Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11 đến 17-02-2019)
TCCSĐT - Nhằm tránh nguy cơ chính phủ phải đóng cửa một lần nữa khi thời hạn của dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ hoạt động tạm thời trong 3 tuần kết thúc, ngày 15-02, Tổng thống Mỹ D. Trump ký phê chuẩn dự luật ngân sách để chính phủ hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Tổng thống D. Trump cũng đồng thời tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để nhằm huy động nguồn ngân sách cho mục đích xây bức tường biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico.
Mỹ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: TTXVN
Phát biểu với báo giới, Tổng thống D. Trump cho biết, ông quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nạn buôn bán ma túy, những tên tội phạm và dòng người nhập cư bất hợp pháp đang tràn vào khu vực biên giới phía Nam giáp Mexico. Quyết định này được đưa ra ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 14-02 thông qua một dự luật cấp ngân sách và an ninh biên giới quy mô lớn để chính phủ nước này không phải đóng cửa thêm một lần nữa. Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, Tổng thống D. Trump có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỷ USD từ các bộ, ngành để đủ kinh phí 5,7 tỷ USD phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.
Theo các nhà phân tích, điều này cho thấy quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump trong việc triển khai ưu tiên chính sách về an ninh biên giới được đề cập trong Thông điệp liên bang 2019 vừa qua. Tuy nhiên, tuyên bố cũng khiến ông chủ Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời cho thấy những dấu hiệu bất ổn mới trên chính trường Mỹ thời gian tới.
Một là sự phản đối quyết liệt của đảng Dân chủ, với nhiều khả năng phe này sẽ kiện lên tòa án, dẫn tới có thể làm trì hoãn dự án xây tường biên giới với Mexico trong nhiều năm. Việc Tổng thống D. Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ khiến ông phải đối mặt với những tranh cãi pháp lý từ phe Dân chủ, đặc biệt là ở Hạ viện, điều mà ông D. Trump cũng đã lường trước sau khi đưa ra tuyên bố của mình.
Hai là việc chính quyền của Tổng thống D. Trump còn phải đối mặt với khả năng bị những người được hưởng lợi từ các dự án tái thiết, khắc phục hậu quả thiên tai ở California kiện lên tòa án. Bởi đáng lý ra những người này sẽ được hưởng lợi từ nguồn ngân sách dành cho họ thì nguồn tiền này lại bị chuyển tới cho việc xây dựng bức tường biên giới. Bên cạnh đó, bức tường biên giới mà Tổng thống D. Trump dự định xây dựng sẽ chạy qua phần đất sở hữu riêng của nhiều chủ nông trại ở biên giới giữa Mỹ - Mexico và quá trình giải phóng mặt bằng có thể bị cản trở bởi đơn kiện của những chủ đất này.
Trước tình hình trên, hiện vẫn chưa rõ những diễn biến pháp lý này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Mỹ nhiều khả năng sẽ kéo theo cuộc chiến pháp lý dai dẳng, thậm chí kéo dài tới khi Tổng thống D. Trump vận động tái tranh cử Tổng thống năm 2020, đồng thời làm gia tăng sự chỉ trích đối với ông từ những người vốn đã cáo buộc ông có khuynh hướng “độc đoán” trong việc hoạch định chính sách.
Suy thoái kinh tế tác động tiêu cực tại Italy
Người dân Italy đổ xuống các đường phố. Ảnh: TTXVN
Hàng trăm nghìn người dân Italy đổ xuống các đường phố tại thủ đô Rome nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của những nghiệp đoàn phản đối một số chính sách kinh tế của chính phủ cánh hữu Italy. Theo các con số thống kê, khoảng 200.000 người tham gia cuộc biểu tình do 3 nghiệp đoàn lớn gồm Tổng Liên đoàn lao động Italy (CGIL), Hiệp hội các nghiệp đoàn công nhân Italy (CISL) và Liên đoàn Lao động Italy (UIL) đại diện cho khoảng 10,8 triệu người lao động tổ chức. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra cách đây 4 năm nhằm phản đối các kế hoạch cải cách của Thủ tướng khi đó M. Renzi.
Cuộc biểu tình quy mô lớn lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Italy suy thoái cùng với sản lượng công nghiệp sụt giảm. Theo báo cáo đưa ra ngày 07-02 của Ủy ban châu Âu (EC), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy đã sụt giảm lần lượt 0,1% trong quý III/2018 và 0,2% trong quý IV/2018, khiến nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lâm vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật” lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua.
EC cho rằng, “mặc dù sự chậm lại của nền kinh tế Italy phần lớn là do thương mại toàn cầu trở nên kém năng động, nhưng hoạt động kinh tế và xuất khẩu sụt giảm gần đây có thể được coi là nguyên nhân chính khiến nhu cầu nội địa sụt giảm, nhất là về đầu tư, trong bối cảnh sự bất ổn liên quan đến vấn đề ngân sách của chính phủ và phí tổn vay mượn tăng cao đang gây nên nhiều tác động tiêu cực”. EC cũng cho rằng, sự bất ổn liên quan đến các chính sách của chính phủ nước này cũng như chi phí vay mượn tăng cao đã đẩy Italy vào tình trạng suy thoái trong nửa cuối năm 2018.
Trước thực trạng trên, EC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Italy trong năm 2019 và 2020. Theo EC, GDP của Italy có khả năng sẽ chỉ tăng ở mức 0,2% trong năm 2019, 0,8% vào năm 2020. Với sự sụt giảm của nền kinh tế Italy trong năm 2018 và những dự báo thiếu lạc quan cho những năm tiếp theo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italy I. Visco bày tỏ lo ngại khi nhận định nước này cần tiếp tục các cải cách cơ cấu nhằm đối phó với tác động tiêu cực từ rủi ro trong nước và sự suy giảm toàn cầu mang tính chu kỳ. Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC, ông V. Dombrovskis cho rằng, những gì mà Italy cần làm là cải cách cơ cấu mạnh mẽ cũng như có hành động mang tính quyết định nhằm hạ thấp nợ công.
Theo giới phân tích, hoạt động kinh tế yếu kém của Italy có thể khiến cho tình trạng xã hội trở nên bất ổn. Ngoài ra, sự suy giảm kinh tế sẽ khiến Italy còn gặp khó khăn hơn trong việc theo đuổi kế hoạch thực hiện các cam kết của Chính phủ nước này đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Tấn công khủng bố tại Ấn Độ
Hiện trường vụ tấn công khủng bố tại Kashmir (Ấn Độ). Ảnh: TTXVN
Ngày 14-02, tại thị trấn Lethpora, huyện Pulwama thuộc bang Jammu và Kashmir ở cực Bắc Ấn Độ do nước này kiểm soát đã xảy ra vụ tấn công khủng bố bằng thiết bị nổ tự chế nhằm vào cảnh sát Ấn Độ. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào lực lượng Chính phủ Ấn Độ tại khu vực bang Jammu và Kashmir trong hơn 2 năm trở lại đây.
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, vụ nổ đã khiến ít nhất 37 binh sĩ bán quân sự thiệt mạng, trong khi hãng tin Reuters của Anh dẫn một nguồn tin khác cho biết, có ít nhất 18 cảnh sát thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại khu vực bang Jammu và Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Một nguồn tin dấu tên cũng cho biết, số người bị thương là 29 người. Vụ nổ gây hư hại nghiêm trọng cho hai chiếc xe của cảnh sát, gồm một ô tô con và một xe buýt. Nhiều tiếng súng đã vang lên sau vụ nổ.
Theo thông tin ban đầu, vụ nổ có thể do một thiết bị nổ cài bên trong một xe van đã phát nổ giữa đoàn 78 xe chở 2.500 thành viên Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) đang di chuyển trên đường cao tốc chính tới Jammu, trong đó 2 xe buýt chở khoảng 35 người mỗi xe bị tổn thất nặng nề nhất. Tuyến đường quốc lộ nơi xảy ra vụ nổ đã bị phong tỏa trong khi các lực lượng chức năng gấp rút triển khai đến hiện trường.
Trong khi đó, nhóm khủng bố Jaish-e-Muhammad (JeM) lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công tại bang Jammu và Kashmir, khẳng định đây là một vụ đánh bom liều chết do thành viên nhóm này thực hiện. Vụ việc có thể làm dấy lên căng thẳng giữa Ấn Độ với nước láng giềng Pakistan, khi New Delhi lâu nay vẫn cáo buộc Islamabad hậu thuẫn các nhóm vũ trang.
Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại bang Jammu và Kashmir khiến ít nhất 37 binh sĩ bán quân sự thiệt mạng, trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố là hành động hèn hạ, đồng thời khẳng định sự hy sinh của các nhân viên an ninh sẽ không vô nghĩa.
Theo công bố mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong 2 năm (năm 2016, 2017), Ấn Độ là quốc gia hứng chịu các vụ tấn công khủng bố nhiều thứ ba trên thế giới, chỉ sau Iraq và Afghanistan. Cũng theo bản báo cáo, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ chứng kiến số vụ tấn công khủng bố tăng 24% trong năm 2017 và số người chết trong các vụ tấn công này tăng tới 89%. Chỉ riêng bang Jammu và Kashmir đã chiếm tới 25% trong tổng số 860 vụ tấn công khủng bố trên toàn Ấn Độ trong năm 2017.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ gây nhiều tranh cãi
Ngoại trưởng Nga S. Lavrov chỉ trích "Thỏa thuận Thế kỷ" của Mỹ. Ảnh: TTXVN
Sau một năm xây dựng Kế hoạch hòa bình Trung Đông vốn được Tổng thống D. Trump coi là “Thỏa thuận Thế kỷ” nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, chính quyền Tổng thống D. Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch này tại Hội nghị An ninh Trung Đông diễn ra ở thủ đô Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên, trước thời điểm Mỹ chuẩn bị công bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, nhiều nội dung chi tiết trong “Thỏa thuận Thế kỷ” đã được các phương tiện truyền thông quốc tế đăng tải ngày 12-02. Theo đó, đề xuất mà Mỹ đưa ra gồm công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel; sáp nhập các khu định cư lớn ở Bờ Tây vào Israel; tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine phi quân sự ở dải Gaza và một số vùng thuộc Bờ Tây, Israel giữ quyền kiểm soát về an ninh; công nhận Israel là Nhà nước Do Thái.
Ngay sau khi các phương tiện truyền thông quốc tế đăng tải nhiều nội dung chi tiết, dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối và chỉ trích kế hoạch này. Ngoại trưởng Nga S. Lavrov nêu rõ, Washington đã tuyên bố từ hơn 2 năm trước về việc sẽ đưa ra “Thỏa thuận Thế kỷ” cho tiến trình hòa bình Trung Đông, tuy nhiên qua những thông tin hiện có, có thể đánh giá “Thỏa thuận Thế kỷ” tương lai này sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được từ trước tới nay. Theo ông S. Lavrov, sáng kiến đơn phương này của Washington có cách tiếp cận hoàn toàn khác, không bao gồm đề xuất thành lập Nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Trong khi đó, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud và một số quốc gia Arab cho biết sẽ không ủng hộ Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ giải quyết xung đột Israel - Palestine, nếu kế hoạch này không bao gồm nội dung Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Đồng thời khẳng định cam kết ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem.
Tiếp đó, ngày 13-02, Tổng thống Palestine M. Abbas lên tiếng cho rằng “Thỏa thuận Thế kỷ” sẽ khiến Mỹ trở thành một nhà trung gian không công bằng và không đủ điều kiện để tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Một thành viên của Ủy ban Trung ương phong trào Fatah (Palestine), ông A. Ahmad cũng cho rằng, thỏa thuận do Mỹ đề xuất sẽ chôn vùi hy vọng thành lập một nhà nước độc lập của người dân Palestine.
Trên thực tế, tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã bị ngừng trệ từ năm 2014 đã trở nên khó khăn sau khi Tổng thống D. Trump hôm 06-12-2017 công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem, phớt lờ quan điểm của cộng đồng quốc tế cho rằng quy chế của thành phố này sẽ được định đoạt trong các cuộc đàm phán hòa bình. Do vậy, cánh cửa hòa đàm Palestine - Israel ngày càng hẹp. Chính sách và chiến lược của Tống thống D. Trump đối với Trung Đông phần nào khiến tình hình thêm rối ren. Từ vị trí một bên trung gian của cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột, Mỹ dường như đang có cách tiếp cận một chiều khi Tổng thống D. Trump đứng về phía Israel trong các vấn đề then chốt vốn là nguyên nhân dẫn đến xung đột.
Tổng tuyển cử ở Thái Lan: Nhiều ẩn số khó đoán định
Đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tuyên bố tranh cử thủ tướng. Ảnh: TTXVN
Cuộc bầu cử vốn nhiều lần bị trì hoãn ở Thái Lan đã được ấn định vào ngày 24-3 tới và đến nay, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã lập xong danh sách ứng cử viên chính thức của các chính đảng chạy đua vào chức Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014.
Tính đến thời điểm hiện tại, chính trường Thái Lan đang trong cuộc đua nước rút, quyết liệt giữa các các lực lượng, phe phái chính trị để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử. Trong chiến dịch tranh cử, có tổng cộng 106 đảng chính trị đăng ký tham gia, song theo quy định của Luật Đảng chính trị, chỉ có 41 chính đảng đủ tiêu chuẩn đăng ký tham gia tranh cử. Theo đó, người dân Thái Lan sẽ bầu 500 hạ nghị sỹ, còn 250 thượng nghị sỹ sẽ do Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) chỉ định và thông qua.
Tại Hạ viện, dự kiến 350 ghế được bầu theo khu vực bầu cử và 150 ghế theo danh sách các đảng chính trị. Bầu Hạ viện sẽ áp dụng “Hệ thống bầu cử hỗn hợp”, một lá phiếu bầu cho cả 3 vị trí nghị sỹ, ứng cử viên Thủ tướng của các đảng và nghị sỹ theo danh sách đảng chính trị. Sau khi có kết quả bầu Hạ viện, Quốc hội gồm cả Thượng viện và Hạ viện (gồm 750 ghế) sẽ tham gia bầu Thủ tướng và chọn nội các mới.
Hiện tại, đảng Palang Pracharath mà đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha là ứng cử viên đại diện đang tỏ rõ sức mạnh cả về tài chính và lực lượng ủng hộ, tiếp tục tập hợp, lôi kéo lực lượng từ các đảng chính trị khác. Đảng Palang Pracharath của Thủ tướng Prayut đã công bố 4 chính sách tranh cử lớn gồm: Chính sách an sinh nhà nước, với việc tăng thêm 2 - 3 triệu người được hưởng an sinh của chính phủ, trong đó tập trung vào người cao tuổi, người tàn tật; Chính sách thúc đẩy kinh tế nhà nước thông qua giải quyết nợ công và xây dựng quỹ đầu tư nông thôn; Chính sách nông nghiệp nhà nước - “Tăng 3” gồm thu nhập, sự lựa chọn, giá trị công nghệ, “Giảm 3” gồm nợ, chi phí đầu vào và các nguy cơ; Chính sách đất đai, theo đó hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu - sử dụng đất đai.
Trong khi đó, các đảng chính trị khác như đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hay đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva… cũng đồng loạt triển khai rầm rộ các hoạt động vận động tranh cử. Đảng Pheu Thai và các đảng liên minh đặt mục tiêu giải quyết nợ công, dự kiến sẽ lên tới gần 50% GPD năm 2022, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập cho người dân... Nếu thắng cử, đảng Pheu Thai sẽ tập trung thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN, thúc đẩy đàm phán thương mại với các đối tác nước ngoài, xem xét lại Chiến lược Hành lang kinh tế phía Đông (EEC) và các dự án tàu cao tốc…
Đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng A. Vejjajiva đưa ra chính sách tập trung vào sửa đổi hệ thống pháp lý, chống tham nhũng và phân quyền lực về địa phương, giải quyết vấn đề an sinh, cải tổ hệ thống thuế.... Đảng Dân chủ cũng cổ xúy cho tăng cường thương mại với Trung Quốc theo khung hợp tác của ASEAN, không coi trọng hợp tác thương mại song phương. Đảng này chủ trương hợp tác với các đảng có đường lối dân chủ tự do.
Ngoài ra, đảng Tương lai mới (FFP) đưa ra cương lĩnh tranh cử cổ xúy dân chủ và tập trung vào lực lượng cử tri là giới trẻ và sinh viên. Chính sách tranh cử của FFP tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế, nâng cao dịch vụ công, nếu thắng cử sẽ xem xét lại các hợp đồng mua vũ khí của chính phủ quân sự. Đảng này cũng chủ trương không liên minh với các nhóm đảng nằm dưới sự hậu thuẫn của Hội đồng Quốc gia vì Hòa bình và Trật tự (NCPO) để thành lập chính phủ liên hợp…
Có thể thấy, cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Thái Lan quy tụ sự tham gia của nhiều đảng phái và cuộc đua đang trong giai đoạn nước rút. Hiện tại, theo các kết quả thăm dò, đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, xét tương quan lực lượng hiện tại thì việc một đảng duy nhất có thể giành được trên 376/750 ghế tại Quốc hội để đứng ra thành lập chính phủ là điều không thể, kể cả đối với đảng Palang Pracharath cầm quyền. Trong bối cảnh đó, cuộc đua sắp tới ở Thái Lan hiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều ẩn số khó đoán định./.
Thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc  (18/02/2019)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-02-2019  (18/02/2019)
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (18/02/2019)
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị - sức bật mới cho thành phố Cảng  (17/02/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên