Quảng Ninh trên hành trình trở thành “cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực phía Bắc
Trong nền kinh tế tri thức, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là cơ sở quan trọng và tất yếu để xây dựng và phát triển đối với bất cứ ngành, lĩnh vực nào. Điều này đực biệt quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với các ngành, lĩnh vực có môi trường hoạt động toàn cầu. Du lịch là ngành như vậy, môi trường toàn cầu còn mang ý nghĩa là công dân toàn cầu. Từng ứng dụng số thành công sẽ đưa dịch vụ tiếp cận, phục vụ mọi công dân ở bất kỳ quốc gia nào trên khắp thế giới.
Chuyển đổi số Du lịch Quảng Ninh
Ứng dụng công nghệ số để phục vụ hoạt động của các thiết chế văn hóa.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa, du lịch trong tỉnh đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển hiện đại.
Thời gian qua, Sở Du lịch Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đến nay, toàn bộ 26 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch được thực hiện trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch, dịch vụ. Trang thông tin điện tử của Sở duy trì hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu cung cấp, trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, người dân và du khách.
Tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số để thúc đẩy hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tỉnh triển khai cổng thông tin du lịch tại 2 địa chỉ website: halongtourism.com.vn và discoverhalong.com, halongtourism.info,… bằng cả 3 ngôn ngữ: Việt, Anh, Trung. Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Ninh đưa vào hoạt động fanpage Thông tin du lịch Quảng Ninh, đến nay có gần 30.000 người theo dõi. Trung tâm cũng lập fanpage bằng tiếng Anh, tiếng Pháp liên tục cập nhật các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; Đăng tải thông tin về du lịch Quảng Ninh tới du khách trên các website... Các trang mạng xã hội (YouTube, Instagram, Zalo) của du lịch tỉnh cũng thường xuyên cập nhật các thông tin bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung); đăng tải nhiều hình ảnh, clip giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh tới bạn bè và du khách quốc tế trên các phương tiện truyền thông cả trong và ngoài nước. Sở cũng vận hành và tiếp tục hoàn thiện bản đồ số du lịch Quảng Ninh với các tính năng cơ bản, như: hướng dẫn, giới thiệu các địa điểm du lịch hấp dẫn, các món ăn nổi tiếng, các lễ hội, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch,… định hướng du lịch cho du khách. Nhờ đó, du khách có thể tìm kiếm đầy đủ thông tin về điểm đến, dịch vụ giải trí, các lễ hội, ẩm thực độc đáo, cơ sở lưu trú, mua sắm, bản đồ số du lịch, hướng dẫn đặt phòng trực tuyến, đặt trước xe theo lịch trình, đường dây nóng hỗ trợ và phản ánh chất lượng du lịch...
Các doanh nghiệp, công ty lữ hành đã ứng dụng trợ lý du lịch thông minh hỗ trợ nhiều ngôn ngữ, giúp phát triển và quảng bá nội dung hiệu quả tới các đối tượng du khách bằng nhiều hình thức.
Ứng dụng công nghệ số để phục vụ hoạt động du lịch, quản lý nhà nước về du lịch.
Sở Du lịch tích cực chỉ đạo và hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị du lịchtriển khai, đồng thời thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Đến nay, 100% doanh nghiệp, đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng website hoặc trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh; sử dụng tài khoản có chức năng thanh toán trực tuyến để thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, chấp nhận thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt. Nhờ các thông tin số liệu, báo cáo thống kê hoạt động kinh doanh được các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước qua môi trường mạng, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã nhanh chóng bắt nhịp xu hướng du lịch của các thị trường khách các nước; đồng thời, nắm bắt "dòng chảy" chuyển đổi số, tích cực triển khai các ứng dụng số trong quản lý điều hành để không bị tụt hậu với các doanh nghiệp khác, để không bị lạc hậu với thị trường du lịch. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch trên nền tảng truyền thông số; số hóa thông tin du lịch..., cũng mở ra kênh chuyển tải thông tin, cơ hội trải nghiệm, đem đến tiện ích và sự hài lòng cho du khách…
Trước đây hành trình tham quan, trải nghiệm cảnh đẹp Vịnh Hạ Long được thực hiện gắn với 1 tấm vé giấy, phải xuất trình và được nhân viên soát vé bấm lỗ khi tới mỗi điểm tham quan, nhưng nay đã được thay thế bằng vé tích hợp hóa đơn điện tử với hai ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh, thuận tiện cho cả du khách trong nước và nước ngoài theo dõi. Ứng dụng này giúp việc thống kêm theo dõi số lượng, lịch trình di chuyển các điểm tham quan của du khách một cách chính xác, từ đó, giúp đánh giá về lượng khách đến từng địa điểm trong từng thời gian để hỗ trợ các dịch vụ kèm theo phù hợp với quy mô lượng khách và sở thích của du khách từng nước… Dịch vụ này cũng chấp nhận tất cả các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua internet banking, mobile money, vô cùng thuận tiện cho du khách... Hệ thống này cũng cho phép những tổ chức, cá nhân, khách du lịch truy xuất hóa đơn mua vé tham quan Vịnh Hạ Long, giúp các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát, hậu kiểm thuận tiện, nhanh chóng cho khi có yêu cầu. Đồng thời, hỗ trợ cơ quan quản lý báo cáo doanh thu thu phí, thu dịch vụ hành khách qua cảng, truyền dữ liệu trực tiếp về cơ quan quản lý thuế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số.
Nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn tỉnh đến tuyến huyện, quậncũng bắt đầu triển khai số hóa thông tin du lịch, số hóa điểm đến, gắn mã QR để phục vụ du khách trong việc tra cứu thông tin, tham khảo và lựa chọn điểm đến phù hợp. Nổi bật, là “Cẩm nang du lịch thành phố Hạ Long” được xây dựng trên nền tảng số, có mã QR cố định. Phường Hồng Gai (TP Hạ Long) cung cấp cho du khách bảng mã QR các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, thuận tiện cho việc lựa chọn điểm đến tham quan. Mã QR được tạo lập bởi AI cung cấp toàn bộ thông tin về du lịch của huyện miền núi Bình Liêu, từ các điểm đến tham quan, địa điểm cung cấp dịch vụ ăn uống, các lễ hội văn hóa, nét đẹp truyền thống đặc sắc của địa phương...
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 điểm trong tổng số 370 điểm đến tham quan, danh thắng, di tích tại 13 địa phương được số hóa thông tin và gắn mã QR. Quảng Ninh đang phấn đấu số hóa và gắn mã QR tại 100% địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, để tiếp tục nâng cao trải nghiệm cho du khách, thúc đẩy quảng bá, phát triển du lịch cho tỉnh.
Ngành Du lịch tỉnh triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; Hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D… Bảo tàng Quảng Ninh xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” giúp du khách tham quan phiên bản số hóa trên website: baotangao.baotangquangninh.vn. Toàn bộ không gian bảo tàng được mô hình hóa bằng công nghệ 3D, từ kiến trúc phía ngoài độc đáo cho đến những không gian ấn tượng bên trong. Với “bảo tàng ảo”, du khách có thể tham quan từ xa thông qua máy tính hoặc điện thoại có kết nối mạng mà không phải đến tận nơi.
Công nghệ số (tích hợp vé điện tử và thanh toán không tiền mặt) đã giúp Ban Quản lý vịnh Hạ Long quản lý hiệu quả việc thu phí tham quan, tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử. Du khách khi nhận vé tham quan vịnh Hạ Long có thể quét mã QR trên vé để tra cứu hóa đơn điện tử, xem thông tin về lịch trình tham quan. Tại hầu hết các điểm đến có bán vé tham quan trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng mã QR và internet banking để du khách có thể thanh toán điện tử bằng cách quét mã rất thuận tiện và nhanh chóng.
Tỉnh đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến; Lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn như Đầu Gỗ, Thiên Cung… và hệ thống định vị GPS trên các tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long.
Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý. Nhằm đa dạng hóa điểm đến cho du khách, phát triển đồng đều các loại hình du lịch, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn gắn với triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó, trọng tâm là lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn. Ngân hàng hình ảnh, số hóa các thông tin, tài liệu về các điểm du lịch nông thôn, tăng cường ứng dụng dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR); chuyên trang điện tử (website, triển lãm, hội chợ du lịch ảo, các sản phẩm truyền thông số...) về du lịch nông thôn gắn với giới thiệu, quảng bá điểm du lịch nông thôn; khai thác thế mạnh truyền thông trên các nền tảng xã hội được xây dựng để từng bước hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, tạo điều kiện cho khách du lịch trải nghiệm các hoạt động, dịch vụ du lịch nông thôn an toàn, thuận tiện và thân thiện.
Quảng Ninh nỗ lực phấn đấu xây dựng và triển khai nền tảng cửa khẩu số ngay trong năm 2023. Theo đó, nền tảng cửa khẩu số sẽ được thực hiện tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, áp dụng thí điểm tại Cửa khẩu Cầu Bắc Luân II.
Du lịch là một trong 6 lĩnh vực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội được tỉnh ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số. Mục tiêu là phát triển công nghệ số phục vụ hoạt động du lịch thông minh (bản đồ số du lịch, thẻ du lịch thông minh, đăng ký sử dụng dịch vụ du lịch qua thiết bị di động thông minh...), hình thành sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường...
Tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án Di sản số vịnh Hạ Long, quản trị theo mô hình kinh tế tuần hoàn, quản trị di sản bền vững. Bên cạnh đó, các ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình, dự án chuyển đổi số, nhằm mang tới những tiện ích phục vụ du khách.
Trong thời gian tới, ngành du lịch tỉnh tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kho dữ liệu số du lịch tỉnh; đưa vào sử dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” và các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc của ngành du lịch và đồng bộ với hệ thống dữ liệu tổng thể của tỉnh về kinh tế - xã hội. Đồng thời, tăng cường kết nối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ du lịch thông qua nền tảng công nghệ, phần mềm, ứng dụng chuyển đổi số để kết nối hoạt động, phát triển các sản phẩm phù hợp theo nhu cầu, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển thị trường sản phẩm du lịch, đáp ứng nhiều nhu cầu phong phú, đa dạng, nhiều cấp độ của du khách và hướng tới phát triển bền vững. Quảng Ninh xác định phải nâng cao chất lượng môi trường tương tác số cho các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân, đảm bảo thuận tiện và minh bạch. Tỉnh cũng đặt yêu cầu, trong công tác quản lý, chuyển đổi số phải cung cấp công cụ hiện đại, thông minh thu thập các thông tin cần thiết và hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thực hiện quy hoạch du lịch cũng như ra các quyết định chính xác nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch. Đây cũng là các giải pháp để tăng tốc trên lộ trình chuyển đổi số được Quảng Ninh đề ra và đang tích cực triển khai thực hiện trong thực tế.
iTourism - Chuyển đổi số Du lịch Việt Nam
Trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS), tỉnh Quảng Ninh luôn đặt mục tiêu thực hiện chính quyền số, kinh tế số và xã hội số song hành, do đó, du lịch số, văn hóa số là bước đi tất yếu để tạo sự phát triển toàn diện, đồng bộ cho tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, việc xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung trong toàn tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Đối với một số ngành như du lịch, văn hóa, việc ứng dụng số được coi tọng và tập trung đầu tư từ xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất đến hạ tầng công nghệ - thông tin, đến đào tạo nguồn nhân lực để bộ máy vận hành trơn tru,…
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, các nền tảng công nghệ phục vụ cho du lịch đã được phát triển những năm gần đây, nhưng chỉ thực sự phát triển bứt phá từ sau đại dịch COVID-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân đã quen với việc quét và sử dụng mã QR. Rất nhanh chóng, mã QR đã được ứng dụng vào lĩnh vực du lịch, từ việc hướng dẫn lịch trình tour, thông tin điểm đến, thông tin khách sạn, hãng lữ hành… Những tiện ích từ việc sử dụng mã QR đã được du khách tự thấu hiểu và trang bị, đây là cơ sở quan trọng, giúp tiến trình số hóa được rút ngắn nhanh chóng.
Có thể thấy sau giai đoạn khởi động, chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Từ công tác quản lý, quảng bá, xúc tiến du lịch đến kinh doanh của doanh nghiệp đều đã ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Hiện ngành du lịch Quảng Ninh đang tăng tốc mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, bứt phá và phát triển bền vững hơn.
Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đang tích cực triển khai các nội dung trong thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch). Cụ thể là tập trung triển khai áp dụng các nền tảng số cốt lõi trong hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Triển khai ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Công ty CP Vietiso đã hợp tác ký kết chương trình chuyển đổi số du lịch Quảng Ninh với nền tảng số iTourism - Chuyển đổi số Du lịch Việt Nam. Tham gia hội nghị có 50 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ gồm lữ hành, lưu trú, vận chuyển… trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Toàn cảnh thực trạng chuyển đổi số du lịch của các Hiệp hội và hội viên trên cả nước; giải pháp nền tảng iTourism - Chuyển đổi số Du lịch Việt Nam; giải pháp giúp tăng cường tương tác giữa các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, kết nối giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch các địa phương, nhằm thống nhất và đồng bộ cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch, tạo dựng môi trường kết nối liên dịch vụ, liên điểm đến được thông tin đầy đủ. Sự tham gia của các doanh nghiệp không chỉ giúp nâng cao năng lực công nghệ du lịch mà còn xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở, nền tảng iTourism - Chuyển đổi số Du lịch Việt Nam đã được triển khai tại Hiệp hội Du lịch nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… và vẫn đang tiếp tục được mở rộng quy mô ra các tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian tới, thì việc Quảng Ninh tham gia vào hệ thống này là tất yếu.
Quảng Ninh cũng triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống Thẻ du lịch thông minh thuộc hệ sinh thái Thẻ Việt - thẻ Quốc gia đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và Kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch. Nghiên cứu, triển khai đồng bộ hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí… trên địa bàn tỉnh. Quảng bá, hỗ trợ giao dịch sản phẩm dịch vụ du lịch Quảng Ninh trên Trang vàng Du lịch Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch; xây dựng video clip quảng bá du lịch Quảng Ninh nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh và trên chức năng tìm kiếm của Google trong năm 2023; triển khai hệ thống thuyết minh đa phương tiện...
Trên cơ sở định hướng của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) về tăng cường chia sẻ, liên thông, kết nối dữ liệu thì nền tảng CSDL dùng chung của tỉnh được xây dựng nhằm thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên nền tảng CSDL. Thời gian qua, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số, gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao tốc độ tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh...
Phát triển kinh tế số của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Trước năm 2020, kinh tế số chỉ chiếm khoảng 3% trong GRDP của tỉnh. Năm 2021 con số này đã chiếm 5% GRDP, tiếp tục được nâng lên thành 8% vào năm 2022, dự kiến năm 2023 đạt 12% GRDP. Dự báo, đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 11%/năm; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 100%.Quảng Ninh cũng phấn đấu quy tụ 50 doanh nghiệp số, trong đó ít nhất 3 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, dịch vụ số; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lĩnh vực lao động đạt trên 2%; 100% hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp được tiếp cận và có năng lực sử dụng nền tảng số.
Trong mục tiêuđến năm 2030, hạ tầng mạng truy cập băng thông rộng cố định trên địa bàn Quảng Ninh sẽ được nâng cấp đảm bảo 100% người sử dụng có thể truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s, mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 100% dân số. 100% người dân trong tỉnh đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp. Xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung “Ha Long ICT Park” tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu (Thành phố Hạ Long) trở thành “Cảng dữ liệu” và Trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực phía Bắc./.
Bảo tồn và phát huy Khu di tích Bạch Đằng, tạo đà phát triển du lịch  (30/09/2023)
Để xây dựng văn hóa phát triển Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp