Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam

TS. Bùi Kim Thanh - ThS. Lê Minh Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
14:11, ngày 09-09-2020

TCCS - Kinh tế số được xác định là một trong những trụ cột tất yếu và có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo bước đột phá cho mỗi quốc gia trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với đặc thù riêng về thể chế, thực trạng nền kinh tế, trình độ, nhận thức và nhiều yếu tố khác mà mỗi quốc gia sẽ có những cách tiếp cận khác nhau để phát triển nền kinh tế số. Phát triển kinh tế số ở Thái Lan thời gian qua là một trong những điển hình có giá trị tham khảo.

Phát triển kinh tế số ở Thái Lan

Tầm nhìn “Thái Lan 4.0”

Được công bố năm 2014, “Thái Lan 4.0” là mô hình kinh tế nhằm chuyển đổi Thái Lan từ một nước được định hướng bởi công nghiệp sang một đất nước được định hướng bởi công nghệ cao. Đó là nền kinh tế dựa vào giá trị, với việc chuyển đổi sản xuất từ hàng hóa sang sản phẩm sáng tạo, chuyển đổi các hoạt động theo định hướng công nghiệp sang những hoạt động được thúc đẩy bởi công nghệ, sáng tạo và đổi mới, thay đổi trọng tâm từ sản xuất sản phẩm sang cung cấp dịch vụ.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-OCha tham quan các gian hàng tại triển lãm công nghệ Digital Thailand Big bang năm 2017_Ảnh: TL

Tầm nhìn này được kỳ vọng giúp Thái Lan giải quyết các vấn đề đang phải đối mặt là bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và phát triển mất cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và các vấn đề môi trường, xã hội. “Thái Lan 4.0” cũng là bước tiếp theo trong tiến trình phát triển của đất nước này. “Thái Lan 1.0” đặt trọng tâm vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp, giúp Thái Lan dẫn đầu khu vực và thế giới về những sản phẩm nông nghiệp; “Thái Lan 2.0” là kế hoạch tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ, sử dụng lao động giá rẻ để biến nguyên liệu thô thành hàng hóa qua gia công và sản xuất, giúp Thái Lan từ một nước thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình; “Thái Lan 3.0” tập trung phát triển công nghiệp nặng với máy móc tiên tiến, như sản xuất ô-tô và hóa chất, giúp nền kinh tế Thái Lan tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhưng vẫn chưa đủ để đưa Thái Lan gia nhập nhóm các nước có thu nhập cao. Do đó, “Thái Lan 4.0” ra đời, với nền kinh tế theo định hướng kỹ thuật số và đổi mới, tập trung vào sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhằm giúp Thái Lan đạt được giai đoạn tăng trưởng dài hạn sau khi có được những thành tựu nhất định từ những giai đoạn trước.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “Thái Lan 4.0” không chỉ là sự tiếp nối của những mô hình kinh tế trước đó mà còn thể hiện quyết tâm bắt kịp xu thế mới để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Đó là đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức 5% đến 6% trong vòng 5 năm và tăng thu nhập bình quân đầu người từ 5.470 USD năm 2014 lên 15.000 USD vào năm 2032 và tạo ra một xã hội tiến lên mà không có ai bị bỏ lại (xã hội hòa nhập); giảm chênh lệch xã hội thể hiện ở hệ số chỉ ra mức bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế (GINI) từ 0,465 năm 2013 xuống 0,36 vào năm 2032; chuyển đổi hoàn toàn sang hệ thống phúc lợi xã hội trong vòng 20 năm; nâng cao giá trị con người với mục tiêu đưa chỉ số phát triển con người (HDI) từ 0,722 lên 0,8; đưa Thái Lan trở thành một xã hội đáng sống, với một hệ thống kinh tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và xã hội các-bon thấp.

“Chính sách Thái Lan số”

Để thực hiện tầm nhìn Thái Lan 4.0, “Chính sách Thái Lan số” được Chính phủ Thái Lan đưa ra với tham vọng xây dựng một xã hội và nền kinh tế số, giúp Thái Lan có thể trở thành “nhà lãnh đạo số”. Trong đó, Thái Lan tập trung tăng cường sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, như phát triển kết cấu hạ tầng, sáng kiến, dữ liệu, nguồn lực con người và những nguồn lực kỹ thuật số khác để đưa đất nước đến thịnh vượng, ổn định và bền vững.

“Chính sách Thái Lan số” được chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn 1: Đầu tư và xây dựng nền tảng số; giai đoạn 2: Bảo đảm mọi cá nhân có thể đạt được những lợi ích từ công nghệ số; giai đoạn 3: Chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế theo định hướng đổi mới và công nghệ số; giai đoạn 4: Trở thành một nước phát triển, lãnh đạo và dẫn đầu với sáng kiến và công nghệ số. Để thực hiện “Chính sách Thái Lan số”, Chính phủ Thái Lan đã xây dựng Kế hoạch tổng thể kinh tế số quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và thành lập Bộ Xã hội và Kinh tế số (MDES) thay thế Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông (MICT).

Kế hoạch tổng thể kinh tế số Thái Lan được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và được định vị là một chính sách có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch này gồm năm trụ cột chính tập trung vào mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ với khu vực tư và giáo dục để thúc đẩy sự truy cập ngày càng tăng vào các dịch vụ in-tơ-nét đáng tin cậy. Trụ cột thứ nhất là kết cấu hạ tầng cứng để cung cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phù hợp thúc đẩy kinh tế số, như in-tơ-nét băng thông rộng tốc độ cao, các trung tâm dữ liệu khác nhau và các cổng kỹ thuật số. Trụ cột thứ hai là kết cấu hạ tầng mềm tập trung vào việc thúc đẩy doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu biết và tin tưởng vào các giao dịch trực tuyến và an ninh mạng nhằm khuyến khích thương mại điện tử. Trụ cột thứ ba là kết cấu hạ tầng dịch vụ tạo ra một nền tảng duy nhất cho phép đổi mới dịch vụ từ cả khu vực Chính phủ và tư nhân với các tài liệu, văn bản điện tử, bao gồm cả tìm kiếm tài liệu số hóa và cung cấp thông tin tốt hơn cho các bên kinh doanh trực tuyến và giao dịch trực tuyến, từ đó loại bỏ dần việc sử dụng các văn bản và tài liệu giấy. Trụ cột thứ tư là thúc đẩy kinh tế số thông qua phát triển kỹ năng số cho các doanh nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn và sử dụng các công cụ số để hỗ trợ cho sự tăng trưởng của các lĩnh vực, như ngân hàng, dịch vụ và sản xuất. Một hệ sinh thái kinh doanh số và xây dựng năng lực trong lĩnh vực kinh doanh số, thương mại điện tử và tiếp thị kỹ thuật số được thiết lập nhằm bảo đảm sẵn sàng cho kỷ nguyên kỹ thuật số. Trụ cột thứ năm là kiến thức và xã hội số với việc cung cấp kết nối phổ quát với giá cả phù hợp cho mọi công dân trong khi xây dựng một xã hội số ủng hộ việc sử dụng các công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm đói, nghèo, học tập suốt đời và phổ cập thông tin và truyền thông.

Bên cạnh việc ban hành các chính sách, kế hoạch và chiến lược để hiện thực hóa “Thái Lan 4.0” và “Thái Lan số”, Chính phủ Thái Lan cũng đã xây dựng một cấu trúc quản trị. Tháng 6-2016, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan đã phê chuẩn việc thành lập MDES, chính thức thay thế MICT. Theo đó, những đơn vị trực thuộc MICT trước đây giờ nằm trong MDES. Đồng thời, hai cơ quan là Ủy ban Xã hội và kinh tế số quốc gia (do Thủ tướng chủ trì) và Cơ quan Xúc tiến kinh tế kỹ thuật số (DEPA) cũng được thành lập mới trong MDES. MDES được thành lập với nhiệm vụ chính là phát triển và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số Thái Lan và thu hút các doanh nghiệp số. MDES cũng có vai trò trong phát triển và quản lý mạng viễn thông Thái Lan, điều tiết và thúc đẩy việc sử dụng kết cấu hạ tầng và đổi mới vì sự phát triển kinh tế - xã hội. MDES sẽ giám sát việc lập kế hoạch, thúc đẩy và phát triển nền kinh tế số theo Kế hoạch tổng thể kinh tế kỹ thuật số quốc gia của Thái Lan.

Ưu tiên đầu tư và xây dựng nền tảng kỹ thuật số đồng bộ

Đây là giai đoạn đầu tiên của “Chính sách Thái Lan số” và cũng là nền tảng quan trọng tiên quyết cho sự phát triển kinh tế số của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đối với Thái Lan, đó không đơn giản chỉ là đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin mà là quá trình số hóa toàn diện trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, kinh tế, xã hội...

Về kết cấu hạ tầng, Thái Lan chủ trương triển khai băng thông rộng đến mọi làng xã, cung cấp 10.000 điểm wifi miễn phí, tăng gấp đôi băng thông quốc tế. Để đạt mục tiêu này, Thái Lan đã đầu tư hàng tỷ USD cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp giao thông cũng như mạng in-tơ-nét, viễn thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghệ. Những dự án lớn, như hệ thống đường sắt cao tốc nối ba sân bay lớn, cảng biển nước sâu đều được xây dựng gấp rút nhằm đáp ứng yêu cầu lô-gi-stíc của Thái Lan trên con đường phát triển công nghệ. Mặc dù những dự án này chỉ có thể đưa vào sử dụng trong vòng từ 5 năm đến 10 năm tới nhưng nhiều công ty lớn trên thế giới đã đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của Thái Lan trong việc định hướng nền kinh tế công nghệ cao.

Để đưa Thái Lan trở thành trung tâm in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT) của châu Á trong 5 năm tới, Thái Lan đã cho triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu EECD tốc độ cao phục vụ nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy các ngành công nghiệp mới “S-curve”, bao gồm hệ thống vệ tinh, trung tâm xử lý dữ liệu. Năm 2015, đầu tư cho công nghệ thông tin đã chiếm 7% GDP của Thái Lan. Về số lượng người sử dụng in-tơ-nét, Thái Lan chỉ đứng sau Xin-ga-po trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thậm chí, Ngân hàng Trung ương Thái Lan còn đang sử dụng công nghệ dữ liệu lớn “Big Data” để phân tích dữ liệu và hoạch định chính sách và Chính phủ Thái Lan cam kết cung cấp một môi trường an toàn với mức độ bảo mật mạng cao để sử dụng “Big Data” cho các hoạt động tương tự của các cơ quan chính phủ.

Lắp đặt trạm thu phát sóng thử nghiệm mạng 5G tại Thái Lan_Ảnh: TL

Đầu tư xây dựng thành phố thông minh cũng là một trọng tâm quan trọng của Thái Lan để thúc đẩy nông nghiệp và công nghiệp du lịch, góp phần thu hẹp khoảng cách thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Triển khai nội dung này, Chính phủ đã dành 45 tỷ USD đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng các công nghệ số, cung cấp môi trường hiệu quả, khép kín, thúc đẩy sản xuất và đổi mới.

Với những nỗ lực trên, nền kinh tế số của Thái Lan đã tăng trưởng mạnh từ 6 tỷ USD năm 2015 lên 16 tỷ USD năm 2019. Trong đó, du lịch trực tuyến là lĩnh vực lớn nhất với trị giá 7 tỷ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực thương mại điện tử đã đạt tốc độ tăng trưởng kép trong 4 năm liên tiếp và dự kiến sẽ đạt 13 tỷ USD năm 2025, so với con số 3 tỷ USD năm 2018.

Về xã hội, Thái Lan đang phát triển một hệ thống dữ liệu sức khỏe cá nhân (PHR) để kết nối với các bệnh viện trên khắp cả nước, mang đến lợi ích cho ít nhất 1 triệu người. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đã tích lũy một bộ sưu tập dữ liệu khổng lồ về 3 năm đầu đời của một trẻ sơ sinh và môi trường trẻ lớn lên như mức độ vệ sinh, môi trường sống và sự phát triển của não, cũng như hành vi và sinh kế của bố mẹ để có những dự đoán về sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Điều này giúp Thái Lan có những chính sách phù hợp để xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh và chất lượng, giảm các chi phí y tế không cần thiết.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho “Chính sách Thái Lan số”, đã có 8.000 người thuộc nhóm thiệt thòi được đào tạo các kỹ năng kỹ thuật số cho nghề nghiệp, 700.000 sinh viên ở các trường đào tạo nghề và 400.000 người được cung cấp nội dung nghề nghiệp trực tuyến toàn thời gian, và ít nhất 600.000 người được đào tạo kiến thức kỹ thuật số. Thái Lan cũng đã cung cấp các khóa trực tuyến mở (Massive Open Online Courses - MOOCs) vì cộng đồng cả trong các thiết chế giáo dục và phi giáo dục; xây dựng ứng dụng điện thoại học tiếng Anh cho công dân; triển khai tiên phong một gói kỹ thuật số về điện, in-tơ-nét để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số. Chính phủ Thái Lan cũng công bố kế hoạch ngân sách 1 tỷ USD để đào tạo 12.290 tiến sĩ khoa học và công nghệ phục vụ quá trình phát triển của đất nước và phục vụ nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong 20 năm tới.

Về Chính phủ, Thái Lan đã xây dựng Luật Chính phủ điện tử với các kế hoạch/chiến lược của Chính phủ số, tiêu chuẩn dịch vụ, kế hoạch bảo vệ dữ liệu, bảo mật dữ liệu, giám sát kế hoạch làm việc; thiết lập, nâng cấp kết cấu hạ tầng, trung tâm dữ liệu dùng chung của Chính phủ, công nghệ đám mây Chính phủ (G-Cloud) và hệ thống thư của Chính phủ (MailGoThai); xây dựng các dịch vụ thông minh với văn bản điện tử để phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn, nhất là xây dựng các nền tảng để tạo điều kiện cho khởi nghiệp, phát triển hệ thống thông tin di động (G-Chat) có thể chứa ít nhất 15.000 người dùng. Hiện Chính phủ Thái Lan đã triển khai chương trình nhận dạng số quốc gia (e-ID).

Đặc biệt, Thái Lan đã khởi động cổng thông tin một cửa của Chính phủ (GovChanel) qua trang web (govchannel.co.th, egov.go.th, data.go.th, info.go.th), qua các ứng dụng di động trên các thiết bị thông minh và qua ki-ốt chính phủ thông minh ở tất cả các tỉnh. Chính phủ hợp tác với Intel để cung cấp một lớp kết nối doanh nghiệp với thông tin về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật số để khởi động kinh doanh và đã phát triển các ứng dụng kỹ thuật số cho nông dân để theo dõi thời tiết, đất đai và điều kiện thị trường cho hàng nông sản.

Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan

Sự phát triển mạnh mẽ của in-tơ-nét và công nghệ được kỳ vọng sẽ tạo ra những nền tảng hỗ trợ cho nền kinh tế số phát triển nhanh và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nền kinh tế số phát triển một cách bền vững thì cần phải có các giải pháp hỗ trợ đồng bộ và sự nỗ lực từ nhiều phía. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở Thái Lan có thể rút ra một số bài học sau:

Một là, từ kinh nghiệm Thái Lan về nhận thức và phân bổ nguồn lực cho kinh tế số cho thấy, để thành công, cần xác định kinh tế số không đơn thuần là thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin mà là quá trình số hóa toàn diện mọi lĩnh vực đời sống, chuyển trọng tâm từ xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số sang ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số để nâng cao giá trị và chất lượng, phát triển kinh tế xã hội. Do đó, cần có sự thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò và nội hàm của kinh tế số trong xây dựng và hoạch định chính sách, nhất là trong các cơ quan chính phủ. Từ đó, có sự định vị và định hướng chính xác, đúng tầm chương trình nghị sự về kinh tế số, cũng như việc phân bổ nguồn lực hợp lý và hiệu quả để triển khai trong thực tế.

Hai là, phải có chiến lược toàn diện và cơ quan chuyên trách nền kinh tế số (như MDES) nhằm bảo đảm chiến lược được thực hiện xuyên suốt và có đầu mối tập trung nguồn lực cũng như đánh giá mức độ hiệu quả của từng kế hoạch trong thực thi chiến lược.

Ba là, xây dựng nền tảng số. Dù nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực của đời sống, nhưng Thái Lan luôn xem kết cấu hạ tầng kỹ thuật số là yếu tố nền tảng đầu tiên, tiên quyết để bảo đảm sự sẵn sàng về công nghệ trong giải quyết các thách thức của quá trình chuyển đổi số. Vì vậy, dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong kết cấu hạ tầng kỹ thuật số nhưng để có những phát triển đột phá, cần chú trọng đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật số quốc gia một cách bài bản và đồng bộ, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế số của đất nước. Kinh nghiệm của Thái Lan cũng cho thấy, trong quá trình đầu tư xây dựng nền tảng số nói chung, kết cấu hạ tầng kỹ thuật số nói riêng, cần đặc biệt lưu ý đến những đặc thù của khu vực thành thị và nông thôn để có kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật số ở hai khu vực này một cách cân bằng và hài hòa, góp phần rút ngắn khoảng cách và chênh lệch phát triển giữa thành thị và nông thôn.

Các học viên thực hành lập trình và vận hành robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh_Ảnh: TTXVN

Bốn là, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Chương trình đào tạo nhân lực công nghệ thông tin cần hướng đến đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin, đặc biệt là cập nhật giáo trình đào tạo công nghệ thông tin gắn với các xu thế công nghệ mới, như IoT, trí tuệ nhân tạo, công nghệ rô-bốt. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao nhận thức của người dân về nhu cầu và giá trị của nghề nghiệp này trong xã hội. Chính sách thúc đẩy nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa phải có những ưu tiên rõ rệt, vừa phải tính toán đến các nhóm yếu thế trong xã hội, như người khuyết tật, nông dân, phụ nữ... để thúc đẩy sự phát triển bình đẳng. Trong đó, phải xây dựng được một lực lượng lao động số nòng cốt, đủ về số lượng và đáp ứng được về chất lượng để phục vụ yêu cầu số hóa mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ nông nghiệp đến công nghiệp và dịch vụ.

Năm là, có hành lang pháp lý để thúc đẩy kinh tế số, cần “luật hóa” những nội dung về kinh tế số để bảo đảm hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc và thống nhất cho triển khai và thực hiện chương trình nghị sự về kinh tế số. Đặc biệt, trong một số trường hợp, những sáng kiến số có thể dẫn đến những tranh cãi và lo ngại về vấn đề an ninh mạng, bảo mật dữ liệu người dùng, thông tin cá nhân như hệ thống e-ID của Thái Lan nên việc xây dựng và ban hành một hệ thống pháp luật đồng bộ vừa tạo điều kiện cho quá trình số hóa trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Chính phủ.

Sáu là, trong bối cảnh tốc độ đổi mới và thay đổi công nghệ diễn ra nhanh chóng, để thực hiện các khuyến nghị chính sách trên, cần thường xuyên nâng cao năng lực cho các cơ quan chính phủ. Chính phủ cần có đủ năng lực để hiểu những thay đổi trong bối cảnh chính sách và công nghệ quốc tế, cũng như những tác động tới các chương trình nghị sự quốc gia về kinh tế số. Từ đó, có những đo lường và đánh giá xác đáng về thực trạng kinh tế số quốc gia, cũng như có đủ năng lực ban hành và triển khai các quyết định, quy định nhanh chóng, linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết của kinh tế số./.