Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-02-2019
Bắc Ninh: Đẩy mạnh giải quyết dịch vụ công trực tuyến
Chiều ngày 15-02, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị Công bố kết quả triển khai Quyết định số 877/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai dịch vụ công trực tuyến và ký kết thỏa thuận phối hợp triển khai dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh.
Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp hệ thống một cửa điện tử dùng chung toàn tỉnh Bắc Ninh được khai trương và đưa vào sử dụng từ tháng 01-2017 với 335 dịch vụ mức độ 3 và 4. Tiếp tục thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 846/QĐ-TTg và Quyết định số 877/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; tỉnh Bắc Ninh đã rà soát và tổng hợp bổ sung. Đến nay, cổng dịch vụ trực tuyến của tỉnh có 819 dịch vụ công mức độ 3 và 4, chiếm tỷ lệ 46% tổng số dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 716 dịch vụ cấp tỉnh, 91 dịch vụ cấp huyện và 12 dịch vụ cấp xã. Tổng số hồ sơ được giải quyết trực tuyến năm 2018 là trên 22.600 hồ sơ (chiếm tỷ lệ hơn 10% tổng số hồ sơ). Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu kết quả dịch vụ công và phản ánh kiến nghị với cơ quan nhà nước, năm 2018 Bắc Ninh đã phối hợp với Công ty Vinagame triển khai ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính…
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 giúp người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc mà chỉ cần có kết nối internet. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ sẽ được thực hiện trên môi trường mạng. Người dân chỉ cần đến duy nhất một lần để nhận kết quả và thanh toán lệ phí tại cơ quan cung cấp dịch vụ. Qua đó, góp phần giúp các đơn vị, cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc nhanh chóng, thuận tiện, khoa học; giúp người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đăng ký làm thủ tục hành chính, tránh được những tiêu cực từ đội ngũ công chức.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh cho biết: Ngay sau khi triển khai dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đã triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu dùng chung toàn tỉnh, kết nối mạng WAN nội tỉnh; triển khai phần mềm quản lý văn bản điều hành thống nhất, tập trung và liên thông; ứng dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung ở ba cấp gồm trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã; số hóa các cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành trên nền tảng bản đồ số GIS…
Trong thời gian tới tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó xác định việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp là yêu cầu quan trọng nhất và mục tiêu xuyên suốt trong quá trình xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ. Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Ninh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ công trực tuyến, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm của quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Cũng tại hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã ký kết với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thỏa thuận phối hợp triển khai dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua dịch vụ bưu chính công ích trên địa bàn tỉnh.
Bạc Liêu: Tăng cường ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết: Bạc Liêu hiện đang triển khai ứng dụng chứng thư số nhằm đẩy mạnh ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh; đồng thời tăng cường sử dụng văn bản điện tử, hạn chế sử dụng văn bản giấy trong các cơ quan thông qua việc sử dụng chữ ký số, đảm bảo an toàn dữ liệu cho ứng dụng thư điện tử, các phần mềm ứng dụng khi cập nhật, trao đổi dữ liệu trên mạng. Cùng với đó, tiếp tục sử dụng có hiệu quả chữ ký số chuyên dùng tích hợp vào Hệ thống quản lý văn bản liên thông của tỉnh, góp phần đẩy mạnh việc trao đổi văn bản điện tử, phục vụ cải cách hành chính, hướng tới xây dựng thành công Chính quyền điện tử tỉnh Bạc Liêu.
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu phấn đấu trên 90% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp huyện được cấp chứng thư số chuyên dùng cho tổ chức; tích hợp chữ ký số vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đảm bảo trên 90% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh ứng dụng chữ ký số vào trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn trên môi trường mạng.
Theo lộ trình, quý I và quý II năm 2019, toàn tỉnh tiến hành rà soát đăng ký cấp mới thông tin chứng thư số chuyên dùng của tổ chức và cá nhân cho các cơ quan; quý III và IV năm 2019 thực hiện bàn giao và tập huấn về quản lý, sử dụng chứng thư số cho tổ chức, cá nhân đã đăng ký cấp mới sau khi tiếp nhận từ Ban Cơ yếu Chính phủ; đào tạo cán bộ văn thư, cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin sử dụng, quản lý chứng thư số; tích hợp chữ ký số vào hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành; tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý chứng thư số, triển khai ứng dụng chữ ký số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và xây dựng phương hướng triển khai năm tiếp theo.
Để thực hiện mục tiêu và triển khai đúng lộ trình ứng dụng chứng thư số trong cơ quan nhà nước, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang, các đơn vị chức năng trong tỉnh sẽ đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng cho cán bộ văn thư các cơ quan, đơn vị; đào tạo, hướng dẫn sử dụng chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ phụ trách công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo, hỗ trợ người dùng khi ứng dụng chứng thư số theo hướng đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin và đáp ứng việc sử dụng chứng thư số; đẩy mạnh sử dụng hệ thống quản lý văn bản liên thông, hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh và các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ công tác điều hành của các cơ quan nhà nước.
Toàn tỉnh Bạc Liêu tổ chức đăng ký cấp mới và chuyển giao chứng thư số chuyên dùng cho các đối tượng sử dụng gồm: Chứng thư số dành cho các tổ chức và cá nhân cho các cơ quan (HĐND tỉnh; UBND tỉnh; các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc); triển khai tập huấn sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; ứng dụng chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh đảm bảo tính xác thực, an toàn an ninh thông tin.
Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng phối hợp chặt chẽ với Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm đảm bảo việc triển khai cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.
Bình Dương: Tạo thuận lợi cho người dân giải quyết thủ tục hành chính
Sau Tết, hàng nghìn người dân làm việc tại tỉnh Bình Dương đã tới các văn phòng hành chính công, làm thủ tục hành chính để đăng ký thường trú, hoặc xác minh giấy tờ tìm việc… khiến các văn phòng hành chính công trọng điểm trở nên quá tải.
Ngày 11-02, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ký văn bản yêu cầu người đứng đầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Nếu đơn vị, địa phương nào không trả lời, xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, Văn phòng UBND tỉnh phải báo cáo ngay với Chủ tịch tỉnh để chấn chỉnh, phê bình thủ trưởng đơn vị, địa phương đó.
Với những giải pháp, nỗ lực của các cơ quan, ban ngành, địa phương, tình trạng quá tải hành chính công ở tỉnh Bình Dương đang được nỗ lực giải quyết, người dân thuận lợi hơn khi đi làm thủ tục và không phải chờ đợi. Việc này thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính ở Bình Dương theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả.
Bắc Giang đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết, năm 2019 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, tỉnh thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung, loại bỏ những văn bản không còn phù hợp; cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính. Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả Nghị định số 61/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện có hiệu quả hơn nữa cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông hiện đại ở cả 3 cấp chính quyền trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan trong tỉnh; kết nối liên thông các phần mềm một cửa điện tử để giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với tiếp tục triển khai có hiệu quả, duy trì chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở nhóm có thứ hạng cao so với các tỉnh, thành trong cả nước, đổi mới công tác chấm điểm và công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, cấp huyện, cấp xã, đảm bảo khách quan, chính xác. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhà nước trên địa bàn, năm 2019 tỉnh Bắc Giang cũng tập trung thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ như cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước.
Trong năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận một cửa các cấp, trong đó chú trọng cắt giảm từ 25 - 30% thời gian giải quyết đối với những thủ tục hành chính có thời hạn giải quyết từ 15 ngày trở lên, tập trung vào các lĩnh vực: Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông, Xây dựng...
Các sở, ngành đã rà soát, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 17 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích với tổng số 1.231 thủ tục hành chính; trong năm 2018 toàn tỉnh có trên 165.100 hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Trung tâm Hành chính công của tỉnh đã tiếp nhận trên 63.100 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó số hồ sơ trả đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ 97,6%.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đã tiếp nhận trên 108.900 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 96%. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đã tiếp nhận trên 555.600 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, trong đó số hồ sơ đã giải quyết đúng và trước hạn đạt tỷ lệ 99,4%. Đến nay, 100% thủ tục hành chính của tỉnh đã được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến với gần 2.300 dịch vụ, trong đó trên 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; các bộ, ngành Trung ương đã triển khai đến cấp tỉnh trên 100 dịch vụ công mức độ 4.
Toàn tỉnh có 56 cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Thành phố Bắc Giang đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) tại 100% UBND phường, xã; UBND huyện Việt Yên đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng (ISO) tại UBND 17 xã...
Kiên Giang: Chú trọng bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức
Kiên Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 64/145 xã, phường và thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với 65.455 hộ, hơn 275.000 người, chiếm trên 15% dân số của tỉnh.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, bồi dưỡng kiến thức dân tộc nhằm nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc; kỹ năng sử dụng tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến cuối năm 2020, tối thiểu 50% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc và đến năm 2025 con số này là 80%; tối thiểu 20% cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, xã tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số và đến năm 2025 con số này là 80.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc là các chuyên đề về kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước kết hợp nghiên cứu thực tế; hình thức học tập trung ngắn hạn kết hợp nghiên cứu tài liệu, viết thu hoạch. Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số thực hiện theo Nghị định của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; hình thức học tập trực tiếp kết hợp nghiên cứu tài liệu.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn công tác dân tộc; mời giảng viên, báo cáo viên có kinh nghiệm, am hiểu về kiến thức, chính sách, công tác dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số để giảng dạy.
UBND tỉnh Kiên Giang giao nhiệm vụ cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các sở, đơn vị chức năng hữu quan quy định cụ thể kết quả bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số là một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm. Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng kiến thức dân tộc đảo bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả. Phối hợp với Trường Chính trị tham mưu UBND tỉnh tuyển chọn giảng viên tham gia giảng dạy các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ về kiến thức, công tác, chính sách dân tộc và tiếng dân tộc thiểu số; xây dựng, cụ thể hóa chương trình, tài liệu học tập…./.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam  (18/02/2019)
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị - sức bật mới cho thành phố Cảng  (17/02/2019)
Tọa đàm tại Nga đánh giá ý nghĩa lịch sử của Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc  (17/02/2019)
Tăng cường quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Argentina  (17/02/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay