Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Xây dựng pháp luật từ sớm, từ xa
TCCS - Ngày 13-8-2021, tại nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với thường trực của một số ủy ban của Quốc hội về việc triển khai thẩm tra 7 dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào cuối năm 2021.
Cùng chủ trì có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương.
Bảy dự án luật gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Đây là các dự án luật sẽ “mở hàng” cho việc thực hiện chức năng lập pháp của Quốc hội khoá XV tại Kỳ họp thứ 2, sẽ lần lượt được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì thẩm tra, cho ý kiến vào các phiên họp trong tháng 8 và 9-2021 .
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 1 ngày làm việc, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội nghe các ủy ban của Quốc hội báo cáo quá trình chuẩn bị, sự phối hợp giữa các bên liên quan và các định hướng lớn nhằm chuẩn bị kỹ hơn cho công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng luật có tuổi thọ ngắn, phải sửa đổi liên tục và bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
“Quốc hội phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nhiều vòng cho ý kiến, để làm căn cứ xem xét có tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến xây dựng pháp luật sắp tới hay không, để nâng cao chất lượng làm việc tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc thảo luận tại hội trường Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết trong chương trình vận động bầu cử, các đại biểu Quốc hội đều đã hứa trước cử tri về nỗ lực đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật, đây sẽ là các “sản phẩm đầu tay” của Quốc hội khóa mới, do đó cần tập trung trí tuệ, tích cực hơn nữa để bảo đảm hiệu quả công tác này.
Trên quan điểm đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy ban cần nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn, đi thẳng vào các vấn đề thực tiễn đặt ra để thẩm tra, góp ý cùng xây dựng dự thảo luật có chất lượng, thực chất để trình ra Quốc hội.
Sau khi tổng hợp các ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Ủy ban Xã hội cần bám sát các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng để bổ sung các quy định cho dự án luật. Khẳng định thi đua, khen thưởng đúng và trúng sẽ tạo ra động lực rất lớn cho mỗi cá nhân, tập thể, góp phần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội xem xét việc cần thiết để điều chỉnh công tác khen thưởng của khối các hiệp hội, ngành nghề để tránh xảy ra tiêu cực; coi trọng khen thưởng của Nhà nước đối với lực lượng trực tiếp sản xuất và đội ngũ doanh nhân; bảo đảm khen thưởng kịp thời chứ không phải mang tính tích lũy thành tích; làm rõ tiêu chí của thi đua, khen thưởng để làm cơ sở cho chính sách chi lương mới ...
Về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho rằng phải nhìn nhận ở hai góc độ: Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật và cũng là một ngành kinh tế, do vậy dự án luật cần coi trọng theo định hướng của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn với các yếu tố của một loại hình công nghiệp văn hóa. Trong điều kiện hội nhập quốc tế, dự án luật cần phải đặt một số quy định trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay; xem xét các quy định về cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong bối cảnh công nghệ thông tin, không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ...
Với dự án Luật Cảnh sát cơ động, Chủ tịch Quốc hội cơ bản đồng tình với hồ sơ dự án, nhưng đề nghị tiếp tục hoàn thiện, báo cáo đánh giá kỹ hơn về kinh nghiệm quốc tế, rà soát quy định liên quan ở các luật khác, nhất là các tác động tới kinh tế, xã hội.
Trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ nguyên tắc rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung theo đúng cam kết, không mở rộng nội dung khác khi chưa có dự kiến, đánh giá đầy đủ, chi tiết theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị hồ sơ cần đánh giá tác động từ nhiều phía, ngoài việc bảo vệ quyền lợi cho bên được cung cấp dịch vụ bảo hiểm là cần thiết, nhưng nếu bảo vệ quá mức cần thiết thì lại gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ủy ban Kinh tế rà soát các quy định cho phù hợp với yêu cầu hiện nay cũng như thông lệ quốc tế về điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ… Tuy nhiên, hết sức lưu ý bảo đảm quy định rõ ràng, thuận lợi về trình tự, thủ tục trong quá trình gia nhập thị trường, trách nhiệm công bố thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch nhưng cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp; tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, trái với quy định của Luật Doanh nghiệp.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, sau khi tổng hợp ý kiến phát biểu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng dự án luật này không chỉ là sửa vấn đề về chỉ tiêu thống kê mà cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh, xác định rõ các vấn đề liên quan tới nội hàm các chỉ tiêu thống kê với các cách tính cụ thể để sửa tổng thể, góp phần minh bạch hoá phương pháp tính toán số liệu thống kê. Để bảo đảm hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Uỷ ban Kinh tế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thống kê để tổ chức điều chỉnh pháp luật về thống kê đồng bộ, hoàn chỉnh.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là luật khó, nội dung chuyên sâu, phức tạp, nên càng phải đầu tư công sức, nỗ lực cố gắng cao. Chủ tịch Quốc hội khẳng định quan điểm thực hiện đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định và đúng quy trình xây dựng pháp luật; phải thể chế hóa được tinh thần tại các nghị quyết của Trung ương về sở hữu trí tuệ; hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ phù hợp với kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó phải rà soát để nội luật hóa các cam kết quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi của luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan khác tổ chức tọa đàm, hội thảo, khảo sát ý kiến chuyên gia…
Khát quát các vấn đề lớn liên quan, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, quy định quá chi tiết, đối với các vấn đề chưa rõ thì không được đóng khung vào luật mà giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền quyết định thực hiện nhằm bảo đảm thích ứng với thực tiễn. Các ủy ban phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức góp ý cho các báo cáo xây dựng luật, có phương án họp phiên toàn thể của các ủy ban, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Kiểm toán nhà nước  (13/08/2021)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn cấp cho ý kiến về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 khác quy định của luật hiện hành  (07/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển