Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười cho thấy rõ hai nội dung đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong vấn đề cơ bản của cách mạng - vấn đề chính quyền nhà nước. Đó là, việc giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động; và việc xây dựng, củng cố chính quyền đó để tổ chức, quản lý, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Hai nội dung cơ bản này quan hệ chặt chẽ với nhau trong tiến trình cách mạng vô sản.
Ngày 7 tháng 11 năm 1917, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thành công. Đó là cuộc cách mạng vạch thời đại, là kết quả tất yếu của những mâu thuẫn thời đại đầu thế kỷ XX, của quy luật vận động và phát triển khách quan của lịch sử xã hội loài người. Cách mạng Tháng Mười không phải là cuộc cách mạng thay đổi chế độ bóc lột này bằng chế độ bóc lột khác; mà là cuộc cách mạng nhằm thủ tiêu chế độ bóc lột, áp bức, bất công cuối cùng trong lịch sử - chế độ tư bản chủ nghĩa, mở đường cho nhân loại đi tới tương lai; là cuộc cách mạng đưa nhân dân lao động lên làm chủ, thay đổi căn bản địa vị của họ trong xã hội.
1. Thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga đã dẫn đến sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, Nhà nước Xô-viết. Sự ra đời Nhà nước Xô-viết là thành tựu vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười, là sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào nước Nga, mà trực tiếp là lý luận Mác - Lê-nin về chính quyền nhà nước trong cách mạng xã hội, lý luận về vấn đề nhà nước chuyên chính vô sản trong cách mạng vô sản.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười cho thấy rõ hai nội dung đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong vấn đề cơ bản của cách mạng - vấn đề chính quyền nhà nước. Đó là, việc giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động; và việc xây dựng, củng cố chính quyền đó để tổ chức, quản lý, xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới - chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Hai nội dung cơ bản này quan hệ chặt chẽ với nhau trong tiến trình cách mạng vô sản. Không thực hiện được nội dung thứ nhất, thì không có nội dung thứ hai; đồng thời không thực hiện tốt nội dung thứ hai thì ý nghĩa thực sự của cách mạng sẽ bị suy giảm, thậm chí dẫn đến thủ tiêu những thành quả của việc thực hiện nội dung thứ nhất.
Vấn đề cơ bản đầu tiên của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền nhà nước. Cuộc cách mạng vô sản không phải là ngoại lệ. Thế nhưng, cách mạng vô sản so với các cuộc cách mạng do giai cấp bóc lột tiến hành có sự khác nhau căn bản về bản chất và mục đích. Đó là sự khác nhau ở nội dung của câu trả lời cho vấn đề: nhà nước thuộc về ai, do ai nắm quyền; việc giành chính quyền mới chỉ là bước đầu, vấn đề khó khăn và phức tạp hơn đối với giai cấp công nhân là bảo vệ, xây dựng chính quyền nhà nước, sử dụng chính quyền ấy để tổ chức xây dựng xã hội mới. Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng do giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân. Mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng là nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp bóc lột, giành chính quyền về tay nhân dân lao động, sử dụng chính quyền ấy để tổ chức xây dựng xã hội mới, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là một cuộc cách mạng mang mục tiêu và nhiệm vụ như thế. Nó mãi mãi đi vào lịch sử thế giới như là cuộc cách mạng sản sinh ra nhà nước đầu tiên của những người lao động bị áp bức, bóc lột. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động từ thân phận bị nô lệ, bị áp bức bóc lột vươn lên làm chủ, giành chính quyền về tay mình, đứng ra tổ chức xây dựng xã hội mới. Giành chính quyền về tay mình là giai cấp công nhân đã trở thành giai cấp dân tộc, “trở thành dân tộc” như cách diễn đạt của C.Mác và Ph.Ăng-ghen trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản cách đây hơn một thế kỷ rưỡi.
Sự ra đời của nhà nước Xô-viết là thành quả trực tiếp của bạo lực vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng công nông và lao động Nga, dưới sự lãnh đạo của V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga. Đó là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về nhà nước vô sản, rằng giai cấp công nhân và nhân dân lao động không thể sử dụng nhà nước cũ của giai cấp tư sản, mà là phải sử dụng sức mạnh bạo lực cách mạng “đập tan nhà nước tư sản”, đó là tất yếu khách quan; rằng, giai cấp công nhân phải thiết lập sự thống trị về chính trị, tổ chức ra nhà nước của mình, nhà nước chuyên chính vô sản.
Khí thế hào hùng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là khí thế hào hùng của tinh thần cách mạng quật khởi của công nông và binh lính, của các tầng lớp nhân dân lao động Nga, đứng lên phá bỏ mọi áp bức, bóc lột, giành chính quyền cho nhân dân lao động. Sự phát triển tất nhiên của cuộc cách mạng như thế là quyền lực chính trị - xã hội thuộc về nhân dân lao động, quyền lực đó được biểu hiện tập trung ở nhà nước. Luận đề dân là chủ, quyền làm chủ đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga mới thực sự có ý nghĩa từ đây và trở thành mệnh đề có sức hấp dẫn, nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân loại tiến bộ trên con đường đấu tranh nhằm xoá bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công, vì tự do, hạnh phúc của mình.
2. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga không kết thúc bằng việc giành chính quyền vào tay vô sản và lao động, mà đó mới chỉ là sự mở đầu. Công việc cơ bản và quan trọng của cách mạng là xây dựng chính quyền mới, củng cố và sử dụng chính quyền ấy vào việc tổ chức, cai quản và xây dựng chế độ xã hội mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho quảng đại quần chúng nhân dân lao động.
Sau khi Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười thành công, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giai cấp công nhân, nông dân và lao động Nga là phải đập tan hoàn toàn bộ máy nhà nước cũ của giai cấp tư sản và địa chủ; khẩn trương xây dựng bộ máy nhà nước mới của những người lao động, làm cho nhà nước thực sự là “trụ cột” của hệ thống chính trị, là “công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân”. Giai cấp công nhân, nông dân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga đã khẩn trương tiến hành xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước. Nhà nước đó được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, có chức năng thể chế hoá quan điểm chính trị của Đảng và tổ chức thực hiện thắng lợi những quan điểm ấy; mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đều xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân.
Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề củng cố chính quyền xô viết, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa thực sự trong sạch, vững mạnh thực hiện chức năng quản lý và tổ chức xây dựng xã hội mới. Chính quyền xô viết đã ban hành hàng loạt các đạo luật và sắc lệnh, hệ thống chính trị - nhà nước xô viết từ Trung ương đến địa phương được khẩn trương xây dựng. V.I.Lê-nin yêu cầu phải xây dựng hệ thống tổ chức nhà nước, xây dựng các cơ quan trong bộ máy nhà nước thực sự vững mạnh, hoạt động có hiệu quả với một cơ chế rõ ràng. Đồng thời, đòi hỏi phải xây dựng được những “nhân liệu”, những công chức của bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự gương mẫu “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng. Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”[1]. V.I.Lênin chỉ rõ, trong xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng, kiên quyết “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người, và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra”[2]. Bởi vì, theo Người: “Hiện tượng thiếu trách nhiệm, lấy cớ là lãnh đạo tập thể, đó là một tác hại nguy hiểm nhất”[3], tạo kẽ hở cho kẻ xấu “buông câu trong đám nước đục”. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, cho đến ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự đối với chúng ta trong việc xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, và phát huy vai trò của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính quyền nhà nước, bao gồm cả việc đập tan bộ máy nhà nước cũ, giành chính quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động; và cả việc xây dựng, củng cố chính quyền để tổ chức quản lý và xây dựng xã hội mới đã được Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười kiểm nghiệm và minh chứng sinh động trong thực tiễn cách mạng.
3. Cách mạng Tháng Mười là “một kinh nghiệm quốc tế rất phong phú chứng thực hiển nhiên rằng một số đặc điểm cơ bản của cuộc cách mạng của ta không phải chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt - dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga mà có ý nghĩa quốc tế”[4], V.I.Lê-nin từng nhận định như vậy. Những bài học của Cách mạng Tháng Mười là những bài học mang tính quốc tế sâu sắc. Ở đây tập trung làm rõ hai bài học cụ thể có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong vấn đề chính quyền nhà nước:
Thứ nhất, bài học về thực thi dân chủ của chính quyền mới.
Bản chất và giá trị nhân văn của Cách mạng Tháng Mười là ở chỗ, đó là cuộc cách mạng do nhân dân lao động tiến hành, đưa nhân dân lao động lên làm chủ, đứng ra tổ chức, cai quản và xây dựng xã hội mới. Trong lịch sử xã hội loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào như thế. Đó là một giá trị đích thực và ý nghĩa sâu xa mà Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười đã đem lại đối với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới. Cách mạng Tháng Mười mở ra thời đại mới, thời đại thực hiện quyền làm chủ trên thực tế của những người lao động; thời đại phá bỏ, giải phóng dần những trở lực, những áp bức, nô dịch trói buộc con người.
Nhân dân lao động làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; quyền làm chủ ấy không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng được thể hiện sinh động trong cuộc sống hàng ngày. Đó là bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, thể hiện tư tưởng vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Theo V.I.Lê-nin, dân chủ bao giờ cũng gắn liền với vấn đề nhà nước, với vấn đề chuyên chính, là vấn đề mang tính giai cấp sâu sắc, không thể có thứ dân chủ chung chung, đứng trên mọi giai cấp.
Quá trình thực thi dân chủ ở Liên Xô hơn qua hơn bảy thập kỷ tồn tại cho thấy, sự thắng lợi hoặc thất bại của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phụ thuộc rất quyết định vào việc Đảng Cộng sản xây dựng và thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ra sao và như thế nào. Thực hành dân chủ phải trên cơ sở nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu bảo đảm tính đúng hướng, tính giai cấp của quá trình dân chủ hoá, phản ánh rõ mục đích của việc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa là đảm bảo sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Xa rời những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội thì việc dân chủ hoá sẽ trượt sang quỹ đạo khác, trượt sang dân chủ phi xã hội chủ nghĩa; và đồng nghĩa với việc thủ tiêu chủ nghĩa xã hội. Trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản đối với xã hội - đó vừa là nguyên tắc, vừa là động lực, vừa là mục đích của việc thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa, mà cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân xô-viết đã chứng thực sinh động.
Vi phạm dân chủ, thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc đều là trái với lý tưởng của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường, gây tổn thất cho cách mạng. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã để lại một bài học đau xót và hết sức thấm thía về sự mất cảnh giác của Đảng Cộng sản Liên xô và Nhà nước Xô-viết trước âm mưu, thủ đoạn và các đòn tiến công quyết liệt của các thế lực thù địch; về việc vi phạm dân chủ và thực thi dân chủ sai nguyên tắc. Chính những đơn thuốc “công khai hoá”, “dân chủ hoá”, “tư duy chính trị mới”, “đa nguyên chính trị” mà ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên xô đưa ra trong thời gian cải tổ đã tạo “thời cơ”, điều kiện cho các thế lực thù địch ráo riết hơn, quyết liệt hơn trong âm mưu thủ tiêu chế độ xô viết.
Thứ hai, bài học về chính quyền cách mạng phải biết tự bảo vệ.
Giành chính quyền đã khó, nhưng giữ chính quyền còn khó hơn. Luận điểm mác-xít cơ bản này cần phải được nhận thức sâu sắc hơn trong điều kiện lịch sử mới. Ở đây, vấn đề “giữ chính quyền” không chỉ thuần tuý là chống những hành động và mưu toan phá hoại của thù trong, giặc ngoài, mà còn cần phải hiểu theo nghĩa rộng lớn hơn, đó là xây dựng và sử dụng chính quyền đó để kiến tạo một xã hội mới trong suốt tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giữ chính quyền “còn khó hơn”, thì việc sử dụng chính quyền để xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa còn là vấn đề khó hơn nhiều. Trong quá trình đó, Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động không thể “mải mê” xây dựng chế độ xã hội mới mà buông lỏng việc bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả của mình, dẫn đến mất cảnh giác.
Đổi mới, phát triển đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhưng không khi nào được lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Vấn đề có ý nghĩa sống còn này cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Thực tế lịch sử phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới đòi hỏi những người cộng sản, các nước xã hội chủ nghĩa phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức sâu sắc bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ. Không có ý thức cao trong bảo vệ, không biết tự bảo vệ, thì đó là nguy cơ to lớn đối với chính sự tồn vong của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Lịch sử thế giới sau Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh rõ ý nghĩa thực sự của bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ. Đó là sự can thiệp vũ trang của các nước đế quốc hòng bóp chết chính quyền xô viết non trẻ; đó là việc bao vây phá hoại Liên Xô của chủ nghĩa đế quốc; đó là cuộc tiến công của chủ nghĩa phát-xít hòng tiêu diệt Liên Xô; đó là việc tiến hành “chiến tranh lạnh” của các thế lực đế quốc, phản động nhằm làm suy yếu tiến tới làm sụp đổ Liên Xô; đó là những cuộc chiến tranh chống các nước xã hội chủ nghĩa; những âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chống chủ nghĩa xã hội và các Đảng Cộng sản.
Để có thể tự bảo vệ, những vấn đề: xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, ngang tầm với nhiệm vụ; xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; tuyệt đối trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin; kiên định những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển... là những vấn đề rất cơ bản, đặc biệt hệ trọng của Đảng Cộng sản, Nhà nước xã hội chủ nghĩa, của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc. Sự thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười; sự tồn tại, phát triển và tan vỡ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đã chứng minh tính đúng đắn và hết sức nóng hổi của luận điểm nổi tiếng của V.I.Lê-nin về cách mạng phải biết tự bảo vệ: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”[5].
Cuộc sống ngày càng chứng tỏ rằng, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử xã hội loài người, với cả tầm vóc, quy mô và ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của nó; đó là kho tàng kinh nghiệm phổ biến, mang tính quốc tế sâu sắc, vô tận và hết sức quý giá, càng lùi xa về lịch sử lại càng chói sáng. Đứng ở trung tâm thời đại, giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó là Đảng Cộng sản phải chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân mình và trước vận mệnh nhân loại để không ngừng củng cố và mở rộng các lực lượng cách mạng, có đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo, giành thắng lợi từng bước cho chủ nghĩa xã hội. Đó là ý nghĩa thực tiễn to lớn của việc nhận thức, luận giải ý nghĩa và những giá trị lớn lao của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga trong điều kiện lịch sử mới.
[1] V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 44, Nxb TB, M. 1978, tr. 608
[2] V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 45, Nxb TB, M. 1978, tr. 181
[3] V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 39, Nxb TB, M. 1978, tr. 53
[4] V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 3
[5] V.I.Lê-nin, toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1979, tập 42, tr. 311
Cách mạng Tháng Mười: vấn đề chính quyền nhà nước và bài học cơ bản  (30/10/2007)
Củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Triều Tiên  (30/10/2007)
Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Trung Quốc  (28/10/2007)
Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh tiếp Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Yêng In  (28/10/2007)
Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Thủ tướng Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên hội đàm  (28/10/2007)
Cà Mau - kinh tế thủy sản tự tin “bơi trên biển lớn”  (26/10/2007)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay