khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước mắt hai bên sẽ xây dựng cơ chế trao đổi thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao.

Hai bên khẳng định tôn trọng sự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của mỗi nước và cho rằng, trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, hai bên cần tăng cường trao đổi, giao lưu học tập kinh nghiệm của nhau nhằm thúc đẩy công cuộc phát triển đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước.