Trình Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 25-7, các đại biểu Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Tại Tờ trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Qua 5 năm hoạt động, cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 tiếp tục được duy trì, tổ chức hoạt động theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi đối tượng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; đồng thời thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ từng bước được rà soát, hoàn thiện theo quy định của pháp luật, qua đó bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực và giảm tối đa sự chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ. Cơ cấu tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, bao quát các lĩnh vực và đối tượng quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cơ cấu tổ chức của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nhiều hạn chế trên các lĩnh vực, cần tiếp tục hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, quy chế làm việc, nâng cao trách nhiệm của từng bộ, cơ quan ngang bộ, đội ngũ cán bộ công chức để thực hiện chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất phương án cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ 2016 - 2021 với mục tiêu, yêu cầu là xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ được đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới, kiện toàn bộ máy nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ ổn định như khóa XIII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ, cụ thể gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ.
Báo cáo thẩm tra Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được thực hiện ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, đúng với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tế của nước ta trong thời gian qua. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ tiếp tục duy trì tổ chức bộ máy quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và mỗi việc, mỗi lĩnh vực chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện chịu trách nhiệm chính, đồng thời coi trọng công tác phối hợp tổ chức thực hiện. Chính phủ đã tập trung quản lý điều hành vĩ mô, bao quát các chức năng, nhiệm vụ trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội một cách có hiệu quả, cơ bản phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu chỉ đạo điều hành trong bối cảnh phải đối phó với rất nhiều khó khăn, thách thức. Công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính nhà nước được đẩy mạnh, bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, khắc phục cơ bản những chồng chéo, trùng lắp và bỏ sót nhiệm vụ. Sự phối hợp giữa các cơ quan chặt chẽ và hiệu quả hơn. Cơ cấu tổ chức các bộ, bên trong các bộ tích cực được sắp xếp, điều chỉnh. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Khắc Định, một số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, việc thực hiện cơ cấu của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua vẫn còn những công việc phân công chưa phù hợp, chưa rõ về thẩm quyền và trách nhiệm, việc phối hợp trong tổ chức thực hiện chưa hợp lý nên khi xảy ra hậu quả xấu khó xác định được cơ quan chịu trách nhiệm chính. Việc ban hành nghị định về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các bộ còn chậm, mô hình tổ chức các cơ quan bên trong các bộ còn thiếu thống nhất. Việc sắp xếp, sáp nhập một số bộ thành bộ quản lý đa ngành chưa kết hợp có hiệu quả việc điều chỉnh chức năng, lồng ghép nhiệm vụ, khối lượng công việc, tổ chức bộ máy, phạm vi lĩnh vực quản lý của một số bộ quá lớn. Chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, kết quả thực hiện còn hạn chế…
Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật nhận định, việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Chính phủ tiếp tục thực hiện bao quát các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, phù hợp với tình hình thực tế. Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ. Việc thực hiện theo phương án này phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những nội dung còn trùng lặp, chồng chéo trong phân công lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ được giải quyết thông qua việc sửa đổi, ban hành mới các nghị định của Chính phủ quy định chức năng,nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển; sớm ban hành quy chế làm việc mới của Chính phủ, khẩn trương sửa đổi, ban hành nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó phân rõ mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ cấu bên trong bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, khắc phục chồng chéo, trùng dẫm hoặc bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Xác lập cơ cấu bộ máy hợp lý để làm tốt công tác xây dựng thể chế, là đầu mối tăng cường quản lý một số lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra những nhiệm vụ mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý biển đảo, năng lượng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tăng tính chủ động hơn cho chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương.
Cũng trong chiều 25-7, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Sáng 26-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ./.
Lễ trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng  (25/07/2016)
Tiểu sử Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (25/07/2016)
Tin tưởng Chủ tịch nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao  (25/07/2016)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí  (25/07/2016)
Khẳng định ý chí, quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam  (25/07/2016)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển