Góp phần xây dựng cách nhìn biện chứng trong công tác quản lý khi thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TCCS - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra sự phát triển với tốc độ theo cấp số nhân, từ các yếu tố, như tri thức, tiến bộ kỹ thuật, năng suất lao động, lượng của cải tạo ra cho đến các biến đổi về cấu trúc của nền hành chính - thể chế, quản lý - quản trị. Vì vậy, một quốc gia muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải xây dựng chiến lược để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cần chú trọng công tác quản lý ở tầm vĩ mô.
Loài người đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp. Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự ra đời và áp dụng máy hơi nước (từ đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX), cách mạng công nghiệp lần thứ hai được đánh dấu bởi sự phát minh ra điện (cuối thế kỷ XIX đến đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, năm 1914), dấu ấn của cách mạng công nghiệp lần thứ ba là máy tính (cuối những năm 60 của thế kỷ XX) và đến nay cách mạng công nghiệp lần thứ tư được đánh dấu bởi sự tích hợp của nhiều công nghệ mà chủ yếu là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Năm 2011, tại Hội chợ Công nghệ Han-nô-vơ (Hannover) ở Cộng hòa liên bang Đức, thuật ngữ “công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra. Từ đó đến nay, thuật ngữ “công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Các cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã mang lại những đổi thay vĩ đại trong phát triển xã hội của loài người: Trước hết là nhờ những tiến bộ công nghệ mà máy móc đã dần thay sức lao động của con người, dẫn đến tăng năng suất lao động và tăng sản lượng của cải tạo ra. Thông qua đó, cuộc sống vật chất và tinh thần của con người cũng được cải thiện rõ rệt, cách sống và cách quản lý xã hội cũng thay đổi theo hướng ngày càng văn minh hơn. Những đổi thay ấy là không thể phủ nhận. Chúng ta vừa kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của Các Mác - Người đã tiên đoán về vai trò của sự phát triển tri thức là đặc trưng lớn nhất của các cuộc cách mạng công nghệ. “Trong phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản, C. Mác viết: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp...”(1). So với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, thì trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tất cả các yếu tố, từ phát triển tri thức, tiến bộ kỹ thuật, năng suất lao động, lượng của cải tạo ra đến các biến đổi về cấu trúc của nền hành chính - thể chế, quản lý - quản trị đều có sự phát triển với tốc độ theo cấp số nhân(2). Vì vậy, một quốc gia muốn phát triển nhanh và không bị lạc hậu so với các quốc gia khác thì phải xây dựng được chiến lược thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để góp phần xây dựng chiến lược đó, chúng tôi xin bàn về một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý ở tầm vĩ mô.
“Kỹ thuật vị nhân sinh”
Với bất kỳ một phát minh khoa học, một công nghệ hay kỹ thuật mới nào đều cần được xem xét, đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực của nó trên cả hai mặt: khoa học kỹ thuật và xã hội.
Trước hết, đã gọi là một phát minh, sáng chế một công nghệ mới hay một kỹ thuật mới thì bao giờ chúng cũng có những tiến bộ so với những cái đã có trước đó. Tuy vậy, dù là có tiến bộ nhưng nó vẫn còn những hạn chế trong các khía cạnh khác nhau, như về nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, độ nhạy và độ chính xác, vấn đề chất thải... Nếu xét về mặt giá trị và tác động thì dễ thấy cái mới, cái tích cực của bản thân công nghệ hoặc kỹ thuật. Vì vậy nếu không có nhãn quan toàn diện thì dễ bị “choáng ngợp” với cái mới và chỉ thấy cái mới, cái tích cực của công nghệ hoặc kỹ thuật mà dễ bỏ qua những hạn chế hay tiêu cực. Việc phát hiện và đánh giá mặt tiêu cực hay hạn chế của chúng có khi đòi hỏi phải có nhiều thời gian và qua thực tế kiểm nghiệm, đặc biệt là những tiêu cực, hạn chế về mặt xã hội. Những tiêu cực hoặc hạn chế về mặt xã hội rất đa dạng, có cái thấy ngay trước mắt nhưng có cái phải qua kiểm chứng lâu dài. Dù cho đã có nhiều bàn luận chỉ ra những tiêu cực về mặt xã hội của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ (ví dụ làm tăng sự phân cách giàu nghèo trong xã hội, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp do tự động hóa, lâu dài dẫn đến con người ỷ lại vào kỹ thuật, thậm chí con người cũng hoạt động thụ động như một rô-bốt mà thôi...), nhưng trước áp lực hiện thời của những gì đang diễn ra sôi động trong cách mạng khoa học công nghệ, những cảnh báo này rất dễ bị lãng quên. Đấy là chưa nói tới những “chiêu trò” trong chào mời, quảng cáo của những nhà môi giới công nghệ đã làm người ta mất cảnh giác với những tiêu cực hoặc hạn chế của bản thân công nghệ hay kỹ thuật.
Mặt khác, khi xem xét, đánh giá một phát minh, sáng chế, một công nghệ hay một kỹ thuật mới, đòi hỏi phải xem xét tác động của nó cả về mặt khoa học kỹ thuật lẫn về mặt xã hội. Mọi phát minh, sáng chế khoa học và công nghệ hay kỹ thuật được xem là có giá trị chỉ khi chúng có mục đích phục vụ cuộc sống của con người, làm cho xã hội con người phát triển, giàu có và hạnh phúc hơn. Trong giai đoạn nghiên cứu tìm tòi phát minh công nghệ hay kỹ thuật mới, nhà khoa học không có một động cơ nào khác là khám phá tự nhiên, tìm ra cái mới. Nhưng khi đã tìm ra phát minh, công nghệ hay kỹ thuật mới thì cũng chính con người sẽ tìm cách sử dụng các phát minh, công nghệ hay kỹ thuật đó để phục vụ các mục đích khác nhau trong đời sống và kết quả mang lại cũng rất khác nhau. Nhận thức này cần phải được hình thành ngay khi bắt đầu nảy sinh ý nghĩ của nhà khoa học về tìm kiếm phát minh, công nghệ hay kỹ thuật và đặc biệt càng phải bắt buộc đối với người có ý định áp dụng phát minh, công nghệ hay kỹ thuật mới vào cuộc sống. Không phải nhà khoa học nào cũng nhận thức được điều này, khi “lao tâm khổ tứ” vào tìm tòi phát minh, sáng chế người ta chỉ tập trung tìm ra cái mới mà ít quan tâm xem phát minh mà mình đang tìm tòi ấy sẽ tác động gì đến xã hội. Đặc biệt với những người muốn áp dụng công nghệ vào thực tế cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau (hoặc do tầm hiểu biết hạn hẹp nên dễ đề cao một cách cực đoan hoặc bị thuyết phục bởi sự nhận định mang tính cực đoan của người khác, hay do lợi nhuận cao hứa hẹn được tạo ra bởi việc áp dụng công nghệ đã làm “lóa mắt” và chỉ nhìn thấy mặt tiến bộ về khoa học mà quên đi mặt hạn chế hay tiêu cực, nhất là mặt tiêu cực về xã hội.
Ví dụ, gần đây nhờ những tiến bộ về công nghệ di truyền, trong sinh - y học người ta phát minh ra công nghệ “chẩn đoán trước làm tổ” (hay còn gọi là chẩn đoán di truyền tiền cấy phôi, viết tắt là PGD - preimplantation genetic diagnosis). Kỹ thuật này được biết đến lần đầu vào năm 1990 như một quy trình thử nghiệm. PGD có nhiều ưu điểm so với chẩn đoán tiền sản thông thường. Đây là một kỹ thuật thích hợp với các cặp vợ chồng bị chuyển đoạn nhiễm sắc thể, giúp loại trừ khả năng chuyển đoạn không cân xứng xuất hiện ở thai nhi, thường dẫn đến sảy thai liên tiếp. Ngoài ra, kỹ thuật cũng thích hợp với các cặp vợ chồng không chỉ có nhu cầu sinh con không bị bệnh mà còn có thể sử dụng máu cuống rốn để điều trị cho anh/chị đã lớn, có bệnh lý di truyền như bệnh Thalassemia. Phải khẳng định đây là một tiến bộ lớn về mặt sinh - y học. Tuy vậy, khi áp dụng kỹ thuật này vào thực tế chăm sóc sức khỏe, cần phải nhận thấy một nguy cơ khi sử dụng kỹ thuật này chỉ nhằm đến xác định giới tính thai nhi. Việc áp dụng này vừa đánh vào tâm lý sinh con trai vì việc muốn sinh con trai còn là một điều phổ biến trong xã hội, nhất là với gia đình hiếm muộn, vừa mang lại nhiều tiền cho nhà kinh doanh. Nhưng nếu chỉ nhằm mục đích phục vụ việc thông báo sinh con trai mà không hướng đến mục đích chẩn đoán bệnh di truyền thì việc ứng dụng PGD sẽ dẫn đến mất cân đối giới tính khi sinh và lâu dài sẽ thay đổi cơ cấu giới trong xã hội. Do đó, tại Xin-ga-po, một nước mạnh về phát minh và áp dụng kỹ thuật y - sinh học nhưng chỉ có một phòng thí nghiệm PGD thuộc trường đại học làm xét nghiệm này vì chính phủ lo ngại người dân lạm dụng để chọn lựa giới tính khi sinh. Ai muốn làm để chẩn đoán, tầm soát bệnh nào thì chỉ được nhận kết quả đúng bệnh đó chứ không nhận kết quả về nhiễm sắc thể giới tính. Đây chỉ là một ví dụ trong ngàn vạn ví dụ tương tự để muốn nói rằng các nhà khoa học phát minh và nhất là các nhà khoa học ứng dụng cần có quan điểm “kỹ thuật vị nhân sinh” chứ không thể có quan điểm “kỹ thuật vị kỹ thuật”. Chúng ta cần chú trọng điều này khi thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong cơ chế thị trường. Trong công nghệ thông tin cũng vậy, vụ làm rò rỉ thông tin cá nhân của hàng triệu người của facebook vừa qua cũng là một ví dụ. Chúng ta khát vọng có những phát minh khoa học - công nghệ và khát vọng việc áp dụng các khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất và đời sống. Nhưng khi thực hiện khát vọng đó chúng ta cần cảnh giác vì dễ rơi vào nhãn quan “kỹ thuật vị kỹ thuật”.
Xét về mặt tiến bộ khoa học, một công nghệ ra đời sau bao giờ cũng phải có mức độ tiến bộ hơn so với công nghệ trước, nhưng xét về về mặt tiến bộ xã hội thì chưa chắc đã có sự tăng tương xứng như tiến bộ về mặt khoa học. Cần phân tích cặn kẽ một phát minh khoa học hoặc một tiến bộ công nghệ cả về mặt khoa học lẫn về mặt xã hội. Điều này phải trở thành một phương châm trong chiến lược của việc thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không khi đứng trước những lập luận mang tính khoa học thuần túy, nhất là trong khoa học chuyên sâu, mà thổi phồng một cách cực đoan mặt lợi ích khoa học thì chúng ta sẽ không nhận thấy được những thách thức hay hạn chế cả về mặt khoa học lẫn về mặt xã hội. Khi đó hệ lụy của việc áp dụng phát minh mới hay công nghệ mới chưa biết sẽ như thế nào. Điều đó đòi hỏi trước hết ở trình độ, bản lĩnh và tài năng vận dụng của các nhà quản lý khoa học công nghệ của đất nước.
Đào tạo nguồn nhân lực
Muốn thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì yếu tố cần và đủ đầu tiên là nguồn nhân lực. Nhưng đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để bảo đảm chất lượng phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư là vấn đề rất đáng suy ngẫm hiện nay.
Khi đề cập đến những yếu tố cần và đủ để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hầu hết các ý kiến đều nói tới phải chăm lo đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Nhân lực phục vụ cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi những tố chất cực kỳ đặc biệt, vừa hiểu biết rộng lại vừa hiểu chuyên sâu (nói cách khác là có biên độ của tri thức rộng hơn nhiều so với trước đây). Người làm khoa học khát vọng với phát minh, sáng chế và ứng dụng phát minh, sáng chế có một bộ óc với phương pháp tư duy khoa học đặc biệt và phương pháp tư duy đó đã tạo ra luồng tư duy khoa học đặc biệt. Luồng tư duy của họ giống như một dòng suối và những cái nhớ, cái quên (hoặc cái chưa biết) trong kho tri thức tại bộ óc của họ được ví như những hạt giống nằm trong lòng đất bên bờ dòng suối. Khi dòng suối chảy đến đâu thì các hạt giống sẽ “bật dậy” và nảy mầm. Bởi vậy điều quan trọng nhất với nhà khoa học là phương pháp tư duy khoa học. Do đó cần xem xét liệu phương cách đào tạo các nhà khoa học của chúng ta đã đi đúng hướng hay chưa? Đào tạo bậc đại học và nhất là đào tạo sau đại học có mục đích là đào tạo chuyên gia, nhưng thực trạng đào tạo đại học và sau đại học ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nói cách khác, chúng ta chưa quan tâm đến đào tạo phương pháp tư duy khoa học. Nhìn vào tổng thể một nền giáo dục đào tạo, nếu biết chăm lo đến điều này thì dần dần sẽ tạo ra những “sản phẩm” (tức những nhà khoa học tương lai) có phương pháp tư duy khoa học. Nói cách khác, phải nhanh chóng xem xét việc thực hiện cải cách giáo dục bậc đại học và sau đại học ở nước ta.
Một câu hỏi khác cũng không kém phần quan trọng và thiết thực hiện nay là đào tạo loại nhân lực nào là ưu tiên hàng đầu. Trong cơ cấu nhân lực phục vụ cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhiều loại hình nhân lực, từ nhà phát minh cho đến công nhân lành nghề, loại nào cũng cần được đào tạo. Nhưng với nước ta loại hình quan trọng bậc nhất và đang thiếu nhất lại là những nhà quản lý về khoa học và công nghệ. Họ là những người trực tiếp tham mưu cấp chiến lược cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để đưa ra các chính sách phát triển (nói cách khác là làm chính sách, trong đó có cả chính sách đào tạo). Đây là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của các nhà quản lý. Ngoài ra họ còn là người hướng dẫn thực hiện chính sách và kiểm tra thực hiện chính sách. Công việc này đòi hỏi họ phải được đào tạo để có những kiến thức quản lý nói chung và kiến thức quản lý khoa học - công nghệ nói riêng. Lâu nay ở nước ta, chúng ta chưa coi trọng việc tuyển chọn và đào tạo người làm quản lý. Thậm chí có cách suy nghĩ rằng cán bộ chuyên ngành kỹ thuật giỏi đương nhiên sẽ làm công tác quản lý giỏi, đấy là chưa nói đến số cán bộ không làm được chuyên môn lại được chuyển sang làm quản lý hay hành chính. Cần nhớ không phải ai cũng làm được công tác quản lý và một nhà chuyên môn chuyên ngành giỏi chưa chắc đã làm giám đốc hay bộ, thứ trưởng giỏi (cũng chính vì vậy ở nhiều nước bộ trưởng Bộ Y tế lại không phải là bác sĩ hay giáo sư y học mà thường là chính khách xã hội). Nói sứ mệnh quan trọng nhất của họ là làm chính sách bởi chính sách đúng thì mới có môi trường khoa học trong lành, mới tạo ra được một đội ngũ nghiên cứu có sự say mê sáng tạo và toàn tâm với khoa học nước nhà, mới tạo ra những động lực cả về tinh thần lẫn vật chất để khuyến khích khoa học - công nghệ phát triển... Nếu không có những chính sách đúng đắn và cần thiết ngay từ khâu bảo hộ các ý tưởng phát minh, sáng chế thì những “mầm non” của ý tưởng khoa học vừa đâm chồi cũng sẽ bị thui chột vì nhiều nguyên nhân. Chúng ta thường nói người Việt Nam thông minh không kém các dân tộc khác nhưng tại sao phát minh và sáng chế tầm thế giới của chúng ta lại quá ít. Nó không có được hay nó chưa có môi trường nảy nở sinh sôi, ra hoa kết trái? Với những lý do đó, chúng ta hãy nên coi trọng hơn việc đào tạo những nhà quản lý khoa học và công nghệ kể cả tầm chiến lược lẫn chiến thuật trước khi nói đến đào tạo những nhà phát minh hay công nhân lành nghề trong các chuyên ngành. Trước những tiến bộ như vũ bão trong khoa học và công nghệ, có khi chúng ta bị “lóa mắt” bởi những lập luận về khoa học chuyên sâu trong khi trình độ cán bộ quản lý của chúng ta lại có hạn. Điều này dẫn đến chúng ta sẽ bị động trong việc đề ra chiến lược, chiến thuật và chính sách hoặc đề ra chiến lược, chiến thuật và chính sách không chính xác với thực tiễn của đất nước. Do vậy, việc đào tạo cán bộ quản lý không chỉ có nội dung về xã hội mà còn cần những hiểu biết cơ bản mang tính nguyên lý của khoa học tự nhiên. Xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý khoa học công nghệ mang tầm chiến lược lẫn chiến thuật ở nước ta cần được xem là việc khởi đầu trong lịch trình của những việc khởi đầu để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta.
Trước thực tế hiện nay, chúng tôi xin đề xuất mấy giải pháp cụ thể để góp phần thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư như sau:
Một là, cần có những văn bản mang tính chiến lược về thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta, trong đó cần thể hiện kiên trì quan điểm “kỹ thuật vị nhân sinh”, đồng thời đề phòng và đấu tranh chống quan điểm “kỹ thuật vị kỹ thuật”.
Hai là, trong bất kỳ trường hợp nào, việc xem xét một phát minh mới hay một công nghệ mới bao giờ cũng phải có cách nhìn biện chứng ở chỗ phân tích cho được mặt tích cực và mặt hạn chế hay thử thách của phát minh hay công nghệ đó trên cả hai phương diện khoa học công nghệ và xã hội. Kiên quyết chống lại cách nhìn phiến diện và cực đoan trong xem xét bất kỳ một phát minh hay một công nghệ nào.
Ba là, đổi mới toàn diện và triệt để cách đào tạo đại học và sau đại học hiện nay. Chuyển đổi mạnh mẽ cách dạy học theo kiểu học sinh “bị đào tạo” trở thành “tự đào tạo”. Đội ngũ giáo viên, giảng viên cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học tích cực để người học tự đào tạo thay cho cách dạy chỉ chú trọng vào lý thuyết hiện nay.
Bốn là, đặt ngay vấn đề đào tạo các nhà quản lý khoa học công nghệ vào vị trí ưu tiên hàng đầu, coi đây là việc làm đầu tiên trong các việc đầu tiên để thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta./.
----------------------------------------------------
(1) Trích dẫn theo Nguyễn Văn Giang: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - minh chứng sinh động dự báo thiên tài của C.Mác, http://www.xaydungdang.org.vn
(2) Xem Phan Xuân Dũng: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm, Nxb. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, 2018
Tổ chức Đại hội ASOSAI 14 tại Việt Nam - Hoạt động đối ngoại quan trọng trong quá trình phát triển của Kiểm toán Nhà nước  (17/09/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác ứng cứu phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 6 tại Quảng Ninh  (17/09/2018)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra công tác ứng cứu phòng chống ảnh hưởng cơn bão số 6 tại Quảng Ninh  (17/09/2018)
Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh  (17/09/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên