Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII đến nay
TCCS - Tại Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Kể từ đó đến nay, chính sách đối ngoại của Trung Quốc luôn có sự kế thừa, song đã có những thay đổi chiến lược so với các thời kỳ trước, chuyển từ “giấu mình chờ thời”, “quyết không đi đầu” sang chủ động khởi xướng, dẫn dắt, tạo ra “sân chơi” mới, nhằm đáp ứng thời kỳ phát triển mới của đất nước, cũng như ứng phó với bối cảnh thế giới biến động không ngừng.
Thay đổi chiến lược thông qua những công cụ, chính sách mới
Các khái niệm, sáng kiến mới là những công cụ chính sách để Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu của mình. Trong đó, nổi bật là những khái niệm, sáng kiến sau:
Thứ nhất, khái niệm “thân, thành, huệ, dung”, “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Đối với Trung Quốc, các nước láng giềng được xem như một vùng đệm bảo đảm an ninh quốc gia, do đó, gây dựng ảnh hưởng, hợp tác và bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Năm 2013, bên cạnh việc đưa ra khái niệm “thân, thành, huệ, dung”(1) nhằm nâng cao vai trò của “ngoại giao láng giềng” trong chính sách đối ngoại, Trung Quốc đã đề ra khái niệm “cộng đồng chia sẻ tương lai” (cộng đồng chung vận mệnh) với nội hàm rộng, trải dài trên nhiều lĩnh vực để thắt chặt hơn nữa quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia.
Thứ hai, Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI). Vươn ra khỏi cấp độ khu vực, nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục đề ra sáng kiến đầy tham vọng, được đánh giá là “dự án của thế kỷ”, với tên gọi BRI. BRI mở ra một “sân chơi” mới với quy mô rộng lớn hơn do Trung Quốc dẫn dắt, bao gồm: 1- “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” trên đất liền kết nối Trung Quốc với khu vực Trung Á, Đông Âu và Tây Âu; 2- “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” dự kiến sẽ kết nối từ bờ biển phía Nam Trung Quốc đến Địa Trung Hải, châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á. Trong đó, “Con đường tơ lụa” hiện đại tập trung vào xây dựng hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, đường ống dẫn dầu, đường dây điện và hệ thống viễn thông để tăng cường kết nối liên khu vực. Theo kế hoạch của Trung Quốc, BRI bao trùm 2/3 tổng dân số toàn cầu và 3/4 nguồn tài nguyên năng lượng toàn cầu. Số lượng các nước tham gia BRI tính đến nay là hơn 140 quốc gia, trải dài từ khu vực Đông Bắc Á đến Đông Nam Á, Trung Đông và sang châu Âu; ở phía Bắc, kéo dài từ Tây Bắc Trung Quốc qua khu vực Trung Á, Nga và châu Âu. Như vậy, khi các kết nối kết cấu hạ tầng hoàn thiện, Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm của kết nối các khu vực châu Phi - châu Á - châu Âu(2). Để bảo đảm nguồn quỹ đầu tư cho các quốc gia tham gia BRI, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với sự tham gia của 57 thành viên sáng lập, trụ sở được đặt tại Thủ đô Bắc Kinh(3) (Trung Quốc) và Quỹ Con đường tơ lụa dưới sự quản lý của AIIB được thành lập. Đến nay, Trung Quốc đã ký kết hơn 200 biên bản ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ BRI với hơn 150 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế; tổng số ngân sách đã chi cho dự án lên tới 1.100 tỷ USD(4).
Thứ ba, Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu. Sau gần 10 năm thực hiện BRI với những kết quả còn nhiều tranh cãi, các sáng kiến mới tiếp tục được Trung Quốc công bố nhằm mở rộng ảnh hưởng và nâng cao vai trò chủ động, dẫn dắt, đồng thời củng cố hình ảnh nước lớn có trách nhiệm của Trung Quốc, phát triển hợp tác hữu nghị với các nước trên cơ sở “Năm nguyên tắc”: Cùng tồn tại hòa bình; thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới; sâu sắc và mở rộng quan hệ đối tác toàn cầu bình đẳng; cởi mở và hợp tác; dốc sức cho việc mở rộng điểm giao thoa lợi ích giữa các nước, trong đó đáng chú ý là: 1- Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) được công bố tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 vào tháng 9-2021; 2- Sáng kiến An ninh toàn cầu (GSI) được khởi xướng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao vào tháng 4-2022; 3- Sáng kiến Văn minh toàn cầu (GCI) được giới thiệu tại Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng trên thế giới vào tháng 3-2023. Sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà nghiên cứu dự đoán về việc Trung Quốc sẽ “hướng nội”. Tuy nhiên, ba sáng kiến trên đã chứng minh điều ngược lại. Bên cạnh đó, cấp độ “toàn cầu” trong tên gọi của các sáng kiến cho thấy sự tự tin và tham vọng vươn tầm ảnh hưởng bao trùm ra toàn thế giới của Trung Quốc.
Bộ ba sáng kiến được xem là điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc nhằm xây dựng một cấu trúc an ninh mới không theo sự dẫn dắt của Mỹ và các nước phương Tây. Ba sáng kiến mới có nội hàm tập trung hơn và riêng rẽ trên từng lĩnh vực, mang tính chất đa phương thay vì thỏa thuận song phương như BRI. GDI gắn liền với việc thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, sáng kiến lấy con người làm trung tâm, trước hết tập trung vào hợp tác trên tám lĩnh vực: Xóa đói, giảm nghèo; an ninh lương thực; phòng, chống dịch bệnh và vaccine; quỹ phát triển; biến đổi khí hậu và phát triển xanh; công nghiệp hóa; kinh tế số và kết nối thời đại kinh tế số(5). Cùng với BRI, GDI góp phần nâng cao vị thế của Trung Quốc đối với các quốc gia đang cần nguồn vốn phục vụ sự phát triển. Theo báo cáo của Trung Quốc, từ năm 2021 đến nay, GDI đã thông qua các cơ chế phát triển của Liên hợp quốc triển khai hơn 10 dự án giúp phát triển và nâng cao năng lực của hơn 60 quốc gia trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; an ninh lương thực; phục hồi sau dịch bệnh; chuyển đổi xanh; công nghệ kỹ thuật số;… đóng góp tích cực vào việc thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Với nền tảng nguồn vốn từ GDI đóng góp cho sự phát triển, GSI là bước tiếp theo trong tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, nhấn mạnh khái niệm “an ninh chung, toàn diện, hợp tác” và bác bỏ tâm lý “Chiến tranh lạnh”, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia. Trung Quốc cho rằng, GSI “tiến bộ và vượt xa so với lý thuyết an ninh địa - chính trị của phương Tây”(6). Còn theo đánh giá của giới nghiên cứu, GSI đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng khỏi lập trường phát triển kinh tế của BRI, mặc dù BRI cũng có các khía cạnh an ninh(7).
GCI kêu gọi tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh thế giới, phát huy những giá trị chung của nhân loại, xem trọng sự kế thừa và đổi mới văn minh, tăng cường giao lưu và hợp tác nhân văn quốc tế. Với tư cách là một trong những cái nôi văn minh lớn của nhân loại, Trung Quốc đã khởi xướng một GCI hướng tới đề cao và bảo tồn văn hóa địa phương. GCI đánh dấu một điểm mới và khác biệt trong chiến lược vươn ra toàn cầu của Trung Quốc. Đáng chú ý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất vai trò tiên phong của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong sáng kiến này.
Bộ ba sáng kiến đã được đưa vào báo cáo chính trị tại Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chứng minh tầm quan trọng của các sáng kiến này trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong giai đoạn tới. Mặc dù nội hàm và khuôn khổ của các sáng kiến trên vẫn chưa thực sự rõ ràng như BRI, nhưng thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực thúc đẩy, hoàn thiện và cụ thể hóa.
Nguyên nhân điều chỉnh chính sách của Trung Quốc
Sự điều chỉnh chính sách của Trung Quốc có thể được lý giải qua một số nguyên nhân:
Một là, Trung Quốc ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực và nâng tầm vị thế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 1978, Trung Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ đạt 149,5 tỷ USD và dân số 956,2 triệu người. Sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển “thần kỳ” với mức tăng trưởng GDP trung bình hằng năm đạt 9%; đến năm 2010, đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Đóng góp của Trung Quốc vào GDP toàn cầu đã tăng từ 1,8% (năm 1978) lên khoảng 30% vào trước những năm thực hiện chính sách “Zero COVID-19”(8). Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành thị trường có sức hút mạnh mẽ, đông dân thứ hai thế giới với hơn 1,4 tỷ người, là quốc gia phát triển trên nhiều lĩnh vực cũng như số lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất. Với thế và lực ngày càng gia tăng, sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhận định Trung Quốc “ngày càng tiến gần đến trung tâm vũ đài thế giới” và đang “tiến gần hơn, tự tin hơn và đủ năng lực để thực hiện mục tiêu phục hưng dân tộc vĩ đại hơn bao giờ hết”(9). Điều này cũng được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX (tháng 11-2021).
Hai là, đáp ứng nhu cầu phát triển bên trong. Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc tiếp tục được khơi dậy, kéo theo khát vọng ngày càng phát triển và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài để “xứng tầm” hơn với sức mạnh tổng hợp quốc gia. Trên thực tế, tư tưởng “phục hưng dân tộc Trung Hoa” đã được nhà chính trị cách mạng tiên phong của phong trào cách mạng dân chủ Trung Quốc đầu thế kỷ XX Tôn Trung Sơn đề ra khi tiến hành cách mạng chống chế độ phong kiến. Tuy nhiên, Trung Quốc phải trải qua một quá trình lâu dài để đạt được “bước nhảy vọt mang tính lịch sử”, từ “đứng lên” sang “giàu lên” và “mạnh lên”(10), mới hội tụ đủ sức mạnh để hiện thực hóa tư tưởng đó. Từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc (năm 2012), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa đề ra công cuộc “phục hưng vĩ đại dân tộc” với tên gọi “Giấc mộng Trung Hoa”. Trong đó nhấn mạnh hai mục tiêu “100 năm”: mục tiêu “100 năm lần thứ nhất” (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc) đã được hoàn thành vào năm 2021; mục tiêu “100 năm lần thứ hai” chính là “phục hưng dân tộc”, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia phát triển toàn diện vào năm 2049 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), trở thành cường quốc trên 16 lĩnh vực, bao gồm: văn hóa, nhân tài, nhân lực, hải dương, công nghệ… BRI và các sáng kiến sau này cũng nằm trong kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nêu trên. Kết nối kết cấu hạ tầng được cải thiện giúp Trung Quốc mở rộng thị trường, xuất khẩu ngày càng nhiều hàng hóa và giải quyết vấn đề dư thừa công suất trong nước. Đơn cử như, trong ba năm đầu triển khai BRI, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Pakistan đã tăng 77%. Bên cạnh đó, việc ký kết các biên bản ghi nhớ cũng giúp các nhà thầu Trung Quốc thường được “ưu tiên” trúng thầu thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình tại các nước đối tác.
Ba là, nhu cầu mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài nhằm nâng cao vai trò nước lớn, đồng thời bảo đảm an ninh để phát triển bên trong. Với tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc cần điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm tăng cường mở rộng ảnh hưởng, đồng thời bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì môi trường hòa bình, thuận lợi cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã đề ra. Sau Đại hội XVIII, Trung Quốc, chú trọng hơn vào chính sách “ngoại giao láng giềng”, thể hiện nhu cầu khoanh vùng khu vực ảnh hưởng và tạo vùng đệm an ninh của Trung Quốc. Mặt khác, thông qua GSI, Trung Quốc nâng cao hình ảnh quốc tế, trở thành quốc gia lớn thứ hai đóng góp vào ngân sách gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, các tài liệu của GSI cũng nhấn mạnh việc các nước tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, không can dự vào công việc nội bộ của nhau. GDI kiến tạo một khái niệm khác về nhân quyền để phản bác những “cáo buộc” của Mỹ và phương Tây. Một số nghiên cứu cho rằng, GDI ra đời nhằm đáp ứng Kế hoạch năm năm lần thứ 14 của Trung Quốc, trong đó chuyển hướng sang phát triển kinh tế bền vững, kêu gọi ngừng việc đầu tư các tài sản cố định vào các dự án đầu cơ và thời vụ chuyển sang đầu tư vào các dự án bền vững hơn và có lợi nhuận cao hơn, bao gồm các dự án kết cấu hạ tầng đổi mới, thông tin và đồng bộ. Các khái niệm và sáng kiến do Trung Quốc đề ra cũng nhằm phản bác những quan điểm của phương Tây, xây dựng hình ảnh tốt đẹp hơn về một nước lớn có trách nhiệm.
Bốn là, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Với đặc thù và cơ cấu nhà nước “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nắm quyền lực tập trung, trở thành “hạt nhân” trong bộ máy lãnh đạo quốc gia. “Tư tưởng Tập Cận Bình” đã được đưa vào Điều lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sự thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại với các sáng kiến chính là những thành quả mang đậm dấu ấn của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Năm là, hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc không thể tách rời nhân tố Mỹ. Trung Quốc “trỗi dậy” đe dọa vị thế số 1 thế giới của Mỹ, điều đó khiến Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và buộc phải có những hành động ngăn ngừa và kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Chẳng hạn như, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, khuôn khổ “Mạng lưới điểm xanh” (Blue Dot Network) về kết cấu hạ tầng nhằm đối trọng với BRI, hay chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đề ra Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) nhằm tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên lĩnh vực kinh tế và kiềm chế ảnh hưởng Trung Quốc tại khu vực. Hiện nay, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực đã có sự gia tăng đáng kể, có thể nói là vượt Mỹ, nhờ yếu tố về địa lý và liên kết kinh tế với các nước láng giềng. Tuy nhiên, xét về sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng trên toàn cầu, Mỹ vẫn đang duy trì vị trí số 1 thế giới. Để đạt được mục tiêu vươn lên trở thành cường quốc số 1 thế giới, Trung Quốc cần sự điều chỉnh chiến lược đối ngoại phù hợp để “phá tan vòng vây” của Mỹ, gây dựng ảnh hưởng và tạo ra một trật tự khác so với “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” hiện do Mỹ dẫn đầu.
Tác động đến khu vực và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
Sự thay đổi chiến lược trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc về trung hạn và dài hạn được cho là sẽ gây ra tác động hai mặt đối với khu vực và rộng hơn là thế giới.
Về tác động tích cực
Thứ nhất, cải thiện kết cấu hạ tầng cho thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng. Không thể phủ nhận những thay đổi về kết cấu hạ tầng mà BRI đã đem lại cho các nước trên thế giới. Hàng loạt dự án, như đường sắt Trung Quốc - Lào, đường sắt cao tốc Jakarta - Bandung (Đông Nam Á), đường sắt Mombasa - Nairobi (châu Phi),… đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, cải thiện kết cấu hạ tầng cho các nước, cũng như tăng cường kết nối giao thông một cách rõ rệt. Tại châu Âu, tuyến đường sắt Hungary - Serbia với sự góp vốn xây dựng của BRI đã giúp rút ngắn 8 giờ di chuyển giữa Hungary và Serbia xuống còn 2 giờ đồng hồ. Hiện nay, các dự án kết cấu hạ tầng dọc theo BRI đã giúp các quốc gia và khu vực trở nên gần gũi hơn, cải thiện cuộc sống của người dân, cũng như liên kết kinh tế của các nước tham gia.
Hai là, thúc đẩy toàn cầu hóa và phát triển kinh tế khu vực. Theo Thời báo Hoàn cầu, trong 10 năm phát động và triển khai BRI, tổng sản lượng xuất, nhập khẩu giữa Trung Quốc và các đối tác tham gia BRI đã đạt mức 19,1 nghìn tỷ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 6,4%, đầu tư hai chiều đạt trên 380 tỷ USD, trong đó đầu tư từ phía Trung Quốc là 240 tỷ USD. Bên cạnh đó, hiện đã có khoảng 79.900 chuyến tàu tốc hành Trung Quốc - châu Âu kết nối tới hơn 200 thành phố ở 25 quốc gia châu Âu, trở thành “kênh vàng” để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu(11). WB ước tính, đến năm 2030, các khoản đầu tư từ BRI có thể giúp 7,6 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo cùng cực và 32 triệu người thoát cảnh nghèo trung bình(12).
Ba là, giải quyết các “điểm nóng” của thế giới và khu vực, gìn giữ hòa bình chung. Trong khuôn khổ các sáng kiến toàn cầu, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có lực lượng gìn giữ hòa bình đông nhất trong các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hơn 2.200 lính “mũ nồi xanh” của Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại 8 khu vực nhiệm vụ(13), tích cực tham gia hợp tác rà phá bom mìn nhân đạo quốc tế. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tích cực thực hiện ngoại giao hòa giải và không ngừng nỗ lực thúc đẩy giải quyết các vấn đề nóng trên thế giới, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, Saudi Arabia - Iran, Palestine - Israel,…
Tác động tiêu cực
Thứ nhất, bẫy nợ từ BRI. Với điều kiện vay dễ dàng và lãi suất cao, Trung Quốc đã trở thành nguồn vay vốn thay thế cho các cơ chế có điều khoản vay khắt khe hơn, như WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Tuy nhiên, các nhà quan sát đã chỉ ra “bẫy nợ” tiềm ẩn phía sau những đồng vốn từ Trung Quốc. Năm 2017, Chính phủ đương thời của Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận cho phép Trung Quốc thuê lại cảng biển Hambantota tới 99 năm và tiếp tục gia hạn thêm 99 năm nữa khi thời hạn đầu tiên kết thúc, lý do là không thể chi trả các khoản nợ vay từ vốn BRI. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc ở khu vực bị đội vốn quá lớn, chậm tiến độ hoặc bị đánh giá có tác động tiêu cực đến môi trường. Theo đánh giá của Ban Phối hợp đầu tư Indonesia, chỉ có 7% các dự án theo kế hoạch của Trung Quốc từ năm 2004 đến năm 2014 được triển khai trên thực tế(14).
Thứ hai, làm thay đổi cán cân quyền lực trong quan hệ quốc tế, dẫn đến thay đổi tập hợp lực lượng và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Trong đó, cặp quan hệ chính là quan hệ Trung Quốc - Mỹ với xu hướng ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng và Mỹ suy giảm tương đối. Qua các cơ chế do Trung Quốc dẫn dắt, mối liên kết kinh tế giữa Trung Quốc và các nước tham gia sẽ ngày càng chặt chẽ, dẫn đến một trật tự khu vực mới, trong đó Trung Quốc đóng vai trò trung tâm và đi đầu. Trong bối cảnh đó, Mỹ và các nước lớn khác tại khu vực, như Ấn Độ, Nhật Bản tích cực đẩy mạnh cạnh tranh địa - chính trị; từ đó, kéo theo những thay đổi tập hợp lực lượng trong khu vực.
Thứ ba, vai trò trung tâm và đoàn kết nội khối của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đứng trước nhiều thách thức. Thành viên của ASEAN là các nước vừa và nhỏ, là đối tượng “lôi kéo” chính trong cạnh tranh ảnh hưởng địa - chính trị của các nước lớn. Mặt khác, sự phân hóa về lợi ích và tác động từ các thế lực bên ngoài cũng khiến bối cảnh chính trị tại khu vực Đông Nam Á trở nên phức tạp, tồn tại những quan điểm khác biệt về vai trò của Mỹ, Trung Quốc và các nước lớn khác trong khu vực. Điều này đã và đang đặt ra không ít thách thức đối với vai trò “cầm lái” và đoàn kết, thống nhất trong nội khối ASEAN.
Đối với Việt Nam
Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm; ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới. Bên cạnh đó, với vai trò là một nước lớn trên toàn cầu, Trung Quốc ngày càng có vị trí quan trọng đối với Việt Nam ở cả bình diện song phương và đa phương.
Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi từ những sáng kiến của Trung Quốc. Đơn cử như, BRI giúp cung cấp nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông và vận tải hàng hóa. Theo một số đánh giá, với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2040 ước tính khoảng 605 tỷ USD, BRI hoàn toàn có thể trở thành nguồn cung cấp vốn cho Việt Nam. Song, bên cạnh các sáng kiến đã có nội hàm hợp tác rõ ràng như BRI, Việt Nam cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng nội hàm của các sáng kiến khác như GDI, GSI, để đưa ra những lựa chọn phù hợp đối với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Từ những tác động tới khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, để tranh thủ được cơ hội, hạn chế tối đa thách thức, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế. Triển khai nhuần nhuyễn phương pháp “ngoại giao cây tre”, ứng xử khéo léo với các đối tác trên cơ sở kiên trì thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, không để bất cứ đối tác nào hiểu nhầm Việt Nam “chọn bên”. Bên cạnh đó, ứng dụng linh hoạt phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên lợi ích quốc gia - dân tộc khi đưa ra lựa chọn tham gia các sáng kiến song phương hay đa phương từ tất cả các bên, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, tiến tới mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Hai là, tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Phát huy những nhận thức chung trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc đã đạt được nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022) và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023). Tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại coi trọng và xác định phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống, ổn định với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc Trung Quốc coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong tổng thể chính sách “ngoại giao láng giềng” của mình là một thành quả đối ngoại và cũng là cơ hội để Việt Nam tận dụng thị trường, nguồn vốn từ Trung Quốc để phục vụ nhu cầu phát triển trong nước, trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế.
Ba là, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và dự báo. Công tác nghiên cứu khoa học luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân tích, nhận diện, đánh giá tình hình và đưa ra dự đoán, đề xuất chính sách đối ngoại. Trước mắt và cả trong dài hạn, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc trau dồi, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu và dự báo, cũng như trao đổi thành quả, quan điểm nghiên cứu thông qua các kênh học thuật để ngày càng phát huy hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học về chính sách đối ngoại của các nước lớn nói chung và Trung Quốc nói riêng./.
-------------------------
(1) Thân: láng giềng thân thiện; thành: đối xử chân thành; huệ: hợp tác cùng thắng; dung: bao dung, nhấn mạnh thế giới rộng bao la đủ không gian cho mọi quốc gia cùng phát triển
(2) Xem: Nguyễn Thị Hải Thu: “Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc và khả năng tác động đến kinh tế tài chính Việt Nam”, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, ngày 20-2-2018, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM153252
(3) Xem: “Thông tin về Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB) và quan hệ hợp tác Việt Nam - AIIB”, Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tháng 11-2022, https://sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/hdk/htqt/qhvctctc/qhvnaiib
(4) Xem: “10 years on, Belt and Road cooperation delivers fruitful outcomes” (Tạm dịch: 10 năm trôi qua, hợp tác Vành đai, Con đường mang lại kết quả tốt đẹp”, The State Council The People’s Republic of China, ngày 11-10-2023, https://english.www.gov.cn/news/202310/11/content_WS6526825cc6d0868f4e8e023e.html
(5) Theo Báo cáo tiến trình thực hiện Sáng kiến Phát triển toàn cầu năm 2023, http://no.china-embassy.gov.cn/lcbt/lcwj/202307/P020230704102269201225.pdf
(6) Wang Yi: “Acting on the Global Security Initiative to Safeguard World Peace and Tranquility” (Tạm dịch: Thực hiện Sáng kiến An ninh toàn cầu nhằm bảo vệ hòa bình và hòa bình thế giới ), Embassy of the People’s Republic of China in the United States of America, ngày 24-4-2022, http://us.china-embassy.gov.cn/eng/zgyw/202205/t20220505_10681820.htm
(7) “Sáng kiến An ninh toàn cầu” - bước đi cụ thể hóa tham vọng toàn cầu của Trung Quốc ?”, Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế, ngày 31-12-2022, https://nghiencuuchienluoc.org/sang-kien-an-ni-toan-cau-buoc-di-cu-the-hoa-tham-vong-toan-cau-cua-trung-quoc/
(8) “世行报告:中国经济十年对世界经济增长贡献率超G7总和”, 新华网, ngày 28-11-2022, https://www.gov.cn/xinwen/2022-11/28/content_5729266.htm#:~:text=%E8%B6%85G7%E6%80%BB%E5%92%8C-,38.6%25%EF%BC%81,%E6%B4%BB%E5%8A%9B%EF%BC%8C%E5%A4%87%E5%8F%97%E4%B8%96%E7%95%8C%E7%9E%A9%E7%9B%AE%E3%80%82
(9) “习近平说,实现中华民族伟大复兴的中国梦是新时代中国共产党的历史使命”, 新华网, ngày 18-10-2017, http://www.xinhuanet.com//politics/19cpcnc/2017-10/18/c_1121820111.htm
(10) “从站起来、富起来到强起来的伟大飞跃”, 人民网-人民日报, ngày 24-6-2021, http://theory.people.com.cn/n1/2021/0624/c40531-32138960.html
(11) “China releases 10-year vision, action plan for BRI, focusing on green, digital development and supply chain” (Tạm dịch: Trung Quốc công bố tầm nhìn 10 năm, kế hoạch hành động cho BRI, tập trung vào phát triển xanh, kỹ thuật số và chuỗi cung ứng), Global Times, ngày 24-11-2023, https://www.globaltimes.cn/page/202311/1302470.shtml
(12) Maryla Maliszewska: “The Belt and Road: Initiative Economic, Poverty and Environmental Impact” (Tạm dịch: Sáng kiến “Vành đai, Con đường”: Tác động kinh tế, nghèo đói và môi trường), World Bank Group, tháng 4-2019, https://documents1.worldbank.org/curated/en/126471554923176405/pdf/The-Belt-and-Road-Initiative-Economic-Poverty-and-Environmental-Impacts.pdf
(13) “Jointly Implementing the Global Security Initiative For Lasting Peace and Security of the World-Keynote Speech by H.E. Nong Rong Assistant Minister of Foreign Affairs At the 10th Beijing Xiangshan Forum” (Tạm dịch: Cùng thực hiện Sáng kiến An ninh toàn cầu vì hòa bình và an ninh lâu dài của thế giới - Bài phát biểu quan trọng của Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Nông Dung tại Diễn đàn Tượng Sơn Bắc Kinh lần thứ 10, https://www.mfa.gov.cn/eng/wjbxw/202311/t20231102_11172214.html
(14) Xem: Nguyễn Hữu Cát - Vũ Quang Đức: “Trung Quốc thực hiện chính sách đối ngoại và các tác động đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Tạp chí điện tử Lý luận chính trị, ngày 31-12-2018, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/2768-trung-quoc-thuc-hien-chinh-sach-doi-ngoai-va-cac-tac-dong-den-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong.html
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với đoàn doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về kinh tế xanh, kinh tế số  (15/05/2024)
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis Trung Quốc 2024: “Cùng phát triển hướng đến tương lai”  (16/04/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam