Quảng Ninh - cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh

Là tỉnh nằm ở phía đông bắc Việt Nam, Quảng Ninh có vị trí địa - chính trị, kinh tế, đối ngoại và đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh. Phía bắc giáp Trung Quốc; phía nam giáp thành phố Hải Phòng; phía tây và tây bắc giáp tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang; phía tây và tây nam giáp tỉnh Hải Dương. Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2, bao gồm 6.206,9km2 đất liền và diện tích mặt biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình khoảng 6 hải lý.

Quảng Ninh được xem là các cửa ngõ kết nối liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Cửa ngõ thứ nhất, Quảng Ninh là địa phương duy nhất ở Việt Nam có đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển với Trung Quốc, thị trường đông dân nhất trên thế giới. Cửa ngõ thứ hai, Quảng Ninh là một cửa ngõ kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du miền núi phía Bắc. Cửa ngõ thứ ba, cùng với Hải Phòng, Quảng Ninh là cửa ngõ ra biển cho toàn miền Bắc, đặc biệt đi qua Quảng Ninh là đường ra biển nhanh nhất của hai tỉnh năng động nhất vùng trung du và miền núi phía Bắc hiện nay là Bắc Giang và Lạng Sơn. Cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh được xác định là một cực trong tam giác phát triển vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; trong đó Quảng Ninh tiếp giáp với Hải Phòng, tạo ra một cặp địa phương bổ trợ phát triển lẫn nhau, hình thành một trung tâm biển mạnh của Việt Nam. Như vậy, với vị trí địa chiến lược “có một không hai”, Quảng Ninh là cửa ngõ hội nhập thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, điểm nút trong Khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt - Trung, là điểm kết nối khu vực qua hợp tác Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, hợp tác kinh tế liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, là cầu nối giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Đông Bắc Á.

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/2/2023, đưa ra mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghiệp văn hóa với những khu nghỉ dưỡng cao cấp có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu, có năng lực cạnh tranh cao, liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh đón được 25 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Trung ương, xuất phát từ thực tiễn, Quảng Ninh luôn vận dụng sáng tạo, định hình tư duy phát triển của tỉnh theo phương châm “tầm nhìn toàn cầu, hành động địa phương”, bắt đầu từ việc nhận diện đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh, giá trị riêng biệt, nổi trội của tỉnh; kiên trì định hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá, ba vùng động lực” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Qua đó, từng bước định hướng phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng, hướng tới trở thành điểm đến trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới.

Phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng, hướng tới trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Tỉnh có 632 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, trong đó có 1 di sản thiên nhiên thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh, 488 di tích đã được kiểm kê, phân loại; có 362 di sản phi vật thể đã được kiểm kê, phân loại với 7 loại, trong đó có 7 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đặc sắc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và 9 bảo vật quốc gia. Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố tự nhiên: Rừng, núi, nước non, biển đảo, sông hồ..., đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Quần thể Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, độc đáo vào bậc nhất cả nước và thế giới, với hơn 2.077 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước).

Con người và vùng đất Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng; có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời - một trong những cái nôi của người Việt cổ với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Là vùng đất có nhiều di tích gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước vẻ vang với những chiến công hiển hách: Di tích Nhà Trần, Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Quần thể di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, Di tích và danh thắng núi Bài Thơ, Thương cảng Vân Đồn, Đền Cửa Ông....; có Di sản Then của người Tày là 1 trong 11 tỉnh có Then, Tày, Nùng, Thái Việt Nam, được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Vùng Mỏ với “di sản” tinh thần vô giá “kỷ luật và đồng tâm” với 22 dân tộc sinh sống. Đây là cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch và tiến đến phát triển công nghiệp văn hóa - giải trí.

Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nổi bật. Nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu; phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh; số hóa di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Quảng Ninh đang phối hợp với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang triển khai lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội([1]). Các hoạt động bảo tồn, giữ gìn, phục dựng và lưu giữ di sản văn hóa gắn với khai thác các loại hình du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với mô hình sinh kế nông nghiệp nông thôn, các sản phẩm OCOP được phát huy rực rỡ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Các sản phẩm du lịch đặc thù từ văn hóa, di tích, di sản của Quảng Ninh như “Một ngày làm ngư dân trên biển”, “Khám phá Quan Lạn”, “Cốc đảo Hà Nam”, “Hành trình theo dấu chân đức Phật tại Yên Tử”... rất được du khách yêu thích. Nhiều công trình văn hóa được bảo tồn và phát huy, đưa Quảng Ninh trở thành địa danh nổi tiếng toàn cầu, mở ra cơ hội lớn trong giao lưu, hội nhập, phát triển văn hóa, du lịch.

Với những bước đột phá trong việc huy động các nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại, các công trình nổi bật với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng như Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh; Quảng trường 30/10; Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh; Cung văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh; Khu liên hợp thể thao tỉnh; Sân vận động Cẩm Phả; Trung tâm huấn luyện và thể thao Quảng Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao vùng Đông Bắc (huyện Tiên Yên), Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ... đều mang đẳng cấp quốc gia, quốc tế, đã được đưa vào khai thác phục vụ trong phát triển du lịch...

Công nghiệp văn hóa bước đầu được hình thành, đã có một số sản phẩm văn hóa đặc trưng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, như: Công viên Đại dương, Quần thể Khu nghỉ dưỡng Yên Tử Legacy, các rạp chiếu phim công nghệ hiện đại… Kết cấu hạ tầng phục vụ văn hóa phát triển đã thu hút các sự kiện văn hóa, thể thao cấp khu vực, quốc tế, được tổ chức ngày càng nhiều, như: Liên hoan Xiếc Thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội Yoga Quốc tế, Giải chạy marathon Quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế Tuần Châu... đã tạo nên những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có để quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế.

Các sản phẩm văn hóa - du lịch được chú trọng đầu tư, quan tâm đặc biệt, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển. Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề phát triển du lịch, đó là Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24/5/2012, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 05/02/2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 -  2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, và hiện tỉnh đang chú trọng triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021, của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND, ngày 29/12/2020, phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Quyết định số 569/QĐ-UBND, ngày 07/3/2023, phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Quyết định số 2256/QĐ-UBND, ngày 08/8/2023, phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, gắn phát triển du lịch với triển khai nghiên cứu chuyên sâu về các di tích lịch sử - văn hóa có giá trị nổi bật.

Không gian du lịch tiếp tục được định hướng mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, phát triển theo 4 vùng: Hạ Long - Uông Bí, Đông Triều - Vân Đồn, Cô Tô và Móng Cái, gắn liền với 4 dòng sản phẩm chính, gồm: du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng sinh thái; du lịch biên giới. Đến nay, có 12/13 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch, cụ thể có 33 tuyến và 91 điểm du lịch, 5 khu du lịch cấp tỉnh, 1 khu du lịch cấp quốc gia. Các địa phương đã chủ động phát triển các sản phẩm dựa theo lợi thế, điều kiện của từng khu vực, do đó phát huy được hiệu quả của từng sản phẩm du lịch.

Cùng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Đoàn nghệ thuật của tỉnh, các đơn vị nghệ thuật do tư nhân đầu tư quản lý và tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã dần hình thành, bước đầu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo thêm sản phẩm văn hóa, góp phần thu hút khách du lịch, nhất là các bộ môn nghệ thuật truyền thống (múa rối, hát chèo, cải lương, các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số,…), được biểu diễn tại Cảng tầu Quốc tế, sân bay Vân Đồn tại các lễ hội và cùng du khách trên các hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh([2]).

Quảng Ninh hiện có 12/13 địa phương tổ chức lễ hội di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội văn hóa, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên như lễ hội Carnaval, lễ hội hoa Anh đào - Mai vàng Yên Tử, lễ hội hoa sở, lễ hội trà hoa vàng,… vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có đóng góp không nhỏ vào việc thu hút lượng du khách đến chiêm bái, hành lễ, tạo xu hướng phát triển “du lịch văn hóa tâm linh”.

Hợp tác quốc tế,  liên kết các khu vực, quảng bá xúc tiến và xây dựng thương hiệu

Tỉnh đã chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển thị trường du lịch, chú trọng phát triển các thị trường khách quốc tế gồm: Trung Quốc, Đông Bắc Á, ASEAN, châu Âu, Nga, Bắc Mỹ, Nam Á, Trung Đông và hướng đến các dòng khách có khả năng chi trả cao, đồng thời quan tâm đến thị trường khách nội địa. Nhiều hoạt động, hình thức tuyên truyền, quảng bá Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được triển khai và đạt hiệu quả, như: kết nối, trao đổi thông tin với website của tổ chức UNESCO, mạng lưới Di sản biển, Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới, tổ chức New 7 Wonders, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam... góp phần thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong tuyên truyền, quảng bá, trao đổi kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch. Việc mở rộng quan hệ hợp tác, thúc đẩy phát triển thị trường và công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long - Quảng Ninh gắn liền với di sản vịnh Hạ Long theo hướng xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế được duy trì và đã phát huy hiệu quả. Công tác phối hợp liên kết phát triển du lịch với các địa phương trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế; tính kết nối giữa các tour, tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm du lịch để gia tăng giá trị của chuỗi sản phẩm nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch được quan tâm, đẩy mạnh.

Có thể thấy, di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch phát triển; ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng. Quảng Ninh đã và đang khai thác hiệu quả vốn quý này để phát triển du lịch, nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt thu hút được sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2019 đến năm 2022, tổng lượng khách đạt trên 38 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 6,6 triệu lượt), tổng thu từ du lịch đạt trên 80.778 tỷ đồng. Năm 2022, ngành du lịch Quảng Ninh đã có bước phục hồi mạnh mẽ: Tổng khách du lịch đạt 11,6 triệu lượt khách (tăng 164,6% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế đạt 304,000 lượt; tổng thu đạt 22,599 tỷ (tăng 191,8% so với cùng kỳ). Năm 2023, Quảng Ninh kế hoạch đón thêm 15 triệu lượt khách, doanh thu đạt 32.010 tỷ đồng.

Các bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trong công phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng, hướng tới trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới, có thể rút ra bốn bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và tình hình thực tiễn để cụ thể hóa các nhiệm vụ, triển khai công việc hiệu quả. Nghị quyết số 36-NQ/TW, của Trung ương, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 30-NQ/TW, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với khu vực và thế giới.

Hai là, định hướng phát triển văn hóa - du lịch của tỉnh Quảng Ninh đều được xác định rõ ràng, khoa học, bài bản. Ngay từ năm 2013, Quảng Ninh đã triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với sự tư vấn, đồng hành của các tập đoàn, công ty quốc tế lớn. Đồng thời, tỉnh cũng ban hành các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển văn hóa - du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tập trung phát triển sản phẩm du lịch dựa trên ba trụ cột: (1) Tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; (2) Các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu; (3) Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, quan tâm phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng thông qua việc tiếp tục tập trung thực hiện lập hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; phối hợp với thành phố Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; triển khai xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn)... Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch sẵn sàng phục vụ phát triển du lịch.

Định hướng phát triển văn hóa - du lịch hướng liên vùng, hướng tới trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới

Bám sát tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/2/2023, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khác biệt của tài nguyên du lịch trong xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế phát triển theo chiều sâu có trọng tâm, trọng điểm; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế, điểm đến du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng an ninh việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. trong thời gian tới Quảng Ninh cần tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị văn hóa các dân tộc; vận dụng cơ chế thị trường để chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành nguồn lực văn hóa, “vốn hóa” các giá trị văn hóa địa phương để hình thành nên các sản phẩm văn hóa đa dạng, độc đáo phục vụ du lịch - dịch vụ. Tập trung bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa của tỉnh, trong đó ưu tiên nguồn lực cho các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thường xuyên tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia chống xuống cấp, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm văn hóa nghệ thuật cấp vùng; điểm đến hấp dẫn hàng đầu về du lịch di sản văn hóa khu vực châu Á và thế giới được bình chọn hằng năm; thành phố Hạ Long trở thành thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo trên thế giới của UNESCO.

Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển cụ thể về phát triển công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành một thị trường tiềm năng, hướng tới “xuất khẩu văn hóa” góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh tiếp tục khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa về cảnh quan, giá trị truyền thống, ẩm thực vùng, miền, thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới. Lựa chọn, hoàn thiện các món ăn địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, nâng tầm thành nghệ thuật từ khâu sản xuất đến thưởng thức, kết nối thành điểm đến của khách du lịch và hướng tới xuất khẩu ẩm thực truyền thống vùng, miền. Tỉnh khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ có giá trị cao, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện đặc trưng riêng có, phục vụ phát triển ngành kinh tế dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Xây dựng chiến lược lâu dài tập trung phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực: Điện ảnh, trình diễn nghệ thuật, thời trang, âm nhạc, mỹ thuật, triển lãm, ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí... tạo động lực phát triển các loại hình du lịch.

Thứ ba, Quảng Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể. Truyền thông để tuyên truyền mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa của Quảng Ninh, thuyết phục nhân dân toàn tỉnh thay đổi nhận thức cùng chung sức, đồng lòng thực hiện các giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa. Dùng truyền thông để quảng bá vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Quảng Ninh vươn ra thế giới. Thông qua truyền thông để kêu gọi đầu tư vào bảo tồn, khai thác các dự án văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh ra nước ngoài, thu hút các sự kiện văn hóa, triển lãm của các thương hiệu nổi tiếng thế giới đến tổ chức tại Quảng Ninh. Cùng với đó, đẩy mạnh các loại hình, phương tiện truyền thông để quảng bá cho văn hóa bằng chiến lược cụ thể, dùng truyền thông để quảng bá về vùng đất, con người, các sản phẩm văn hóa của Quảng Ninh vươn ra thế giới đồng thời kêu gọi đầu tư vào bảo tồn và khai thác các dự án văn hóa.

Thứ tư, quan tâm, đầu tư công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch, văn hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong quá trình giao lưu, hội nhập khu vực và quốc tế.

Với chiến lược bài bản, cụ thể, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển văn hóa - du lịch theo hướng liên vùng, liên khu vực, liên quốc gia, Quảng Ninh phấn đấu sẽ trở thành một điểm đến trong chuỗi du lịch của khu vực và thế giới./.

---------------------------

([1]) Một số người uy tín dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu ở Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí đã gây dựng nên một số câu lạc bộ văn nghệ dân gian, các câu lạc bộ thể thao truyền thống, thêu may trang phục, phát triển nghề truyền thống phục vụ khách tham quan, du lịch cũng như đưa vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

([2])Sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch tiêu biểu như: Các chương trình văn hóa, văn nghệ hát chèo, múa rối truyền thống khu du lịch làng quê Yên Đức; Khu du lịch Quảng Ninh gate (Đông Triều); Hát đối, hát giao duyên trên thuyền của cư dân làng chài Cửa Vạn (TP. Hạ Long); sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân cùng thưởng thức hát Then của người Tày, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và Tiên Yên); Chương trình du lịch “Cốc Cốc đảo Hà Nam” cùng điệu hát đúm ở đảo Hà Nam (TX. Quảng Yên); hát Nhà tơ, hát múa Cửa đình ở Vạn Ninh (TP. Móng Cái)...

---------------------

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 05/01/2017, của Bộ Chính trị, về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

2. Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022, của Bộ Chính trị, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

3. Nghị quyết số 92/NQ-CP, ngày 08/12/2014, của Chính phủ, về triển khai thực hiện một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới;

4. Nghị quyết số 82-NQ/CP, ngày 18/5/2023, của Chính phủ, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;

5. Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021, của Thủ tướng Chính phủ, về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030;

6. Quyết định số 80/QĐ-TTg, ngày 11/2/2023, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

7. Quyết định số 2292/QĐ-BVHTTDL, ngày 13/8/2021, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025;

8. Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

9. Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 05/02/2016, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;

10. Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 09/3/2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững;

11. Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24/5/2013, của Tỉnh ủy, về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030;

12. Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 18/10/2021, của Tỉnh ủy, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Chiến lược tổng thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và ổn định kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng hai con số trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

13. Chương trình hành động số 105/CTr-UBND, ngày 02/8/20218, của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, của BCH Đảng bộ tỉnh, về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

14. Kế hoạch 158/KH-UBND, ngày 15/6/2023, của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đầy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bên vững.