Duy trì, bảo tồn một số lễ hội truyền thống để phát huy giá trị các di sản văn hóa tại thị xã Quảng Yên
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Yên đã khắc phục khó khăn, tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Năm 2019, Quảng Yên đạt tiêu chí đô thị loại 3, hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành thành phố trước năm 2025.
Trong những năm gần đây, thị xã luôn nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất của tỉnh, trong đó, năm 2021 tăng trưởng 36,2%; năm 2022 kinh tế tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, đạt 43,3%, cao hơn 15,1 điểm % so với năm 2021 và 20,7 điểm % so với kịch bản. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh, chiếm 93%, cao hơn 2,5 điểm % so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.168,5 tỷ đồng, vượt 44% dự toán tỉnh giao và 31,4% kế hoạch, tăng 18% so với năm 2021. Trong đó, thu thuế, phí tăng 64,4% so với cùng kỳ, chiếm 50,5% trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (năm 2021 là 33,5%), là cơ sở quan trọng để thị xã dần tiến tới tự chủ cân đối thu chi ngân sách. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục đạt kết quả rất tích cực. Thị xã Quảng Yên lần thứ hai (năm 2019 và 2021) dẫn đầu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp địa phương và điều hành kinh tế cấp cơ sở tỉnh Quảng Ninh (DDCI). An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện; trong năm 2022, thị xã giảm 179/179 hộ nghèo, hoàn thành 100% kế hoạch giảm nghèo của cả giai đoạn 2022 - 2025. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng; niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc.
Thị xã Quảng Yên từng là đô thị cổ - tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên xưa, có lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1802. Toàn thị xã có 210 di tích lịch sử - văn hóa. Trong đó, 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 01 khu Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng gồm 09 điểm di tích (Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Bến đò Cổ, Đình Yên Giang, Bãi cọc Yên Giang, Bãi cọc Đồng Vạn Muối, Bãi cọc Đồng Má Ngựa, Đền Trung Cốc, Đình Trung Bản) được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Nhân dân thị xã đã phát huy truyền thống lịch sử Bạch Đằng, tinh thần tự lực tự cường; truyền thống hiếu học, sáng tạo, năng động, cần cù trong lao động sản xuất; các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Khu dân cư văn hoá”, “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện hương ước, quy ước văn hóa được triển khai sâu rộng và tạo sức lan tỏa trong nhân dân.
Trên địa bàn thị xã Quảng Yên có 2 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Tiên Công, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng; khoảng 60 lễ hội quy mô lớn cấp thị xã và cấp xã như: Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Cầu Ngư; các lễ hội Đại kỳ phước ở 14 đình làng; 70 lễ hội với quy mô trong dòng họ mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó, đặc sắc nhất là 03 lễ hội: Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (phường Yên Giang), Lễ hội Tiên Công (xã Cẩm La), và Lễ hội Xuống Đồng (phường Phong Cốc).
Lễ hội Bạch Đằng
Thời gian diễn ra lễ hội Bạch Đằng thường trong 4 ngày, từ mùng 6 đến mùng 9 tháng 3 âm lịch, nhân dân vẫn gọi là ngày “giỗ trận”, chính là ngày kỷ niệm trận chiến Bạch Đằng giang oanh liệt năm 1288. Theo truyền thống từ xưa, dân làng Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) tổ chức tế lễ ở đền Bạch Đằng (đền thờ Trần Hưng Đạo), miếu Vua Bà và đình Yên Giang. Cũng trên địa bàn phường Yên Giang còn có lễ rước thần từ đền thờ Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang vào lễ Đại kỳ phước hằng năm. Lễ hội này xuất phát từ việc do nhân dân làng Yên Hưng đã thờ Hưng Đạo Đại Vương làm thành hoàng làng.
Năm 1988, lễ hội Bạch Đằng vào ngày mùng 8-3 âm lịch được phục dựng nhân dịp kỷ niệm 700 năm Chiến thắng Bạch Đằng 1288 - 1988, đã kết hợp việc tổ chức tế lễ ở đền Bạch Đằng và rước thần về Đình Yên Giang. Phần lễ có Tế Yết, Tế chính hội ở đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà và tế Yên vị ở đình Yên Giang; Tổ chức rước tượng đức thánh Trần Hưng Đạo từ đền về đình Yên Giang và hôm sau từ đình Yên Giang trở về đền Trần Hưng Đạo. Phần hội có các trò chơi dân gian như các trò diễn dân gian tái hiện Chiến trận Bạch Đằng 1288, chơi đu, thi vật, thi kéo co, chọi gà, cờ người, bơi chải truyền thống Bạch Đằng... Từ đó đến nay, lễ hội Bạch Đằng được tổ chức đều đặn hằng năm và trở thành lễ hội truyền thống quy mô lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Tiên Công
Lễ hội Tiên Công vùng đảo Hà Nam, được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay. Năm 2017, lễ hội Tiên Công được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, việc tổ chức lễ hội hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo “riêng có” của Quảng Yên, Quảng Ninh. Lễ hội Tiên Công được tổ chức vào dịp đầu xuân trong các ngày mùng 4, 5, 6, 7 tháng giêng âm lịch. Không gian lễ hội diễn ra ở 5 xã, phường, Trung tâm lễ hội tại di tích miếu Tiên Công (xã Cẩm La) và ở các từ đường dòng họ Tiên Công, đã được xếp hạng di tích quốc gia. Gắn với lịch sử hình thành khu đảo Hà Nam là lịch sử các Tiên Công, những người có công đầu tiên quai đê lấn biển, lập làng trên vùng đất bãi triều. Đến nay, vòng đê của các Tiên Công đã được mở rộng với trên 34 km đê biển và hình thành nên vùng đảo trù phú gồm 8 xã, phường với trên 6 vạn dân.
Lễ hội Tiên Công đông vui và rực rỡ nhất là ngày “Chính hội” mùng 7 tháng giêng với nghi lễ “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các Tiên Công; ngưỡng vọng các cụ ông, cụ bà tròn 80, 90, 100 tuổi. Nghi thức khiêng võng đào rước các “cụ Thượng” lên miếu Tiên Công lễ Tổ, là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương, có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, với con, cháu trong gia đình, dòng họ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Lễ hội Xuống đồng
Lễ hội Xuống đồng là tên gọi xuất phát từ tục làm lễ Hạ điền và lễ Thượng điền của cư dân trên đảo Hà Nam. Vào dịp tháng 6 âm lịch, trước khi toàn dân vào dịp cấy vụ mùa, tại đình Cốc làm lễ tế thần Nông và nghi lễ Cấy xứng đồng (cấy đầu tiên) gọi là lễ Hạ điền (lễ Xuống đồng). Khi toàn dân trong vùng cấy xong vụ lúa mùa, tại đình Cốc lại làm lễ tế thần Nông và thành hoàng, chứng giám mùa màng đã cấy xong, gọi là lễ Thượng điền (lễ Lên đồng), cầu mong thần Nông và thần hoàng phù hộ cho mùa màng tốt tươi. Trong hai nghi lễ thì lễ Hạ điền tổ chức lớn hơn, có cả Hội thi bơi thuyền chải nên gọi là lễ hội Xuống đồng.
Trong những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã Quảng Yên khá phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của thị xã và góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Chỉ tính riêng năm 2022, mặc dù chịu tác động lớn của dịch COVID-19 trong những tháng đầu năm nhưng các hoạt động du lịch trên địa bàn từ cuối tháng 3 đã sôi động trở lại, tổng du khách đến với thị xã khoảng 600 nghìn lượt khách, vượt 100 nghìn lượt so với kế hoạch, tăng 20% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 390 tỷ đồng, tăng 205% so với năm 2021... Đạt được những kết quả tích cực như trên có một phần đóng góp rất quan trọng của việc thu hút du khách từ các lễ hội trên địa bàn thị xã.
Để duy trì, bảo tồn một số lễ hội truyền thống nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa tại thị xã Quảng Yên, cần tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29-8-2018, của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL, ngày 21-1-2011, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, phường, các ban quản lý di tích thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp của lễ hội; tuyên truyền vận động nhân dân, khách du lịch nâng cao ý thức trách nhiệm khi tham gia các hoạt động lễ hội. Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục truyền thống, lịch sử thị xã Quảng Yên giai đoạn 2021 - 2030” nhằm giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã, đặc biệt là thế hệ trẻ khắc sâu những chiến công anh hùng, những địa danh lịch sử, những giá trị truyền thống cao đẹp ngay tại quê hương Quảng Yên.
Hai là, nâng cao chất lượng công tác tổ chức các lễ hội. Các địa phương có lễ hội phải xây dựng kế hoạch và thành lập ban tổ chức lễ hội để trực tiếp chỉ đạo; bố trí sắp xếp khu vực dịch vụ bảo đảm thuận tiện, phù hợp với không gian của di tích, khu vực lễ hội. Yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm túc việc công khai niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ, phí trông giữ xe trong khu vực tổ chức lễ hội. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo địa phương để tiếp nhận xử lý các vấn đề phát sinh. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng phản cảm, trông giữ phương tiện giao thông, thu phí không đúng quy định tại lễ hội. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội. Trường hợp xảy ra mất an ninh trật tự, phải yêu cầu dừng tổ chức, chỉ được tiếp tục khi ổn định trật tự. Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới cho nhân dân và du khách. Các lễ hội trên địa bàn thị xã Quảng Yên đều được bố trí lực lực công an làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn, phân luồng giao thông. Không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, hay các hiện tượng tiêu cực khác, như: móc túi, cướp giật, ăn mày, ăn xin, gấy rối, mất trật tự trong các lễ hội.
Ba là, thị xã đang tập trung phát triển du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; kết nối và mở rộng không gian du lịch Quảng Yên với Uông Bí, Đông Triều, Thủy Nguyên (Thành phố Hải Phòng). Trong đó, xác định Di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng là sản phẩm du lịch trọng tâm, tạo sự lan tỏa.
Bốn là, để duy trì, bảo tồn và phát huy tốt các lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, những năm qua, thị xã Quảng Yên còn hỗ trợ kinh phí để khuyến khích các địa phương, gia đình dòng họ duy trì và tổ chức tốt đối với Lễ hội Tiên Công - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm bảo tồn nét đẹp rước cụ Thượng trong lễ hội, cụ thể là hằng năm vào dịp tổ chức Lễ hội, thị xã hỗ trợ các đoàn rước cụ Thượng với số tiền 50 triệu đồng cho đoàn rước tập thể, 25 triệu đồng cho đoàn rước cá nhân.
Năm là, làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt là việc thực hiện quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của pháp luật về di sản. Định kỳ hằng năm, thị xã đều phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành ở trung ương, ở tỉnh và chính quyền địa phương, thông qua các kênh truyền thông, phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư để làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị, nét đẹp văn hóa của lễ hội Tiên Công, lễ hội truyền thống Bạch Đằng, lễ hội Xuống đồng tới đông đảo nhân dân và khách du lịch. Thị xã Quảng Yên xác định việc quản lý nhà nước đối với lễ hội là trách nhiệm của chính quyền, còn việc bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội - khi đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng như để lễ hội thực sự là sản phẩm văn hóa tinh thần, sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn trong mỗi người dân và du khách, việc này sẽ do nhân dân thực hiện bảo đảm đúng tinh thần và vai trò - nhân dân là chủ thể của di sản.
Thời gian tới, thị xã Quảng Yên tiếp tục mong muốn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và tỉnh Quảng Ninh; các doanh nghiệp, và nhân dân ở mọi miền đất nước, đồng hành cùng chính quyền địa phương hỗ trợ các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp, tôn tạo quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, di tích quốc gia miếu Tiên Công, Di tích quốc gia đình Cốc trở thành những “địa chỉ đỏ”, điểm sáng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trở thành những điểm tham quan du lịch hấp dẫn, đồng thời giáo dục truyền thống, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc của thế hệ trẻ. Đây là những tiền đề quan trọng, mang tính chiến lược lâu dài cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể không chỉ của riêng các lễ hội tiêu biểu của thị xã Quảng Yên mà còn nhân rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và toàn quốc./.
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) trên hành trình trở thành thành phố đáng sống khu vực châu Á - Thái Bình Dương  (30/09/2023)
Phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm