TCCS - Ngày 12-1-2021, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, kết nối tới 272 điểm cầu (đến các đơn vị cấp 4) trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị_Nguồn: EVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự còn có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.

Về phía EVN có các đồng chí: Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN; Trần Đình Nhân, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc EVN; cùng các thành viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn và lãnh đạo các đơn vị thành viên của Tập đoàn.

Bảo đảm cung cấp đủ điện cho đất nước

Báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết: đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 69.300MW, tăng gần 14.000MW so với năm 2019. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 thế giới.

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2020 là 247,08 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 216,95 tỷ kWh, lần lượt tăng 2,9% và 3,42% so với năm 2019.

Năm 2020, công tác vận hành hệ thống điện có nhiều biến động, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phụ tải điện tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thủy văn diễn biến bất thường, khó dự báo; tỷ trọng các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng ”thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần.

Cũng trong năm qua, thị trường điện đã bảo đảm liên tục, ổn định theo đúng quy định. Từ ngày 1-9-2020, thị trường điện đã được chuyển đổi chu kỳ điều độ - chu kỳ giao dịch xuống 30 phút, góp phần xử lý chính xác và kịp thời các biến động trong vận hành hệ thống.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, Tập đoàn đã nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và đã thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt với tổng số tiền khoảng 12.300 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT).

Công tác dịch vụ khách hàng được nâng cao, đã cung cấp 12/12 dịch vụ điện và chiếm trên 77% giao dịch qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Trong công tác đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, đặc biệt khu vực chưa có điện, các đơn vị của EVN đã chủ động thu xếp vốn với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng để cấp điện cho gần 14.000 hộ dân chưa có điện thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Kon Tum, Bạc Liêu,...

Về cấp điện hải đảo, trong năm, các tổng công ty điện lực đã hoàn thành các dự án cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm cho xã đảo Nhơn Châu (Bình Định), đảo Trần (Quảng Ninh); triển khai dự án cấp điện cho huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) và tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cấp điện tại huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tính đến cuối năm 2020, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,54%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,3%.

Từ phải qua trái: Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Dương Quang Thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cùng chủ trì hội nghị_Nguồn: EVN

“Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”

Đây là chủ đề năm 2021 của EVN, với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động của Tập đoàn; tích hợp công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp với quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Qua đó, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng khách hàng. Phấn đấu đến hết năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.

Thực hiện kế hoạch này, Tập đoàn sẽ triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số cho lãnh đạo Tập đoàn và các đơn vị; cán bộ quản lý các cấp; chuyên gia và cán bộ kỹ thuật; người lao động,...

Xây dựng và hoàn thiện lại quy trình quản lý kỹ thuật theo hướng sử dụng các thiết bị điện tử thông minh; tin học hóa trong sửa chữa theo phương pháp RCM cho các nhà máy điện; xây dựng và thử nghiệm quy trình quản lý tối ưu nhiên liệu; nghiên cứu và đưa ra yêu cầu số hóa tổng thể cho một nhà máy nhiệt điện than; thống nhất các nguồn dữ liệu, tích hợp thông tin từ các hệ thống phần mềm khác (CMIS, ERP, HRMS, ĐTXD).

Chuẩn hóa, đơn giản và hoàn thiện các quy trình, quy định hiện tại theo hướng dễ dàng số hóa; xây dựng ứng dụng di động phục vụ khách hàng tìm kiếm các thông tin về dịch vụ điện; xây dựng các chính sách chăm sóc và khuyến khích khách hàng tham gia các hoạt động chuyển đổi của EVN.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, Tập đoàn hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ. Ban hành tiêu chí đánh giá về mức độ ứng dụng công nghệ trong hoạt động đầu tư xây dựng. Hoàn thành nâng cấp và hoàn thiện phần mềm đầu tư xây dựng phiên bản 2.0, áp dụng công nghệ AI nhận diện khuôn mặt trong công tác giám sát thi công, tích hợp các hệ thống giám sát thông minh tại công trường...

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, EVN hiệu chỉnh, ban hành các quy trình thủ tục nội bộ phục vụ cá nhân hóa thông tin; hoàn thiện quy trình cập nhật và ứng dụng các tiện ích văn phòng; xây dựng quy trình phù hợp với xu hướng quản trị mới./.

Một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2021 của EVN:

- Điện thương phẩm: 228,156 tỷ kWh, tăng 5,16% so với năm 2020;

- Chỉ tiêu độ tin cậy cung cấp điện: chỉ số SAIDI thấp hơn 349 phút;

- Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: dưới 6,35%;

- Chỉ số tiếp cận điện năng: duy trì vị trí trong ASEAN 4;

- Tổng giá trị đầu tư xây dựng: 97.124 tỷ đồng;

- Bảo toàn và phát triển vốn; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kinh doanh có lợi nhuận.