Chuyến biến mới quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung Quốc
TCCSĐT - Ngày 15-10-2011, Thủ tướng Nga V.Putin kết thúc chuyến thăm hai ngày tới Trung Quốc trong bối cảnh tình tình thế giới đang có những diễn biến rất phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác chặt chẽ và hiệu quả Moscow và Bắc Kinh trong các công việc quốc tế, cũng như với vị thế của người sẽ trở lại Điện Kremlin trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2012.
Bối cảnh khác thường của chuyến thăm
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nga V.Putin trong bối cảnh khác thường và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó là, diễn ra trong năm kỷ niệm 10 năm hai nước Nga - Trung Quốc ký Hiệp ước về láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác; 10 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Thượng Hải và vào thời điểm ông V.Putin với cương vị không chỉ là Thủ tướng mà còn là ứng cử viên Tổng thống Nga trong cuộc bầu cử sắp tới gần vào đầu năm 2012. Vì thế, chuyến thăm Trung Quốc lần này của người đứng đầu Chính phủ Nga ban đầu được dự kiến với tư cách là Thủ tướng Nga nhưng trên thực tế lại là vai trò “Tổng thống Nga tương lai”.
Trước khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc lần này, Thủ tướng Nga V. Pu-tin đã cho công bố một văn bản có tính cương lĩnh đầu tiên về đề án xây dựng Liên minh Á - Âu. Do đó, giới phân tích cho rằng trong chuyến thăm Trung Quốc lần này, Thủ tướng Nga V.Putin sẽ tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh trong việc thực hiện sáng kiến có tầm chiến lược này để hóa giải sự phản đối từ phía Mỹ và EU. Ngoài ra, dư luận phương Tây còn lo ngại về triển vọng xuất hiện trở lại “một Liên Xô mới” sau khi ông V.Putin trở lại Điện Kremlin có thể gây khó khăn đối với nền ngoại giao Trung Quốc và khiến cho quan hệ giữa hai nước khó có thể dự báo được, kể cả tương lai của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Giới phân tích còn cho rằng, sự phát triển các khu vực phía đông của Liên minh Á - Âu bao gồm đông Siberia, Viễn Đông không thể thiếu sự hợp tác với Trung Quốc cũng như cần phải hóa giải các mâu thuẫn giữa hai nước ở khu vực Trung Á.
Theo truyền thống, phía Trung Quốc đón tiếp Thủ tướng Nga V.Putin với một tình cảm thân tình. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nga V.Putin, tình cảm đó có thể là “đặc biệt thân tình” do Bắc Kinh nhận thấy sự “dịch chuyển” trong chính sách đối ngoại của Nga về hướng đông và sự tương hợp trong các vấn đề chiến lược có tầm toàn cầu giữa hai nước. Sự kiện Thượng viện Mỹ vừa thông qua Nghị quyết buộc Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ có tác động mạnh đối với Trung Quốc. Trong điều kiện đó, chủ trương của V.Putin hướng tới tái tổ chức lại các cơ chế toàn cầu hiện có, trước hết là các cơ chế tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, nâng cao vai trò của các nước BRICS trong các quá trình này, sẽ có tác dụng thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Trong bối cảnh chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nga V.Putin còn có một động thái đặc biệt là Nga và Trung Quốc cần hợp tác chặt chẽ hơn trong nền chính trị toàn cầu để đáp trả áp lực ngày càng gay gắt từ phía Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Vừa qua, Nga và Trung Quốc đã sử dụng quyền phủ quyết đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria do các nước phương Tây đề xuất. Giới phân tích nhận định, hành động phủ quyết vừa qua của Nga và Trung Quốc đối với Dự thảo Nghị quyết về Syria đã chặn đứng được nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông. Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng đặc biệt lo ngại về kế hoạch của Mỹ xúc tiến xây dựng lá chắn tên lửa không chỉ ở khu vực châu Âu mà còn trên phạm vi toàn cầu, cũng như kế hoạch của Mỹ thực hiện “Chiến lược Trung Á Lớn”. Có thể thấy, lúc này sự thống nhất hay mâu thuẫn giữa Nga và Trung Quốc trong nhiều vấn đề toàn cầu sẽ có tác động rất lớn tới cục diện chính trị quốc tế.
Chuyển biến mới quan trọng trong quan hệ Nga - Trung Quốc
Chủ đề dầu mỏ và khí đốt luôn là tiêu điểm trong quan hệ Nga - Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga V.Putin lần này, ý nghĩa của chủ đề này không được đặt lên hàng đầu. Đại diện của phái đoàn Nga nhấn mạnh một mục đích khác của chuyến thăm là ký kết “Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa kinh tế”. Hiệp định này chứng tỏ, phía Nga đã có cách nhìn nhận khác và sự đánh giá lại về khả năng của Trung Quốc cũng như vai trò của Trung Quốc trong sự phát triển toàn cầu.
Từ trước đến nay, Nga vẫn coi Mỹ và các nước phát triển ở châu Âu là nguồn công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa nền kinh tế Nga, trong khi đó lại có thái độ dè dặt đối với trình độ phát triển công nghệ và công nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay tình thế đã đổi khác. Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa kinh tế vừa ký giữa Nga và Trung Quốc là một văn kiện tương tự như “Chương trình đối tác để hiện đại hóa giữa Nga và EU". Hai bên đã từng thỏa thuận nội dung của Hiệp định này trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga D. Medvedev hồi tháng 9-2010. Phía Trung Quốc cũng rất quan tâm đến hiệp định này và cũng đã có đề xuất về một chương trình đối tác để hiện đại hóa nền kinh tế Nga tương tự như “Chương trình đối tác để hiện đại hóa giữa Nga và EU".
Hai nước Nga và Trung Quốc có nhiều triển vọng hợp tác theo hướng hiện đại hóa bởi Nga vẫn đứng đầu trong sự phát triển năng lượng nguyên tử, vũ trụ và công nghiệp chế tạo máy bay, còn Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng đường sắt cao tốc, đóng tàu, sản xuất các thiết bị năng lượng tái sinh và năng lượng thay thế. Đối với Nga, điều chủ yếu là học tập được nhiều kinh nghiệm của Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa bởi Bắc Kinh đã đạt được kết quả thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này và đã được thế giới công nhận. Hiện nay, với tiềm lực kinh tế và tài chính của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc đầu từ để hiện đại hóa nền kinh tế Nga.
Hiệp định liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa kinh tế sẽ khẳng định về mặt thể chế của mô hình hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc, theo đó Nga sẽ xuất khẩu tài nguyên năng lượng sang Trung Quốc và nhập các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc. Trong quá trình chuyến thăm này hai bên đã nêu ra những con số ấn tượng về trao đổi thương mại. Năm 2010, trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt 59 tỉ USD, năm 2011 sẽ tăng lên đến 70 tỉ USD, thậm chí là 80 tỉ USD. Trung Quốc dự kiến tăng khối lượng trao đổi thương mại với Nga lên đến 100 tỉ USD vào năm 2015 và 200 tỉ vào năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Phát triển kinh tế Nga thì trong những năm gần đây hơn 70% giá trị xuất khẩu tài nguyên của Nga sang Trung Quốc. Còn tỷ phần máy móc các thiết bị chỉ chiếm 5%. Trong khi đó, một nửa khối lượng xuất khẩu Trung Quốc sang Nga là sản phẩm chế tạo máy. Theo con số năm 2008, xuất khẩu sản phẩm chế tạo máy từ Trung Quốc sang Nga đã tăng 20 lần.
Hiện nay đã có sự thay đổi trong cơ cấu thương mại hai chiều giữa Nga và Trung Quốc. Vì thế, kết quả quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga V.Putin là hai bên xác định nội dung hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa công nghệ. Thủ tướng Nga V.Putin có ý định mở rộng mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc vượt ra khỏi khuôn khổ hợp tác về năng lượng và quyết định ký kết các hiệp định mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khai thác mỏ đến nghiên cứu vũ trụ với trị giá lên tới 7 tỉ USD. Trong cuộc đàm phán vừa qua, các bên đã quyết định hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo máy bay, công nghệ nano, công nghệ sinh học, tin học, y tế. Trả lời phỏng vấn các nhà báo Trung Quốc, Thủ tướng Nga V.Putin cho biết, Nga và Trung Quốc sẽ phối hợp nỗ lực để chế tạo máy bay chở khách thân rộng mà hai bên sẽ phối hợp tiềm năng tài chính và công nghệ.
Vấn đề hợp tác trong lĩnh vực dầu khí cũng là một nội dung quan trọng của chuyến thăm. Nga và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về điều chỉnh giá dầu mỏ và khí đốt của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trên cơ sở cơ chế thị trường. Từ trước đến nay hai bên vẫn còn có mâu thuẫn trong việc xác định giá. Phía Trung Quốc tìm mọi cách để hạ giá năng lượng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc. Trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga V.Putin, hai bên đã đạt được thỏa thuận, theo đó Tập đoàn Năng lượng dầu mỏ của Nga “Rosnefti” và Tập đoàn CNPC của Trung Quốc sẽ thành lập hội đồng quản trị của một xí nghiệp liên doanh mang tên "Hóa dầu mỏ phương Đông" để thực hiện đề án xây dựng một nhà máy sản xuất - khoa học ở Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực hóa - dầu, chế biến các loại dầu cơ bản và xuất khẩu sản phẩm chế biến dầu mỏ. Nhà máy này sẽ xử lý 13 triệu tấn dầu mỏ trong một năm, trong đó có khoảng 9 triệu tấn nhập khẩu từ Nga.
Trong lĩnh vực khí đốt, hai bên đang nỗ lực thống nhất một quan điểm còn có mâu thuẫn. Nga và Trung Quốc đã gần kết thúc các cuộc đàm phán về điều kiện cung cấp khí đốt và thỏa thuận về giá. Có thể thấy, mâu thuẫn về giá là một vấn đề cực kỳ phức tạp nhưng lãnh đạo hai nước nhận thấy có thể giải quyết được. Trong năm 2011 diễn ra một sự kiện khá quan trọng là 30 năm ký kết hợp đồng về việc Nga cung cấp khí đốt sang Trung Quốc với 68 tỉ m3 khí đốt trong một năm. Đây không chỉ là một con số có ấn tượng mà còn mở ra triển vọng Nga sẽ mở rộng thị trường khí đốt ở Trung Quốc và trên toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, trong các cuộc đàm phán lần này, Thủ tướng Nga V.Putin đã đề cập đến việc Trung Quốc tạo điều kiện để Tập đoàn Khí đốt “Gazprom” của Nga triển khai kinh doanh ngay trên thị trường nội địa của Trung Quốc bởi Nga không chấp nhận chỉ xuất khẩu khí đốt qua biên giới. Đó là những thay đổi quan trọng khi các bên nỗ lực thực hiện "Chương trình khí đốt phương Đông". Đây là chương trình có tầm quan trọng quốc gia đối với cả Nga và Trung Quốc, thể hiện xu hướng chuyển dịch về phía đông trong chính sách đối ngoại của Nga.
Với những kết quả đạt được, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Nga V.Putin được giới phân tích đánh giá như là bước chạy “rốt-đa” chính sách đối ngoại của ông chủ mới của Điện Kremlin sau cuộc bầu cử tổng thống Nga vào đầu năm 2012./.
Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội về tình hình kinh tế- xã hội năm 2011, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 và 5 năm 2011-2015  (20/10/2011)
Thủ tướng báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 2011  (20/10/2011)
Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII  (20/10/2011)
EU điều chỉnh chính sách nông nghiệp chung và hợp tác phát triển  (20/10/2011)
Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng Lý luận Trung ương  (20/10/2011)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển