Kinh tế phi công hữu (cá thể, tư doanh…) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Trung Quốc. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp phi công hữu chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động ở Trung Quốc. Do vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu.

Về kinh tế phi công hữu ở Trung Quốc

Gần 30 năm qua, cùng với quá trình cải cách, mở cửa, nhất là từ khi chuyển hẳn sang kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (năm 1992), kinh tế phi công hữu ở Trung Quốc ngày càng phát triển và chiếm tỷ lệ cao trong nền kinh tế quốc dân. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 1978 – 2000, nếu tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của kinh tế Trung Quốc là 9%, thì tăng trưởng bình quân của kinh tế phi công hữu là trên 20%. Kinh tế phi công hữu đã đóng góp rất lớn trong việc tạo việc làm cho lao động, đặc biệt là số lao động bị mất việc làm trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Sự phát triển của kinh tế phi công hữu đã góp phần điều chỉnh cơ kết cấu sở hữu trong nền kinh tế Trung Quốc. Hơn 25% số doanh nghiệp tư nhân là do doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tập thể chuyển thành qua quá trình cải cách. Nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng sáp nhập hoặc mua các doanh nghiệp nhà nước và tập thể, khi Nhà nước và tập thể có nhu cầu.

Đặc biệt, trong kinh tế phi công hữu có một bộ phận lớn doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Theo thống kê, năm 2003, ở Trung Quốc có khoảng 230.000 doanh nghiệp có vốn nước ngoài đăng ký kinh doanh, chiếm 52,2% lượng hàng xuất khẩu, nộp thuế trên 347 tỉ NDT (chiếm trên 20% tổng số thuế), tạo việc làm cho hơn 23 triệu lao động (chiếm khoảng 11% tổng số lao động ở thành phố) [1].

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế phi công hữu

Xuất phát từ thực tế trên, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã có những chủ trương, chính sách nhằm phát triển kinh tế phi công hữu. “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về một số vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 khoá XVI Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-2003) đã chủ trương ra sức “khuyến khích, giúp đỡ, và hướng dẫn kinh tế phi công hữu phát triển”; Nhà nước có nghĩa vụ “bảo hộ quyền tư hữu tài sản” theo quy định của luật pháp. Trong bối cảnh đó, Đảng “phải tự giác thích ứng với tình hình mới trong sự phát triển của kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cải cách và hoàn thiện phương thức lãnh đạo và phương thức cầm quyền” [2].

Đầu năm 2005, Chính phủ Trung Quốc cũng đề xuất “một số ý kiến về việc khuyến khích, giúp đỡ và hướng dẫn kinh tế phi công hữu gồm kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh… phát triển”. Thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, củng cố và tăng cường tính tổ chức và năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu, quán triệt tinh thần của các nghị quyết Trung ương vào thực tế sản xuất kinh doanh và dịch vụ xã hội trong khu vực kinh tế phi công hữu. Vấn đề then chốt là xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp đó.

Những khó khăn cần khắc phục

Khi mới bắt đầu xây dựng tổ chức đảng cơ sở trong các doanh nghiệp phi công hữu đã tồn tại rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Trước hết là do tổ chức nhân sự và phương thức kinh doanh trong các doanh nghiệp này
khác hẳn với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tập thể vốn có ở Trung Quốc.

Về mặt chế độ nhân sự, chủ doanh nghiệp ở đây là tư nhân, một số đến từ Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao hoặc người nước ngoài. Việc tuyển dụng, đề bạt, hoặc sa thải công nhân viên chức hoàn toàn do chủ doanh nghiệp quyết định. Công nhân viên chức vào làm việc ở đây đến từ nhiều nguồn: ở nông thôn tới thành phố tìm việc làm, những người bị mất việc trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước hoặc bộ máy hành chính nhà nước, những thanh niên đến tuổi lao động ở các thành phố thị trấn, những học sinh, sinh viên tốt nghiệp ở các trường học...

Về mặt quản trị kinh doanh, quyền quyết định nằm trong tay các Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty..., không có sự lãnh đạo trực tiếp của cấp uỷ, cũng không chịu sự ràng buộc quản lý hành chính của chính quyền địa phương.

Từ thực tế trên làm nảy sinh một số nhận thức không thuận lợi cho việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở các doanh nghiệp phi công hữu.

Một số người là đảng viên, khi đến doanh nghiệp tư nhân làm việc đã giấu danh hiệu đảng viên của mình vì cho rằng để chủ doanh nghiệp biết mình là đảng viên thì chẳng có lợi. Nhiều người trong số họ là đảng viên ở nông thôn, hoặc ở khu phố, nhưng không muốn chuyển sinh hoạt đảng tới doanh nghiệp tư nhân nơi họ mới đến làm việc.

Một số đảng viên còn cho rằng, trong doanh nghiệp tư nhân, tổ chức đảng không có vai trò và cũng không phát huy được tác dụng. Trong khi đó, một số chủ doanh nghiệp tư nhân (đặc biệt là các chủ doanh nghiệp là người Hồng Công, Đài Loan, Ma Cao, Hoa kiều hoặc người nước ngoài) lo ngại tổ chức đảng trong doanh nghiệp có thể tạo ra một số khó khăn cho họ, nhất là khi tổ chức đảng lãnh đạo công nhân đấu tranh với chủ doanh nghiệp.

Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu

Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm tòi nhiều phương thức, giải pháp để xây dựng và phát triển, tăng cường tổ chức cơ sở Đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu.

Trước hết, tăng cường là công tác điều tra, làm rõ số lượng đảng viên trong doanh nghiệp; làm công tác tư tưởng để những công nhân viên chức là đảng viên không “giấu thẻ đảng trong túi”. Với tinh thần “tổ chức tìm đảng viên, đảng viên tìm tổ chức”, cấp uỷ ở thành phố, thị trấn phát hồ sơ, tổ chức cho những đảng viên này kê khai lý lịch đảng viên của mình.

Thứ hai, xác minh lý lịch đảng viên, giải quyết các mối quan hệ liên quan đến tổ chức đảng. Làm rõ những nơi nào chưa có tổ chức đảng, hoặc đã có nhưng còn tình trạng đảng viên chưa sinh hoạt ở tổ chức đảng đó. Xét từng trường hợp cụ thể để quyết định những đảng viên đó có thể tiếp tục sinh hoạt tại tổ chức đảng nơi cư trú, hay phải chuyển tới sinh hoạt tại tổ chức đảng ở doanh nghiệp nơi làm việc.

Thứ ba, cấp uỷ thành phố, thị trấn trực tiếp tổ chức và quản lý tổ chức cơ sở đảng của các doanh nghiệp phi công hữu.

Phương thức hoạt động và công tác xây dựng, phát triển đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu cũng có những nét riêng, phù hợp với phương thức sản xuất kinh doanh ở đây.

Vấn đề trước tiên là cần chú ý công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao tính tiên phong của giai cấp công nhân. Nói chung, đội ngũ đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân đến từ nhiều nguồn, trình độ chính trị, văn hoá không đồng đều, cương vị công tác cũng rất khác nhau (ở Trung Quốc, cán bộ công chức, nhân viên kỹ thuật trong các xí nghiệp cũng thuộc giai cấp công nhân); một bộ phận không nhỏ đảng viên mang nặng tư tưởng “làm thuê”, không thấy được vai trò của người đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân; nhiều tổ chức đảng yếu kém, và nhiều chủ doanh nghiệp không đồng tình với các hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp của mình. Trước tình hình đó, cấp uỷ thành phố, thị trấn thường cử người đến tìm cách tuyên truyền giáo dục họ. Đồng thời lãnh đạo tổ chức đảng cấp trên tăng cường tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các chủ doanh nghiệp đối với các tổ chức cơ sở đảng ở đó. Lãnh đạo đảng cố gắng xây dựng mối quan hệ hài hoà giữa tổ chức cơ sở đảng với giới chủ doanh nghiệp trên cơ sở lợi ích chung. Nếu tổ chức đảng phát huy được vai trò lãnh đạo đối với quần chúng, công nhân viên chức, thông qua các tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… tích cực trong sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp, thì doanh thu của chủ doanh nghiệp sẽ tăng lên, lương và phúc lợi xã hội của công nhân viên cũng được cải thiện. Nhiều chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp nước ngoài lúc đầu còn e ngại, thậm chí phản đối xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp của mình, dần dần đã ủng hộ hoạt động của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp mình, dựa vào đó để có quan hệ tốt với công nhân viên chức xây dựng phát triển doanh nghiệp ngày càng phát đạt.

Cùng với quá trình phát triển và hoàn thiện của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, vai trò của các doanh nghiệp phi công hữu trong nền kinh tế quốc dân ngày càng quan trọng. Bởi vậy, công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp tư nhân càng cần được củng cố, từng bước đi vào nền nếp, cần được thể chế hoá để hoạt động lâu dài, chứ không phải chỉ là những giải pháp tình thế. Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc được thông qua tại Đại hội XVI năm 2002 cũng đã quy định kết nạp vào Đảng cả những người làm kinh tế tư nhân, kể cả các chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ điều kiện về mặt chính trị.

Tuy nhiên, tình hình cụ thể tại các khu vực, các ngành nghề khác nhau đòi hỏi cơ quan lãnh đạo đảng địa phương và bộ, ngành có những tìm tòi sáng tạo riêng về phương thức xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu. Trong những năm qua, một số địa phương đã nêu gương tốt và đã để lại những kinh nghiệm đáng được các địa phương khác nghiên cứu tham khảo.

Kinh nghiệm của Đông Hoan

Thành phố Đông Hoan (thuộc tỉnh Quảng Đông) là một thành phố có kinh tế phi công hữu tương đối phát triển. Năm 2003, ở Đông Hoan có 14.000 doanh nghiệp có vốn nước ngoài, 13.000 doanh nghiệp tư nhân, 172.000 hộ công thương cá thể, kinh tế phi công hữu chiếm tỷ trọng trên 80% kinh tế của thành phố. Do kinh tế phi công hữu có tầm quan trọng như vậy đối với thành phố, nên Thành uỷ, Thị uỷ, và các cấp uỷ ở thôn đã cử ra 5.000 người, tổ chức thành 500 đội điều tra khảo sát, phân phát tờ mẫu điều tra. Chỉ trong vòng 1 tháng trong năm 2003, đã phân phát cho 5 triệu công nhân viên chức làm việc tại các doanh nghiệp phi công hữu để xác định số đảng viên làm việc ở đó. Kết quả là: trước khi điều tra, chỉ có 5.078 người đăng ký sinh hoạt đảng, sau khi điều tra đã có 24.689 người đăng ký sinh hoạt đảng. Trong số đảng viên đó có tới 78% là không có giấy chuyển sinh hoạt đảng, 90% là không có thẻ đảng viên. Trước tình hình đó, Thành uỷ và Thị uỷ đã liên hệ với các địa phương ở 31 tỉnh thành trong cả nước để giải quyết vấn đề chứng thực danh hiệu đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt đảng cho 19.196 người. Trước đó, toàn thành phố chỉ có 205 tổ chức đảng, sau đó đã xây dựng được 709 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp phi công hữu.

Hưởng ứng đợt tuyên truyền giáo dục tính tiên phong cho đảng viên do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động, thành uỷ Đông Hoan đã tổ chức 1 đoàn báo cáo viên có trình độ gồm 100 người tới các tổ chức cơ sở đảng để làm công tác tuyên truyền giáo dục. Đồng thời lãnh đạo đảng và chính quyền thành phố cũng đã tổ chức các cuộc toạ đàm với các chủ doanh nghiệp, kể cả những doanh nhân Đài Loan, Hồng Công... để trao đổi thẳng thắn, nhằm đạt tới sự thống nhất về công tác xây dựng và hoạt động của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, Thành ủy Đông Hoan cũng đã quy định nguyên tắc “4 không” đối với tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân: không can thiệp vào sản xuất bình thường của doanh nghiệp; không can thiệp vào sự quản lý chính đáng của doanh nghiệp; không tiết lộ những bí mật trong kinh doanh của doanh nghiệp; không gây lãng phí trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp tư nhân đã yên tâm đối với sự tồn tại và hoạt động của tổ chức đảng, thậm chí còn chủ động ủng hộ kinh phí cho hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp của mình.


[1] Trung Hoa công thương thời báo (10-9-2003)

[2] “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về mấy vấn đề hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, Nxb Nhân dân (Trung Quốc) tr 3, 5, 23