Phim truyện nhựa Việt Nam thành tựu và ước mong

Trần Trọng Đăng Đàn
10:41, ngày 17-03-2010

TCCS - Từ phim "Chung một dòng sông" (năm 1959) cho đến nay, Việt Nam đã sản xuất được hơn 560 phim truyện nhựa. Bốn mươi lăm năm với 560 phim, tính trung bình cứ mỗi năm có khoảng từ 12 đến 13 phim. Nhưng, trên thực tế số phim sản xuất mỗi năm càng về trước càng ít, càng về sau càng nhiều, nhất là thời kỳ từ sau năm 1986, khi đất nước bắt đầu chuyển từ cơ chế kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, sang cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phim truyện nhựa sản xuất trong thời kỳ sau năm 1986 có tăng về số lượng hằng năm, nhưng đó là tăng một cách bình thường; còn tăng một cách nhảy vọt là sự gia tăng những vấn đề bức xúc, những mắc mứu, băn khoăn đối với loại phim này.

Loại phim "sử thi - anh hùng ca" và vị trí hàng đầu trong điện ảnh phim truyện nhựa

Phim "sử thi - anh hùng ca" là "phim có đề tài lớn, mang chủ đề lớn, gắn với các sự kiện lớn, các tình huống lớn của đất nước, của dân tộc, của thời đại". Cụ thể, trong thời gian gần đây, ví dụ như các phim Hà Nội 12 ngày đêm, Ký ức Điện Biên, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Đêm Bến Tre, Tiếng cồng định mệnh... là được xếp vào luồng phim ấy. Do tầm mức to lớn về đề tài, rộng sâu về chủ đề mà luồng phim nhựa này phải được đặt lên vị trí hàng đầu trong các luồng phim truyện nhựa của Việt Nam.

Một bộ phim được phép sản xuất theo luồng phim này mặc nhiên được xếp ngay vào loại phim sản xuất theo đúng định hướng. Vấn đề đặt ra trước tiên đối với người viết kịch bản, đối với đạo diễn, đối với các nghệ sĩ tham gia biểu diễn bộ phim ấy là phải làm thế nào để tác phẩm của mình tiếp cận gần kề nhất với định hướng - tiếp cận bằng cả sáu chức năng: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp và kí hiệu. Với đất nước ta, cho đến bây giờ, luồng phim này phải được hưởng mọi sự ưu tiên đầu tư cả về sức người, cả về sức của. Về sức người, nhiều năm nay, nhớ lại các tác giả, các đạo diễn, các nghệ sĩ diễn viên đã tham gia thực hiện các bộ phim thuộc luồng "sử thi - anh hùng ca" như: Đất nước đứng lên, Ngã ba Đồng Lộc, Hoa ban đỏ, Tổ quốc tiếng gà trưa, Hẹn gặp lại Sài Gòn... và gần đây: Hà Nội 12 ngày đêm, Ký ức Điện Biên, Nguyễn ái Quốc ở Hồng Kông, Đêm Bến Tre, Tiếng cồng định mệnh... chúng ta có thể yên tâm về những gì mà chúng ta đãlàm. Đương nhiên, kết quả mà sức người ở mỗi phim đem lại cho việc tiếp xúc gần kề với định hướng mỗi khác. Thậm chí, đó đây vẫn xảy ra những trường hợp không vui, ví như phim đi lệch định hướng. Nhưng, tất cả những trường hợp không vui đó xảy ra là do "lực bất tòng tâm". "Lực" ở đây có khi mang sự yếu kém từ phía người viết kịch bản, có khi do người đạo diễn, do người quay phim, lại có khi do người diễn hoặc do các nhân vật phụ trách các phần hỗ trợ khác. Còn "tâm" thì, nói chung, chúng ta có thể vững tin vào đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh của chúng ta. Một vấn đề cần nói thêm ở đây là nghệ sĩ làm phim truyện nhựa của chúng ta phải phấn đấu để tiếp cận gần kề với định hướng ở cả sáu chức năng. Những trường hợp không vui xảy ra đối với một số phim là xuất phát từ sự hiểu sai, hiểu lệch về mức độ cần và đủ của từng chức năng mà tác phẩm cụ thể phải đạt tới. Chẳng hạn, với phim A cần đạt thật đậm chất nhận thức thì lại dồn sức quá nhiều để vun vén, tỉa tót cho chức năng thẩm mỹ. Hoặc, đối với phim B, rất cần đạt thật đậm chức năng giáo dục thì lại dồn sức tạo cho nó nghiêng lệch hẳn về giải trí,...

Tất cả những chuyện vui, chuyện không vui ấy đã đây đó xảy ra trong các phim truyện nhựa thuộc luồng "sử thi - anh hùng ca" của chúng ta, chỉ làm cho tính định hướng của phim được đậm thêm hay nhạt bớt đi mà thôi, chứ đã là phim thuộc luồng này thì ắt đó là phim được sản xuất theo định hướng. Ở thời kỳ mà cơ chế kinh tế thị trường chưa sát phạt văn hóa, nghệ thuật của chúng ta một cách nghiệt ngã như ngày nay thì luồng phim này chỉ lấy việc đánh giá hay - dở trên chuẩn mực cái thước đo của các chức năng mà nó phải đạt tới. Ngày nay làm nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng là sản xuất, kinh doanh, là hoạt động thị trường, thương trường... Cho nên, phải đặt ra vấn đề "vốn", "lãi". Và, vì thế đời sống văn hóa - điện ảnh của chúng ta phải trải qua một giai đoạn rối mù: Đảo lộn vị trí, đảo lộn ngôi thứ các chức năng mà một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh lâu nay phải làm tròn. Đặc biệt, chức năng "giải trí" được tôn lên tới mức vượt trần. Vì khán giả xem phim thời gian này sẵn sàng "mua" sự giải trí với một giá rất cao. Khán giả chịu "mua" đắt thì nhà phát hành thu được nhiều tiền. Nhà phát hành là doanh nhân, đương nhiên họ rất hồ hởi chào đón, hào hứng giao tiếp; mỉm cười tươi và chơi đẹp với những ai sản xuất ra thứ hàng hóa bán chạy, bán có lãi, thậm chí lãi to. Thế là, ngay đối với luồng phim truyện nhựa "sử thi - anh hùng ca" người ta cũng đòi hỏi phải tăng tốc để đạt cho được chất "giải trí" cao, thật cao; còn các chức năng khác thì giảm bớt lại để cho phim khỏi bị nặng nề, xem phim khỏi bị mệt trí, và do đó phim khỏi bị ế khách. Và khi mà người làm phim chưa thực hiện hoặc không thực hiện được yêu cầu đó thì việc phát hành đâm ra uể oải, mất phương hướng kinh doanh có định hướng, người phát hành đâm ra chê trách người làm phim, kể cả phim truyện nhựa "sử thi - anh hùng ca" - chê bằng những con số doanh thu thua lỗ, chê bằng những con số đầu tư kinh phí, đầu tư tài trợ "khổng lồ": Phim Đất nước đứng lên và phim Ngã ba Đồng Lộc được tài trợ mỗi phim đến những 1,9 tỉ đồng; phim Hoa ban đỏ được tài trợ đến 2 tỉ đồng; Tổ quốc tiếng gà trưaHà Nội mùa đông năm 1946 mỗi phim được tài trợ 3 tỉ đồng... Tiếp theo: Hà Nội 12 ngày đêm hơn 7 tỉ; Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông hơn 10 tỉ và còn cho Ký ức Điện Biên; cho Đêm Bến Tre... bao nhiêu và bao nhiêu tỉ đồng nữa? Thế mà doanh thu phát hành thì hầu như tất cả các phim này đều không một phim nào đạt được theo công thức 3 - 7. Nghĩa là không một phim nào thu được tới 30% số tiền đã tài trợ. Những con số có vẻ như là "biết nói" đó thật ra lại chẳng nói lên được gì đúng bản chất của vấn đề. Vì ở đây, ở loại phim "sử thi - anh hùng ca" này mới chính là nơi để ngôn ngữ của thương trường, ngôn ngữ của kinh doanh cất lên tiếng nói về khoản "lời vô giá". Đó là khoản lời về nhận thức, về giáo dục, về thẩm mỹ mà tác phẩm nghệ thuật điện ảnh loại này đã đem lại cho người xem ở giai đoạn mà chiến lược nâng cao thị hiếu công chúng chưa được thực hiện, dù là chỉ yêu cầu thực hiện tới một mức độ vừa phải; ở giai đoạn mà đất nước thực hiện cơ chế kinh tế thị trường phảiluôn luôn bám chặt định hướng xã hội chủ nghĩa.

Với luồng phim truyện nhựa có tính chất "sử thi - anh hùng ca" thực ra, câu chuyện phấn đấu để có doanh thu cao, để đạt định hướng đúng phải được đặt ra, về căn bản, khác với cách đặt vấn đề khi bàn tới các luồng phim nhựa khác. Vấn đề ở đây là phấn đấu để nội dung định hướng nâng cao không ngừng và nâng cao không ngừng số lượt người xem. Nội dung định hướng được phấn đấu để nâng cao từ cả sáu khía cạnh: Nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp và kí hiệu. Đó là phần của nghệ sĩ điện ảnh. Còn nâng cao không ngừng số lượt người xem là phần việc của giới phát hành phim và chiếu bóng. Đây là vấn đề then chốt cần thay đổi trong nhận thức của chúng ta mà trước hết là của giới phát hành phim và chiếu bóng: Cân đo cho đúng, nhận thức cho được thành tích phát hành phim và chiếu bóng thuộc luồng "sử thi- anh hùng ca" không phải bằng số triệu, số tỉ... đồng như là đối với các luồng phim khác mà bằng số triệu, số tỉ lượt người xem là không dễ. Câu chuyện ở đây gắn liền với cả một loạt quan niệm khác, cả một loạt quan hệ khác, cả một loạt thể chế khác... Chẳng hạn, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền cao đối với thành tích của ngành phát hành phim và chiếu bóng không phải chỉ qua doanh thu, không phải chỉ qua thực lãi về tiền bạc mà phải qua thành tích đem phim đến với đông đảo công chúng, đem phim đến với các lớp công chúng đúng đối tượng của từng bộ phim. Giới phát hành phim và chiếu bóng của chúng ta, bên cạnh những thành tích lớn còn có những việc làm chưa thật tốt. Chẳng hạn như chuẩn bị về nhận thức, về quan niệm trong phát hành loại phim đặc biệt này chưa được chu đáo. Chonên, trong quá trình hoạt động của mình, đã xảy ra lắm điều đáng tiếc. Một vài ví dụ tuy nhỏ nhưng có thể nảy sinh thắc mắc lớn: Vì sao chọn thời điểm khởi chiếu phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đúng vào ngày khai mạc Seagames? Vì sao chuẩn bị cho việc phát hành phim Hà Nội 12 ngày đêm sơ sài đến nỗi công chúng đúng đối tượng xem cơ hồ như chẳng ai biết tới? Và hậu quả của nó là ngay trong thời gian phát hành đợt đầu, có ngày phải bỏ đi mấy xuất chiếu vì mỗi xuất số lượng khán giả đã mua vé không tới 10 người. Đã thế, xếp lịch chiếu cho nó, sau khi cắt bớt, chỉ còn lại một số thời gian rất ngắn. Lý do cắt là để nhường rạp cho một phim đã được giới thiệu khá rầm rộ từ trước và là phim cứ tưởng sẽ có đông khách, sẽ có doanh thu cao: Phim Người Mỹ thầm lặng. Phim Đêm Bến Tre thì việc chuẩn bị phát hành phải nói là hết sức tệ. Tại buổi chiếu ra mắt vắng hoe đại biểu. Một tỷ lệ khá lớn trong số rất nhỏ khán giả có mặt là các cháu bé mà quả thực nội dung phim Đêm Bến Tre hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết, nằm ngoài sự quan tâm của các cháu...

Nỗi buồn về cung cách chuẩn bị, cung cách quảng cáo cho việc phát hành các phim thuộc luồng "sử thi - anh hùng ca" mà một vài chi tiết rất nhỏ vừa nêu trên sẽ bị nhân lên gấp nhiều lần nếu đem liên hệ so sánh với cung cách chuẩn bị chu đáo, cách thức quảng cáo rầm rộ cho việc phát hành các phim truyện nhựa thuộc luồng phim thương mại, phim giải trí như: Gái nhảy, Lọ lem hè phố, Những cô gái chân dài... Tệ hơn, sự vắng khách đã bị đổ tội cho chất lượng phim, cho nội dung phim. Tệ hơn nữa, lúc tổng kết phát hành phim và chiếu bóng thì tỏ ra rất buồn phiền vì doanh thu của loại phim "sử thi - anh hùng ca" quá ít ỏi so với kinh phí đầu tư, lỗ lã quá lớn! Vì sao đối với loại phim này không lấy việc tổng kết thành tích, không lấy việc đánh giá năng lực phát hành bằng số lượt người xem đúng đối tượng; bằng những phương pháp, những sáng kiến nghề nghiệp phát hành đối với một tác phẩm nghệ thuật đúng định hướng mà lại đánh giá thành tích, đánh giá năng lực phát hành chỉ bằng doanh thu, chỉ bằng thực lãi... Chuyện vừa nêu có vẻ nhỏ, nhưng từ đó có thể ngẫm nghĩ và nhận ra nhiều điều không nhỏ chút nào đối với cả sự nghiệp xây dựng một nền điện ảnh của đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hãy ngẫm nghĩ nhiều hơn, hãy bàn bạc với nhau nhiều hơn; bàn bạc một cách thẳng thắn, chân tình, trí tuệ để giải tỏa những dồn nén, những định kiến không đâu, những định kiến không tốt với luồng phim "sử thi - anh hùng ca", một luồng phim đã, đang và nhất định sẽ phải là trụ cột, là "con chim đầu đàn" của điện ảnh Việt Nam trong tương lai - điện ảnh Việt Nam trong cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Loại phim "thị trường - giải trí" xuất hiện - thị trường điện ảnh phim truyện hết "đóng băng"

Suốt nhiều năm thị trường điện ảnh phim truyện nhựa bị "đóng băng" cùng với công thức cho phép rất thoáng mà vẫn không mấy khi làm theo được. Xin tạm gọi đó là công thức 3-7, nghĩa là: Kinh phí cho một bộ phim truyện nhựa, ví dụ là một tỉ đồng. Quốc doanh phát hành phim và chiếu bóng thu được 300 triệu đồng là xem như đã đạt yêu cầu. Còn 700 triệu kia được xem là "lỗ đương nhiên". Thường khi vẫn được giải thích - có vẻ trái khoáy rằng "lỗ như thế có nghĩa là lời" - một khoản lời vô giá. Đó là đem lại các thành quả tư tưởng - văn hóa, thành quả nghệ thuật có định hướng cho người xem. Khoản lời vô giá đó lại là vô hình. Và nó chỉ định hình - tuy cũng mù mờ thôi - khi mà chỉ 300 triệu đồng doanh thu từ một bộ phim dùng kinh phí tới cả một tỉ đồng cũng không thu nổi. Thế là cái khoản lời lãi vô hình kia đã định hình thành một sự vô lý! Vô lý đối với phía bỏ vốn là Nhà nước và đặc biệt vô lý đối với các hãng phim tư nhân - những “đứa con cưng” của ngành điện ảnh trong cơ chế kinh tế thị trường. Sự vô lý đó có lẽ là nguyên nhân chính làm nảy sinh tình trạng phim truyện nhựa bị "đóng băng"; làm nảy sinh ra tình trạng hầu hết các rạp chiếu phim truyện nhựa của Việt Nam suốt bao năm vắng ngắt. Giữa lúc đó bỗng xuất hiện một loạt hiện tượng bất ngờ: Khán giả tấp nập, sắp hàng rồng rắn trước các quầy bán vé để xem cả một loạt phim truyện nhựa của Việt Nam: Những cô gái chân dài, Lọ lem hè phố, và đặc biệt là Gái nhảy. Doanh thu từ phim Gái nhảy vượt hẳn lên kỷ lục doanh thu của cả phim Hàn Quốc, phim Mỹ chiếu cùng thời gian như Yêu bằng cả trái tim, Xác ướp Ai Cập... Phim Gái nhảy đã được công chúng nhiệt tình đón nhận. Chỉ trong 19 ngày đầu, từ mồng 8 đến 26 tháng hai năm 2003 phim Gái nhảy chỉ được công chiếu trong 4 rạp tại Thành phố Hồ Chí Minh mà số vé bán ra đã được 120.000 chiếc với doanh thu lên tới 2,4 tỉ đồng. Và sơ kết phát hành đợt đầu tiên trên cả nước, con số thu lên tới hơn 11 tỉ đồng. Nghĩa là doanh thu của chỉ riêng 1 phim Gái nhảy đã hơn doanh thu của 36 phim phát hành theo yêu cầu của công thức 3-7 nói trên. Sức hấp dẫn của phim này mạnh đến nổi chỉ sau vài tháng phát hành, "phim tặc" đã cướp bản quyền, biến hóa ngay thành nhiều băng đĩa, tung ào ạt ra thị trường chợ đen.

Việc phát hành các phim Lọ lem hè phố và sau đó là phim Những cô gái chân dài cũng đã diễn ra khá nhộn nhịp, tuy so với phim Gái nhảy thì có kém thua đôi chút. Chẳng hạn, tổng doanh thu đợt đầu của phim Lọ lem hè phố chỉ lên tới gần 8 tỉ đồng; hoặc với phim Những cô gái chân dài thì sau chưa đầy hai tuần công chiếu, được biết đã thu hút hơn mười hai vạn lượt người xem. Cứ tính trung bình 30.000 đồng mỗi vé thì số thu từ phim này đã lên tới ngoài 3,5 tỉ đồng chỉ trong vòng hai tuần lễ đầu.

Như vậy là sau sự xuất hiện loạt phim ăn khách đặc biệt này, giữa thị trường điện ảnh phim truyện nhựa nỗi bức xúc phim truyện nhựa Việt Nam bị "đóng băng"; phim truyện nhựa Việt Nam bị "vắng khách", phim truyện nhựa Việt Nam "di tản triệt để" khỏi màn ảnh lớn trên toàn cõi đất nước đã được giải tỏa. Thế nhưng, từ đó lại nảy sinh hàng loạt băn khoăn, bức xúc mới mà trước hết là những bức xúc, băn khoăn rằng nguồn gốc sức hấp dẫn của loạt phim này xuất phát từ đâu?; rằng nội dung sức hấp dẫn của các phim đó có chệch định hướng hay không?

Quả thật, khi xem xét chi ly, đặt các phim đó ra trước những yêu cầu thật cao, cả về nội dung lẫn hình thức thì vẫn thấy những thiếu sót, thậm chí những thiếu sót không nhỏ. Tuy nhiên, về mặt nội dung đề tài cũng như chủ đề, xét trên tổng thể, cả ba phim vẫn nằm gọn trong định hướng. Đó là phê phán cái sai, cái xấu, cái ác; ca ngợi cái đúng, cái đẹp, cái thiện. Nhờ vậy, nếu có cộng hết tất cả các thiếu sót của từng phim trên rồi nhân lên gấp vài ba lần đi nữa thì cũng chưa đủ sức để xóa chỗ đứng của nó trong điện ảnh phim nhựa Việt Nam thời kinh tế thị trường. Điều này có thể thấy rõ nhất từ phim Gái nhảy. Sức hấp dẫn ở đây trước hết từ nội dung; từ tầm vóc của đề tài, của chủ đề. Những người làm phim Gái nhảy đã chọn đúng môi trường phản ánh cho tác phẩm của mình. Từ đó tham gia vào một đề tài lớn không chỉ của Việt Nam mà còn là của thế giới. Đó là phản ánh theo hướng phê phán những sai sót trong môi trường sống và hoạt động của vũ trường, của vũ nữ, gái mại dâm, của những con nghiện ma túy để tham gia đề tài chống lây nhiễm HIV/AIDS. Chọn đúng và thể hiện tốt chỉ riêng đề tài lớn này thôi cũng đã có thể xem là thành công cơ bản của những người làm phim Gái nhảy. Phim Lọ lem hè phố có phạm vi đề tài hẹp hơn đề tài phim Gái nhảy, nhưng đã biết xoáy sâu vào một vài chủ điểm có thể nói là thuộc loại xung yếu nhất trên mặt trận chống tệ nạn xã hội và trong trách nhiệm bảo vệ an ninh văn hóa, quản lý văn hóa vui chơi giải trí, văn hóa du lịch... Còn đề tài và chủ đề phim Những cô gái chân dài thì thoạt nghĩ tưởng có vẻ giản đơn, nhưng xét kỹ thấy không hẳn. Bản thân chuyện phim Những cô gái chân dài tiềm ẩn ý nghĩa xã hội sâu, phản ánh một hiện thực xã hội sôi bỏng. Đó là xu thế đông đảo các cô gái trẻ từ nhiều vùng nông thôn đang ào ạt đổ về các đô thị lớn để mưu sinh, lập nghiệp. Trong họ một số cô có ngoại hình xinh đẹp, phù hợp với chuẩn mực của người mẫu đang được ưa chuộng ở các sàn diễn thời trang tại các đô thị - nơi mà cuộc "bủa vây", "truy tìm" người mẫu đang được thực hiện ráo riết; nơi mà việc "săn tìm" người mẫu đã thành một thứ nghề nghiệp.

Trong đời sống văn hóa - giải trí, việc hành nghề người mẫu, việc săn tìm người mẫu... đã trở thành bình thường đối với nhiều nước trên thế giới ngày nay. Nhưng, hiện thực đó tại Việt Nam cần được phản ánh như thế nào cho đúng, cho công chúng chấp nhận là việc làm không mấy giản đơn. Những người làm phim Những cô gái chân dài đã vượt được lên trước sự "giản đơn không thể chấp nhận" đó bằng cách tạo các mâu thuẫn kịch từ hai phía cực đoan, để từ đó đặt ra các vấn đề mà người xem cần quan tâm, cần suy ngẫm; mà những người đã, đang hay sẽ hành nghề người mẫu thời trang cần quan tâm, suy ngẫm. Đặc biệt, những người đứng ra tổ chức, quản lý các dịch vụ biểu diễn thời trang càng phải quan tâm, cần suy ngẫm. Chủ đề đúng của phim Những cô gái chân dài còn toát lên từ cách xây dựng các nhân vật nam giới làm nghề quản lý trực tiếp hoạt động của các cô gái nhảy, các cô người mẫu. Các nhân vật nam giới này cùng với các nhân vật kiểu "má mì" trong các phim Gái nhảy, Lọ lem hè phố đã như đưa ra một lời khẳng định rằng: Xen vào trong lòng của các hoạt động văn hóa như sinh hoạt vũ trường, biểu diễn thời trang... đã hình thành và đang có xu hướng phát triển mạnh sự hoạt động khó chấp nhận của một số người, một loại người vô văn hóa. Các phim Những cô gái chân dài, Lọ lem hè phố, Gái nhảy nêu ra điều này như là sự cảnh báo về một hiện tượng xấu với lớp trẻ, với khán giảnói chung; nhưng khi chúng ta đã cho sản xuất ra cả một loạt phim mà trong đó đều nêu ra hiện tượng xấu đó thì tức là mặc nhiên chúng ta thừa nhận có cái xấu đó trong hiện thực xã hội của chúng ta. Phải xóa bỏ hiện tượng xấu đó và nhiều hiện tượng xấu loại đó trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Sự nghiệp tẩy trừ cái xấu loại này, các phim trên đã đặt ra cho người nghệ sĩ. Nhưng làm cho được công việc tẩy trừ cái xấu loại đó, thiết nghĩ, không thể thiếu sự dốc sức của những người làm ra đường lối, chủ trương; lập ra các tổ chức, cấp phép cho các hoạt động kinh doanh... về văn hóa, nghệ thuật - đặc biệt là văn hóa, nghệ thuật giải trí. ý nghĩa chủ đề của loại phim vừa nói phải được như thế mới có thể đứng vững trên cả hai chân: doanh thu cao, định hướng đúng.

Trong vấn đề phim truyện nhựa phải làm sao để vừa đạt doanh thu cao, vừa có định hướng đúng ít nhất có ba khía cạnh cần bàn mà những gì vừa trình bày trên chỉ mới là hai. Khía cạnh thứ ba là đối với phim truyện nhựa nghệ thuật vẫn được sản xuất bình thường hằng năm như mọi năm trước đây mà trong nhiều năm vừa qua có thể dẫn ra chẳng hạn: Người đàn bà mộng du, Vua bãi rác, Mê thảo thời vang bóng, Thời xa vắng, Biển đợi, Người học trò đất Gia Định xưa,... Khi bàn về khía cạnh thứ ba này có nhiều điều, nhiều ý trùng hợp với những điều, những ý như khi bàn về các khía cạnh thứ nhất và thứ hai, tức là về loại phim "sử thi - anh hùng ca" và loại phim giải trí - thị trường; tuy nhiên lại cũng có nhiều điều, nhiều ý mà mỗi khía cạnh, mỗi loại phim phải có những sự khác nhau, những ý nghĩa khác nhau do những đặc thù của riêng từng loại. Đặc biệt, yêu cầu về doanh thu và về định hướng thì không thể áp đặt như nhau cho cả 3 loại phim.

Phân luồng phim truyện nhựa - Luồng chủ đạo là phim "truyện nhựa nghệ thuật"

Phim "truyện nhựa nghệ thuật" là luồng phim truyện nhựa còn lại sau khi đã tách ra luồng phim "sử thi - anh hùng ca" và luồng phim "thị trường - giải trí". Hai luồng phim "sử thi - anh hùng ca" và phim "thị trường - giải trí" chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, cho nên bàn về luồng phim truyện nhựa nghệ thuật thực ra gần như là bàn tới hầu hết các vấn đề về phim truyện nhựa của Việt Nam nói chung.

Trong nhiều năm gần đây, có thể xem các phim sau là thuộc luồng phim truyện nhựa nghệ thuật: Người đàn bà mộng du, Vua bãi rác, Của rơi, Hàng xóm, Tết này ai đến xông nhà, Một giờ làm quan của Hãng phim truyện Việt Nam; Mê thảo thời vang bóng, Tiếng dương cầm trong mưa, Thời xa vắng, Biển đợi, U11- đội bóng trong mơ của Hãng phim Giải Phóng; Cái tát sau cánh gà, Trò đùa của thiên lôi, Lưới trời của Hãng phim truyện 1, Trái đắng, Người học trò đất Gia Định xưa của Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu... Nhìn trên tổng thể, những phim truyện nhựa nghệ thuật sản xuất trong mấy năm qua là những tác phẩm kế thừa sáng tạo, tiếp nối xứng đáng truyền thống và phát huy mạnh mẽ thành tựu mà khoảng hơn 500 tác phẩm thuộc luồng phim này đã để lại trong hơn 45 năm vừa rồi. Điều này có thể nghiệm thấy qua sự lựa chọn một cách tinh tế, sáng tạo của những người làm phim đối với các đề tài; qua các hệ thống chủ đề phong phú và nhạy bén... ở những phim này. Đặc biệt nổi rõ là qua sự hợp lực mang tính truyền thống và ngày càng chặt chẽ giữa điện ảnh với văn học. Tác phẩm văn học chuyển thể thành kịch bản điện ảnh; nhà văn viết kịch bản điện ảnh... như là phim Người đàn bà mộng du, Thời xa vắng, Lưới trời,... Đương nhiên, giữa những gì được xem là "tinh tế", "sáng tạo"; là "phong phú", "nhạy bén"... ở đây vẫn luôn luôn xen vào những gì chưa đạt tới mức độ cần và đủ mà yêu cầu của đời sống văn hóa - điện ảnh, yêu cầu của đất nước, của dân tộc, của thời đại đặt ra. Ví dụ như yêu cầu điện ảnh phim truyện nhựa nghệ thuật cần có nhiều hơn - rất nhiều những tác phẩm bám chắc các đề tài mũi nhọn, nêu bật các chủ đề bức xúc hàng đầu của xã hội Việt Nam thời thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như trong phim Lưới trời chẳng hạn.... Nhiều, rất nhiều vấn đề cần bàn, nhưng nếu chỉ cần chọn một thì lúc này có lẽ đó là vấn đề mối liên quan giữa định hướng và doanh thu đối với luồng phim truyện nhựa nghệ thuật này.

Thực ra, cái công thức 3 - 7 giữa doanh thu phát hành và đầu tư kinh phí cho sản xuất chính là đề ra với luồng phim này. Và cái công thức đó là kết quả của cả một quá trình vận dụng mày mò để áp dụng cơ chế kinh tế thị trường vào đời sống văn hóa - điện ảnh. Sản xuất và phát hành phim càng tiến sâu vào kinh tế thị trường nhất định càng phải tiếp cận gần kề với tư nhân hóa. Mà đã tư nhân hóa thì hiển nhiên không thể 3 - 7, mà thậm chí không thể 10 - 10 nghĩa là không thể sản xuất ra những bộ phim chỉ "hòa vốn". Tư nhân đã làm phim, đã kinh doanh điện ảnh là phải có lãi. Vậy, trên thực tế thị trường điện ảnh phim truyện nhựa hiện nay và có thể tiếp theo một thời gian không phải ngắn nữa, điện ảnh tư nhân chỉ có thể tham gia sản xuất loại phim "thị trường - giải trí". Nghĩa là phim của họ sẽ tập trung cao độ vào việc thực hiện một trong sáu chức năng cơ bản của một tác phẩm nghệ thuật theo yêu cầu của chúng ta hiện nay là chức năng giải trí. Có như thế mới có đông người xem, mới có lãi. Còn để đứng vững cho được trước các cửa cổng xét, duyệt thì giới kinh doanh điện ảnh tư nhân chỉ cần không làm gì trái với (chứ không phải là phải làm tốt) các chức năng khác như: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục... Và nếu khi xu hướng kinh doanh đó lấn át hẳn xu hướng kinh doanh song song với nhiệm vụ thực hiện tốt cả sáu chức năng của điện ảnh ta thì toàn bộ kết quả của hoạt động điện ảnh sẽ trở thành chông chênh, thậm chí lạc định hướng. Yếu tố cơ bản để có thể tránh được sự chông chênh, lạc hướng này nằm ở sự phát triển của luồng phim truyện nhựa nghệ thuật. Sau khi nhìn lại ngót 45 năm hoạt động sáng tạo, với ngoài 400 tác phẩm, cho đến nay, nhiều thế hệ nghệ sĩ làm phim truyện nhựa nghệ thuật của chúng ta đã lập nên những thành tựu lớn. Mà thành tựu lớn nhất chính là sự vượt qua vô số những áp lực đè nặng và những sự cạnh tranh sinh tồn khốc liệt do thời cuộc thay đổi; do cơ chế chính trị - kinh tế - xã hội thay đổi; do thay đổi các thế hệ khán giả kéo theo sự thay đổi về thị hiếu nghệ thuật; do sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ thông tin - viễn thông hiện đại... tạo ra. Vượt lên trên các áp lực đè nặng đó, vượt qua cái thực tế khắc nghiệt trong cuộc cạnh tranh đó, phim truyện nhựa nghệ thuật Việt Nam vẫn tồn tại vững chãi, và phát triển sáng tạo như ngày nay đó là cả một sự nỗ lực, là một thành tựu lớn. Thành tựu này phải được trân trọng nhiều hơn. Trân trọng một cách thực tế, trân trọng bằng chiều sâu của suy tư lý luận, bằng kết quả của tư duy hoạch định đường lối, chủ trương; bằng những quy ước, quy chế, quy định thông thoáng; tinh tế hơn. Nghĩa là bằng kết quả chiều sâu của nghệ thuật quản lý nghệ thuật, nghệ thuật lãnh đạo nghệ thuật...

Loại phim truyện nhựa ngày nay đã chia thành ba loại. Mỗi loại trong đó cần có những chuẩn mực đánh giá khác nhau chứ không thể gộp chung cả ba lại thành một, bắt ép chúng phải quyện kết vào nhau thành một khối đồng nhất trong khi trên thực tế chúng không còn đồng nhất nữa. Bắt ép như vậy là thể hiện một sự chậm chạp, thiếu nhạy bén trong nhận thức thực tế; là một biểu hiện của sự thiếu trân trọng nó một cách đúng mức. Thành tựu của phim truyện nhựa Việt Nam do đó mà ít nhiều bị giảm sút, những điều bức xúc ít nhiều gia tăng. Ước mong sao điện ảnh phim truyện nhựa sẽ "vượt lên chính mình" trong chặng đường mới, giải tỏa nhanh những bức xúc, đưa thành tựu vào đúng quỹ đạo định hướng xã hội chủ nghĩa./.