Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế

TS. Tô Ánh Dương Viện Kinh tế Việt Nam
19:13, ngày 28-02-2013
TCCSĐT - Hệ thống ngân hàng được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng nhất trong hệ thống trung gian tài chính. Bởi vậy, hoạt động ngân hàng cần phải luôn thông suốt, hiệu quả và an toàn để duy trì sự vận hành trôi chảy các hoạt động trong nền kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vài nét về hệ thống ngân hàng Việt Nam

Sau hơn hai thập kỷ tiến hành cải cách, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua bốn giai đoạn phát triển đáng chú ý: (i) Giai đoạn 1990 - 1996: ghi nhận sự tăng lên nhanh chóng về số lượng và loại hình tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm đáp ứng sự tăng vọt của cầu về dịch vụ tài chính trong giai đoạn đầu “bung ra” trong thời kỳ chuyển đổi. (ii) Giai đoạn 1997 - 2005: củng cố, chấn chỉnh hệ thống ngân hàng hai cấp mới được hình thành trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ châu Á. (iii) Giai đoạn 2006 - 2010: nâng mức vốn pháp định và tăng cường các quy chế điều tiết; các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) nông thôn được chuyển đổi lên thành ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần đô thị; một số ngân hàng mới được thành lập, xuất hiện loại hình ngân hàng 100% vốn nước ngoài. (iv) Giai đoạn 2011 đến nay: hệ thống ngân hàng bộc lộ những yếu kém, dễ tổn thương vì những yếu kém tồn tích từ lâu, đe dọa gây đổ vỡ hệ thống, dẫn tới yêu cầu cấp thiết phải tiến hành tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay bao gồm 3 nhóm ngân hàng chính: các NHTM nhà nước, các NHTMCP và các NHTM nước ngoài. Ngoài ra, còn có các ngân hàng liên doanh và các văn phòng đại diện của các TCTD nước ngoài. Cụ thể, tính đến cuối năm 2011, có 5 NHTM nhà nước (trong đó có 3 ngân hàng là: Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Vietinbank, và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đã được cổ phần hóa, tuy nhiên, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối trên 70%), 1 ngân hàng chính sách, 37 NHTMCP, 5 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng có 100% vốn nước ngoài, và 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra còn có các TCTD phi ngân hàng, bao gồm 18 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (gồm 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương với hơn 1.073 quỹ thành viên). 

Hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với những rủi ro tiềm ẩn. Có thể kể đến một số rủi ro chính dưới đây:

*Rủi ro tín dụng: Trong danh mục tài sản của các ngân hàng, chiếm tỷ trọng lớn vẫn là hoạt động tín dụng, tuy nhiên chất lượng tín dụng lại chưa cao, tỷ lệ nợ xấu lớn, tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, khi kinh tế thế giới và trong nước có những biến động, từ phát triển nóng sang trì trệ, bên cạnh đó, sự tụt dốc của thị trường chứng khoán, diễn biến phức tạp của thị trường bất động sản, giá vàng lên xuống thất thường, sự đổ vỡ của nhiều chủ nợ tín dụng “đen” làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng tín dụng. 

*Rủi ro thanh khoản: Rủi ro thanh khoản luôn thường trực, khi huy động vốn của ngân hàng thương mại chủ yếu là kỳ hạn ngắn với tỷ trọng thường tới 70% - 80% trong tổng nguồn vốn huy động, thậm chí đối với một số ngân hàng, tỷ trọng này lên tới 90%, trong khi đó cho vay trung, dài hạn thường chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 30% - 40% tổng dư nợ. Có thể nói, thanh khoản là vấn đề nan giải nhất hiện nay đối với các NHTM và sẽ không đơn thuần là vấn đề ngắn hạn, vì cốt lõi của vấn đề thanh khoản là vấn đề nợ xấu.

*Rủi ro lãi suất: Do những năm gần đây lạm phát thường ở mức cao, biến động với biên độ lớn và thường xuyên, nên lãi suất mua bán vốn trên thị trường tiền tệ, thị trường tài chính Việt Nam luôn ở mức cao và thiếu tính ổn định. Cộng với đó là độ vênh lớn về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, nên rủi ro lãi suất đối với hệ thống ngân hàng cũng luôn tiềm ẩn ở mức cao.

*Rủi ro tỷ giá: Trong vài năm gần đây đã chứng kiến những thay đổi mạnh trong cơ cấu tài sản của ngân hàng theo đồng tiền. Do áp lực lạm phát, cùng với sự biến động mạnh của giá vàng, đô-la Mỹ (USD), trong khi lãi suất đầu ra bằng đồng Việt Nam (VND) cao so với khả năng sinh lời của khu vực sản xuất vật chất, lãi suất tín dụng USD lại thấp, hệ quả là các NHTM chuyển qua kinh doanh tín dụng ngoại tệ. Thực trạng này sẽ gây áp lực rất lớn đến thanh khoản ngoại tệ, hệ quả là, không chỉ nhu cầu ngoại tệ trong nền kinh tế tăng, áp lực trên thị trường ngoại hối bị đẩy lên, mà hệ thống NHTM còn đứng trước các rủi ro tỷ giá, mà tỷ giá VND/USD lại chịu các áp lực rất lớn từ thâm hụt cán cân vãng lai, từ nhập siêu, lạm phát cao và các dòng vốn vào/ra không ổn định.

Rủi ro tác nghiệp: Bên cạnh rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, thì rủi ro tác nghiệp cũng có xu hướng tăng nhanh và ngày càng tinh vi, phức tạp hơn gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin. Vì thế, không ít những vụ việc tiêu cực trong hoạt động ngân hàng đều bắt nguồn từ việc không chấp hành quy chế, quy trình tác nghiệp, cũng như từ đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng.

Những phân tích trên đây cho thấy, hoạt động ngân hàng tự nó đã chứa đựng rất nhiều rủi ro và khi những rủi ro đó tích tụ, trở nên quá lớn do tác động của các yếu tố bên ngoài (như bất ổn kinh tế vĩ mô, khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản lao dốc) hay do các yếu tố bên trong (như quản trị rủi ro bất cập, quy trình tín dụng không hoàn chỉnh, đầu tư mạo hiểm, năng lực và đạo đức của nguồn nhân lực ngân hàng không đáp ứng yêu cầu,…) thì hệ thống ngân hàng sẽ không tránh khỏi đổ vỡ nếu không được cơ cấu lại. 

Những vấn đề đặt ra của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay

Nghiên cứu cấu trúc và thực trạng hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện cho thấy có những vấn đề nổi bật sau:

- Nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào khu vực ngân hàng: Tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống TCTD/GDP cao hơn nhiều so với các nước có trình độ phát triển tương đương trong khu vực, cho thấy khi khu vực ngân hàng không thực hiện được tốt chức năng dẫn vốn với quy mô từng đảm đương thì nền kinh tế tất yếu sẽ bị suy giảm mạnh và ngược lại, hệ thống ngân hàng dễ dàng bị tổn thương khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ tổng tài sản của hệ thống TCTD/GDP đạt 200% và tỷ lệ dư nợ tín dụng cho nền kinh tế/GDP đạt trên 100%.

- Tổng tài sản của hệ thống TCTD tăng trưởng nhanh qua các năm, tuy nhiên, rất không đồng đều giữa các khối và chứa đựng yếu tố “tăng ảo”. Nhìn chung toàn hệ thống, tài sản của khối NHTMCP thường dẫn đầu, tiếp đến là khối ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), khối nước ngoài bao gồm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (viết tắt là NHLD&Nngoài); sau cùng là khối các TCTD phi ngân hàng và các tổ chức khác (xem hình 1). Điều này hàm ý, tổng tài sản đã bị tăng ảo mạnh và quy mô bảng tổng kết tài sản thường bị “thổi phồng”.

Hình 1. Thị phần tổng tài sản của các tổ chức tín dụng

Nguồn: Ngân hàng nhà nước và MSB tổng hợp

- Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của hệ thống diễn biến theo chiều hướng xấu đi, khi mà hoạt động lõi của các ngân hàng - huy động vốn tạm thời nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế và dân cư để cho vay ra nền kinh tế, ngày càng chiếm tỷ trọng giảm dần tương ứng so tổng nguồn vốn và tổng tài sản. Nguồn vốn của nhiều TCTD giờ đây phụ thuộc nặng nề hơn vào thị trường liên ngân hàng và các nguồn vay mượn khác (từ nước ngoài, từ NHNN,…). Hệ số đòn bẩy tài chính gia tăng những năm gần đây cũng chỉ ra quy mô vốn chủ sở hữu đang giảm sút tương đối so tổng tài sản. Bên vế sử dụng vốn, tỷ trọng đầu tư vốn trên thị trường 2(1), đầu tư giấy tờ có giá, góp vốn, mua cổ phần cũng tăng đáng kể qua các năm. Điều này đưa đến câu hỏi: phải chăng các NHTM Việt Nam đang sao nhãng dần bản chất “thương mại” vốn có của nó? liệu có cần các quy định nhằm tách bạch giữa hai hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, khi mà trình độ quản lý của các cơ quan điều tiết và giám sát thường không theo kịp thị trường?

Hình 2. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (2008 - 2012)


- Tốc độ tăng trưởng tín dụng thường rất cao trong những năm trước đây, đã suy giảm mạnh trong các năm 2010 và 2011(2) và thậm chí chuyển sang âm trong suốt 5 tháng đầu năm 2012, đi kèm theo là tỷ lệ nợ xấu gia tăng nhanh (hình 2), đạt mức 10% theo công bố của Thống đốc tại kỳ họp 3 Quốc hội khóa XIII. Tốc độ tăng trưởng tín dụng còn có thể thấp hơn nữa nếu loại bỏ hư số do hiện tượng tiền ảo hay do nhiều ngân hàng cố ý “làm đẹp” số liệu kế toán cuối các năm tài chính gần đây. Đồng thời, con số tăng trưởng này cũng có thể sẽ tăng lên đáng kể khi hiện tượng các TCTD “lách” hạn mức tín dụng phi sản suất hoặc “che đậy” tài sản kém chất lượng bằng cách biến tướng các khoản thực chất là cho vay thành đầu tư vào chứng khoán nợ của các tổ chức kinh tế, hay dưới dạng ủy thác đầu tư, phải thu khác, đặt cọc, ký quỹ,… Nợ xấu ngày càng đáng quan ngại không chỉ ở quy mô gia tăng nhanh, mà còn ở việc nợ nghi ngờ và nợ có nguy cơ mất vốn chiếm tỷ trọng cao. Nợ cần chú ý cũng chiếm tỷ trọng lớn, tuy chưa phải tính vào nợ xấu, nhưng rõ ràng ẩn chứa nguy cơ nhanh chóng trở thành nợ xấu nếu tình hình kinh tế tiếp tục diễn biến xấu và/hoặc nếu việc phân loại nợ được làm “thực chất” hơn.

- Cơ cấu tín dụng cho thấy những quan ngại đáng kể. Số liệu báo cáo phân loại tín dụng theo kỳ hạn chỉ ra, dư nợ cho vay trung dài hạn toàn hệ thống chiếm tỷ lệ cao trong khi nguồn vốn huy động hầu hết là ngắn hạn. Sự lệch kỳ hạn này chính là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng thường xuyên căng thẳng thanh khoản, bên cạnh nguyên nhân lệch cơ cấu đồng tiền. Xét theo thành phần kinh tế, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chiếm cao, trong đó, cho vay các tập đoàn kinh tế chiếm tới trên 50%. Câu hỏi đặt ra là liệu bao nhiêu % trong số này là nợ lưu cữu năm này qua năm khác (nợ không có khả năng thu hồi)(3)? Khi tiến trình tái cơ cấu DNNN diễn ra thực sự, việc xử lý khối nợ xấu của thành phần kinh tế này sẽ là vấn đề lớn. Còn nếu chia tín dụng theo ngành nghề/lĩnh vực kinh doanh, trong tổng số khoảng 250 nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay bất động sản (BĐS) của các TCTD được báo cáo (chưa tính các khoản cho vay dưới hình thức khác như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đáo nợ qua ủy thác đầu tư, cho vay gián tiếp BĐS), số đầu tư vào phân khúc phát triển dự án xây dựng và đầu cơ BĐS ước chiếm tới 90%. Trong bối cảnh thị trường BĐS tiếp tục đóng băng, sụt giá và chưa có dấu hiệu hồi phục thì riêng nợ xấu từ khu vực này có thể chiếm tới 60% tổng nợ xấu ngân hàng.

- Vốn điều lệ toàn hệ thống đã tăng nhanh, chủ yếu trong giai đoạn 2008 - 2011 theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP ban hành Danh mục mức vốn pháp định đối với các TCTD thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Vấn đề ở chỗ liệu việc tăng vốn có thực chất? Hiện tượng “nhóm lợi ích” và “sở hữu chéo”/ “sở hữu lẫn nhau” thông qua một “bên thứ 3” diễn ra khá phổ biến, đã làm cho quy mô vốn điều lệ cũng như tổng tài sản toàn hệ thống bị tăng ảo. Điều nguy hiểm hơn, tình trạng sở hữu chéo vốn thường dẫn đến hoặc luôn đi kèm với vấn đề “cho vay nhóm khách hàng liên quan” vượt xa tỷ lệ quy định - kênh chủ yếu để dẫn vốn tín dụng đến với các dự án nhiều rủi ro (bao gồm các dự án bất động sản, kinh doanh chứng khoán…).

- Chất lượng tài sản suy giảm nhanh nhưng mức trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đạt thấp. Theo các số liệu báo cáo, số dư quỹ DPRR tín dụng đều thấp so với tổng nợ xấu theo sổ sách. Điều này hàm ý mức độ an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ bị đe dọa khi rủi ro diễn ra.

- Các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định thực chất không bảo đảm. Tình trạng cho vay quá mức dẫn đến hệ số sử dụng vốn (tỷ lệ cho vay trên huy động) của các TCTD rất cao và vượt mức an toàn. Toàn hệ thống luôn trong trạng thái mất cân đối nghiêm trọng cả về kỳ hạn lẫn đồng tiền giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Các tỷ lệ an toàn chi trả đạt mức thấp và hệ số an toàn vốn (CAR) thực chất cũng ở mức dưới thông lệ và cả so với yêu cầu (một số TCTD thậm chí có CAR ≤ 0 tức, xét về mặt kỹ thuật, đã mất khả năng thanh toán/phá sản nhưng vẫn tạo vỏ bọc bên ngoài là chỉ bị khó khăn về thanh khoản.

- Kết quả kinh doanh không thực chất; lợi nhuận ngành ngân hàng có khả năng sẽ suy giảm nhanh trong thời gian tới. Cơ cấu thu nhập của hệ thống TCTD chỉ ra, lãi của hầu hết các ngân hàng chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng. Thế nhưng, trong bối cảnh nợ xấu gia tăng và tín dụng tăng trưởng âm thì nhiều ngân hàng chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Đó là chưa kể, nếu thực hiện phân loại nợ và trích lập DPRR đúng, đủ và/hoặc tuân thủ thông lệ quốc tế, đồng thời hạch toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế, thì hiệu quả kinh doanh của các TCTD Việt Nam còn thấp hơn nữa.

Những phân tích, đánh giá, nhận định trên đây cho thấy, hầu hết các TCTD hiện đang hoạt động kém an toàn, kém lành mạnh hơn và nguy cơ đổ vỡ hệ thống sẽ hiện hữu nếu bối cảnh kinh tế vĩ mô diễn biến xấu bởi sẽ làm trầm trọng thêm các yếu kém, dễ bị tổn thương tích tụ qua nhiều năm của ngành ngân hàng. Nợ xấu ngân hàng gia tăng nhanh thực sự là điều đáng lo ngại. Chính vì vậy, cần phải khẩn trương tiến hành tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong bối cảnh tái cơ cấu chung của nền kinh tế. 

Có thể nói, những yếu kém hiện nay của một bộ phận các TCTD nếu không được xử lý kịp thời có thể tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia. Một hệ thống ngân hàng yếu kém sẽ không thể huy động và phân bổ một cách có hiệu quả các nguồn vốn trong nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiền tệ. Cơ cấu lại hệ thống các TCTD là yêu cầu cần thiết để lành mạnh hóa, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các TCTD, từ đó, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhất là, để thực hiện mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam cần phát triển một hệ thống các TCTD có quy mô lớn hơn, chất lượng và hiệu quả hoạt động tốt hơn. Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì hệ thống các TCTD càng cần phải được củng cố và phát triển để có đủ khả năng tận dụng cơ hội phát triển mới và đối phó với những biến động bất lợi của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế./.

-------------------------------------------

(1) Một phần quan trọng trong đó chỉ là hoạt động đầu cơ, đặc biệt khi “vị thế tiền rẻ” hay chênh lệch lãi suất lớn giữa thị trường 1 và thị trường 2 tồn tại.

(2) Từ mức 40% năm 2009, xuống 29% năm 2010 và còn 13% năm 2011, rồi -2.1% cuối Quý I-2012.

(3) Số liệu báo cáo đến cuối Quý I/2012, nợ xấu khu vực DNNN chỉ chiếm 11% tổng nợ xấu toàn hệ thống, là một con số đáng hoài nghi khi mà khu vực này có động cơ che giấu nợ xấu lớn nhất (tất nhiên chưa tính nợ xấu của Vinashin).