Vai trò của Bộ Phương Đông với cách mạng châu Á
TCCSĐT - Năm nay, nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Cộng sản - Quốc tế III - ra đời và khẳng định những giá trị đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong đó, vai trò của Bộ Phương Đông đối với châu Á là rất quan trọng, góp phần giúp các dân tộc thuộc địa ở châu Á vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX.
Vài nét về Bộ Phương Đông
Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Tiền thân là Hội đồng Tuyên truyền các dân tộc phương Đông, được thành lập theo quyết định ngày 07-9-1920 của Đại hội I các dân tộc phương Đông họp ở Bacu (Azerbaijan thuộc Liên Xô cũ) do Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản triệu tập. Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản gồm hai bộ phận phụ trách hai khu vực là Trung Đông và Viễn Đông (bao gồm Đông Dương). Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản có trách nhiệm nắm tình hình chính trị và chỉ đạo phong trào cộng sản của các nước thuộc hai khu vực này, nhằm thực hiện những nghị quyết của Quốc tế Cộng sản.
Trải qua gần một phần tư thế kỷ hoạt động (1919 - 1943), Quốc tế Cộng sản do V.I. Lê-nin sáng lập và lãnh đạo đã không ngừng đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp vô sản và nhân dân lao động tất cả các nước, vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội, thực sự là một tổ chức cách mạng rộng lớn nhất, là một Đảng Cộng sản thế giới.
Trước hết, chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng, lịch sử ra đời và tồn tại của Quốc tế Cộng sản đồng thời là lịch sử của cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ để khẳng định, bảo vệ và phát huy những giá trị của học thuyết Mác trong thực tiễn. Trong 24 năm tồn tại, phát triển, Quốc tế Cộng sản đã tổ chức 07 kỳ đại hội. Qua mỗi kỳ đại hội, cuộc đấu tranh cách mạng trên thế giới theo con đường mà C. Mác và V.I. Lê-nin vạch ra ngày càng trưởng thành, tiến bộ; một loạt đảng cộng sản, đảng công nhân ở nhiều nước đã ra đời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển ở mỗi nước, trong đó nổi bật nhất là cách mạng ở châu Á. Quốc tế Cộng sản chỉ đạo và giúp đỡ việc thành lập đảng cộng sản theo kiểu mới ở nhiều nước, xác định đường lối chiến lược và sách lược cho phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc. Quốc tế Cộng sản đã phát triển toàn diện vấn đề dân tộc, thuộc địa, trên cơ sở đó vạch ra con đường đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, chỉ ra sự cần thiết phối hợp hành động giữa cách mạng vô sản thế giới với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mà trước hết là các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á. Trong đó, Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản có vai trò cơ bản mang tính quyết định đối với sự vận động và phát triển cách mạng ở châu lục này.
Truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý luận về giải phóng dân tộc, thuộc địa, thành lập các đảng cộng sản, công nhân và đào tạo cán bộ cho cách mạng ở châu Á
Ngay từ những tháng, năm đầu sau khi thành lập Quốc tế Cộng sản, V.I. Lê-nin nhiều lần nhấn mạnh việc thành lập các đảng cộng sản ở các nước thuộc địa, phụ thuộc nhằm thúc đẩy cách mạng giải phóng dân tộc ở những nước này và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính của Quốc tế Cộng sản. Tinh thần này cũng toát lên trong cuốn sách “Thà ít mà tốt” của V.I. Lê-nin. Từ đó, “chủ trương Đông tiến” trong hoạt động của Quốc tế cộng sản dần dần hình thành.
Mục tiêu đầu tiên được đặt ra là nhằm đào tạo “các nhà mác-xít có học vấn thay cho đội cận vệ già” theo chủ trương chung, trong khuôn khổ Quốc tế Cộng sản nói riêng dần hình thành các cơ sở đào tạo bậc đại học, như trường Đại học cộng sản cho người lao động Phương Đông (gọi tắt là Đại học Phương Đông)(1). Những năm 20 của thế kỷ XX, ở Liên Xô công tác nghiên cứu về Đông Dương mới bắt đầu được Ban Phương Đông trực thuộc Quốc tế Cộng sản, Đại học Phương Đông, Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa(2) và Trường Quốc tế Lê-nin tiến hành(3). Tới đầu những năm 1930, Đại học Phương Đông trở thành cơ sở hàng đầu nghiên cứu khoa học và giảng dạy các vấn đề kinh tế - chính trị, xây dựng Đảng, tổ chức phong trào cộng sản và giải phóng dân tộc ở phương Đông. Trường cuốn hút được các cán bộ giảng dạy giỏi nhất Mát-xcơ-va và không ít người trong số này đã gắn bó số phận của mình với phong trào giải phóng dân tộc phương Đông.
Mục tiêu thứ hai là truyền bá tư tưởng cách mạng vô sản vào phương Đông và thúc đẩy phong trào yêu nước ở đây đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Một trong những nỗ lực theo hướng đó là thành lập những trung tâm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho các nước phương Đông ở Mát-xcơ-va; Tasken - Bacu; Irkutsk - Quảng Châu (Trung Quốc)(4). Để thực hiện mục tiêu này, Quốc tế Cộng sản thông qua Bộ Phương Đông chỉ thị cho các đảng cộng sản in các tài liệu mác-xít chuyển vào các nước phương Đông. Đảng Cộng sản Pháp, một phân bộ mạnh của Quốc tế Cộng sản “đã có sự đóng góp quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam”, thông qua việc in và chuyển sang Việt Nam hàng nghìn bản in những tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin(5).
Vai trò của Bộ Phương Đông đối với cách mạng châu Á còn được thể hiện tập trung thông qua hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Với tư cách là cán bộ Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, đồng chí Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước châu Á.
Đối với cách mạng châu Á: Hoạt động với tư cách là một cán bộ của Bộ Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng và sự đoàn kết, hữu nghị ở khu vực đông dân cư này. Vào nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm công tác Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và hoạt động ở khu vực châu Á. Trong những năm này, các bài viết và trên các diễn đàn quốc tế, Người đề cập khá đầy đủ trên nhiều phương diện đối với tất cả các dân tộc châu Á (từ Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Dương đến Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ...). Đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp tham gia những hoạt động giúp đỡ phong trào cách mạng các nước trong khu vực, đặc biệt là phong trào cách mạng của Trung Quốc những năm 1925 - 1927. Người cùng với các đồng chí Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Miến Điện tích cực vận động thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quốc tế - Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức (09-7-1925), nhằm đoàn kết các dân tộc nhỏ yếu, bị áp bức trong một tổ chức cách mạng để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân, đưa các dân tộc bị nô lệ vào con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với cách mạng Việt Nam: Thực hiện trọng trách của Quốc tế Cộng sản, ngày 11-11-1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, xúc tiến việc chuẩn bị thành lập chính đảng vô sản kiểu mới cho giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược, với vị thế cán bộ của Ban Phương Đông, Người lựa chọn những thanh niên Việt Nam có khả năng, gửi đi học tại Trường đại học Cộng sản của những người lao động phương Đông ở Mát-xcơ-va (Trường Đại học Phương Đông) và Trường Quân sự Hoàng Phố ở Quảng Châu. Không chỉ dừng lại ở việc lựa chọn và cử những thanh niên đi đào tạo, Người còn muốn gửi những thiếu nhi từ 12 - 15 tuổi có mặt ở Quảng Châu, đang là “những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước An Nam” sang Mát-xcơ-va để đào tạo, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán, đáp ứng yêu cầu của cách mạng Việt Nam sau này. Thông qua tập bài giảng “Đường Kách mệnh” và báo Thanh niên cùng các tờ báo và nguyệt san bí mật được chuyển về Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng và con đường giải phóng dân tộc, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930) - Bộ tham mưu tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Với cách mạng Trung Quốc: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ bày tỏ thiện cảm, sự quan tâm và ủng hộ mà còn tham gia trực tiếp như một chiến sĩ quốc tế nồng nhiệt. Người tham gia Hội nghị đầu tiên của đại biểu nông dân Quảng Đông (tháng 5-1925) và Hội nghị lần thứ hai đại biểu giai cấp công nhân Trung Quốc; tham gia đội diễn thuyết, ủng hộ cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Trung Quốc với các bí danh Lý Thụy và Vương Đạt Nhân… Nguyễn Ái Quốc không chỉ hoạt động với trách nhiệm và cương vị Ủy viên Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, mà còn trực tiếp tham gia với tấm lòng nhiệt tình của một cán bộ phong trào nông dân, công nhân và một chiến sĩ Bát Lộ quân, Người có những đóng góp lớn lao với cách mạng và nhân dân Trung Quốc kể cả thời kỳ chống phát xít Nhật gian khổ. Thông qua những hoạt động thực tiễn đó, Nguyễn Ái Quốc thể hiện một cách sinh động tinh thần quốc tế vô sản cao cả.
Với cách mạng Ấn Độ: Từ những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã có khá nhiều bài viết về Ấn Độ. Những bài viết của Người không chỉ chứng tỏ sự hiểu biết rất sâu sắc của Người mà còn xác nhận cương vị của một chiến sĩ quốc tế thông cảm, chia sẻ nỗi khổ nhục, chỉ dẫn cho cuộc đấu tranh, gây cho họ lòng tin vào thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc. Vai trò của Người đối với cách mạng Ấn Độ lúc đó được thể hiện ở những điểm sau: Một là, góp phần vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân Anh và phê phán thái độ ươn hèn của những người phản bội lợi ích dân tộc. Hai là, góp phần cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân và ca ngợi ý thức dân tộc của người Ấn Độ. Ba là, bước đầu truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Ấn Độ, đồng thời bổ sung vào kho tàng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin lý luận về thuộc địa(6).
Với cách mạng ở khu vực Đông Nam Á: Từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Xiêm (từ năm 1938 gọi là Thái Lan), xây dựng lực lượng cách mạng trong hội Việt kiều yêu nước. Đầu tiên, Người tới Băng Cốc, từ đó, đi Bản Đôn (huyện Phì Chịt, tỉnh Phít-xa-nu-lo-ốc). Để giữ bí mật, Người sử dụng một số bí danh như Thọ, Nam Sơn, Thầu Chín... Cuối tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc rời Phì Chịt đến vùng Đông Bắc Xiêm như U-đon Tha-ni, Xa Vang, Na Khôn Pha Nôm, Noọng Khai v.v… để xây dựng cơ sở, từ đó tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin và phong trào đấu tranh cách mạng, gây ảnh hưởng về trong nước. Ngoài ra, từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy mới có cho thấy, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không chỉ sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam mà Người còn là nhân vật chủ chốt trong việc thành lập Đảng Cộng sản Malaysia và một số đảng cộng sản khác(7).
Như vậy, Bộ Phương Đông, Quốc tế Cộng sản có vai trò quan trọng trong việc truyền bá lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, lý luận về giải phóng dân tộc, thuộc địa, góp phần quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ cán bộ lãnh đạo của các đảng cộng sản và biến các đảng đó thành đảng kiểu mới lãnh đạo cách mạng ở châu Á.
Đề ra nhiệm vụ đấu tranh, phương hướng cách mạng cho từng nước chống thực dân xâm lược, giải phóng dân tộc, gắn kết cách mạng châu Á với cách mạng thế giới
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng thế giới, Quốc tế Cộng sản thông qua các tổ chức của mình, trong đó có Bộ Phương Đông đã phát triển toàn diện vấn đề dân tộc, thuộc địa trên cơ sở vạch ra con đường đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, cũng như sự cần thiết phối hợp hành động giữa phong trào cộng sản (hoạt động của các đảng cộng sản) với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, điển hình nhất là ở châu Á. Khẩu hiệu của C. Mác: “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại!” được V.I. Lê-nin bổ sung, phát triển thành: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!” và được Quốc tế Cộng sản triển khai rộng khắp trên thế giới. Đây là bước ngoặt to lớn trong nghệ thuật lãnh đạo của những người cộng sản, làm cho Quốc tế Cộng sản ngày càng phát triển, trở thành người lãnh đạo, là lãnh tụ của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Với đường lối chính trị đúng đắn về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Quốc tế Cộng sản đã nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc phương Đông với giai cấp vô sản phương Tây. Tuy có lúc giai cấp vô sản tạm thời thất bại do chính sách chia rẽ, phá hoại của các lãnh tụ đảng xã hội - dân chủ, song uy tín của Quốc tế Cộng sản không bị suy giảm, mà còn không ngừng được tăng lên. Từ chỗ ban đầu (năm 1919) chỉ có 10 đảng cộng sản tham gia, đến năm 1921 (trong vòng 2 năm), con số này tăng thành 48 đảng(8). Đến đầu năm 1930, phong trào giải phóng dân tộc cũng lên cao ở Đông Bắc Á, Đông Dương và Nam Á. Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhanh chóng trở thành một chi bộ của Quốc tế Cộng sản (tháng 4-1931). Từ đây, cách mạng Việt Nam hòa nhập dòng thác cách mạng thế giới. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tham gia Đại hội thành lập Quốc tế nông dân với tư cách là đại biểu của nông dân các nước thuộc địa và được bầu vào Ban Chấp hành Quốc tế nông dân. Vai trò của Bộ Phương Đông đối với cách mạng châu Á nói chung và cách mạng Đông Dương, trong đó có cách mạng Việt Nam nói riêng ngày càng quan trọng.
Đặc biệt, khi Nguyễn Ái Quốc trực tiếp hoạt động trong Bộ Phương Đông ở Mát-xcơ-va (tháng 6-1923), những đề nghị quan trọng của Người với Quốc tế Cộng sản trước và sau Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1924), nhằm thiết lập hệ thống liên lạc Moscow - Paris - Đông Dương, phá vỡ sự đơn độc phương Đông... Với sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề thuộc địa, đặc biệt là hiểu biết về các nước phương Đông, nên trong các bài viết, Người đề cập đến nhiều vấn đề về cuộc đấu tranh của các dân tộc trên thế giới (Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Dương, Triều Tiên, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Ai Cập, Bắc Phi, Mỹ Latin…). Những bài viết của Người về chủ nghĩa thực dân, về dân tộc và thuộc địa mang đặc trưng thời đại và giai cấp rõ rệt. Người còn tham dự nhiều đại hội và hội nghị quốc tế. Trên các diễn đàn, Người đều tham luận về sự cần thiết xây dựng tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đặc biệt là giữa các dân tộc thuộc địa và giai cấp vô sản ở các nước “chính quốc”; kiến nghị với các đại hội, hội nghị, các tổ chức quốc tế và Quốc tế Cộng sản phải có những chủ trương, những hoạt động thiết thực, cụ thể và có hiệu quả giúp đỡ các dân tộc thuộc địa đi tới cách mạng giải phóng.
Một ví dụ sinh động là, trong thư đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi cho đồng chí Pê-tơ-rốp, Tổng Thư ký Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản (bức thư viết bằng tiếng Pháp, bản chụp lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh), gồm ba nội dung chính: Một là, nguyên nhân đầu tiên đã dẫn tới sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là sự đơn độc . “Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”. Người đề nghị hãy phổ biến cho họ kinh nghiệm tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và kinh nghiệm đoàn kết giai cấp chống ách bóc lột của chủ nghĩa tư bản ở các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Ai Cập. Hai là, cử cán bộ nước này sang nước khác hoạt động để tăng cường việc hợp tác trao đổi kinh nghiệm đấu tranh và đoàn kết giữa các dân tộc. Ba là, đề nghị triệu tập một Tiểu ban Phương Đông họp bàn việc thành lập một “nhóm châu Á” ở Trường đại học Phương Đông(9).
Nguyễn Ái Quốc tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vạch ra con đường cứu nước đúng đắn cho cả ba dân tộc Đông Dương. Đến năm 1930, Người chủ trương xây dựng Đảng Cộng sản và giải quyết vấn đề dân tộc ở Đông Dương trong khuôn khổ mỗi nước, nhằm thúc đẩy ý thức dân tộc, khơi dậy sức mạnh của mỗi dân tộc, tạo ra sự tin cậy về chính trị để đoàn kết quốc tế một cách tự nguyện, bình đẳng và có hiệu quả. Người nêu rõ nhiệm vụ của những người cộng sản Việt Nam, đó là phải giúp đỡ hai dân tộc Lào và Cam-pu-chia có đảng cộng sản, giúp đỡ phong trào cách mạng hai nước cùng đấu tranh giành độc lập, tự do. Năm 1941, Hồ Chí Minh xác định cách mạng ba nước Đông Dương hiện thời là cách mạng giải phóng dân tộc. Người quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, vận động thành lập Ai Lao Độc lập Đồng minh, Cao Miên Độc lập Đồng minh, tiến tới Đông Dương Độc lập Đồng minh, nhằm động viên mạnh mẽ lực lượng của ba dân tộc Đông Dương đánh Pháp, đuổi Nhật, thực hiện độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. Năm 1951, Người đặt vấn đề tổ chức ba chính đảng vô sản để lãnh đạo phong trào cách mạng trong từng nước nhằm vừa đoàn kết đấu tranh, vừa tôn trọng chủ quyền của mỗi dân tộc.
Như vậy, Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản - ra đời, tồn tại trong một hoàn cảnh đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của cách mạng châu Á; góp phần quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, giáo dục các thế hệ cán bộ lãnh đạo của các đảng cộng sản và biến các đảng đó thành đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân, lãnh đạo nhân dân ở các quốc gia châu Á làm cách mạng giải phóng mình thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Dưới sự lãnh đạo của Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản, các đảng cộng sản ở các quốc gia châu Á đã phát triển và trưởng thành về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong cuộc đấu tranh cách mạng, chống chiến tranh đế quốc, vạch mặt bọn cơ hội, xét lại, bảo vệ và phát triển toàn diện chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thời đại mới.
Ngày nay, tuy Quốc tế Cộng sản, Bộ Phương Đông không còn tồn tại, nhưng quan điểm, tư tưởng, đường lối mà Bộ Phương Đông - Quốc tế Cộng sản vạch ra vẫn luôn sống mãi và chủ nghĩa Mác - Lê-nin trở thành nền tảng tư tưởng của các đảng cộng sản. Điều đó cho thấy, Quốc tế Cộng sản không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là sự kế tiếp hợp quy luật, là kết quả đấu tranh của nhân loại yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới nói chung, cách mạng ở châu Á nói riêng được học thuyết khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin soi sáng, dẫn đường. Vì vậy, Quốc tế Cộng sản đã, đang và sẽ mãi mãi là nhân tố quan trọng, có vai trò định hướng, dẫn dắt sự phát triển, tiến bộ của thế giới hiện đại./.
---------------------------------------
(1) Dẫn theo Sokolov A.A: “Trường học cộng sản đầu tiên của chiến sĩ cách mạng Việt Nam”, http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Truong-hoc-cong-san-dau-tien-cua-chien-si-cach-mang-Viet-Nam-34441.html, ngày 27-7-2010
(2) Tiền thân của Viện các Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa là nhóm nghiên cứu lịch sử phương Đông của Đại học Phương Đông ra đời năm 1925, quá độ thành Hội nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa năm 1929, rồi vào năm 1937 tách ra thành một viện nghiên cứu độc lập. Cùng năm 1937, nghiên cứu sinh Lin (một bí danh khác của Nguyễn Ái Quốc) đã bắt đầu soạn luận văn “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam Á” làm tiểu luận “Tình cảm nông dân Đông Dương” tại Viện các Vấn đề dân tộc và thuộc địa, nhưng ông đã lên đường về nước tháng 10 - 1938, ngay trước khi Viện giải thể cuối năm đó
(3) Trường quốc tế Lê-nin là trường Đảng cao cấp, nâng cao trình độ cho cán bộ lãnh đạo các Đảng ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, được thành lập năm 1926 theo nghị quyết Đại hội V của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu tại trường Quốc tế Lê-nin năm 1934 - 1935. Trường giải thể tháng 9-1938
(4) Xem Hồ Tố Lương: “Quốc tế cộng sản với cách mạng Việt Nam” Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007, tr 59
(5) Xem Hồ Tố Lương: “Quốc tế cộng sản với cách mạng Việt Nam” Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007, tr 60-61
(6) Xem thêm: Nông Thị Xuân “Vai trò của Nguyễn Ái Quốc với phong trào cách mạng Ấn Độ những năm 20 thế kỷ XX”, http://tuyengiao.vn/tu-lieu/huong-dan-chi-dao/vai-tro-cua-nguyen-ai-quoc-voi-phong-trao-cach-mang-an-do-nhung-nam-20-the-ky-xx-77813 ngày 6-7-2015
(7) PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cung cấp: “Nguyễn Ái Quốc: Người chủ chốt sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia”, https://viettimes.vn/nguyen-ai-quoc-nguoi-chu-chot-sang-lap-dang-cong-san-malaysia-56726.html, ngày 19-5-2016.
(8) Xem: “Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (1917 - 1995)” http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/phong-trao-cong-san-va-cong-nhan-quoc-te-1917-1995-3336
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1, tr. 263 - 264
Thành phố Cần Thơ hướng tới đô thị thông minh  (06/04/2019)
Thành phố Cần Thơ hướng tới đô thị thông minh  (06/04/2019)
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: Kết quả của chủ trương xã hội hóa nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng tỉnh Quảng Ninh  (06/04/2019)
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn: Kết quả của chủ trương xã hội hóa nguồn lực phát triển đồng bộ hạ tầng tỉnh Quảng Ninh  (06/04/2019)
Hoạt động nổi bật của Chủ tịch Quốc hội tại Vương quốc Bỉ  (06/04/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên