Đời làm báo của tôi bắt đầu từ năm 1947, khi bài báo đầu tiên được đăng trên một tờ báo tỉnh. Năm ấy cũng là năm tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, hồi bấy giờ còn mang tên là Đảng Cộng sản Đông Dương và trên các giấy tờ công khai là Đông Dương Cứu quốc Hội.

Đến nay, năm 2010, tôi đã có 63 năm tuổi Đảng, cũng là 63 năm tuổi báo, trong đó có 5 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (từ năm 1996 đến 2001) và nay làm tư vấn cho Ban Biên tập của Tạp chí.

Tuổi đời và tuổi báo đã đem lại cho tôi sự cảm nhận sâu sắc rằng, nghề báo là nghề vẻ vang nhưng không dễ chút nào, nếu ta muốn viết được bài báo hay, trở thành một chiến sĩ thực thụ trên mặt trận báo chí mà cây bút và trang giấy là vũ khí sắc bén. Làm báo nói chung đã khó, làm tạp chí lý luận và chính trị của Trung ương Đảng càng khó hơn. Bởi muốn làm được thì chính trị phải vững vàng, lý luận phải sáng tạo, nghiệp vụ phải tinh thông. Có vậy mới có thể nói lý luận và chính trị bằng ngôn ngữ báo chí, hoặc ngược lại, thể hiện tác phẩm báo chí thông qua ngôn ngữ của lý luận.

Ngày tôi mới về nhận nhiệm vụ ở Tạp chí Cộng sản (năm 1996) không phải không có những ý kiến lo lắng rằng tôi chưa làm tạp chí lý luận, cho nên khó gánh vác được trách nhiệm. Dẫu đã trải qua 40 năm làm báo Nhân Dân, trong đó có 15 năm tham gia Ban Biên tập và 5 năm rưỡi làm Tổng Biên tập, tôi vẫn thấy sự chia sẻ này là có lý. So với các Tổng Biên tập trước đây, từ các đồng chí Trần Quang Huy, Vũ Tuân, rồi đến Đào Duy Tùng, Trần Hồng Chương, Hà Xuân Trường, tôi thuộc lớp đàn em. Tại cuộc gặp mặt đầu tiên với tập thể Bộ Biên tập, tôi nói một cách chân tình rằng, tôi sẽ cố gắng học tập và làm việc, mong có được sự hợp tác và giúp đỡ của tất cả anh chị em. Tôi hiểu rằng chỉ có sự chung tay góp sức của toàn bộ Bộ Biên tập chứ không riêng Ban Biên tập hay Tổng Biên tập thì Tạp chí mới có thể làm tốt được nhiệm vụ của mình.

Kế thừa và phát huy những thành tựu đổi mới mà các đồng chí Hà Xuân Trường, Nguyễn Phú Trọng để lại, tập thể chúng tôi đã xắn tay áo lên, một lòng phấn đấu cho sự tiếp tục lớn mạnh của Tạp chí, theo hướng nâng cao dần chất lượng, trước hết là về nội dung. Những chuyên mục vốn có như Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, Nghiên cứu, trao đổi hay Sinh hoạt tư tưởng đều được trân trọng giữ lại. Chúng tôi hiểu trí tuệ của Tạp chí không thể chỉ là trí tuệ của những người làm Tạp chí mà phải là trí tuệ chung của toàn Đảng.

Đồng chí Lê Khả Phiêu chúc mừng đồng chí Hà Đăng nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Chúng tôi đã được các đồng chí lãnh đạo cao của Đảng và Nhà nước, các nguyên lão “khai quốc công thần” Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, các đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách các ngành, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Mặt trận và các đoàn thể trực tiếp viết bài.
 
Chúng tôi được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học hàng đầu trên nhiều lĩnh vực mà các bài báo của họ thường có giá trị phát hiện, có chất lượng cao về lý luận và tính khoa học. Có những bài báo đề cập vấn đề khá gai góc vẫn được đăng, đến nỗi tác giả cũng bất ngờ khi thấy bài của mình không bị cắt bỏ gì. Chúng tôi được nhiều cộng tác viên và bạn đọc viết thư khen, chê, nhận xét cả từng thay đổi nhỏ trên Tạp chí. Chuyên mục Sinh hoạt tư tưởng được coi là ở thời phồn vinh. Nhiều người nói, giở Tạp chí ra đọc, đầu tiên là Sinh hoạt tư tưởng. Không phải không có những gợn sóng gió lăn tăn trong nội bộ, nhưng nhìn đại cục là trời yên biển lặng, con thuyền vẫn lướt tới. Trong mấy năm, Tạp chí từ gần bốn vạn rưỡi số đã lên tới hơn năm vạn rưỡi.

Năm 2000, tập thể Tạp chí rất vui mừng đón Chỉ thị của Bộ Chính trị ghi nhận rằng “Tạp chí đã có nhiều cố gắng trong công tác lý luận, đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống, tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, đồng thời cũng giao cho Tạp chí trọng trách “Cùng các cơ quan lý luận của Đảng đi tiên phong trong công tác lý luận” trong tình hình mới.

Năm 2003, Tạp chí Cộng sản được vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng không lâu sau các ban đàn anh như Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Năm nay, 2010, Tạp chí được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Lúc này, bên cạnh Tạp chí Cộng sản truyền thống, đã có thêm Tạp chí Cộng sản điện tử, Tạp chí Cộng sản Chuyên đề cơ sở và chuyên san Hồ sơ Sự kiện.

Còn nhớ, 14 năm trước, khi tôi mới về Tạp chí Cộng sản, trong một số cuộc họp chung, theo tập quán quen thuộc, đôi khi tôi xưng là “Báo Nhân Dân chúng ta”. Nay về Báo Nhân Dân, có lúc tôi lại nói là “Tạp chí Cộng Sản chúng ta”. Anh chị em cười yêu và chế giễu về sự lẩn thẩn đó. Còn tôi, từng nói lên tâm sự của mình như sau:

Sắt son một mảnh tâm hồn
Nửa nghiêng Cộng Sản nửa dồn Nhân Dân

Tôi thật sự xúc động và biết ơn lớp nhà báo đi trước đã trao lại cho chúng tôi ngọn lửa nhiệt tình và cả những kinh nghiệm.

Tôi ghi nhớ không bao giờ quên sự hợp tác và giúp đỡ đầy tâm huyết của tập thể Bộ Biên tập Tạp chí Cộng Sản, nơi mà tôi hết lòng gắn bó, nơi suốt 5 năm liền, trừ những ngày nghỉ và đi công tác xa, gần như trưa nào tôi cũng cùng mấy anh em đi ăn cơm bụi, xem đánh cờ tướng hay nằm chợp mắt trên bàn làm việc.

Tháng 8 năm 2010