Phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát

Trần Hoa Lê
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
17:22, ngày 20-10-2024

TCCS - Phân cấp, phân quyền là xu hướng quản lý hiện đại, mang lại hiệu quả trong việc quản lý nhà nước ở cấp địa phương. Luật Thủ đô năm 2024 (Luật Thủ đô số 39/2024/QH15, ngày 28-6-2024) đã thực hiện phân quyền mạnh mẽ, đồng thời quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, các quy trình, thủ tục, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.

Để bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng hoặc phân quyền không mất kiểm soát, cơ chế kiểm tra, giám sát đóng vai trò rất quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Luật Thủ đô năm 2024, việc giám sát phải được thiết lập chặt chẽ ở tất cả các cấp.

Tăng cường phân quyền, bảo đảm tính minh bạch

Luật Thủ đô năm 2024 đã quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho thành phố, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật này được xây dựng trong khuôn khổ tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là một đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, mà chỉ áp dụng riêng cho Thủ đô Hà Nội.

Luật đã cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để có thể áp dụng ngay. Đối với những vấn đề cần ủy quyền lập pháp, luật quy định việc ủy quyền cho các chủ thể có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhằm bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ trong quá trình thực thi.

Ngoài ra, Luật Thủ đô năm 2024 cũng nhấn mạnh việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội, cùng với đó là quy định rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền thành phố. Đồng thời, các quy trình, thủ tục và cơ chế kiểm tra, giám sát cũng được thiết lập để bảo đảm việc thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của các cấp chính quyền được thực hiện đúng đắn, hiệu quả.

Luật cũng quy định cụ thể về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền sẽ được tăng cường năng lực thực hiện các chức năng quan trọng, như: xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội, từ đó góp phần bảo đảm tính thực chất và hiệu quả trong việc thực thi các nhiệm vụ.

Luật cũng quy định, Hội đồng nhân dân thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm...

Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, Luật bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Để bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp và ủy quyền, tránh tình trạng lạm dụng hoặc ủy quyền tràn lan, Luật Thủ đô năm 2024 đưa ra những quy định cụ thể nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm. Cụ thể, Luật giao cho Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm vụ quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được ủy quyền. Điều này giúp bảo đảm rằng việc ủy quyền chỉ diễn ra trong phạm vi cụ thể và rõ ràng, tránh việc áp dụng ủy quyền một cách tùy tiện và không kiểm soát.

Bên cạnh đó, Luật giao Ủy ban nhân dân thành phố trách nhiệm quy định việc điều chỉnh hồ sơ, trình tự, thủ tục và thẩm quyền sao cho phù hợp với các nhiệm vụ và quyền hạn được phân cấp và ủy quyền. Đây là một bước tiến quan trọng để bảo đảm tính khả thi và hợp lý trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Luật cũng nhấn mạnh vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện các nội dung đã được phân cấp và ủy quyền. Đây là cơ chế kiểm soát độc lập, bảo đảm việc thực thi quyền lực diễn ra đúng quy định pháp luật và tránh tình trạng lạm quyền, thể hiện tính minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc giám sát hoạt động của chính quyền.

Việc quy định chi tiết về cơ chế kiểm tra, giám sát và trách nhiệm này góp phần quan trọng trong việc bảo đảm việc phân cấp và ủy quyền được thực hiện một cách hiệu quả, công bằng và không dẫn đến sự lạm quyền, đồng thời tăng cường tính dân chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính quyền địa phương.

Hà Nội được thí điểm các cơ chế mới

Cùng với việc phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép Hà Nội thí điểm các cơ chế quản lý hành chính tiên tiến, giúp thành phố vận hành hiệu quả hơn. Quá trình thí điểm sẽ được giám sát, đánh giá định kỳ để điều chỉnh và mở rộng nếu thành công.

Để thực hiện chủ trương xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và khu vực, Luật cho phép đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố Hà Nội, đơn vị sự nghiệp công lập có cơ sở trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch...

Thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học - công nghệ.

Luật Thủ đô năm 2024 cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Thành phố được phép thu và sử dụng 100% nguồn thu từ một số khoản thuế và phí, để đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông công cộng và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Mô hình này giúp thúc đẩy phát triển bền vững, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và giao thông đô thị. Từ đó tạo ra các không gian đô thị thuận lợi cho sinh hoạt, kinh doanh và giải trí.

Luật Thủ đô năm 2024 cũng điều chỉnh mức phí, lệ phí sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển đặc thù của thành phố. Theo đó, Nhà nước đặc biệt ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực từ cả trong và ngoài nước nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, bảo đảm việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu từ việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí. Số thu này sẽ được sử dụng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chi cho các hoạt động trong các lĩnh vực quan trọng, như kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và phúc lợi xã hội. Điều này bảo đảm nguồn lực tài chính được phân bổ hợp lý, hỗ trợ Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ công và hạ tầng xã hội.

Đối với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, Luật Thủ đô năm 2024 quy định thành phố Hà Nội có quyền áp dụng mức tiền phạt cao hơn, nhưng không quá 2 lần mức phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như văn hóa, xây dựng, giao thông, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Những quy định này không chỉ thể hiện sự quyết liệt trong việc duy trì trật tự đô thị và bảo vệ an ninh xã hội mà còn tạo ra cơ sở pháp lý rõ ràng để thành phố xử lý các hành vi vi phạm một cách hiệu quả, bảo đảm sự an toàn, ổn định trong quá trình phát triển bền vững của Thủ đô.

Một số giải pháp trong thời gian tới

Luật Thủ đô năm 2024 là bước tiến quan trọng trong việc phân cấp, phân quyền cho Hà Nội. Tuy nhiên, để cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm việc triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền hiệu quả, tránh vấn đề lạm dụng quyền lực xảy ra, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, các cơ quan, như Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, cần theo dõi, giám sát thường xuyên việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được phân cấp để sớm phát hiện nếu có vi phạm.

Thứ hai, nâng cao năng lực cho các cơ quan kiểm tra, giám sát, bằng cách bổ sung nguồn nhân lực chất lượng, ứng dụng công nghệ và cải thiện quy trình giám sát. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đặc biệt là những đại biểu mới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Thứ ba, xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn. Luật cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cấp, tránh tình trạng phân cấp không đồng bộ và dễ kiểm soát trách nhiệm khi có vi phạm.

Thứ tư, cải cách hành chính và tăng cường minh bạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình, thủ tục công khai, minh bạch. Điều này giúp người dân và cơ quan giám sát dễ dàng tiếp cận thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ năm, thúc đẩy sự tham gia của người dân và tổ chức xã hội. Người dân và các tổ chức xã hội cần được khuyến khích tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của chính quyền. Đây là kênh kiểm tra quan trọng giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn trong quá trình phân quyền.

Thứ sáu, xử lý nghiêm vi phạm. Thiết lập cơ chế xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với các trường hợp lạm dụng quyền lực hoặc thiếu trách nhiệm trong thực hiện phân cấp, phân quyền. Điều này tạo tính răn đe, bảo đảm các cấp chính quyền thực hiện đúng quyền hạn và trách nhiệm của mình.

Thứ bảy, thí điểm và đánh giá thường xuyên. Việc thí điểm các cơ chế mới cần được theo dõi và đánh giá định kỳ. Các kết quả đạt được và hạn chế trong quá trình thực hiện cần được ghi nhận và điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống phân cấp, phân quyền./.