Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
TCCS - Ngày 10-1-2021, tại Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức. Đây cũng là công trình của Tập đoàn chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng dự Lễ khởi công còn có Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có các đồng chí: Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn; Trần Đình Nhân, Tổng Giám đốc Tập đoàn; các thành viên Hội đồng thành viên cùng các phó tổng giám đốc Tập đoàn.
Theo Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân, Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Hòa Bình đến nay vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống điện quốc gia. Mục tiêu của EVN khi đầu tư xây dựng NMTĐ Hòa Bình mở rộng là để tăng khả năng khai thác công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành với công suất lớn trong thời gian qua. Đồng thời, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hằng năm vào mùa lũ của công trình hiện hữu, nâng cao khả năng điều tần, độ an toàn, ổn định và hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.
Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 389/TTg-CN, ngày 11-4-2018. Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt, có 2 tổ máy với tổng công suất thiết kế 480MW, được xây dựng trên dòng chính sông Đà trong địa phận thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).
Dự án nằm bên bờ phải tuyến đập thủy điện Hòa Bình hiện hữu thuộc địa bàn phường Phương Lâm, cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình. Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ sử dụng chung các hạng mục hồ chứa, đập dâng, đập tràn với công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện nay. Phần xây dựng mới bao gồm các hạng mục: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy. Tổng diện tích sử dụng đất của công trình là 99,62ha, trong đó có 69,3ha là diện tích sử dụng đất tạm thời phục vụ việc thi công xây dựng dự án.
“EVN đã tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp chính theo đúng quy định và ký hợp đồng với liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Bộ Quốc phòng, Công ty Cổ phần Xây dựng 47, Công ty Cổ phần Lilama 10. Đây đều là những đơn vị thi công thuỷ điện có kinh nghiệm, trong đó Trường Sơn, Lilama 10 đã tham gia xây dựng và trưởng thành từ công trình thủy điện Hòa Bình trước đây, tham gia xây dựng thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu. Tại thời điểm này, các điều kiện cần thiết để khởi công công trình đã được hoàn thành theo đúng quy định”, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết.
Phát biểu tại Lễ khởi công, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương của EVN trong việc tổ chức các công việc chuẩn bị đầu tư, lập và phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng công trình, thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông…
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao và biểu dương Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường,..., đã tổ chức thẩm tra, phê duyệt, chỉ đạo để EVN hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình đúng pháp luật hiện hành, bảo đảm an toàn, hiệu quả, không làm ảnh hưởng môi trường. Thủ tướng biểu dương Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và các cấp chính quyền địa phương đã phối hợp, giúp đỡ EVN trong công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm giao thông.
Nhiệm vụ quan trọng của EVN là phải bảo đảm chủ động cung ứng đủ điện cho nền kinh tế với chất lượng tốt, không được để thiếu điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ cho EVN ngay sau khi khởi công Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị/nhà thầu xây dựng công trình trong việc tổ chức điều hành xây dựng công trình bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, đạt hiệu quả cao, hạn chế ảnh hưởng môi trường.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hoà Bình tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hoà Bình,... hoàn thành toàn bộ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong tháng 1-2021 để bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho EVN (chủ đầu tư) thi công công trình; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các nhà thầu thi công để bảo đảm an ninh trật tự; an toàn giao thông,..., trong suốt quá trình thi công để bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục chuẩn bị đầu tư và xây dựng các dự án nguồn điện thuộc các Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, Ô Môn và Dung Quất để các dự án này sớm được triển khai xây dựng.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Lễ khởi công Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là một hành động thiết thực của EVN và các đơn vị trên công trường lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong những năm sắp tới, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo ra chuyển biến tích cực, tiếp tục giữ vững tăng trưởng kinh tế. Chính phủ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân, đồng thời với việc chống dịch bệnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Ngay sau dự Lễ khởi công Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã thăm và động viên cán bộ, công nhân viên Nhà máy thủy điện Hòa Bình (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam).
Nhà máy thủy điện Hòa Bình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng từ năm 1979, hòa lưới tổ máy số 1 vào cuối năm 1988. Nhà máy có 8 tổ máy vận hành với tổng công suất lắp đặt là 1.920MW.
Đây là công trình thủy điện lớn thứ 2 ở Việt Nam và cũng là một trong các công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Thủy điện Hòa Bình cũng được đảm nhận vai trò chính trong việc điều chỉnh tần số và điện áp của hệ thống điện quốc gia.
Qua hơn 30 năm vận hành, Nhà máy thủy điện Hòa Bình vẫn đóng vai trò là nguồn điện chủ lực của hệ thống điện Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình Nguyễn Văn Minh, báo cáo Thủ tướng và đoàn công tác.
Từ năm 2010 trở lại đây, sau khi các bậc thang thủy điện lớn phía trên lần lượt đưa vào vận hành (thủy điện Sơn La, Lai Châu), sản lượng điện phát của thủy điện Hòa Bình xấp xỉ 10,1 tỷ kWh/năm, tăng 24,2% so với sản lượng thiết kế ban đầu. Riêng năm 2017, nhà máy phát điện đạt tới 11,25 tỷ kWh. Từ thời điểm thành lập và đi vào vận hành đến nay, tổng sản lượng điện sản xuất lũy kế đã đạt gần 250 tỷ kWh.
Nhà máy thủy điện Hòa Bình luôn phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu. Hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du. Việc vận hành, điều tiết hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình với dung tích trên 9 tỷ m3 đã giúp cho vùng đồng bằng Bắc Bộ cơ bản không còn xảy ra tình trạng ngập lụt.
Cùng với nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.
Lượng nước xả từ hồ Hòa Bình phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhiều tỉnh thành ở đồng bằng Bắc Bộ chiếm khoảng 65% - 70% tổng lượng xả từ tất cả các hồ thủy điện lớn ở phía bắc. Không chỉ vậy, trong suốt mùa cạn, nhà máy thực hiện phương thức phát điện duy trì dòng chảy tối thiểu luôn lớn hơn dòng chảy tự nhiên để nâng mức nước hạ lưu thêm từ 0,6m - 2,5m, giúp cho các phương tiện thủy trên sông Đà và sông Hồng lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện kết nối giao thương giữa khu vực miền núi Tây Bắc với Đông Bắc Bộ thuận tiện hơn.
Công ty thủy điện Hòa Bình còn đóng góp nguồn kinh phí đáng kể vào ngân sách của nhà nước và địa phương. Những năm gần đây, công ty đã nộp ngân sách cho tỉnh Hòa Bình 1.000 - 1.400 tỷ đồng/năm.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tích đã đạt được của tập thể cán bộ Công ty thủy điện Hòa Bình trong các nhiệm vụ sản xuất điện, chống lũ, tưới tiêu,..., Công ty đã đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.
Thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Công ty thủy điện Hòa Bình cùng với tỉnh Hòa Bình, thực hiện thắng lợi các kế hoạch đã đề ra. Công ty quản lý vận hành nhà máy an toàn, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động; đổi mới doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng 2 tổ máy của Dự án mở rộng NMTĐ Hòa Bình theo kế hoạch.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng:
- Chủ đầu tư: Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Đại diện chủ đầu tư quản lý, điều hành Dự án: Ban Quản lý dự án Điện 1;
- Tư vấn thiết kế dự án: Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1;
- Tổng mức đầu tư: 9220,83 tỷ đồng;
- Tổng công suất đặt 480MW (2x240MW);
- Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm;
- Dự kiến phát điện tổ máy 1: Quý III năm 2024;
- Dự kiến phát điện tổ máy 2 và hoàn thành công trình: quý IV năm 2024.
Nhìn lại đại hội đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: Kết quả đạt được và một số bài học kinh nghiệm  (10/01/2021)
Năm 2020, Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện  (04/01/2021)
Chương trình "Sáng kiến vì cộng đồng" lần thứ III năm 2020: Tôn vinh 20 sáng kiến vì cộng đồng  (27/12/2020)
Tôn vinh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp vì cộng đồng  (25/12/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển