Bài học về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968
Nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược phù hợp
Tham vọng của Mỹ khi tiến hành “chiến tranh cục bộ” là hoàn toàn làm chủ chiến trường miền Nam Việt Nam trong vòng từ 25 đến 30 tháng. Với kế hoạch ba giai đoạn và hai cuộc phản công chiến lược, chúng dự tính sẽ hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục “bình định” miền Nam, rút quân về nước vào cuối năm 1967. Trong hai năm 1966 và 1967, Mỹ mở hai cuộc phản công chiến lược, cuộc sau lớn hơn cuộc trước, đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thế nhưng, các cuộc phản công chiến lược của Mỹ đều lần lượt thất bại, thất bại sau nặng hơn thất bại trước; cùng với đó, chiến tranh hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” của chúng bị bẻ gãy, khiến cho không mục tiêu chiến lược nào của chúng được thực hiện. Với trên một triệu quân, Mỹ - ngụy không những không giành được thế chủ động, trái lại, càng lún sâu vào thế bị động, đi dần vào thế phòng ngự. Ở miền Bắc, cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng chịu những tổn thất nặng nề, và do vậy, không thể ngăn chặn nổi nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của quân và dân ta. Những thất bại trên chiến trường Việt Nam đã khơi sâu thêm mâu thuẫn và khó khăn về chính trị, kinh tế, xã hội ở nước Mỹ, làm suy yếu vị trí của Mỹ trên thế giới.
Về phía ta, lực lượng mọi mặt ngày càng được tăng cường và sung sức hơn. Vận dụng linh hoạt 6 phương thức tác chiến, đồng thời sáng tạo nhiều cách đánh mới, có hiệu quả, ta đã giữ vững và mở rộng thế chủ động, hình thành vòng vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh ở các đô thị. Trên mặt trận mới về ngoại giao, ta bước đầu có nhiều thành tựu, đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập.
Đến cuối năm 1967, cách mạng miền Nam đã giành được những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, tiếp tục giữ vững và phát huy mạnh mẽ thế chủ động trên chiến trường. Về phía Mỹ, việc đưa “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam đến đỉnh cao đã khiến chúng bị tổn thất nặng nề. Trên cơ sở nắm vững và phân tích tình hình giữa ta và địch, cũng như bối cảnh trong nước và quốc tế, Đảng ta nhận định: Chúng ta đã có cơ sở để tiến lên giành thắng lợi quyết định ở miền Nam. Tháng 12-1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa ra chủ trương chiến lược - quyết định mở cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa nhằm giáng một đòn sấm sét vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Tiếp đó, tại Hội nghị Trung ương 14 khóa III (tháng 1-1968), Đảng ta xác định: Trong quá trình tổng công kích và tổng khởi nghĩa, chúng ta phải quán triệt nguyên tắc: Tập trung lực lượng quân sự và chính trị đến mức cao nhất; kiên quyết tiến công, liên tục tiến công nhằm vào những nơi xung yếu của địch mà đánh những đòn quyết định; phải tuyệt đối giữ cho được yếu tố bất ngờ; phải biết giành thắng lợi từng giờ, từng phút và không ngừng mở rộng thắng lợi; kiên quyết chống trả và bẻ gãy các cuộc phản công của địch và truy kích địch đến cùng để giành thắng lợi cao nhất. Ở đây, Đảng ta xác định giành thắng lợi quyết định là giành thắng lợi căn bản trong tình hình cụ thể, chứ chưa phải là giành thắng lợi hoàn toàn. Bởi vậy, mục tiêu chiến lược và cục diện chiến trường phải bảo đảm để triển khai thế chủ động và thế tiến công của ta trên quy mô chiến lược và chiến dịch ở những hướng chiến trường chủ yếu, bằng cả tiến công quân sự và tiến công chính trị. Về cách đánh, Đảng ta chỉ rõ, cần vận dụng linh hoạt 6 cách đánh truyền thống và những cách đánh mới đã xuất hiện trong thời gian vừa qua, kiên quyết thực hiện cho được một số trận đánh lớn có tính chất quyết chiến quan trọng.
Quyết tâm chiến lược chính xác, sáng tạo, táo bạo
Chủ trương đã có, nhưng thực hiện thắng lợi chủ trương lại là cả một quá trình gian khổ, đòi hỏi phải tập trung cao độ về trí tuệ và sức lực, nỗ lực phi thường trong khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách.
Ban đầu, khi chuẩn bị kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, Bộ Tổng Tham mưu đã đề ra phương án có nhiều trận đánh tiêu diệt lớn, với những chỉ tiêu, như diệt sinh lực địch, giải phóng dân, làm tê liệt giao thông, đánh căn cứ lớn,... Đây là phương án chiến lược chính xác với chỉ tiêu cao, theo đó, ta phải sử dụng lực lượng quân sự là chính, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận để giành được quyền làm chủ ở các đô thị và vùng xung quanh. Tuy nhiên, cho đến lúc này, quân chủ lực của ta vẫn còn thiếu kinh nghiệm đánh các trận lớn, chưa bảo đảm khả năng tiêu diệt đơn vị địch lớn hơn cấp tiểu đoàn. Thêm vào đó, việc chọn chiến trường nào để ra đòn quyết định là rất khó; vả lại, nếu đánh theo kiểu “tuần tự như tiến”, đánh theo mùa, đợt thì địch sẽ có thời gian hồi phục, tình hình kéo dài, không thể đem lại chuyển biến lớn. Về chiến lược, ta có thể sẽ không tranh thủ được thời cơ có lợi, không đáp ứng được tình thế đã mở ra.
Đến tháng 8-1967, ta bắt đầu chuyển sang lựa chọn phương án tối ưu hơn, nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, bằng cách kết hợp tổng tiến công với nổi dậy, giáng cho địch một đòn quyết định, tạo cục diện mới của chiến tranh. Tháng 1-1968, sau nhiều tháng nghiên cứu, bàn bạc, trao đổi từ thực tế các chiến trường, các đồng chí lãnh đạo và chỉ huy quân sự cấp cao mới đi đến quyết định cuối cùng là kết hợp tổng tiến công với nổi dậy, nhằm tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng quân sự Mỹ - ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, làm thay đổi lực lượng so sánh có lợi cho ta hơn nữa. Trên cơ sở đó, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, xuống thang chiến tranh. Đồng thời, thực hiện sách lược mềm dẻo, lôi kéo và làm tan rã quân ngụy, mở đường cho Mỹ rút khỏi miền Nam mà không mất thể diện.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nói trên, ta lựa chọn hướng công kích và khởi nghĩa chủ yếu là các thành thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Các thành thị là nơi đầu não, trung tâm chỉ huy, dự trữ nhiều trang, thiết bị, hạ tầng cơ sở của địch, bởi vậy, đây là nơi mạnh nhất nhưng cũng là nơi rất hiểm yếu và nhạy cảm, do địch đang bộc lộ nhiều sơ hở. Từ đó, chủ trương của ta là sử dụng lực lượng tinh nhuệ (đặc công, biệt động), kết hợp với các mũi tiến công của lực lượng xung kích và những cuộc nổi dậy của quần chúng tại chỗ cũng như tại các vùng nông thôn lân cận; phối hợp quân sự và chính trị, thành thị và nông thôn. Với cách đánh như vậy, ta có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta, tiến tới giành thắng lợi có tầm vóc chiến lược. Đồng thời, ta chủ trương kéo quân chủ lực của địch ra những chiến trường mà ta đã có sự chuẩn bị trước, để giam chân và tiêu diệt chúng, khiến chúng không phán đoán được ý định của ta, tạo điều kiện cho các lực lượng ở thành thị tiến công và nổi dậy. Đây cũng là một đòn chính của tổng công kích, một hướng tiến công của bộ đội chủ lực của ta.
Không gian tiến công được xác định là toàn miền Nam, và được tiến hành đồng loạt vào đúng giữa đêm giao thừa Tết Nguyên đán năm 1968 - một thời điểm mà địch không thể ngờ tới. Điều này thể hiện quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó đã trở thành một mẫu mực về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh lúc đó, như làm sao để chuyển quân và vũ khí vào ém sẵn trong lòng địch, nơi được chúng bảo vệ nghiêm ngặt? Làm thế nào để bảo đảm bí mật cho những hoạt động sôi nổi, dồn dập của ba thứ quân? Làm sao để sắp xếp, bố trí hợp lý các lực lượng và phối hợp nhịp nhàng, kịp thời các mũi tiến công?... Do đó, việc tổ chức thực hiện quyết sách chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã diễn ra vô cùng khẩn trương và căng thẳng, với khối lượng đồ sộ các hoạt động chuẩn bị. Với điểm tựa là nhân dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại thời điểm lịch sử ấy, ta đã xây dựng được thế trận “đạn đã lên nòng”, chỉ chờ giờ hành động điểm là sẽ nhằm thẳng yết hầu địch mà bắn.
Chủ trương đúng đắn, thắng lợi quyết định
Như kế hoạch đã định, cuối tháng 1-1968, ta mở hoạt động lớn ở mặt trận đường 9 - Khe Sanh, xem như một đòn chính của bộ đội chủ lực, nhằm đánh lạc hướng, thu hút quân cơ động của Mỹ, tiến tới vây hãm, giam chân, tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác tiến công và nổi dậy. Ngay lập tức, tướng Mỹ Oét-mo-len vội vã cho không quân ném bom dữ dội và đổ quân xuống khu vực Khe Sanh. Quân ta tiếp tục bao vây Khe Sanh, dùng các hỏa lực và đánh lấn, khiến Mỹ bắt đầu tính tới khả năng ta có thể tạo ra một “cái giống như Điện Biên Phủ”. Như vậy, địch đang dần rơi vào bẫy của ta.
Trên chiến trường nước bạn Lào, từ ngày 12 đến ngày 27-1-1968, quân đội Pa Thét Lào và quân tình nguyện Việt Nam thắng lớn trong chiến dịch Nậm Bạc; chiến dịch này đi trước và phối hợp nhịp nhàng với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 - đêm giao thừa Tết Mậu Thân, quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn. Bốn bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của địch đều bị ta tấn công. Trong đó, có nhiều trận đánh gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới, như các trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Đài Phát thanh ở Sài Gòn. Đặc biệt, quân và dân ta đã thu được thắng lợi vang dội tại thành phố Huế và làm chủ thành phố này trong 25 ngày đêm.
Phối hợp với cuộc tiến công vào đô thị của các lực lượng vũ trang và được sự giúp sức của các lực lượng này, nhân dân đồng bằng Nam Bộ đã nổi dậy, làm tan rã phần lớn bộ máy kìm kẹp của ngụy quyền ở thôn, xã, giành quyền làm chủ ở nhiều vùng, mở rộng và củng cố hậu phương của ta. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tính đến thời điểm đó, đây là cuộc ra quân có quy mô lớn và khí thế cao nhất. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, ta đã tiêu diệt một bộ phận sinh lực Mỹ, làm tan rã từng mảng lớn quân đội ngụy, giải phóng nhiều thôn, ấp, phường, phố với khoảng 120 vạn dân.
Như vậy, ngay cả khi lực lượng địch còn mạnh, với quân số đông, phương tiện chiến tranh hiện đại, đứng chân trên những căn cứ được phòng thủ vững chắc, quân và dân miền Nam vẫn anh dũng tiến công vào tận hang ổ của chúng, giành thắng lợi to lớn. Cuộc tiến công mà Mỹ đoán trước và chờ đợi, cuối cùng đã gây cho chúng nhiều bất ngờ, sửng sốt về sức mạnh, thời gian, không gian, cường độ và mức độ phối hợp. Điều này dường như có tính quy luật, vì Mỹ luôn chủ quan, đánh giá thấp đối phương, nhưng, với ta, việc tạo nên được những yếu tố bất ngờ là kết quả của một quá trình tính toán và chuẩn bị công phu về mọi mặt. Thế trận chiến tranh nhân dân giúp ta có thể đánh địch ở cả những điểm mà chúng coi là “bất khả xâm phạm”, giành được quyền chủ động về thời gian và không gian trên chiến trường. Tuy nhiên, sau đó, việc ta tổ chức các đợt tiến công vào thành thị mà bỏ lỏng các vùng nông thôn, trong khi địch tiến hành “bình định cấp tốc” để giành dân, đã gây ra những khó khăn cho ta trong một thời gian dài.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là một “đòn sấm sét” giáng vào đầu chính quyền Mỹ - ngụy, buộc Mỹ phải từ bỏ ảo tưởng để đối diện với thực tế là, rất có thể lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội của họ sẽ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh, đồng thời, giới cầm quyền Mỹ cũng phải hứng chịu những sức ép lớn của dư luận trong nước. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, trên hầu hết các bang nước Mỹ đều rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là của giới sinh viên, học sinh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến này. Tình hình đó khiến cho nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt. Bởi thế, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn đã phải triệu tập một cuộc họp “những người am hiểu nhất”; trong cuộc họp, phần đông tán thành việc Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam và có những biện pháp đi đến tách ra khỏi cuộc chiến tranh này.
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thông báo quyết định ngừng ném bom miền Bắc, nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pa-ri (Pháp) và tuyên bố không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tới. Có thể coi đó là sự thừa nhận công khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ bị phá sản. Mặc dù ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ đã bị lung lay, nhưng họ vẫn có ý đồ xảo quyệt là chuyển sang thi hành chiến lược “phi Mỹ hóa”, “Việt Nam hóa” chiến tranh.
Đánh giá thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tại Hội nghị Trung ương 15 khóa III, Đảng ta nhận định: Với thắng lợi to lớn của 6 tháng mở đầu thời kỳ tổng công kích, tổng khởi nghĩa vừa qua, ta đã mở ra cục diện mới của chiến tranh, tạo ra thế chiến lược mới, lực lượng mới, khả năng mới… Ta đang ở thế thắng, thế mạnh và có đủ lực lượng để thực hiện quyết tâm đánh thắng Mỹ trong bất kỳ tình huống nào.
Như vậy, trên cơ sở nắm chắc tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng đúng đắn quy luật của chiến tranh nhân dân, Đảng ta đã hạ quyết tâm chiến lược chính xác, táo bạo, xác định đúng phương hướng tiến công, sử dụng đúng lực lượng, chọn đúng thời cơ, làm tốt công tác động viên, quán triệt tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, qua đó, phát huy mạnh mẽ ý chí và hành động của quân và dân, đem lại nhiều chiến công to lớn, vang dội, liên tục và rộng khắp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968./.
Vị đắng của thắng cử (01/02/2013)
Chống gia cầm nhập lậu là một cuộc chiến quyết liệt (31/01/2013)
VDB tài trợ 662 tỷ đồng xây dựng đường dây 500kV (31/01/2013)
Mở rộng tín dụng hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (31/01/2013)
Phó Thủ tướng khảo sát hai mô hình chăn nuôi mới (31/01/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên