Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hộp nhập quốc tế

PGS, TS HÀ ĐÌNH THÀNH
Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng
23:12, ngày 06-12-2024

Hội nhập quốc tế là quá trình liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua hoạt động hợp tác quốc tế vì sự phát triển của mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ, tạo thành sức mạnh cộng đồng giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Về bản chất, hội nhập quốc tế là một hình thức phát triển cao của liên kết quốc tế nhằm thực hiện bằng được những lợi ích chung trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Từ khi tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tạo lập, củng cố môi trường hòa bình, hợp tác, liên kết, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố niềm tin của các tầng lớp trong xã hội. Trong bối cảnh này, các liên kết quốc tế và xu thế hợp tác tích cực đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, tiếp tục phát huy nội lực, thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ mới, hiện đại… trong đó có liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

1. KHÁI NIỆM LIÊN QUAN

1. Di sản văn hóa

Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã xác định: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã chỉ rõ: Di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Như vậy, di sản văn hóa là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế địa phương. Việc tận dụng thế mạnh này để khai thác tốt giá trị kinh tế - xã hội của di sản văn hóa rất quan trọng.

2. Bảo tồn di sản văn hóa

Theo Từ điển tiếng Việt, bảo tồn là “giữ lại không để cho mất đi”(1). Bảo tồn là bảo vệ và giữ gìn sự tồn tại của sự vật, hiện tượng theo dạng thức vốn có của nó, không để mai một, “không để bị thay đổi, biến hóa hay biến thái”. Khái niệm bảo tồn - được hiểu là hệ thống giải pháp nhằm lưu giữ các di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Nhưng tùy vào mục đích, mỗi bên tham gia sẽ có quan niệm khác nhau về công tác bảo tồn di sản văn hóa. Vì thế, hiện nay trên thế giới mới có tới ba cách tiếp cận đang được vận dụng: i) Bảo tồn nguyên vẹn; ii) Bảo tồn kế thừa; iii) Bảo tồn phát triển. Cả ba cách tiếp cận này đều được Việt Nam kế thừa, vận dụng trong thực tiễn. Với cả ba cách tiếp cận bảo tồn, di sản văn hóa đều có giá trị. Riêng với cách tiếp cận: bảo tồn phát triển, khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa được quan tâm đặc biệt. Những người theo cách tiếp cận này cho rằng, di sản văn hóa có thể trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nếu nó đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường. Vì vậy, cần đặt hoạt động bảo tồn trong mối quan hệ với phát triển kinh tế - xã hội, tức là bảo tồn di sản văn hóa phải đồng hành với việc sử dụng, phát huy giá trị của nó trong đời sống cộng đồng. Chỉ có như vậy, hoạt động bảo tồn mới thực sự có ý nghĩa và không đi ngược lại quá trình phát triển của xã hội. Với góc nhìn đó, đối với các nhà quản lý địa phương hiện nay, di sản văn hóa là một trong những nguồn lực không thể bỏ qua và nó phải trở thành một một lựa chọn cho kế hoạch phát triển; và ngược lại, kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa không tách rời các chiến lược phát triển khác.

Hơn nữa, khi nói tới đối tượng bảo tồn “phải được nhìn là tinh hoa”, đã được khẳng định giá trị đích thực và khả năng tồn tại theo thời gian, dưới nhiều thể trạng và hình thức khác nhau của đối ợng được bảo tồn. Bảo tồn là một khái niệm được sử dụng tương đối phổ biến, là việc gìn giữ nguyên hình dạng, quyền sở hữu, công năng sử dụng của một công trình hoặc một hiện vật mà không làm thay đổi chúng. Ý nghĩa tổng quát này được sử dụng khi đề cấp đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, có nghĩa là hoạt động giữ gìn một cách an toàn khỏi sự tổn hại, sự xuống cấp hoặc phá hoại. Như vậy, bảo tồn di sản văn hóa là tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết về lịch sử hình thành, ý nghĩa của di sản nhằm bảo đảm sự an toàn, tồn tại lâu dài, bền vững cho các di sản và khi cần đến phải bảo đảm việc giới thiệu, trưng bày, phục dựng, gìn giữ để phục vụ phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

3. Phục hồi, phục dựng

Hiện nay, các văn bản pháp luật thường sử dụng khái niệm phục hồi di tích. Trong khi đó, các nước trên thế giới thường sử dụng khái niệm tái thiết. Giới khoa học lại thường sử dụng khái niệm phục dựng để nói về việc “làm lại” những di tích đã bị phá hủy. Phục hồi di tích: Theo cuốn Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003, “phục hồi di tích là thuật ngữ chuyên dung trong khoa học bảo tồn. Phục hồi di tích là sự tái dựng đối tượng trên cơ sở các tư liệu khoa học đã được xác định như: bản vẽ thiết kế, đạc họa (toàn bộ và chi tiết; ảnh chụp (chụp ở góc độ bên trong, bên ngoài di tích); hồi ký, chuyện kể của các nhân chứng…”(2). Phục dựng di sản văn hóa: Hoạt động nhằm phục hồi, tái dựng di sản văn hóa đã bị huỷ hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di sản văn hóa đó. Cùng với thời gian, sự tác động của thiên nhiên, con người, những biến động xã hội, nhiều di sản văn hóa bị hư hại, thậm chí bị phá hủy hòan toàn. Đối với những phế tích có giá trị đặc biệt quan trọng, việc phục dựng để cộng đồng có thể hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, đồng thời, tạo điểm nhấn phục vụ du lịch và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết và quan tâm. Tuy nhiên, việc phục dựng phải bảo đảm các yếu tố khoa học, kiến trúc, mỹ thuật... tránh tình trạng làm lệch lạc, méo mó, biến dạng di sản. Trên thực tế, phục dựng di sản văn hóa là một yêu cầu tất yếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Bởi có những di sản văn hóa quan trọng đã bị phá hủy hòan toàn thì phục dựng là giải pháp để giúp công chúng tìm lại hình hài những công trình di sản văn hóa xưa. Đồng thời, việc làm này cũng tạo ra điểm nhấn thu hút khách tham quan, du lịch, hợp tác, liên kết. Đối với những công trình di sản có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật đặc biệt quan trọng, việc phục dựng là hết sức cần thiết, nhất là những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế ngày một phát triển.

Liên kết vùng

Liên kết vùng có thể theo chiều dọc (liên kết dọc), chiều ngang (liên kết ngang) hay liên kết hỗn hợp, trong nội bộ ngành hoặc giữa các ngành, trong một quốc gia hay nhiều quốc gia, trên phạm vi khu vực và quốc tế. Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc ít được quan tâm nghiên cứu chuyên sâu và rất khó phân định. Theo Lê Anh Vũ, Nguyễn Văn Huân: “Liên kết vùng là việc hợp tác giữa các chủ thể nhằm biến tiềm năng và lợi thế so sánh thành lợi thế cạnh tranh của vùng thông qua việc hình thành một không gian kinh tế chung theo hướng tập trung nguồn lực nhằm tạo ra quy mô và chuyên môn hóa sản xuất trong vùng”(3). Còn Trần Hữu Hiệp quan niệm: “Liên kết vùng là sự hợp tác và chia sẻ thông tin, nguồn lực, hoạt động và khả năng của các tổ chức, cơ quan trong vùng (liên kết nội vùng(4)) hoặc các tổ chức, cơ quan ở các vùng khác nhau (liên kết ngoại vùng, liên vùng(5)) nhằm đạt được mục tiêu chung, hay kết quả đầu ra chung, mang lại lợi ích chung cho toàn vùng mà không một tổ chức, cơ quan riêng lẻ nào có thể đạt được. Liên kết vùng là một công cụ hữu hiệu phát triển vùng”(6). Tuy có nhiều cách quan niệm về liên kết vùng khác nhau, song có thể khái quát một số đặc trưng về liên kết vùng như: (i) Liên kết vùng là tổng hòa các mối quan hệ trên mọi lĩnh vực hoạt động của vùng; (ii) Mọi hoạt động của vùng, bao gồm cả thể chế diễn ra ở một lãnh thổ nhất định đều chịu tác động nội sinh của chính lãnh thổ đó và tác động ngoại sinh của các yếu tố bên ngoài vùng đó; (iii) Các hoạt động diễn ra ở mỗi vùng có tác động lan tỏa, kéo theo hoạt động của các vùng khác; (iv) Các liên kết vùng đều diễn ra trên không gian lãnh thổ nhất định.

Như vậy có thể hiểu: Liên kết vùng là sự liên kết giữa các địa phương, các chủ thể trong vùng nhằm tạo nên một chỉnh thể thống nhất, nâng cao sức cạnh tranh của vùng. Trong quá trình phát triển vùng, cần có sự liên kết, phối hợp hài hòa, thống nhất giữa các địa phương trong vùng trên cơ sở mục tiêu và hành động phát triển chung. Liên kết vùng hướng đến tạo nên một không gian kinh tế, xã hội, văn hóa thống nhất, bảo đảm cho các yếu tố thị trường đầu vào và đầu ra tự do di chuyển và thị trường được tổ chức vận hành thông suốt, hiệu quả; các địa phương trong vùng phát triển tự do, bình đẳng dựa trên cơ sở hợp tác và phân công, chuyên môn hóa. Điều đó giúp cho vùng trở thành một hệ thống hoạt động nhịp nhàng, thống nhất, vừa có lợi cho các địa phương, các chủ thể bên trong vùng, vừa có sự phát triển hợp tác với bên ngoài vùng.

Trên cơ sở khái niệm liên kết vùng, chúng ta có thể khái quát: Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa theo cách hiểu đơn giản nhất là phạm trù phản ánh mối quan hệ phối hợp hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa giữa các chủ thể(7) phối hợp, liên kết với nhau để thực hiện những nhiệm vụ phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa nhất định, nhằm đem lại hiệu quả khoa học, văn hóa cao nhất cho mỗi bên tham gia. Hoặc: Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa có thể hiểu là hình thức hợp tác và phối hợp thường xuyên các hoạt động do các chủ thể  tự nguyện tiến hành để cùng đề ra và thực hiện các biện pháp có liên quan đến công việc phục dựng, bảo tồn di sản của các bên tham gia nhằm thúc đẩy công việc phục dựng, bảo tồn phát triển theo hướng có lợi nhất. Nó được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi thông qua hợp đồng ký kết giữa các bên tham gia và trong khuôn khổ pháp luật của nhà nước. Chính mối quan hệ liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa đã đưa đến cho các chủ thể những cơ hội để nhận được những lợi ích lớn hơn, an toàn hơn.

2. LIÊN KẾT VÙNG CHO PHỤC DỰNG, BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

2.1. Kết quả đạt được

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 40.000 di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH), danh lam thắng cảnh (DLTC), trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 7.000 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Trong số di tích quốc gia có 105 di tích quốc gia đặc biệt và 8 di sản thế giới(8). Còn Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 632 DTLSVH và DLTC. Trong đó, có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt (DLTC Vịnh Hạ Long, DTLSVH Bạch Đằng, DTLSVH và DLTC Yên Tử, DTLSVH Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và DTLSVH Đền Cửa Ông - Cặp Tiên). Cùng với đó, có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê với 6 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghi lễ Then cổ của người Tày ở Bình Liêu, hát nhà tơ (hát, múa cửa đình), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn). Riêng thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Quảng Ninh(9). Đặc biệt, Thành phố Hạ Long hiện có gần 100 DTLSVH, DLTC. Trong đó, có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng Vịnh Hạ Long, 6 di tích cấp quốc gia, 16 di tích lịch sử cấp tỉnh, 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách đây hàng nghìn năm. Trên địa bàn TP Hạ Long hiện có 16 lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại. Các lễ hội tiêu biểu có thể kể ra như: Lễ hội chùa Long Tiên, Lễ hội đền bà Men, Lễ hội đền Trần Quốc Nghiễn, Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đại kỳ phúc đình nghè Vạn Yên, Lễ hội đình Giang Võng...

Được biết, trong năm 2025, Chính quyền TP Hạ Long sẽ liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng dân cư, nghệ nhân.... để phục dựng và tổ chức lại 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu bao gồm: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ, Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu, Lễ hội chùa Lôi Âm, Lễ hội đền Cái Lân, Lễ hội chùa Long Tiên. Đây là mục tiêu quan trọng nằm trong Đề án “Hạ Long - Thành phố của lễ hội”(10).

Sau đây xin dẫn một số kết quả đạt được trong liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế:

Tại Việt Nam, phục dựng di tích cũng không phải điều mới mẻ. Năm 1954, một vụ nổ đã phá hủy gần như hòan toàn Liên hoa đài trong khuôn viên chùa Một Cột (tên chữ là Diên Hựu tự, quận Ba Đình, Hà Nội). Ngay trong năm 1955, Bộ Văn hóa đã liên kết, phối hợp với chính quyền Hà Nội và các nhà khoa học, kiến trúc sư(11) cho phục dựng ngôi chùa. Dù là công trình phục dựng có tuổi đời chưa đầy 70 năm song Liên hoa đài trong chùa Diên Hựu được coi là một trong những biểu tượng của Thủ đô. Cũng tại Hà Nội, Nhà Thái học (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) là một hạng mục đã bị phá hủy hòan toàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính quyền thành phố đã liên kết, hợp tác với các nhà khoa học, kiến trúc sư đã phục dựng công trình này vào năm 2000. Thời điểm phục dựng Nhà Thái học, giới khoa học cũng như công chúng có rất nhiều tranh luận về quy mô, hình thái kiến trúc công trình. Song đến nay, sau hơn 20 năm đưa vào khai thác, Nhà Thái học khá hài hòa với các công trình kiến trúc cũ và được cộng đồng chấp nhận. Nơi đây vừa là không gian tổ chức các hoạt động văn hóa như hội thảo, tọa đàm khoa học, triển lãm nghệ thuật truyền thống; vừa được sử dụng để tôn vinh nhà giáo Chu Văn An và các vị vua có công xây dựng, phát triển nền giáo dục Nho học. Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng là mô hình vừa liên kết vùng cho phục hồi, bảo tồn rất tốt các giá trị di tích, hiện vật, cảnh quan, vừa kết hợp tổ chức những sự kiện văn hóa, nghệ thuật, hoạt động du lịch đa dạng tạo được nguồn thu lớn và sức sống cho di sản.

Cố đô Huế là một “đô thị di sản” và tại đây, nhiều công trình được phục dựng. Một trong những kiến trúc nổi bật đang được thực hiện công tác phục dựng là điện Kiến Trung. Cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Kiến Trung là một trong ba cung điện quan trọng bậc nhất của Cố đô Huế. Điện Kiến Trung được xây dựng năm 1921, hòan thành năm 1923, kiến trúc có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp, kiến trúc thời Phục hưng của Italia và những đường nét trang trí phương Đông. Năm 1947, do tác động của chiến tranh, công trình đã sụp đổ hòan toàn. Năm 2019, dự án phục dựng chính thức được khởi công và đến nay, dự án đã cơ bản hòan thành.

Hội An là một ví dụ tiêu biểu về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Các ngôi nhà cổ với những nét kiến trúc Nhật Bản và Trung Hoa đa phần được quan tâm trùng tu, tôn tạo, bảo tồn đúng quy cách; các đền, chùa, hội quán vẫn giữ được bản sắc riêng; những đêm Rằm phố cổ vừa giữ được không khí cổ xưa, vừa mang hơi thở cuộc sống mới…

Chùa Bái Đính (chùa cổ) ở Ninh Bình có từ năm 1.136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm có các điểm như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Ban thờ Thánh Cao Sơn… Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, chính quyền địa phương đã liên kết, phối hợp doanh nghiệp để phục dựng, tái dựng không gian ngôi chùa. Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư phục dựng, trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1.000 ha. Các công trình kiến trúc của chùa mới hiện nay gồm: Cổng Tam Quan, Gác Chuông, Điện Quán Thế Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo Tháp, Hành lang La Hán… Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, lòng người thư thái, trí sáng, tâm tịnh, hướng đến chân - thiện - mỹ. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa dáng vẻ cổ kính, lâu đời và sự hòanh tráng, đồ sộ của hai ngôi chùa trong cùng một không gian tâm linh đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh tuyệt mỹ, hòan hảo. Có thể nói, Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại(12).

Năm 2020, Bộ VHTT&DL lựa chọn 07 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số cần được phục dựng, bảo tồn gồm: Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hòang Su Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Shi La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống dân tộc Gia rai, tỉnh Kon Tum.

Để thống nhất về quy trình, thủ tục và tiến độ bảo đảm đúng mục tiêu đề ra, Bộ VHTT&DL liên kết với Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh khảo sát, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học về lễ hội được phục dựng, bảo tồn để tổng hợp trước ngày 20/2/2020. Trên cơ sở thẩm định của Bộ VHTTDL, Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh tiếp thu, liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, cộng đồng dân cư, nghệ nhân.... tổ chức phục dựng, bảo tồn lễ hội.

Khi tổ chức phục dựng lễ hội, Sở VHTT&DL, Sở VHTT các tỉnh chỉ đạo và liên kết với các nhà khoa học và cộng đồng dân cư, nghệ nhân tại chỗ tổ chức phục dựng, bảo tồn lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Thông qua lễ hội, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa mới tiến bộ nhằm tăng cường giao lưu quảng bá, giới thiệu, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tâm linh của đồng bào các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, loại bỏ yếu tố lạc hậu, hủ tục không phù hợp trong đời sống cộng đồng(13).

Ở Quảng Ninh, tại huyện Đông Triều(14), Ban Quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh và các đơn vị liên quan đã đặc biệt chú ý đến việc nghiên cứu khảo cổ học các di tích nhà Trần tại Đông Triều nhằm cung cấp cơ sở khoa học cần thiết cho việc phục dựng, bảo tồn các di tích này. Như tại quần thể chùa Ngọa Vân, hiện có di tích Thông Đàn 1 đã hòan thành việc phục dựng vào tháng 6-2012 với kết quả được đánh giá cao. Quy trình và phương pháp phục dựng tại Thông Đàn 1 là hình mẫu cho việc phục dựng di tích. Di tích Thông Đàn được khảo sát năm 2007 - 2008, đến năm 2009 thì được nghiên cứu khảo cổ học tổng thể, từ đây đề xuất phương án phục dựng, bảo tồn. Để phục dựng, chính quyền huyện đã mời kiến trúc sư đến khảo sát và xây dựng thiết kế; trong quá trình đó, ngoài việc nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực địa thì có sự đóng góp quan trọng về ý kiến tư vấn của các nhà khảo cổ học đã trực tiếp khai quật tại di tích để có một bản thiết kế hòan chỉnh. Khác với việc xây mới một công trình, việc phục dựng một di tích đòi hỏi người kiến trúc sư phải có những hiểu biết đầy đủ về công trình cổ và về các nguyên tắc phục dựng, trùng tu chúng. Do vậy, cách hóa giải tốt nhất những khó khăn trong quá trình thiết kế đó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc sư và các nhà khoa học, bài toán phục dựng, trùng tu di tích của Thông Đàn 1 đã được giải bằng cách đó.

2.2. Hạn chế, bất cập

Một là, liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức về liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa chưa thật sâu sắc và toàn diện, nguy cơ thất truyền, mai một của nhiều loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là việc liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể truyền thống còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí, phương tiện, nhân lực cần được đầu tư, bố trí cho hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản còn gặp không ít khó khăn. Ở nhiều nơi, chính quyền, ban/ngành chưa nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình hội nhập quốc tế.

Hai là, thiếu sự liên kết cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa giữa các địa phương trong vùng. Tình trạng hiện nay về cơ bản là tỉnh nào biết tỉnh đó, bộ/ngành nào biết bộ/ngành đó. Điều đó dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh chấp giữa các địa phương, bộ/ngành; đầu tư dàn trải, gây lãng phí nguồn lực.

3. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Một là, trước khi tiến hành việc liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn chúng ta phải xác định giá trị của di sản văn hóa chính là các dấu vết lịch sử hiện còn, và đầu tư phục dựng, bảo tồn là nhằm duy trì sự tồn tại lâu dài của các giá trị đó. Mục tiêu quan trọng là bảo tồn và phát huy, vì vậy phải làm tất cả để tôn vinh giá trị di sản văn hóa bằng việc phục dựng, bảo tồn, lấy việc bảo tồn những giá trị nguyên gốc ấy để phát huy, chứ không phải dựa vào lịch sử để làm công trình mới…

Hai là, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương về vị trí, vai trò của việc liên kết cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội. Thông qua các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, các hoạt động giáo dục, triển lãm, bảo tàng, lễ hội cùng các sinh hoạt văn hóa khác để nâng cao tình yêu, lòng tự hào và trách nhiệm của chính quyền và cộng đồng cư dân về liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, hòan thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch văn hóa. Tập trung liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn các di sản thế giới, DTLSVH có giá trị tiêu biểu. Xây dựng chính sách về xã hội hóa hoạt động phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, trong đó quy định về quyền lợi và trách nhiệm của chủ thể góp vốn phục dựng, bảo tồn, quyền lợi và trách nhiệm của chính quyền địa phương quản lý di sản văn hóa. Đổi mới và nâng cao hoạt động đãi ngộ, tôn vinh nghệ nhân; tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia truyền dạy, quảng bá di sản trong cộng đồng.

Bốn là, phát huy vai trò của các chủ thể trong quá trình liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ rõ các điều, khoản về sự hài hòa giữa liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích việc duy trì, phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể truyền thống có giá trị tiêu biểu hoặc có nguy cơ bị mai một.

Năm là, để liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội đạt được hiệu quả cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng dân cư, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản. Và cần hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu. Triển khai áp dụng vào thực tiễn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư. Phát triển các dự án kinh tế - xã hội tại các phân vùng, địa phương, lựa chọn các di tích, di sản (cốt lõi) đang thu hút được khách kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa. Triển khai lập các quy hoạch cho từng khu vực di sản văn hóa trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư tại địa điểm lựa chọn các Vùng di sản văn hóa trọng tâm của từng phân vùng.

Sáu là, nhân rộng mô hình: “mỗi di sản một quần cư”; “mỗi quần cư một sản phẩm”; “mỗi sản phẩm một cảnh quan”; “mỗi di sản một phong cách”; “mỗi sản phẩm một chuyên gia”. Và, “mỗi di sản một doanh nghiệp”; “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng”. Tiến hành liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư tại chỗ. Xác lập các cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản văn hóa cụ thể. Bàn giao di sản văn hóa cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác. Từng bước thực hiện phần việc xã hội hóa hòan toàn công cuộc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội mang tính phổ thông. Các tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ tìm các giải pháp phát triển kinh tế trong di sản văn hóa của chính mình, thúc đẩy sáng kiến cộng đồng, chuyển hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội.

KẾT LUẬN

Xu hướng lồng ghép bảo tồn di sản vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và sử dụng bảo tồn di sản như là một động lực phát triển bền vững đang ngày càng được quan tâm. Điều này đòi hỏi hoạt động phân tích kinh tế các dự án phục dựng, bảo tồn di sản, và theo đó cần có các thông tin về giá trị kinh tế của di sản văn hóa. Trải qua thời gian, liên kết vùng cho phục dựng di sản văn hóa là nguồn lực sức mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh nói riêng cũng như cộng đồng, quốc gia, dân tộc nói chung; trên cơ sở chính sách, định hướng phát triển, Việt Nam cũng như Quảng Ninh đã và đang đưa di sản văn hóa trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tuy nhiên, cũng không thể vì mục tiêu kinh tế, mục tiêu lợi nhuận mà không quan tâm đến các mục tiêu văn hóa, giữ gìn các giá trị văn hóa. Không thể “hy sinh” di sản, “hy sinh” văn hóa vì mục tiêu kinh tế. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, sự phát triển nhảy vọt của khoa học, công nghệ và kỹ thuật đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hội nhập quốc tế. Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa đã trở thành một đòi hỏi bức thiết để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các thành phần tham gia. Đây là một xu thế tất yếu, khách quan, thể hiện trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa… và càng đúng đối với một số ngành mang tính liên ngành, liên vùng.

Từ vấn đề về liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, tác giả nhận thấy, liên kết vùng cho phục dựng di sản văn hóa là vấn đề có nội dung rộng lớn, phức tạp và đa dạng cả về lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, những nội dung trình bày, luận giải trên đây là những vấn đề cơ bản về liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa đã góp phần vào việc nghiên cứu và xây dựng chính sách liên kết vùng theo hướng phát triển bền vững ở nhiều nước trên thế giới. Những vấn đề cơ bản này có thể vận dụng vào nghiên cứu và đề xuất chính sách phát triển vùng nói chung và vùng văn hóa của Việt Nam nói riêng trong thời gian tới./.

--------------------

(1). Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012, tr. 64

(2). Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển bách khoa Việt Nam, t. III: N-S, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2003, tr. 508

(3). Lê Anh Vũ, Nguyễn Văn Huân: Một số vấn đề lý luận cơ bản và thực trạng liên kết vùng ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới, động lực và chính sách phát triển vùng - Lý thuyết, kinh nghiệm và hành động”, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2016, tr. 29

(4). Liên kết nội vùng là liên kết giữa các chủ thể diễn ra trong phạm vi không gian lãnh thổ của vùng. Các chủ thể liên kết nội vùng bao gồm các chủ thể trực tiếp tham gia và chính quyền các cấp. Đối với việc phân chia lãnh thổ và các cấp hành chính như ở Việt Nam, liên kết nội vùng có thể trong phạm vi của xã/huyện/tỉnh, cũng có thể là sự liên kết giữa các tỉnh với nhau trong phạm vi của vùng

(5). Liên kết liên vùng là liên kết giữa các chủ thể trong vùng với các chủ thể nằm ngoài phạm vi không gian lãnh thổ của vùng. Phạm vi này có thể chỉ trong 1 quốc gia (liên kết liên vùng trong nước), cũng có thể liên quốc gia (liên kết quốc tế). Đối với liên kết chính quyền địa phương, các liên kết liên vùng cũng rất đa dạng về hình thức và mức độ. Ở Việt Nam, các liên kết liên vùng giữa các chính quyền địa phương trong nước thường được ký kết dưới dạng các bản cam kết/ các chương trình liên kết/hợp tác giữa tỉnh với nhau (có cả song phương, đa phương). Các liên kết vùng quốc tế sẽ phức tạp hơn, các cam kết hay biên bản ghi nhớ được ký kết bởi đại diện quốc gia và triển khai ở các vùng/tỉnh mà phạm vi liên kết đi qua

(6). Trần Hữu Hiệp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thể chế, liên kết kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: “ Kết cấu hạ tầng và liết kết vùng phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”, Nxb. Đại học Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, 2019, tr. 237

(7). Các chủ thể liên kết vùng có thể chia thành hai nhóm: Một là, chính quyền, gồm: chính quyền Trung ương (bộ, ngành...) và chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã). Hai là, doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề, cộng đồng dân cư, nghệ nhân...

(8). Phương Lê: Kinh tế di sản - một động lực tăng trưởng mới, Báo Nhân dân cuối tuần, 2019, nhandan.vn. https://nhandan.vn/kinh-te-di-san-mot-dong-luc-tang-truong-moi-post358224.html

(9). Nguyễn Dung: Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, 2021, https://vietnamtourism.gov.vn/post/38601

(10). Phạm Học: Thành phố Hạ Long: Chú trọng phát triển kinh tế di sản, 2024 https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/DH-Dang/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=142084

(11). Nhiệm vụ chính được giao cho kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng

(12). UBND tỉnh Ninh Bình: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình, tháng 7/2023, tr. 169

(13). Thanh Thủy: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ phục dựng, bảo tồn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số trong năm 2020, https://bvhttdl.gov.vn/bo-vhttdl-ho-tro-phuc-dung-bao-ton-7-le-hoi-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-trong-nam-2020-20200212072952968.htm#:~:text=C%E1%BB%A5%20th%E1%BB%83%2

(14). Từ ngày 1-11-2024, thị xã Đông Triều đã chính thức trở thành thành phố Đông Triều, qua đó giúp nâng tổng số thành phố của tỉnh Quảng Ninh lên 5 thành phố trực thuộc, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí và Đông Triều

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Dung: Quảng Ninh: Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, 2021,  https://vietnamtourism.gov.vn/post/38601

2. Trần Hữu Hiệp: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thể chế, liên kết kinh tế vùng Đòng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia: “Kết cấu hạ tầng và liết kết vùng phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”, Nxb Đại học Cần Thơ, Tp Cần Thơ, 2019.

3. Phạm Học: TP Hạ Long: Chú trọng phát triển kinh tế di sản, 2024, https://www.quangninh.gov.vn/chuyen-de/DH-Dang/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=142084

4. Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam: Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập III: N-S, Nxb Từ điện bách khoa, Hà Nội, 2003.

5. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Nxb Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2009.

6. Thanh Thủy: Bộ VHTT&DL hỗ trợ phục dựng, bảo tồn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số trong năm 2020, https://bvhttdl.gov.vn/bo-vhttdl-ho-tro-phuc-dung-bao-ton-7-le-hoi-truyen-thong-cac-dan-toc-thieu-so-trong-nam-2020-20200212072952968.htm#:~:text=C%E1%BB%A5%20th%E1%BB%83%2

7. Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2012.

8. Lê Anh Vũ, Nguyễn Văn Huân: Một số vấn đề lý luận cơ bản và thực trạng liên kết Vùng ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia Đổi mới, Động lực và chính sách phát triển Vùng – Lý thuyết, kinh nghiệm và hành động, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2016.

9. UBND tỉnh Ninh Bình: Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Bình, tháng 7/2023.