Với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 650 triệu USD năm 2007 và hướng đến con số 1 tỉ USD vào năm 2010, Cà Mau trở thành tỉnh có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, một trong những lá cờ đầu về phát triển kinh tế thủy sản trên cả nước.

1. Chủ động “bơi trên biển lớn”

Thủy sản Cà Mau đã có thời gian hơn 20 năm “bơi trên biển lớn” nhờ sớm đương đầu với cơ chế thị trường bằng những sản phẩm hàng hóa chất lượng, uy tín được thế giới công nhận.

Năm 2001, Cà Mau thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông - ngư - lâm nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp và thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tổng sản lượng thủy sản 6 năm (2001 - 2006) đạt 1,428 triệu tấn, tăng bình quân 5,62%/năm. Giá trị tăng thêm của ngành thủy sản tăng bình quân 12,63%/năm và giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trong cơ cấu các ngành ngư - nông - lâm nghiệp tăng từ 55% năm 2000 lên 70% năm 2006. Dự kiến năm 2007, Cà Mau nâng tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản khoảng 300.000 tấn, hàng thủy sản chế biến trên dưới 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 650 triệu USD và trong 7 tháng đầu năm 2007, các chỉ tiêu này đạt trên 50% kế hoạch năm.

Mặc dù quy mô và hiệu quả sản xuất luân canh lúa - tôm thấp so với dự kiến quy hoạch nhưng đã có nhiều mô hình đa cây, đa con cho hiệu quả kinh tế cao. Phần lớn hộ dân chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm có thu nhập khá hơn trước, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến đúng quy trình kỹ thuật đang được nhân rộng. Công tác khuyến ngư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được chú trọng, dịch vụ phục vụ nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh, nhất là đầu tư sản xuất cung ứng con giống, đáp ứng khoảng 55% nhu cầu thả nuôi của nông dân.

Nghề khai thác biển chuyển dần sang đánh bắt xa bờ, giảm những nghề gây suy kiệt, sát hại nguồn lợi thủy sản. Các công trình hạ tầng nghề cá từng bước được đầu tư. Cà Mau hiện có đoàn tàu cá hơn 3.500 chiếc với tổng công suất 330.000CV, trong đó có khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ, hàng năm khai thác trên dưới 140.000 tấn thủy sản các loại. Toàn tỉnh có 18 doanh nghiệp chế biến thủy sản với 26 nhà máy trực thuộc, tổng công suất hơn 130.000 tấn sản phẩm, trong đó có 22 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản với công suất 101.900 tấn. Hầu hết các nhà máy đã được đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng hóa mặt hàng, chú trọng sản xuất hàng có giá trị gia tăng, từng bước nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hàng hóa thủy sản của Cà Mau có mặt ở hơn 40 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là vào được những thị trường khó tính như: Mỹ, EU… Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 6 năm đạt gần 2,5 tỉ USD.

2. Sẵn sàng cho cuộc hành trình mới

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010, ngành thủy sản Cà Mau tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trước xu thế hội nhập. Kinh tế thủy sản Cà Mau phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến xuất khẩu. Theo đó, xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm cải tiến năng suất cao, cung cấp nguyên liệu sạch cho chế biến xuất khẩu. Trên vùng ngọt hóa việc nuôi cá chình, bống tượng, cá lóc, cá sặc rằn, cá rô đồng... đạt hiệu quả cao. Lĩnh vực khai thác biển có những chuyển biến đáng kể. Để giảm chi phí sản xuất ban đầu, ngư dân trong tỉnh chủ động tổ chức lại sản xuất trên ngư trường, chuyển đổi ngành nghề phù hợp với thực tế khó khăn về nhiên liệu tăng giá, đầu ra sản phẩm tôm biển không ổn định, giá thị trường thấp nhằm hạn chế thua lỗ. Đối với chế biến xuất khẩu, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, tăng năng lực chế biến, sản xuất hàng có giá trị gia tăng. Hiện có 6 cơ sở đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2000, 19 cơ sở được cấp code vào EU, 100% cơ sở đều áp dụng tiêu chuẩn HACCP và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là những điều kiện nội lực để kinh tế thủy sản Cà Mau sẵn sàng cho cuộc hành trình mới “bơi trên biển lớn”.

Tuy nhiên, kinh tế thủy sản Cà Mau sẽ đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và phát sinh nhiều những bất cập. Đó là yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường xuất khẩu thủy sản; yếu tố tự nhiên thời tiết diễn biến bất thường, gây biến động môi trường sống của tôm, dẫn đến thiếu nguyên liệu chế biến cho nhà máy, gây thiệt hại kinh tế cho nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản; việc chuyển dịch đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thời gian qua diễn ra ồ ạt, trong khi đó đầu tư kết cấu hạ tầng không theo kịp nên gần như phá vỡ quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tác động bất lợi đến nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu vốn đầu tư hệ thống thủy lợi, sản xuất con giống chất lượng cao, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành... đang là những vấn đề bức xúc trong phát triển kinh tế thủy sản ở Cà Mau.

3. Những giải pháp

Để đạt mục tiêu 1 tỉ USD vào năm 2010, kinh tế thủy sản Cà Mau phải có những giải pháp phát triển đồng bộ.

Tỉnh Cà Mau xác định: thủy sản tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, con tôm vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010, sản lượng thủy sản khai thác đạt 390.000 tấn, sản lượng chế biến và xuất khẩu trên 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu chiếm 25% chỉ tiêu của cả nước.

- Bên cạnh việc chế biến tôm sú là mặt hàng chủ lực, Cà Mau đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thủy sản khác mà thị trường có yêu cầu, theo hướng tăng cường chế biến hàng giá trị gia tăng, nhằm tăng sản lượng và giá trị trên một đơn vị sản phẩm. Đưa cơ cấu sản phẩm tôm sú từ 68% trong tổng lượng hàng xuất khẩu hiện nay lên 80% và đưa tỷ lệ hàng giá trị gia tăng chiếm trên dưới 70% vào năm 2010.

- Tạo mọi điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng nhà máy, nâng tổng công suất chế biến hàng xuất khẩu thủy sản lên 157.000 tấn/năm vào năm 2009. Tăng cường quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm; bắt buộc áp dụng các chương trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế vào chế biến thủy sản. Coi việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là khâu quyết định để nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.

- Thực hiện đa sản phẩm, đa phương thức mua bán trong chỉ đạo, quản lý và điều hành xuất khẩu thủy sản. Tập trung mạnh vào những thị trường trọng điểm cho những sản phẩm chủ lực và tùy diễn biến của thị trường sẽ có sự điều chỉnh thị phần và phương thức mua bán linh hoạt, phù hợp. Xác định thị trường Mỹ, Nhật, EU là thị trường trọng điểm; thị trường Ốt-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… là thị trường tiềm năng cần vươn tới; chú trọng thị trường trong nước, xem đây là khâu quan trọng thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu. Trên cơ sở đó, khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng đổi mới, hiệu quả và xem đó là khâu quyết định nhằm chuẩn bị thị trường vững chắc cho 1 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào năm 2010. Tạo điều kiện để doanh nghiệp hình thành nhiều phương thức giao hàng, phương thức thanh toán mới, đa dạng, phù hợp với quy luật của thị trường theo hướng vươn ra bên ngoài và đáp ứng luật lệ và nguyên tắc của WTO. Xây dựng thương hiệu cho tôm Cà Mau gắn với tạo điều kiện thuận lợi cho từng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của mình.

- Thực hiện gắn kết doanh nghiệp với người nuôi để xây dựng vùng nuôi bền vững, tạo nguồn nguyên liệu an toàn, ổn định bằng những hình thức thích hợp, gắn nguồn nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ, gắn phát triển nuôi, khai thác với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi trên biển. Xác định tôm sú là đối tượng nuôi chủ lực; áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm để tăng năng suất, sản lượng, kích cỡ tôm sú lớn trên một đơn vị diện tích. Quy hoạch phát triển 11.000 ha nuôi tôm công nghiệp nhằm tăng sản lượng nguyên liệu. Tăng cường quản lý và đảm bảo nguyên liệu tươi tốt, an toàn vệ sinh trước khi đưa vào nhà máy, nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng bền vững trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản.