Lời khuyên của bạn

Xuân Kim
13:45, ngày 16-10-2007

Anh Đ là bạn cùng học đại học với chúng tôi. Đầu năm 2007, anh được đề bạt làm thủ trưởng một cơ quan lớn ở Hà Nội. Do ở tỉnh lẻ xa Thủ đô, nên lâu nay tôi không gặp anh. Vừa rồi được "thăng quan", anh gọi điện thoại mời những người cùng lớp về Hà Nội gặp gỡ, chia vui. Anh không quên nhắc tôi: Cậu nhớ nói với mọi người sắp xếp công việc cơ quan, gia đình ra Thủ đô vài ngày, sau đó cả lớp lên thăm Đền Hùng. Kinh phí, xe cộ tớ lo liệu.

Là bạn đồng niên, đồng khóa nên khi gặp gỡ, chúng tôi trò chuyện rất tự nhiên và thẳng thắn, mặc dù vị trí xã hội mỗi người hiện tại khác nhau.

Sau khi uống xong cốc bia Hà Nội ngon, mát lạnh, giữa cái nóng nực mùa hè oi bức, người nào cũng cảm thấy tươi tỉnh, khỏe khoắn hơn. Câu chuyện của chúng tôi trong căn phòng tầng hai ở một nhà hàng gần trung tâm thành phố càng sôi nổi.

Mọi người từng tốp ngồi trò chuyện, hỏi han công việc, gia đình, thu nhập và sức khỏe. Còn anh Đ thì đi khắp lượt chạm cốc chúc mọi người. Nụ cười thường trực trên môi anh. Khi đến chỗ tôi, anh kéo chiếc ghế lại ngồi bên cạnh trò chuyện.

Nhìn anh Đ, tóc vẫn còn đen, chưa có một sợi bạc nào, trong lúc mọi người không nhiều thì ít anh nào tóc cũng bạc, có người bạc trắng cả đầu, tôi hỏi:

- Tóc anh nhuộm à?

Anh trả lời: Không tóc mình vẫn thế.

- Tôi nói với anh: Làm thủ trưởng vất vả, phải lo bao nhiêu thứ và bận rộn suốt ngày đêm, họp hành liên tục mà tóc anh vẫn đen thế thì quả là hiếm có.

Anh Đ cầm cốc bia đứng dậy rồi ghé vào tai tôi nói:

- Phải biết chọn "ê-kíp" làm việc ông ạ.

- Chọn "ê-kíp" như thế nào? - Tôi hỏi luôn.

Anh Đ nói như một sự khẳng định: Có mấy tiêu chuẩn quan trọng.

Một là, tuổi ít hơn. Hai là, trình độ kém hơn. Ba là, bảo sao nghe vậy. Cụ thể là chấp hành tuyệt đối ý kiến cấp trên. Bốn là, biết "chạy tiền" về nuôi nhau.

Nghe anh Đ nói, tôi hỏi thẳng:

- Cơ quan anh là cơ quan khoa học, sao không chọn người giỏi chuyên môn, có kinh nghiệm, trình độ mà lại chọn "ê-kíp" như vậy.

Anh Đ cười nhìn tôi rồi nói:

- Đúng là ông chưa bao giờ làm "sếp" có khác.

Chọn người giỏi, có kinh nghiệm, trình độ để họ vạch ra những yếu kém của mình trước thiên hạ, mất uy tín, nói ai nghe!

Làm "sếp" thời buổi bây giờ không chọn "ê-kíp" giỏi "móc nối" để làm kinh tế nuôi nhau, phục vụ đối nội, đối ngoại thì làm sao sống nổi giữa chốn đô thành đắt đỏ ở thời buổi kinh tế thị trường này và làm sao có khoản chi để "chạy" việc nọ, việc kia. Ngay cả buổi mình tiếp các bạn hôm nay cũng do "đệ tử" lo cho đấy, chứ có phải mình bỏ tiền lương ra đâu. Bởi vậy, các bạn cứ vô tư.

Tôi hỏi anh Đ:

- Như cơ quan của anh thì làm kinh tế bằng cách nào?

- Bằng mọi cách.

- Anh nói như vậy uy tín, danh dự và truyền thống tốt đẹp của cơ quan bị xúc phạm, ảnh hưởng thì sao? - Tôi hỏi:

Anh Đ cười rồi nói:

- Đến lúc này mà ông còn nghĩ đến những chuyện đó thì còn đói và không được làm "sếp" là phải thôi!

Rồi anh ghé vào tai tôi nói nhỏ như chỉ để hai người nghe:

- Là bạn thân tình, mình khuyên cậu, nếu có mở công ty, hoặc có được cử làm lãnh đạo một tổ chức, đơn vị nào đó, cứ chọn "ê-kíp" làm việc theo bốn tiêu chuẩn mình nêu trên thì tóc sẽ đen trở lại và người sẽ béo khỏe ra đấy.

Biết những lời anh Đ nói với tôi vừa rồi là rất thân tình, tôi đứng dậy bắt tay anh và hai người cùng chạm cốc.

Một suy nghĩ bất chợt đến với tôi như câu hỏi.

Không biết những điều anh Đ khuyên hôm nay là đúng hay sai, được hay mất đối với một người lãnh đạo khi chọn "ê-kíp" làm việc.

Chỉ biết lúc chúng tôi ra về cô nhân viên phục vụ nhà hàng nghe được câu chuyện giữa anh Đ và tôi cũng nói:

- Ở nhà hàng cháu, "sếp" chọn nhân viên cũng có bốn tiêu chuẩn như chú kia vừa nói.

Nhìn anh Đ, tôi cảm thấy sự tự hào, mãn nguyện ở anh.

Trời vừa sẩm tối. Thành phố đã lên đèn. Chúng tôi chia tay nhau. Anh Đ lên xe ô-tô đi về trung tâm thành phố dự một cuộc vui khác. Tôi và mấy người trong lớp chờ lấy xe máy đèo nhau về. Chị K, ngồi sau xe nói với tôi.

- Lớp mình anh Đ là người thành đạt nhất. Nhưng lời khuyên của anh ta hôm nay là không ổn!