Văn học nghệ thuật có vai trò rất to lớn, nói lên cuộc sống, thời đại, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Văn học nghệ thuật thuộc kiến trúc thượng tầng, tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách con người, chính vì thế chức năng giáo dục của văn học, nghệ thuật luôn được đề cao, là một tiêu chí quan trọng để đánh giá giá trị tác phẩm và phát triển văn học, nghệ thuật. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đội ngũ văn nghệ sĩ “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà mà anh em văn hóa và tri thức phải làm”.

Văn học nghệ thuật cách mạng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị.”;“Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.  Xác định rõ vai trò của văn học nghệ thuật, tỉnh Quảng Ninh luôn chăm lo, đầu tư cơ sở vật chất, có cơ chế khuyến khích VHNT phát triển, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đội ngũ người làm công tác văn học nghệ thuật Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến 2020” (là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc xây dựng Đề án); Tỉnh ủy đã xây dựng và thực hiện Chương trình hành động số 20 thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; giải thưởng Văn nghệ Hạ Long 5 năm trao thưởng 1 lần từ 1975 đến nay (là tỉnh có giải thưởng sớm nhất trong cả nước); Ngày thơ Quảng Ninh 29-3, được duy trì từ 1988 đến nay,...  đã tạo nhiều thuận lợi mới cho VHNT phát triển, tổ chức các đoàn văn nghệ sỹ thực tế sáng tác; tổ chức các triển lãm ảnh, triển lãm mỹ thuật; tổ chức “đêm nhạc Đỗ Hòa An”,... quan tâm khen thưởng, tôn vinh đội ngũ văn nghệ sỹ đạt thành tích xuất sắc.

Tuyên truyền, quảng bá phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa, con người,... đang được tỉnh thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp, với sự tham gia của nhiều lực lượng, thành phần trong xã hội. Sự đóng góp của văn học nghệ thuật đối với công tác này cũng rất thiết thực, hiệu quả cao: Một tập ảnh giới thiệu về địa danh, di tích, danh thắng nào đó hay du khách được tham quan những bức tranh vẽ về một địa danh, quê hương, thưởng thức hát then, đàn tính thu hút du khách, chúng ta càng thấy vai trò của văn học, nghệ thuật trong phát triển, quảng bá...

 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh tổ chức nhiều hoạt động trong việc quảng bá hình ảnh về con người, vùng đất và văn hóa của Quảng Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế, từ đó, phát triển văn hóa mang bản sắc của Quảng Ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, chính trị của tỉnh: Năm 2019, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tham mưu với tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ III, tại thành phố Hạ Long vào ngày 18-02-2019 với sự tham gia của trên 250 đại biểu Trung ương, các tỉnh, thành, khách quốc tế (50 quốc gia và vùng lãnh thổ) cùng sự hưởng ứng của trên 600 đại biểu văn nghệ sĩ và công chúng Quảng Ninh; tham mưu tổ chức thành công các chương trình giao lưu với Liên hiệp các Hội VHNT Trung Quốc và Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam… Năm 2020, Hội đã tổ chức thành công cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, nội dung về thành tựu phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh trong 5 năm (2015 - 2020). Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã ra quyết định bảo trợ cuộc thi và phát động trong toàn quốc. Cuộc thi đã thu hút được 1.064 tác phẩm ảnh nghệ thuật của 146 tác giả ở 27 tỉnh, thành trên cả nước (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Hải Phòng, Đà Nẵng,...), thu hút gần 500.000 người truy cập trang ảnh nghệ thuật Quảng Ninh. Ban Tổ chức đã chọn ra 100 tác phẩm để trưng bày tại triển lãm... Nhiếp ảnh Quảng Ninh nhiều lần đạt giải đồng đội và từ 2020 đến nay liên tục là 1 trong 2 đơn vị có thành tích cao nhất trong các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Với gần 600 hội viên, mỗi năm Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức 5 - 6 trại sáng tác, 8 - 9 chuyến thực tế sáng tác trong đó có hàng trăm tác phẩm về văn hóa, con người Quảng Ninh,... góp phần xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện.

Hằng năm Hội phối hợp với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức sáng tác về biên giới, biển đảo; phối hợp với Công an tỉnh phát động sáng tác về đề tài bảo vệ an ninh tổ quốc; phối hợp với Ban Nông thôn mới tổ chức thi ảnh, câu chuyện về sản phẩm OCOP… Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức thi viết về “Người phụ nữ tôi yêu”, “phòng chống mua bán người”... Phối hợp với Trung tâm truyền thông tỉnh trong phát hành Báo Hạ Long, xây dựng các diễn đàn văn học nghệ thuật, qua đó giới thiệu, quảng bá tác phẩm mới; phối hợp với Thư viện tỉnh xây dựng và quảng bá sách văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, văn học nghệ thuật Quảng Ninh còn bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục, trong đó đáng chú ý là sự thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Người làm văn học nghệ thuật Quảng Ninh còn đang nợ công chúng những tác phẩm lớn xứng tầm thời đại, xứng tầm với sự phát triển của quê hương, đất nước. Đội ngũ sáng tác đang có chiều hướng ngày càng cao tuổi, việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ còn nhiều hạn chế, lực lượng làm công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn mỏng,... một số hội viên chưa phát huy tinh thần trách nhiệm cao.

Tỉnh Quảng Ninh đang phát triển năng động với nhiều đột phá, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ với chất lượng và đẳng cấp; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp sang du lịch, dịch vụ, là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại... Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Quảng Ninh phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, một trong các đầu tầu kinh tế của miền Bắc và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Từ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, dịch bệnh, xung đột vũ trang và an ninh phi truyền thống diễn ra phức tạp đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức mới đan xen; trong đó văn hóa là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng, đặt ra yêu cầu nhiệm vụ đối với văn học nghệ thuật là rất lớn, phát huy vai trò của văn nghệ sỹ trong quảng bá, nâng tầm các giá trị văn hóa, tinh thần và khát vọng đổi mới, sáng tạo của tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới, tạo nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là: Đoàn kết xây dựng Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh là ngôi nhà chung của văn nghệ sỹ Quảng Ninh. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09-3-2018, của Đảng bộ tỉnh  “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”... Đề cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân hội viên trong lời nói, tác phẩm nghệ thuật và hành động xây dựng quê hương.

Hai là: Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ tâm huyết, vững vàng về bản lĩnh chính trị; làm tốt công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và định hướng trong sáng tác.

Ba là: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển văn học nghệ thuật Quảng Ninh phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết hợp truyền thống với hiện đại, phấn đấu nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước. Tổ chức thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về công cuộc đổi mới của tỉnh Quảng Ninh.

Bốn là: Quan tâm hơn nữa việc giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức, lối sống cho nhân dân thông qua việc phân tích, giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, nổi bật và phê phán, phản bác có hiệu quả những quan điểm sai trái, lệch lạc trong đời sống văn học, nghệ thuật...

Nâng cao trình độ nhận thức, cảm thụ thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên; nâng cao khả năng hưởng thụ và đánh giá các giá trị thẩm mỹ. Cần phải xây dựng một chiến lược kiểm soát những sản phẩm văn học, nghệ thuật độc hại về tư tưởng, thấp kém về mặt thẩm mỹ công bố trên các mạng thông tin điện tử vì đây là kênh truyền bá thông tin rất quan trọng trong đời sống xã hội. Duy trì và phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Năm là: Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật, tạo thêm nguồn lực mới cho sáng tác, phổ biến và phát huy giá trị văn học nghệ thuật truyền thống, văn học nghệ thuật của các dân tộc trong tỉnh.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ về VHNT, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đề xuất:

Đề nghị Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, trên cơ sở đó xây dựng Nghị quyết về văn học nghệ thuật trong giai đoạn số hóa.