Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
TCCS - Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng là vấn đề quan trọng, cấp thiết, góp phần thiết thực xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trong tình hình mới. Đây cũng là sự cụ thể hóa chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước ta về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt Nam đã tạo dựng và để lại cho thế hệ ngày nay một di sản lớn lao về tri thức, trong đó có kế sách lớn về kết hợp kinh tế với quốc phòng, nhằm làm cho “nước thịnh, binh cường”. Một dạng thức kết hợp kinh tế với quốc phòng ra đời rất sớm trong lịch sử và có hiệu quả là đồn điền binh - tiền đề của khu kinh tế - quốc phòng ngày nay.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, Bộ Quốc phòng chủ trương lựa chọn những địa bàn đặc biệt khó khăn, trống dân, thưa dân, nhạy cảm về vấn đề dân tộc, tôn giáo dọc biên giới để xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng. Qua đó, một mặt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các vùng dự án, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc; mặt khác, thực hiện chủ trương, chính sách “Đền ơn, đáp nghĩa” của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đối với đồng bào ở những nơi là căn cứ cách mạng, căn cứ chiến đấu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Những kết quả nổi bật trong hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng thời gian qua
Qua hơn 20 năm thực hiện, đến nay, toàn quân đã triển khai xây dựng được 30 khu kinh tế - quốc phòng. Các khu kinh tế - quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, góp phần tạo nên thế và lực mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh ở các vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Để triển khai nhiệm vụ xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng và phụ trách xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, các đoàn kinh tế - quốc phòng được thành lập với các nhiệm vụ: 1- Xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, kết hợp tổ chức lại dân cư; 2- Xây dựng địa bàn vững mạnh về quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để cơ cấu lại dân cư nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng, an ninh; 3- Góp phần tạo những yếu tố bước đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa; tạo điều kiện cho nhân dân địa phương nâng cao thu nhập thông qua việc tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng. Ở nơi có điều kiện sản xuất lớn nhưng người dân không đủ khả năng tự đầu tư sản xuất hàng hóa, Quân đội trực tiếp tổ chức sản xuất để thu hút các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người dân từ nơi khác đến; 4- Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tham gia tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân; đấu tranh phòng, chống các thủ đoạn, luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động. Đưa phát thanh, truyền hình, văn hóa, y tế về cơ sở. Tham gia bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương. Phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự hỗ trợ, phối hợp của các địa phương, những năm qua, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần củng cố thế trận quốc phòng, an ninh dọc tuyến biên giới, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước phát triển kinh tế hàng hóa, cải thiện đời sống nhân dân. Qua đó, lòng tin của nhân dân địa phương đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng cao.
Các đoàn kinh tế - quốc phòng đã hoàn thành xây dựng 403 tuyến đường giao thông (1.499km); 89 cầu (1.296m); 390 phòng học (43.786m2); 130 công trình điện với 14.636km đường dây; 154 trạm biến áp và 114 công trình cấp nước sạch tập trung phục vụ 20.238 hộ dân; 536 bản, điểm dân cư mới; 58 trạm xá quân y và 33 bệnh xá quân - dân y; 166 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với 1.482km kênh mương; 39 khu chợ dân sinh và nhà văn hóa... Quân y các đoàn kinh tế - quốc phòng phối hợp với y tế địa phương khám bệnh cho 1.699.584 lượt người, tiêm chủng 82.630 lượt người, thu dung điều trị trên 200.000 bệnh nhân, cấp cứu trên 12.000 bệnh nhân, phẫu thuật trên 15.000 trường hợp; đào tạo 350 nhân viên y tế thôn, bản; tổ chức 65 lớp tập huấn cho 2.000 nhân viên y tế thôn, bản; hỗ trợ đồng bào về trang bị y tế, tiền thuốc, tiền ăn, trị giá hơn 1.343 tỷ đồng; phối hợp với Bệnh viện 108, Bệnh viện 175,... tổ chức nhiều đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch cho nhân dân ở các khu kinh tế - quốc phòng. Hoàn thành xây dựng mới 1.318 điểm dân cư tập trung; đón nhận, sắp xếp định cư 31.528 hộ dân; hoàn thành mục tiêu tiếp nhận, hỗ trợ 100.000 hộ dân; đỡ đầu, ổn định cho 68.106 hộ dân tại chỗ; bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách giúp người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Các đoàn kinh tế - quốc phòng còn trồng mới 5.794ha rừng, bảo vệ 118.851ha rừng tự nhiên, khoanh nuôi, tái sinh 2.422ha rừng, chăm sóc 10.186ha rừng..., với tổng giá trị 164 tỷ đồng. Binh đoàn 15, Binh đoàn 16 và Công ty Cà phê 15 trồng được 44.551ha cao su (trong đó có 35.000ha đang cho sản phẩm), 2.718ha cà phê, hơn 10.000ha điều, gần 1.000ha cây nguyên liệu giấy..., qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 20.000 hộ gia đình; tổ chức tốt dịch vụ 2 đầu; triển khai 266 mô hình chăn nuôi cho 10.759 hộ dân, 18 mô hình trồng trọt cho 7.526 hộ dân; tổ chức 537 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 21.774 lượt người với tổng giá trị 145 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của người dân, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn (có nơi tỷ lệ hộ nghèo từ 45% đến 90% giảm xuống còn từ 10% đến 30%)...
Cùng với đó, các đoàn kinh tế - quốc phòng cũng tích cực huấn luyện lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, tham gia cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, cháy nổ, xây dựng khu vực phòng thủ, duy tu, bảo dưỡng các công trình quốc phòng thuộc khu kinh tế - quốc phòng. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, phát triển đảng viên mới (bồi dưỡng được 2.766 quần chúng để tạo nguồn phát triển Đảng); giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội kiện toàn, củng cố hoạt động, đưa hoạt động đi vào nền nếp. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, tình trạng di cư tự do, chặt phá rừng; đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; nâng cao dân trí, tăng cường lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, thực tiễn hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác dân vận. Một số cán bộ đoàn kinh tế - quốc phòng chưa tìm hiểu sâu, nắm vững phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào; chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương, nhất là trong công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư, xác định các công trình đầu tư,... Biên chế tổ chức của đoàn kinh tế - quốc phòng còn có những bất cập, chậm được kiện toàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu (biên chế của các đội sản xuất thường chỉ có từ 2 đến 3 đồng chí). Công tác tuyển dụng cán bộ có chuyên môn phù hợp trong xây dựng khu kinh tế - quốc phòng còn gặp khó khăn; việc luân chuyển cán bộ còn hạn chế; việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý dự án, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được thực hiện thường xuyên, dẫn đến thiếu cán bộ có chuyên môn phù hợp. Một số chế độ, chính sách đối với các lực lượng làm nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình mới.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng trong thời gian tới
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, cần có những giải pháp phù hợp, thiết thực, cụ thể như sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng khu kinh tế - quốc phòng và hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng.
Để nâng cao chất lượng xây dựng khu kinh tế - quốc phòng và hiệu quả hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng, đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới, trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp địa phương, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong khu kinh tế - quốc phòng, lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong các đoàn kinh tế - quốc phòng về nhiệm vụ này.
Công tác tuyên truyền, giáo dục phải tập trung vào những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng, phát triển khu kinh tế - quốc phòng; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, các mặt hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng. Đồng thời, phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân trên địa bàn có khu kinh tế - quốc phòng trong phối hợp công tác với đoàn kinh tế - quốc phòng. Quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật, quy định có liên quan đến khu kinh tế - quốc phòng và đoàn kinh tế - quốc phòng, quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong tổ chức thực hiện. Các nội dung tuyên truyền, giáo dục phải thấu đáo, tường tận, không qua loa, đại khái, đặc biệt là phải có tác dụng thúc đẩy những hành động trên thực tế.
Hai là, xây dựng các đoàn kinh tế - quốc phòng vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”.
Kiện toàn tổ chức, biên chế các đoàn kinh tế - quốc phòng theo yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện thực tế; hoàn chỉnh phương án tác chiến theo nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chuẩn trong lựa chọn, bổ nhiệm, điều động cán bộ, sĩ quan hoạt động ở các đoàn kinh tế - quốc phòng; bảo đảm bố trí hợp lý các chức danh, cấp bậc quân hàm, độ tuổi và đặc biệt là trình độ, năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ; cân đối hài hòa giữa sĩ quan chỉ huy, tham mưu và sĩ quan chính trị, hậu cần, kỹ thuật; giữa sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng. Về số lượng, bảo đảm yêu cầu không tăng quân số so với biểu tổ chức biên chế nhưng vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao; tập trung theo hướng tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, giảm cán bộ ở khâu trung gian, giảm tối đa biên chế cơ quan để tăng cường quân số cho đơn vị cơ sở, các đội sản xuất. Về chất lượng, trước hết, cần lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, có năng lực tổ chức, vận động nhân dân trong vùng dự án phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, tuyển chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ có kinh nghiệm, kiến thức, năng lực quản lý kinh tế, nhất là năng lực quản lý dự án, hoạt động xã hội... Kiên quyết tránh việc luân chuyển cán bộ đến công tác tại đoàn kinh tế - quốc phòng vì mục đích giải quyết chế độ, chính sách, chức danh, quân hàm.
Xây dựng phương án chiến đấu của đoàn kinh tế - quốc phòng, hình thành thế trận của đoàn kinh tế - quốc phòng gắn với thế trận khu vực phòng thủ xã, huyện trong khu kinh tế - quốc phòng. Điều chỉnh biên chế của đoàn kinh tế - quốc phòng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên của các đoàn kinh tế - quốc phòng đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tích cực luyện tập huy động và diễn tập bảo đảm cho các tình huống. Thường xuyên bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đoàn kinh tế - quốc phòng và cán bộ quản lý đội, tổ sản xuất của đoàn kinh tế - quốc phòng. Tăng cường trang bị, phương tiện sản xuất cho các đoàn kinh tế - quốc phòng. Thường xuyên làm tốt việc bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các trang bị, phương tiện được cấp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và kéo dài thời hạn sử dụng của trang bị, phương tiện.
Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa đoàn kinh tế - quốc phòng với địa phương, thống nhất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế - quốc phòng, lấy tăng cường, củng cố quốc phòng làm chính.
Khi quy hoạch từng khu kinh tế - quốc phòng, cần gắn kết với quy hoạch của địa phương, quy hoạch xây dựng thế trận trong khu vực phòng thủ tỉnh và phương án tác chiến phòng thủ chung nhằm nâng cao tiềm lực, khả năng bảo đảm, đáp ứng và phù hợp với các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần tạo thế trận quốc phòng toàn dân trong khu kinh tế - quốc phòng. Quá trình tổ chức sắp xếp, ổn định các cụm, điểm dân cư mới hoặc ổn định các cụm dân cư đã có phải gắn với mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng lực lượng dân quân tự vệ. Ưu tiên các công trình, dự án vừa phục vụ dân sinh, tạo động lực phát triển kinh tế, vừa chú ý đến mục tiêu tạo lập thế trận và xây dựng lực lượng, cơ sở vật chất, phương tiện, nhân lực tại chỗ...
Trong các dự án mà đoàn kinh tế - quốc phòng làm chủ đầu tư, ngoài chỉ tiêu về số lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, phải xác định chỉ tiêu về dự trữ vật chất, phương tiện, năng lực sản xuất có thể huy động và chuyển sang phục vụ quốc phòng. Xác định các chỉ tiêu trên cơ sở Pháp lệnh về Động viên công nghiệp và Nghị định số 116/2006/NĐ-CP, ngày 6-10-2006, của Chính phủ, về “Động viên quốc phòng”, nhất là cần căn cứ vào tình hình, năng lực thực tế của các cơ sở sản xuất, dịch vụ. Tích cực xây dựng lực lượng, thế trận của các đoàn kinh tế - quốc phòng đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng được giao, gắn với nhiệm vụ xây dựng lực lượng, thế trận của các xã, bản trên địa bàn khu kinh tế - quốc phòng.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng.
Cụ thể hóa chính sách về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đoàn kinh tế - quốc phòng. Nghiên cứu bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn, bổ nhiệm, điều động cán bộ, sĩ quan hoạt động ở các đoàn kinh tế - quốc phòng; bảo đảm bố trí hợp lý các chức danh, cấp bậc quân hàm, độ tuổi và đặc biệt là năng lực, trình độ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ. Định kỳ hằng năm, cơ quan cán bộ cấp trên phân bổ chỉ tiêu, đồng thời chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ cơ quan cán bộ của các đoàn kinh tế - quốc phòng xây dựng quy hoạch, lựa chọn nhân sự gửi đi đào tạo dài hạn, ngắn hạn tại các nhà trường quân đội hoặc các trường chính trị trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy. Kết hợp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn ở trong hoặc gần khu kinh tế - quốc phòng để giúp số đông cán bộ, nhân viên của các đoàn kinh tế - quốc phòng có cơ hội được tiếp thu những kiến thức về quản lý kinh tế, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nghiệp vụ kinh doanh, kết hợp kinh tế với quốc phòng..., đặc biệt là những kiến thức về xã hội, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị. Điều chỉnh chính sách thu hút, bổ sung vào biên chế, tăng đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp của các đoàn kinh tế - quốc phòng; ưu tiên người dân tộc thiểu số, trí thức trẻ tình nguyện, những người gắn bó lâu dài với đơn vị, địa bàn.
Thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đoàn kinh tế - quốc phòng, người dân lao động và trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng. Xây dựng hệ thống chế độ, chính sách đặc thù cho các đoàn kinh tế - quốc phòng, bảo đảm có sự hợp lý, hấp dẫn, giải quyết thỏa đáng giữa trách nhiệm và quyền lợi, giữa trước mắt và lâu dài để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng thực sự yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ; hệ thống chế độ, chính sách này sẽ hết hiệu lực thi hành khi đoàn kinh tế - quốc phòng hoàn thành dự án. Nhà nước và Quân đội tiếp tục ưu tiên, tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất và vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện cụ thể cho các đoàn kinh tế - quốc phòng. Có chế độ, chính sách thỏa đáng để khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên trong đoàn kinh tế - quốc phòng chuyển gia đình tới định cư lâu dài tại khu kinh tế - quốc phòng, bởi thêm một gia đình “an cư, lạc nghiệp” ở những địa bàn chiến lược, xung yếu thì “phên giậu” của Tổ quốc sẽ càng vững chắc. Triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh cho người dân lao động trong khu kinh tế - quốc phòng. Rà soát, hoàn thiện quy định tuyển dụng hiện hành để tạo điều kiện tối đa cho các trí thức trẻ tình nguyện có thể ở lại công tác lâu dài tại các đoàn kinh tế - quốc phòng nếu có nguyện vọng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ vùng dự án.
Xây dựng cơ chế khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong khu kinh tế - quốc phòng. Đối với vốn ngân sách nhà nước, cần xây dựng cơ chế cấp phát, quản lý vốn phù hợp, sao cho đồng vốn đến dự án nhanh nhất, nhiều nhất. Công tác cấp phát, phân phối vốn không nên qua nhiều kênh, nhiều khâu mà cần được vận dụng cấp trực tiếp đến đoàn kinh tế - quốc phòng; cấp phát theo hạn mức, thanh toán kỳ trước, tạm ứng kỳ sau cho từng dự án; bảo đảm kiểm soát được cả trước, trong và sau đầu tư. Thực hiện đúng phân kỳ đầu tư đã được duyệt; bảo đảm để cấp trên có cơ sở tiến hành cấp vốn và các đoàn kinh tế - quốc phòng thực hiện dự án đúng tiến độ. Kết hợp vốn dự án khu kinh tế - quốc phòng với nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trong khu kinh tế - quốc phòng để tăng hiệu quả đầu tư. Đối với vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước, ngân hàng địa phương cần linh hoạt trong hình thức cho vay, mức vay, đối tượng vay và thời gian vay để tạo điều kiện cho nhân dân trong khu kinh tế - quốc phòng có vốn đầu tư vào sản xuất. Lãi suất cho vay phải thực sự ưu đãi để người dân có thể vay vốn thực hiện sản xuất. Đối với vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, các tỉnh, huyện có khu kinh tế - quốc phòng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động xây dựng các dự án để kêu gọi được nguồn vốn đầu tư. Đối với vốn trong dân (biểu hiện dưới các dạng: sức lao động, tài sản, của cải, tiền nhàn rỗi...), cần có cơ chế xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm đóng góp của nhân dân trong khu kinh tế - quốc phòng, phân biệt theo mục tiêu và đối tượng đầu tư của từng dự án.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các đoàn kinh tế - quốc phòng.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đoàn kinh tế - quốc phòng trong quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các loại máy móc, cơ sở vật chất, phương tiện hiện có. Tích cực đẩy mạnh phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” trong khai thác, sử dụng, bảo quản, sửa chữa phương tiện, kỹ thuật của đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống. Phố#i hợp chặt chẽ với địa phương, các nhà thầu và các đơn vị có liên quan để khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, hợp lý các phương tiện, trang bị khi tham gia các dự án của đoàn kinh tế - quốc phòng. Tăng cường đầu tư cho việc nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm khoa học vào hoạt động của đoàn kinh tế - quốc phòng, như ứng dụng các kỹ thuật mới trong thi công các công trình kết cấu hạ tầng, trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị thương phẩm cao... Bố trí một lượng ngân sách nhất định để mua sắm những công nghệ, phương tiện, trang bị, cơ sở vật chất - kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ kết hợp củng cố quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý dự án, khuyến nông, khuyến lâm cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhất là ở các lâm trường, các tổ, đội sản xuất; qua đó, phổ biến kinh nghiệm và nhân rộng trong cộng đồng. Chú trọng nghiên cứu, lai tạo, sử dụng những giống cây trồng, vật nuôi mới; thường xuyên cập nhật các kỹ thuật mới trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, đặc điểm vùng, miền để phát huy tối đa hiệu quả khi triển khai thực hiện. Nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản cho đồng bào trong vùng dự án.
Chuyển đổi phương thức sản xuất từ thủ công, lạc hậu sang sản xuất hàng hóa nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu kinh tế - quốc phòng. Theo đó, các đoàn kinh tế - quốc phòng cần tổ chức các mô hình kinh tế mẫu có hiệu quả, phù hợp với thế mạnh về khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nhân lực của từng vùng tại các khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức cho đồng bào đến tham quan, học tập phương thức, cách làm để đồng bào hiểu và làm theo. Qua đó, nhân rộng trong toàn vùng và ở cả các địa bàn không thuộc phạm vi khu kinh tế - quốc phòng. Cán bộ, chiến sĩ đoàn kinh tế - quốc phòng, nhất là ở các tổ, đội công tác, đội sản xuất và lực lượng trí thức trẻ tình nguyện cần phát huy tốt vai trò của mình, thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số) với đồng bào; trực tiếp “cầm tay, chỉ việc”, giúp đồng bào tiếp cận, làm chủ kiến thức khoa học, kỹ thuật mới và vận dụng vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến quy trình kỹ thuật khuyến nông, khuyến lâm, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và cung ứng vật tư nông nghiệp cho đồng bào, như cung cấp, lựa chọn giống vật nuôi, cây trồng, phân bón, phương thức sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản... Quân y các đoàn kinh tế - quốc phòng cần làm tốt việc đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh, sử dụng các trang, thiết bị y tế cho nhân viên y tế thôn, bản. Cùng với đó, các đoàn kinh tế - quốc phòng cần phối hợp với các bệnh viện lớn của Quân đội, như Bệnh viện 108, Bệnh viện 175,... đưa các y, bác sĩ đến các khu kinh tế - quốc phòng để khám bệnh, phát thuốc, hướng dẫn vệ sinh phòng dịch cho nhân dân địa phương.
Sáu là, xây dựng các đoàn kinh tế - quốc phòng đáp ứng yêu cầu triển khai các khu kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển.
Với vị trí địa - chính trị quan trọng của nước ta, biển, đảo luôn là địa bàn chiến lược, khu vực phòng thủ chiến lược. Lịch sử cho thấy, nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù đối với nước ta được bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, vùng biển, đảo càng trở thành một hướng đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng.
Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển là quan điểm giữ vai trò chủ đạo trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, cần triệt để khai thác mọi nguồn lực, đưa hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế trên biển, đảo đi vào chiều sâu, đạt kết quả cao, gắn chặt với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ vững chắc nguồn tài nguyên của đất nước. Tích cực xây dựng và phát triển một số loại hình kinh tế có hiệu quả, mang tính tiên phong, lưỡng dụng quốc phòng - kinh tế, phát triển kinh tế gắn với củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển; trong đó, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo và thành lập các đoàn kinh tế - quốc phòng trên biển, đảo là nội dung quan trọng./.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị quán triệt nghị quyết về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo  (23/08/2022)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  (15/08/2022)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa  (15/08/2022)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên