Lễ nghĩa và tín nhiệm

Gia Kiên
14:43, ngày 27-10-2024

Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 2-2-2023, của Bộ Chính trị, “Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định số 96-QĐ/TW) là bước tiến mới, quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ. Để góp phần thực hiện hiệu quả Quy định số 96-QĐ/TW, có những vấn đề cần bàn tới, mà một trong số đó là chuyện lễ nghĩa của người được lấy phiếu và người ghi phiếu.

Người Việt Nam vốn duy tình, trọng lễ nghĩa - đó là mối dây kết nối cá nhân - gia đình - cộng đồng, phản ánh phẩm cách trọng tình, trọng nghĩa…

Lễ là những phép tắc thuộc đạo lý phải theo cho đúng khi đối xử, tiếp xúc với người khác(1). Lễ biểu hiện trong mọi hoạt động của người Việt Nam, từ chào hỏi xã giao, trong bữa ăn quây quần, lúc cùng nhau làm việc… Người Việt Nam coi trọng hành lễ trước rồi mới thực hiện các hành vi tiếp theo. Muốn thành người thì “tiên học lễ, hậu học văn”. Không giữ lễ bị coi là vô lễ; nổi tiếng đến mấy, học rộng tài cao đến đâu, vị trí xã hội thế nào… mà thiếu lễ thì cũng bị xem là… thiếu văn hóa.

Nhưng hiện nay, có tình trạng cố tình hiểu lệch lạc về lễ trong một số cán bộ, đảng viên. Khi thực hiện tự phê bình và phê bình, có người coi giữ lễ là… “dĩ hòa vi quý”, “ta không đụng người thì người chẳng đụng ta”… Dù thấy ở nhau khuyết điểm, dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí hành vi vi phạm, nhưng không nói ra, hoặc chỉ “bóng gió”; nếu người đó là cấp trên thì càng không dám… “dây dưa”. Và biện minh rằng phải giữ gìn tình đồng chí, “vì nhau, ai nỡ…”, phải lễ phép với cấp trên…

Điều đó có thể dẫn tới việc: công tác lấy phiếu tín nhiệm “cả nhà cùng vui”; thậm chí góp phần vào hiện tượng chua xót “trong sạch cho đến khi bị phát hiện”. Và hệ quả là những cán bộ, đảng viên dám nói, dám chịu trách nhiệm, vạch ra các khuyết điểm của cá nhân, tổ chức thì lại bị coi là… không lễ nghĩa; có những cái nhìn tiêu cực với người chống tiêu cực hoặc những lời khuyên đầy hờn trách: cùng đồng chí với nhau, “có cần làm thế không”, “có đáng phải thế không” và dường như người có tín nhiệm thấp lại là “nạn nhân”(?!)…

Đó là vì, người ta quên rằng: lễ trước hết phải xuất phát từ đạo lý; lễ luôn gắn với nghĩa - “điều được coi là hợp lẽ phải, làm khuôn phép cho cách xử thế của con người trong xã hội”(2). Nghĩa lớn của Đảng ta là đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo yêu cầu của cách mạng, của nhân dân... Nghĩa của cán bộ, đảng viên là hết lòng, hết sức “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”, nêu gương trong công việc và cuộc sống... Nếu cho rằng, giữ lễ nghĩa là “mắt nhắm, mắt mở”; công tác lấy phiếu tín nhiệm tiến hành thiếu nghiêm túc, thực hiện hình thức hoặc lợi dụng nhằm “hạ bệ”, bôi nhọ nhau… thì đó mới chính là “vô lễ” với Đảng, đất nước và nhân dân.

Mục đích quan trọng của Quy định số 96-QĐ/TW là giúp cán bộ “tự soi”, “tự răn”, “tự sửa”; kết quả tín nhiệm là thước đo, chỉ báo về tâm, tầm, tài của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Lễ nghĩa ở đây là thái độ cầu thị, cầu tiến, cầu đồng, vị tha và với niềm tin xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; là sự đánh giá công tâm, khách quan, khích lệ những cán bộ tốt; tạo cơ hội để cán bộ còn có khuyết điểm tu dưỡng, rèn luyện, sửa chữa; kịp thời phát hiện những “con sâu làm rầu nồi canh”, răn đe, xử lý nghiêm những cán bộ thoái hóa, biến chất; thể hiện trách nhiệm cá nhân của người ghi phiếu trước Đảng, trước dân. Làm được như vậy, mới thực sự là giữ được cả lễ và nghĩa trong lấy phiếu tín nhiệm.../.

---------------------------

(1), (2) Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, tr. 561, tr. 678