Xã hội hóa lĩnh vực an toàn lương thực, thực phẩm
Quy trình công nghệ sạch tạo ra sản phẩm an toàn có một vị trí hết sức quan trọng. Nó quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp, và sâu xa hơn là sự phát triển của cả nền kinh tế của một quốc gia. Tuy nhiên, những khái niệm “từ cái cày đến cái đĩa” hay “từ trang trại đến bàn ăn” trong sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm đối với chúng ta hiện nay vẫn chưa được xã hội hóa...
Lương thực, thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng nhất luôn đặt ra trước nhân loại trong quá trình lịch sử. Để có được hoạt động sống, mỗi con người trong chúng ta phải thường xuyên thu nhận các cấu tử dinh dưỡng cần thiết từ thức ăn, từ lương thực, thực phẩm (protein, glucid, lipid, vitamin, muối khoáng và các vi chất dinh dưỡng khác), trừ oxygen vốn được thu nhận từ không khí.
Nhu cầu bình quân hằng ngày của mỗi người khoảng 800g thức ăn và gần 2.000g nước. Năm 1904 Páp-lốp khi nhận giải thưởng Nobel về sinh học cũng đã nhấn mạnh: “Không phải không có lý do mà mối quan tâm có tính chất sống còn về bánh mì đã ngự trị lên tất cả các hiện tượng của đời sống nhân loại”. Các nhà khoa học đã tính toán, một người với tuổi thọ 75 năm thì tiêu thụ khoảng 22 tấn thực phẩm (cơm, bánh mì, rau, quả, củ, trứng, thịt, cá, sữa, đường, bơ v.v..) và khoảng 55 tấn nước. Điều này càng khẳng định rằng, chất lượng thực phẩm, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, là một vấn đề cực kỳ quan trọng mang tính sống còn với mỗi cá thể người và toàn bộ đời sống xã hội. ảnh hưởng và tác động của chất lượng thực phẩm nói chung và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng không chỉ trực tiếp đối với sức khỏe của con người, nguồn lực quyết định sự phát triển, mà nó còn có liên quan và tác động trực tiếp đến sự phồn vinh của nền kinh tế, sự hưng thịnh của một nền văn hóa, an ninh chính trị - xã hội và sự trường tồn về giống nòi của một quốc gia dân tộc.
Ngày nay, trong xã hội tiêu dùng hiện đại, các loại thực phẩm luôn luôn phải đạt yêu cầu an toàn, cân bằng dinh dưỡng và đáp ứng những đòi hỏi về cảm quan của người tiêu dùng; đồng thời phải đáp ứng ngày càng cao các lợi ích khác, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vốn được kiến tạo nên bởi sự thay đổi về thị hiếu thẩm mỹ và phong cách sống của con người. Tựu trung, phải đáp ứng bốn tiêu chuẩn thiết yếu là: sức khỏe, hợp khẩu vị, an toàn và thuận tiện.
Trong cuộc Cách mạng dinh dưỡng (Nutritional revolution) hiện nay, nhân loại đều đã tìm được tiếng nói chung là mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc với một chế độ dinh dưỡng an toàn hơn, chất lượng tốt hơn để được sống lâu hơn... So với một thế kỷ trước đây, người ta có thể hy vọng tuổi thọ bình quân sẽ được kéo dài hơn hằng chục năm. Đó là một sự thật, và sự thật này phụ thuộc một phần rất quan trọng vào chế độ dinh dưỡng đã được cải thiện hơn. Nhờ những công trình nghiên cứu khoa học, trong tương lai các loại thực phẩm - thuốc và thực phẩm chức năng (functional foods) sẽ trở thành các sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm không an toàn chính là nguyên nhân đã gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong đối với con người trên toàn thế giới hiện nay. Ngay đối với các nước phát triển có quy trình công nghệ sản xuất và chế biến sạch, việc ngộ độc do lương thực, thực phẩm vẫn luôn luôn được đặt ra là vấn đề bức xúc và hết sức gay cấn.
Ở Việt Nam, theo tài liệu của Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Chỉ riêng trong 7 năm, từ năm 1997 đến năm 2003, đã xẩy ra 1.976 vụ ngộ độc thực phẩm với 39.903 người bị ngộ độc, trong số đó có 383 người bị tử vong. Trên thực tế, số vụ ngộ độc thực phẩm còn cao hơn nhiều so với số liệu vừa được nêu ra vì ở nước ta chưa có hệ thống dự báo và điều tra một cách hiệu quả và chính xác sự nhiễm độc thực phẩm. Theo WHO, ở Việt Nam hằng năm có khoảng hơn 3 triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại tới hơn 200 triệu USD (khoảng 3.000 tỉ VNĐ).
Việc giảm thấp số vụ và số người bị ngộ độc thực phẩm luôn luôn là mục tiêu hàng đầu của tất cả các quốc gia nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân và tránh được những khoản tiền tiêu tốn từ ngân sách và từ các gia đình. ở nước ta, mục tiêu này đã được đặt ra cụ thể cho mỗi năm và từng giai đoạn 5 năm. Ví dụ, năm 2005 mục tiêu quốc gia đề ra là phải giảm 30% vụ ngộ độc hàng loạt và phải giảm 30% số tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Từ năm 2000, Ủy ban Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cuốn sách trắng về vấn đề vệ sinh an toàn lương thực, thực phẩm. Nội dung cuốn sách bao gồm một chương trình kiện toàn hệ thống pháp luật và mạng lưới quản lý lương thực, thực phẩm của EU nhằm kiểm soát sự an toàn của toàn bộ các giai đoạn hình thành nông sản, lương thực, thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Có thể coi đây là đường hướng chủ đạo của thế kỷ mới trong lĩnh vực sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm của EU, là cơ sở để kiểm tra toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất lương thực, thực phẩm từ "cái cày đến cái đĩa", hình thành một hàng rào kỹ thuật giữa EU và các nước xuất khẩu vào thị trường EU. Nói cách khác, trong quá trình quản lý chất lượng nông sản nói chung và lương thực, thực phẩm nói riêng phải kết hợp một cách hài hòa và nhuần nhuyễn các công nghệ trước và sau thu hoạch để thu được các loại lương thực, thực phẩm lành, an toàn về mặt vệ sinh, không gây hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng và cũng không có khả năng gây hệ lụy đến môi trường sống.
Từ ngày 1-1-2003, một miếng thịt bò hay thịt lợn đều phải có những chỉ dẫn liên quan đến con vật bị làm thịt (số hiệu của con vật, nơi sinh, nơi nuôi dưỡng, nơi giết thịt và nơi pha chặt miếng thịt). Như vậy người tiêu dùng có thể biết được cả lai lịch của con vật, của các loại nông sản như gạo, cà phê, chè, hạt điều v.v.. cũng như của các loại thực phẩm, kể cả các thực phẩm chuyển gen hay còn gọi là thực phẩm biến đổi gen. Tài liệu này sẽ như một giấy thông hành, một hộ chiếu trong quá trình sản xuất, chế biến, thương mại và tiêu dùng lương thực, thực phẩm ở những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI. Thủ tục này sẽ áp dụng cho cả những nước không thuộc EU, trong đó có Việt Nam. Sự kiện này rất quan trọng và rất bức thiết đối với nước ta trong xu thế hội nhập với khu vực và với thế giới trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, thương mại và tiêu dùng nông sản, lương thực, thực phẩm. Đây đang là một thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm của nước ta trong việc xuất khẩu thường xuyên một số lượng không nhỏ nông sản, lương thực, thực phẩm vào thị trường EU như: cà phê, chè, thủy sản, hạt điều, gạo, các loại đồ uống, mật ong, thực phẩm ăn liền v.v..
Chúng ta đều nhận thức rằng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, do đó nó phải được thể hiện trong các quy hoạch nuôi trồng, sản xuất, trong các kế hoạch, các dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp và của các địa phương nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng trước yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đồng thời là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi tổ chức, mỗi ngành, mỗi gia đình và của mỗi người; là biểu hiện của nếp sống văn hóa, đạo đức, là tiêu chí quan trọng của một xã hội công bằng, văn minh trong một cơ chế kinh tế thị trường trước xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế.
Chủ trương xã hội hóa chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thể chế hóa trong Quyết định số 149/2007/QĐ-TTg ngày 10-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006 - 2010, nhưng đến nay vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn. Các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh dịch khởi phát hoặc tiềm ẩn có nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn vẫn tiếp tục xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Để thực hiện xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, làm cho lĩnh vực này đi vào đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, cần phải thực hiện tốt những nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, các giải pháp về cơ chế, chính sách:
- Nhà nước cần sớm ban hành Luật Thực phẩm để luật hóa việc thực hiện lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong sự nghiệp đổi mới và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
- Xây dựng, hoàn chỉnh và thực thi một thể chế xã hội hóa lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có cơ chế, chính sách về tài chính đi đôi với việc áp dụng các biện pháp khuyến khích tham gia đầu tư vào lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm v.v..
- Các bộ, ngành chức năng tổ chức xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy chế quản lý, hướng dẫn nhằm cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo nội dung Quyết định số 149/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; lập lại trật tự, kỷ cương trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ lương thực, thực phẩm.
- Xây dựng môi trường, tổ chức năng lực xã hội thực hiện thể chế có kết quả lâu bền, làm cho chủ trương xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm không phải là một phong trào quần chúng nhất thời mà là một công việc thường xuyên, một nguyên tắc lâu dài, trở thành tập quán trong sản xuất và đời sống hằng ngày.
- Công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải đi trước, phải có lộ trình thực hiện mục tiêu phù hợp làm chuyển biến từ nhận thức đến hành vi xã hội. Nội dung thông tin, tuyên truyền phải sát hợp, thiết thực, tránh chung chung, làm cho mỗi người dân thấy được lợi ích cụ thể đối với bản thân và cộng đồng; tạo động lực thúc đẩy các hoạt động nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; nắm vững chế độ chính sách và pháp luật về lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo ra nền tảng cơ bản và động lực thực hiện chính sách của Nhà nước có kết quả cao trong cuộc sống.
- Xã hội hóa chất lượng vệ sinh an toàn thực phải được gắn thường xuyên với một quy trình đào tạo, bồi dưỡng. Công tác này liên quan đến một chuỗi các hoạt động (sản xuất, kinh doanh, quản lý); đến nhiều ngành, nhiều tổ chức và cả hệ thống chính trị nên việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ phường, xã, các đoàn thể và nhân dân, kể cả người sản xuất và người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ lương thực, thực phẩm là rất cần thiết.
Hai là, các giải pháp kinh tế - xã hội:
- Huy động nguồn lực tài chính và các nguồn lực khác thuộc nhiều thành phần kinh tế, tổ chức chính trị và các lực lượng xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và công dân tham gia tích cực công tác xã hội hóa lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, làm cho công tác này trở thành vấn đề quan tâm của cả xã hội; đồng thời, phải có những chế định về trách nhiệm rõ ràng, có kế hoạch cụ thể cho từng ngành, từng tổ chức xã hội cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước. Để tránh chồng chéo hoặc bỏ trống quá trình thực hiện, cần có cơ quan chuyên trách trong tổ chức điều hành và giám sát thực hiện lĩnh vực này.
- Thành lập các tổ chức xã hội của những người tình nguyện tham gia việc giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ lương thực, thực phẩm.
- Khen thưởng kịp thời các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất và cá nhân thực hiện tốt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời, có chế tài xử phạt nghiêm, đủ sức răn đe đối với các cơ sở, các doanh nghiệp, các cá nhân vi phạm các quy định và luật pháp của Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...
Ba là, các giải pháp thuộc lĩnh vực khoa học - công nghệ:
- Tiến hành thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành việc thực hiện các quy trình sản xuất theo quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ lương thực, thực phẩm; tránh tình trạng chỉ làm từng đợt rồi bỏ lửng như thời gian qua, đã không mang lại nhiều kết quả.
- Xây dựng các mô hình sản xuất theo công nghệ sạch các loại nông sản, lương thực, thực phẩm “an toàn” theo phương châm “từ cái cày đến cái đĩa” để rút kinh nghiệm nhằm áp dụng trong sản xuất đại trà.
- Nhà nước giao cho các hội chuyên ngành một số nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời khuyến khích việc lập các phòng thí nghiệm tư nhân kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; có cơ chế phù hợp để các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư trang thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm đáp ứng kịp thời đòi hỏi của công tác kiểm nghiệm. Trước mắt, huy động tốt năng lực của các phòng thí nghiệm VINALAB vào việc kiểm tra, kiểm nghiệm nông sản, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ các cơ quan, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ phát triển kinh tế.
- Các hội, hiệp hội chuyên ngành lương thực, thực phẩm cần tích cực tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực về kiểm nghiệm thực phẩm, làm tư vấn cho các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm nói chung, các hợp tác xã, các xí nghiệp vừa và nhỏ nói riêng sẽ không thể sản xuất được các sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu như các loại nông sản - các nguyên liệu đầu vào bị nhiễm bẩn bởi các hóa chất bảo vệ thực vật, các loại mycotoxin, bởi các kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh ...
Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, việc sản xuất và chế biến các loại thực phẩm có chất lượng cao, nhất là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng đầy đủ sở thích của người tiêu dùng là một yêu cầu có tính chất sống còn của nền kinh tế. Điều này càng trở nên bức bách hơn khi chúng ta phải thực hiện thỏa thuận AFTA cũng như các cam kết của Chính phủ trong toàn bộ lộ trình gia nhập WTO.
Trong quá trình hội nhập, với sự cạnh tranh hết sức khốc liệt của nền kinh tế thị trường, chất lượng các hàng hóa nói chung và chất lượng các loại thực phẩm nói riêng, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, lại càng có một vai trò hết sức quan trọng và có một ý nghĩa quyết định trong sự tồn vong của một doanh nghiệp, rộng hơn là của cả một nền kinh tế của một quốc gia. Do đó, việc điều hành, phối hợp, quản lý chất lượng ở tầm vĩ mô và vi mô toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu dùng nông sản, lương thực, thực phẩm theo phương châm “từ cái cày đến cái đĩa” hoặc “từ trang trại đến bàn ăn” phải được đặt ra và thực thi trong thời gian tới ở nước ta thì mới có hy vọng làm cho các loại nông sản, lương thực, thực phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng mọi yêu cầu của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam và có sức cạnh tranh, gia tăng giá trị và đứng vững trên thị trường đầy khắc nghiệt của khu vực và thế giới./.
Về đảng Dân chủ tự do cầm quyền ở Nhật Bản  (19/12/2008)
Công bố Báo cáo tình trạng dân số thế giới năm 2008  (19/12/2008)
Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người  (19/12/2008)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay