TCCSĐT - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, một trong ba lĩnh vực trọng điểm của tái cơ cấu nền kinh tế đang được đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi. Nhiều đại biểu đề cập đến kết quả cụ thể, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng như đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập.

Đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Các đại biểu Quốc hội đánh giá tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ quan tâm thúc đẩy, số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá tăng, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hoá diễn ra chậm, còn nhiều rào cản, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp.

Nhiều đại biểu đánh giá cao các kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được trong 3 năm qua (2011-2013), góp phần thay đổi, ổn định nền kinh tế. Theo đó, số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn giảm từ 12.000 doanh nghiệp năm 1986 xuống còn 1.200 doanh nghiệp vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, các đại biểu đều thừa nhận quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Trong khi 9 tháng đầu năm 2014 mới cổ phần hóa được 71 doanh nghiệp. Điều đó khiến Kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho 2 năm 2014 - 2015 là cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, đang đứng trước thách thức lớn, khó hoàn thành chỉ tiêu. Đây chính là một rào cản cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Phân tích những nguyên nhân của tình trạng tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn kém hiệu quả như hiện nay, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, chúng ta chưa có cơ chế cụ thể được quy định bằng pháp luật đối với mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước. Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét Luật Đầu tư, thay đổi mô hình quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước. Tức là cần phải thể chế cụ thể bằng pháp luật mô hình của chủ sở hữu và cơ quan chủ quản. Hai là, xác định rõ vai trò, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, để doanh nghiệp không phải làm thay hay lấn sân sang các lĩnh vực mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác làm tốt, có hiệu quả cao. “Doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm được, từ đó mới khẳng định được vai trò như Hiến pháp đã hiến định: Khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, đại biểu Trương Văn Vở nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng phải sửa đổi về cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước. Đại biểu Ngô Văn Minh bày tỏ “Trong kỳ họp lần này, Quốc hội ban hành và xem xét ban hành một số luật mới, như Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp... nhưng chúng ta chưa tạo được mô hình đại diện chủ sở hữu có hiệu quả để mọi hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đảm bảo công khai minh bạch. Đừng để người dân dị ứng khi nói tới tập đoàn tổng công ty nhà nước, vì tồn tại tình trạng lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả” và đề xuất, cần có một cơ quan chuyên môn có tính độc lập cao, được Chính phủ thành lập có trách diện đại diện chủ sở hữu, nắm giữ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, giống như mô hình Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đồng thời phải luật hoá cơ chế này.

Đại biểu Vũ Xuân Hồng (Phú Thọ) đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm là nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện quyết tâm cao, chưa muốn thực hiện cổ phần hóa. Lãnh đạo doanh nghiệp e ngại cơ cấu lại tổ chức, bộ máy quản lý sau cổ phần hóa sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình. “Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thậm chí cảnh báo sẽ kỹ luật lãnh đạo của công ty làm chậm hoặc không chịu làm. Việc cổ phần hoá chậm có liên quan đến vấn đề lợi ích. Các doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ dựa dẫm vào Nhà nước hoặc là không sẵn sàng bỏ đi quyền lực mình đang có". Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một chủ trương đúng. Do vậy, cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Trong bối cảnh nước ta đang tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, việc tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt, cổ phần hoá doanh nghiệp sẽ tạo ra sinh lực mới cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng hội nhập

Đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước thực trạng kinh doanh kém hiệu quả của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Trong số trên 485.000 doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có trên 30% doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Trong khi đó năm 2014 và 2015, nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, sẽ có hiệu lực và được thực hiện như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Việt Nam-Hàn Quốc, Việt Nam-EU.... Nhất là sau năm 2015, chúng ta thực hiện cộng đồng kinh tế ASEAN. Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trên “sân nhà” và vươn ra thị trường thế giới, thực sự là một thách thức to lớn với cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, hiện nay có rất ít sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đủ sức chi phối thị trường trong nước, được người Việt Nam tin dùng. “Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư ở Việt Nam, đề nghị doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất sản phẩm, sản xuất những chi tiết, thiết bị phụ trợ, thì chúng ta lại không làm được”. Trước ý kiến cho rằng chúng ta cần thoát khỏi sự lệ thuộc vào kinh tế của nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) thừa nhận đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Thực tế nước ta đang trong quá trình hội nhập, chúng ta phải chấp nhận sự đan xen của kinh tế nước ngoài. “Đảng và Chính phủ đã có những định hướng, chính sách từng bước đưa nước ta bớt lệ thuộc vào nền kinh tế nước ngoài”, đại biểu Nguyễn Thái Học khẳng định. "Nhưng để giải quyết được vấn đề này đòi hỏi phải có lộ trình và doanh nghiệp Việt Nam phải có trách nhiệm phát triển mạnh lên, góp phần nâng cao “sức khoẻ” của nền kinh tế đất nước”.

Các đại biểu cũng cho rằng để các doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh, hội nhập với kinh tế thế giới, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ cần tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, trong đó chú trọng các biện pháp ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để các doanh nghiệp vay trung, dài hạn, đầu tư mua sắm máy móc thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam để giải quyết vấn đề đầu ra cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm xây dựng và vận hành tốt hệ thống hàng rào kỹ thuật, thu hẹp và tiến tới xóa bỏ mậu dịch tiểu ngạch, kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu qua biên giới, chống gian lận thương mại để bảo vệ lợi ích hợp pháp và cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa. Bản thân các doanh nghiệp không có cách nào khác là phải nắm bắt cơ hội, định vị lại mình, tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tăng cường quản trị, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xử lý quyết liệt vấn đề nợ xấu

Nợ xấu tăng cao là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói chung. Vì vậy, đẩy mạnh giải quyết nợ xấu là một trong các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế.

Đây trước hết là trách nhiệm của Chính phủ và Chính phủ cũng đã thể hiện tinh thần quyết liệt giải quyết nợ xấu. Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 nêu rõ: Chính phủ đã thảo luận, thống nhất chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo đề án được duyệt.

Mục tiêu xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, nâng cao sự an toàn, lành mạnh và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Phấn đấu đến cuối năm 2015, cơ bản xử lý được số nợ xấu hiện có, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, tạo nền tảng phát triển an toàn, bền vững hệ thống các tổ chức tín dụng đến năm 2020.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã ban hành và tích cực triển khai thực hiện kế hoạch xử lý nợ xấu. Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn hoạt động, chất lượng tài sản, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu; đồng thời hoàn thiện các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Đến tháng 10-2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9-2012, chủ yếu bằng các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Công ty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Tỷ lệ nợ xấu hiện nay theo báo cáo của các tổ chức tín dụng vào khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%). Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu đến nay giảm còn 5,43% so với mức 17% vào năm 2012 (tỷ lệ nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao hơn là do thực hiện phân loại nợ theo thông tin giám sát).

Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ xấu cho thấy để xử lý nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ ngân sách nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu, Luật về Công ty quản lý tài sản và có thị trường tài chính phát triển. Việc xử lý nợ xấu ở nước ta gặp nhiều khó khăn do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và phải ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, đầu tư phát triển nên không có nguồn để xử lý nợ xấu. Kết quả xử lý nợ xấu trong thời gian qua thể hiện nỗ lực của các ngành, các cấp, hệ thống các tổ chức tín dụng và cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng: (1) Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; (2) Hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; (3) Phát triển mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu; (4) Yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng; (5) Tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; (6) Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề liên quan và hỗ trợ tổ chức tín dụng, VAMC trong xử lý nợ xấu, nhất là hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.

Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, phát triển lành mạnh các thị trường chứng khoán, bất động sản, đẩy mạnh thực hiện các trọng tâm tái cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%./.